Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

Chơi đồ cổ, vừa chơi vừa... làm giàu



Với niềm đam mê đồ cổ, năm 2007, 12 thành viên đã tụ họp lập nên CLB cổ vật Quỳnh Lưu (Nghệ An). Với họ, chơi đồ cổ không chỉ thỏa mãn niềm đam mê, mà còn là một con đường giúp họ thành tỷ phú.
Ông chủ Đặng Xuân Hoàng và chiếc chiêng cổ
Nghề chơi cũng lắm công phu
Căn nhà hai tầng của chủ nhiệm Câu lạc bộ Đặng Xuân Hoàng ở thị trấn Quỳnh Lưu chật cứng đồ cổ đủ các loại: từ câu đối, hoành phi, bát đĩa, tiền, tượng, sắc phong…đủ chất liệu bằng kim khí, bằng sứ, bằng gỗ, giấy… Cổ vật từ nhiều nước, nhiều niên đại từ hàng chục thế kỷ cho đến cách đây vài chục năm, thậm chí có cả đồ giả cổ.
Anh Hoàng cho biết: “Tôi là người có sở thích sưu tầm cổ vật từ mấy chục năm nay. Thấy cái gì cổ là tôi mua tất. Tiền làm được đồng nào đều đổ vào đồ cổ (anh Hoàng làm nghề kinh doanh hàng tạp hóa). Từ niềm đam mê, tôi đã bỏ công tìm hiểu, giao lưu, trao đổi với giới chơi đồ cổ ở khắp cả nước. Sau thấy có nhiều người trong huyện cùng chí hướng nên anh em đã tụ họp thành lập CLB để hỗ trợ cho nhau”. 
Một góc bộ sưu tập đồ cổ của anh Đặng Xuân Hoàng
Khi được hỏi về việc làm thế nào để xác định được giá trị của mỗi cổ vật, anh Đặng Xuân Hoàng say mê giải thích rằng, người chơi cổ vật đã tổng kết các tiêu chí để xác định giá trị của một món đồ cổ theo thứ tự dễ nhớ là: "Nhất dáng, nhì da, tam toàn, tứ tuổi".“Dáng” và “da” nhằm đánh giá yếu tố đẹp của món cổ vật, là dấu ấn văn hoá mà người xưa để lại, thể hiện trình độ tay nghề thiết kế, tạo hình, bố cục, trang trí trên món đồ có độc đáo hay không. "Toàn" là tình trạng cổ vật có lành lặn hay dập vỡ, nguyên vẹn hay sứt mẻ. Tiêu chí "tuổi" để xác định giá trị món cổ vật ra đời vào thời kỳ nào, bao nhiêu năm tuổi… Ngoài ra tiêu chí "minh văn, hiệu đế" (chữ được vẽ, chạm, khắc trên cổ vật) giúp xác định xuất xứ, nguồn gốc của món đồ.
Mỗi cổ vật đều hàm chứa những giá trị lịch sử và văn hoá, nghệ thuật, là di sản văn hoá độc đáo. Đối với các thành viên CLB, bên cạnh việc kinh doanh mua bán cổ vật, là khát vọng lưu giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa cổ truyền.
Con đường trở thành tỷ phú
Vừa giới thiệu nét độc đáo của chậu hoa con giống thời nhà Mạc, anh Phạm Trọng Hữu, thành viên CLB, khẳng định: “Không phải ai cũng chơi đồ cổ được, trước hết phải có lòng đam mê, có vốn hiểu biết nhất định về lịch sử, nguồn gốc cổ vật, lịch sử từng giai đoạn của đất nước và thế giới; hiểu và đánh giá được giá trị của cổ vật. Và quan trọng hơn là người chơi phải có tiền, thậm chí rất nhiều tiền”. 
Chum tiền cổ của anh Hữu
CLB cổ vật đã thực sự là “bà đỡ” về mặt tài chính và chuyên môn cho hội viên thông qua việc vay vốn ngân hàng, tổ chức cho hội viên đưa cổ vật đi triển lãm; giao lưu và trao đổi cổ vật; hỗ trợ hội viên trong việc thẩm định cổ vật. Thông qua những buổi giao lưu, đọc tài liệu, xem phim về lĩnh vực này, các hội viên có thêm những kiến thức về sưu tầm, đánh giá, thẩm định, kinh nghiệm lưu giữ và bảo tồn cổ vật.Một “luật bất thành văn” là đã nói đến các tay chơi cổ vật là nói đến các tỷ phú. Mua cổ vật cũng là một cách đầu tư có lợi nhuận rất cao và bền vững.
Các đồ cổ thu được từ khảo cổ
Hiện nay, anh Hoàng đã có trong tay một bộ sưu tập đồ cổ gồm hàng ngàn hiện vật, với trị giá lên tới hàng chục tỷ đồng. Anh Hoàng có rất nhiều mối quan hệ để mua bán đồ cổ. Dù bận đến mấy, anh cũng dành ít nhất 2 tiếng/ngày để lên mạng nắm thông tin, giá cả, trao đổi về đồ cổ. Nhờ vậy, anh nắm rất chắc giá cả của từng món đồ, quyết định mua hay bán, mua cái gì, bán cho ai, bán ở đâu…để thu lại lợi nhuận. Có khi chỉ cần một “phi vụ” mua bán, anh đã thu lãi hàng chục triệu đồng.Anh nói: “Cái thú của nghề đồ cổ là giao lưu, trao đổi, mua bán. Bên cạnh niềm đam mê cổ vật, lợi nhuận cũng là một động lực để giúp người chơi gắn bó với nghề”. Có những món đồ cổ mua được với giá rất rẻ, thậm chí được cho không, nhưng sau một thời gian hay gặp đúng người cần lại trở nên vô giá. 
Sắc phong của nhà vua năm Tự Đức thứ 6 (1852) cho một vị thành hoàng ở xã Xuân Yên, huyện Yên Thành (Nghệ An).
Số lượng cổ vật của 12 hội viên CLB sưu tầm được, hiện lưu giữ tại các gia đình có đến hàng chục nghìn sản phẩm, đủ các chủng loại, đủ các thời. Trong đó, rất nhiều cổ vật đặc biệt có giá trị về lịch sử và văn hoá.Chúng tôi đã đến thăm gia đình một số hội viên và thật sự choáng ngợp trước số lượng cổ vật mà những thành viên đó đã sưu tầm được. Hàng nghìn cổ vật được trưng bày, trong đó rất nhiều cổ vật rất có giá trị, ví dụ như chiếc chóe thời nhà Hồ, chum đồng thời nhà Minh của của gia đình anh Hữu; các đầu rồng thời Lý của nhà anh Hữu và anh Đội, chậu hoa con giống thời nhà Mạc, hàng trăm hiện vật, cổ vật như đồ đồng Đông Sơn, đồ gồm, đồ đá thời Việt cổ, các cổ vật thời Hán, Tống, Nguyên, Minh, Thanh, cổ vật thời nhà Lý, Trần, Nguyễn của nhà anh Hoàng… Các cổ vật được trưng bày theo từng chủng loại như một bảo tàng cổ vật tại gia, đã thật sự cuốn hút người xem. 
Những thứ này, anh Nguyễn Văn Đội tìm được từ các bà đồng nát.
Theo quy luật phát triển, khi đất nước giàu lên, trình độ dân trí tăng lên, chắc chắn người chơi, sưu tầm, bảo tồn, trao đổi, mua bán cổ vật sẽ nhiều lên. Riêng ở Nghệ An, đến thời điểm này CLB cổ vật Quỳnh Lưu là mạnh nhất, có số lượng cổ vật nhiều nhất tỉnh.Nguyện vọng của các thành viên CLB cổ vật Quỳnh Lưu là tỉnh cần thành lập "Hội cổ vật Nghệ An", nhằm thu hút được nhiều người sưu tầm, bảo tồn và chơi cổ vật, nhằm lưu giữ và bảo tồn vốn quý di sản của ông cha để lại, tổ chức được nhiều cuộc triển lãm, trưng bày, giao lưu, để nhằm tôn vinh và giới thiệu giá trị vốn quý di sản văn hoá đến với các tầng lớp nhân dân.

Nguồn Tamnhin.net

Không có nhận xét nào:

Flag Counter