Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

Tôi không làm CEO S-Fone nếu quá ngon ăn'


Đảm nhận vị trí Tổng giám đốc S-Fone vào đúng thời điểm mạng di động này khó khăn, ông Phạm Tiến Thịnh cho rằng đó là giai đoạn thử thách. Nếu quá “ngon ăn” ông đã không ngồi vào chiếc ghế nóng này.

Ông Phạm Tiến Thịnh trải lòng với VnExpress.net, sau 3 tháng nhận chức.
- Được mời về điều hành S-Fone trong giai đoạn hãng viễn thông này đang “thay máu” với ngổn ngang những thách thức, ông dự định sẽ tháo gỡ khó khăn ra sao?
- Thuyết tương đối của nhà khoa học vĩ đại Albert Einstein là một phát minh trong lĩnh vực vật lý học, nhưng nó đã, đang và sẽ luôn là nguyên lý và là quan niệm sống của tôi. Vì vậy, đối với tôi, thay đổi để cải thiện những cái đã được tạo ra và đang hiện hữu là việc tất cả chúng ta nên luôn cân nhắc. Trong quá trình thay đổi vì mục tiêu đó, luôn có những thách thức mà chúng ta cần phải vượt qua.
Việc S-Fone đang trong giai đoạn chuyển đổi mô hình kinh doanh cũng là một giải pháp để cải thiện hoạt động và nâng cao hiệu quả đầu tư của một doanh nghiệp. Trong đó, “thay máu” hay nói đúng hơn “thay đổi tư duy” là một giải pháp cần thiết và tối ưu.
Đối với tôi, những thách thức trong quá trình chuyển đổi này chính là hoàn thiện cơ chế hoạt động nội bộ và hoàn tất các thủ tục bên ngoài để chuyển đổi S-Fone từ mô hình hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) lên liên doanh (JVC). Tuy nhiên, tôi cảm thấy mình may mắn và rất tự hào vì nhận được sự hỗ trợ rất nhiệt tình từ Ban lãnh đạo của SPT và S-Fone. Thêm vào đó, bên cạnh tôi còn có cả một đội ngũ cán bộ nhân viên rất tâm huyết và đồng tâm hiệp lực trong giai đoạn này.
Tổng giám đốc điều hành mới của S-Fone - Phạm Tiến Thịnh. Ảnh: T.T.

- Điều hành một doanh nghiệp lớn, đang tăng trưởng đã khó, lãnh đạo một công ty trong giai đoạn khó khăn về vốn, về công nghệ, về cạnh tranh thị trường như S-Fone, vậy điều gì khiến ông nghĩ rằng mình sẽ thành công khi ngồi ở vị trí chiếc ghế nóng?
- Nếu được mời về điều hành doanh nghiệp trong giai đoạn ăn nên làm ra, chắc có lẽ tôi đã không nhận lời vì tôi là người có “máu” chinh phục thử thách. Ở đây, tôi muốn phân tích để hiểu rõ bối cảnh của S-Fone hiện nay để từ đó đánh giá, xây dựng chiến lược và kế hoạch giải quyết cụ thể tình huống đó.
Trước hết, về cơ chế hoạt động: Dự án S-Fone được cấp phép từ năm 2001 và chính thức phát sóng vào đầu tháng 7/2003 hoạt động theo mô hình BCC (hợp đồng hợp tác kinh doanh) giữa Công ty cổ phần Bưu chính Viễn thông Sài Gòn và Tập đoàn SK Telecom Hàn Quốc.
Tại thời điểm đó kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông di động chưa được mở rộng cho nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, với mô hình BCC, Chính phủ Việt Nam đã mở rộng đường cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực này nhằm khuyến khích những công nghệ tiên tiến “du nhập” vào thị trường Việt Nam. Vì thế, nhìn chung BCC cũng đã đạt được những hiệu quả nhất định.
Tuy nhiên trong quá trình vận hành, S-Fone đã đối diện với những thách thức về nhiều mặt như: Đầu tư; công nghệ; hạn chế trong các vấn đề pháp lý, vốn đầu tư, cơ chế điều hành từ mô hình BCC,… Đặc biệt là vì S-Fone đã triển khai hết các nguồn lực đầu tư và các điều kiện cam kết của hai bên theo BCC từ năm 2005 dù thời gian của BCC là đến năm 2016.
Trên thế giới, ở các nước phát triển, sự lựa chọn công nghệ của một nhà mạng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, sự phát triển của công nghệ đó trên thị trường khu vực và thế giới, giá thành cho sản phẩm đầu cuối… Việc lựa chọn và định hướng công nghệ hầu như hoàn toàn nằm trong chiến lược của các nhà mạng và luôn là kết quả của một sự phối hợp hài hòa giữa các nhà mạng và các cơ quan chức năng cũng như giữa công nghệ và hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Riêng tại Việt Nam, tiêu chí quan trọng của việc lựa chọn công nghệ lại là quá trình quy hoạch băng tần. Chính vì thế, chiến lược xây dựng công nghệ vẫn còn gặp nhiều thách thức chủ yếu là do nguyên nhân khách quan. S-Fone cũng phải đối mặt với những thách thức đó mặc dù công nghệ đang áp dụng là công nghệ CDMA tiên tiến với những ưu điểm đã được cả thế giới công nhận.
Và cuối cùng một trong những yếu tố cạnh tranh quyết định sự thành công đó là thị trường.
- Ông đánh giá như thế nào về thị trường viễn thông Việt Nam?
- Tôi xin tiếp phần đã trả lời ở trên. Thị trường viễn thông Việt Nam là một trong bốn thị trường phát triển nhanh trên thế giới trong hơn 5 năm qua. Với tốc độ tăng trưởng và số lượng nhà mạng hiện nay thì viễn thông di động là một trong những thị trường cạnh tranh rất khốc liệt, trong đó chiến lược về giá vẫn luôn là yếu tố quan trọng để chiếm lĩnh thị phần bên cạnh chất lượng dịch vụ sản phẩm, chất lượng phục vụ khách hàng.
Tôi nghĩ rằng thị trường viễn thông Việt Nam hiện nay còn rất nhiều tiềm năng cho bất cứ nhà mạng nào - thậm chí cả nhà mạng mới -nếu có một chiến lược rõ ràng và triển khai nó một cách triệt để. Bởi ngoài con số dự đoán mà các chuyên gia nghiên cứu thị trường đưa ra, với hơn 20 triệu người Việt Nam vẫn chưa có cơ hội tiếp cận với điện thoại di động thì vẫn còn một số phân khúc thị trường đặc thù nằm ngoài “vùng phủ sóng” của các nhà mạng.
Mặt khác, Việt Nam với hơn 2/3 tổng số dân có độ tuổi dưới 35 tuổi - một thị trường rất trẻ và đầy tiềm năng từ nhận thức đến nhu cầu tiêu dùng - là phân khúc thị trường hấp dẫn cho rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nhất là trong lĩnh vực hàng hóa/dịch vụ viễn thông di động. Tất cả các yếu tố trên đóng một vai trò rất quan trọng trong chiến lược và kế hoạch triển khai sắp tới của S-Fone.
- Có hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực viễn thông, từng đảm nhiệm vị trí quản lý cấp cao cho các tập đoàn truyền thông đa phương tiện thế giới. Những kinh nghiệm trong quản lý trước đây của ông đã giúp gì khi điều hành S-Fone?
- Tôi rời Việt Nam một mình khi còn bé, trưởng thành, được đào tạo và làm việc trong môi trường đậm chất văn hóa châu Âu. Vào những ngày khởi đầu trở về và làm việc tại các quốc gia châu Á, tôi cũng đã phải trải qua một quá trình dài để thích nghi trở lại với môi trường sống và làm việc đậm chất Á Đông này. Theo tôi mỗi doanh nghiệp có một nét văn hóa riêng, được xây dựng và cải thiện trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Một trong những việc mà một người lãnh đạo phải làm là thay đổi những gì cần phải thay đổi - vì doanh nghiệp và vì tập thể, trong đó có cả văn hóa doanh nghiệp.
- Vậy ông dự định áp dụng “chiêu bài" gì để lèo lái con thuyền S-Fone thành công để tránh nguy cơ bị đối thủ thâu tóm hoặc sáp nhập?
- Tôi nghĩ tôi đã nêu rõ những yếu tố chính để áp dụng cho các “chiêu bài” này. Tôi không nghĩ “thâu tóm” hay “sáp nhập” là một sự kiện tiêu cực. Chúng ta đã chứng kiến rất nhiều sự kiện tương tự xảy ra tại những thị trường khác tương tự như Việt Nam. Họ đã thành công và tiếp tục kinh doanh rất hiệu quả.
Trong quá trình S-Fone chuyển đổi từ BCC sang JVC, cơ quan chủ quản mạng S-Fone là công ty SPT cũng đã và đang tiếp xúc làm việc với một số đối tác tiềm năng trong và ngoài nước cho dự án S-Fone. Và khả năng SPT sẽ hợp tác với một đối tác nước ngoài là rất cao.
- Điều ông sợ nhất là gì?
- Sống một cuộc sống vô vị và không có ích cho xã hội.
- Ông chia sẻ một chút quan điểm về cuộc sống?
- Trung thực, tự trọng, biết người biết ta. Luôn đặt chữ NHÂN lên hàng đầu.
- Khi đứng trước một quyết định khó khăn, ông thường làm gì?
- Tôi luôn sống và làm việc vì mục tiêu. Và với tư cách là người lãnh đạo của một doanh nghiệp thì mục tiêu của tập thể luôn được đưa lên hàng đầu. Để đạt được mục tiêu đôi khi chúng ta phải có những hành động táo bạo để vượt qua và khắc phục những khó khăn trước mắt. Vì thế những tố chất mà một nhà lãnh đạo giỏi bắt buộc phải có: nhạy cảm, uyển chuyển, mạnh bạo và quyết liệt.
Ngoài ra, với một đội ngũ tham ưu rất tâm huyết và có năng lực như tại S-Fone, tôi luôn phát huy “Team spirit - Tinh thần đồng đội” và “Team work - Làm việc theo nhóm” để cùng nhau tìm một giải pháp hợp lý nhất.
- Ông thích nhất điều gì?
- Sự bình an trong tâm hồn.
- Nhân vật nào trên thế giới mà ông thích?
- Mẹ tôi, một người đã suốt đời sống vì gia đình và xã hội, một người đã luôn dạy dỗ và nhắc nhở tôi đặt ba chữ NHÂN, ĐỨC, TÍN lên hàng đầu trong bất cứ hành động nào của mình.
- Triết lý kinh doanh của ông là gì?
- Phải có “máu” kinh doanh và luôn hướng về mục tiêu cần đạt được với chi phí tối thiểu nhất.
- Theo ông, yếu tố nào được coi là cốt lõi và quan trọng nhất với một người lãnh đạo?
- Nhạy cảm cho từng tình huống.
Hồng Anh thực hiện
Nguồn VNExpress.net

Không có nhận xét nào:

Flag Counter