Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Doanh nhân Nguyễn Quốc Toàn- Làm giám đốc bằng... 2 ngón tay!



Bị liệt toàn thân, chỉ còn cử động được hai ngón tay song anh vẫn vươn lên học tập và trở thành giám đốc công ty tin học. Đó là chuyện của Nguyễn Quốc Toàn (thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ).




Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan gặp gỡ, động viên Nguyễn Quốc Toàn
tại Hội nghị biểu dương người tàn tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu.

Dùng cằm nhấn “Enter”.

Sinh ra cũng bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng đến 11 tháng tuổi, một cơn sốt ác tính đã khiến Nguyễn Quốc Toàn bị liệt toàn thân, mất 100% sức lao động. Từ đó, anh không thể đi đứng, cầm nắm vật gì, mọi sinh hoạt cá nhân đều phụ thuộc vào người khác. Hàng ngày, bố mẹ đi làm, các anh đi học, còn anh thì “nửa nằm, nửa ngồi” bên ô cửa sổ nhìn cuộc sống bên ngoài với những mơ cháy bỏng.

6 tuổi, khi các bạn háo hức đến trường, Toàn mơ ước được đi học như các bạn. Thấy vậy, bố Toàn đã mua bảng chữ cái và kiên trì dạy chữ cho con. Bằng tất cả nỗ lực, Toàn đã biết đọc nhưng tay không thể cầm bút để viết vì ngón tay quá yếu. Thậm chí, nếu không có dây chằng, Toàn không thể ngồi vững trên xe lăn. Không để thời gian trôi đi một cách vô ích, Toàn tìm đến sách truyện như liều thuốc tinh thần hữu hiệu để cảm nhận được mình đang sống. Tòan đã đọc hầu hết các cuốn sách do bạn bè và người thân mang về. Thế nên Toàn lúc nào cũng có vẻ già dặn hơn so với tuổi.

Toàn kể: năm 1998, người anh trai đi xuất khẩu lao động biết em mình ham học đã gửi về một chiếc máy tính xách tay. Toàn gắn bó với chiếc máy tính xách tay từ đó. Cùng với sự giúp đỡ của mọi người xung quanh và sự kiên trì sẵn có, Toàn làm quen với máy vi tính qua một bàn tay gõ phím và dùng cằm nhấn “Enter”. Từ đây, chiếc máy vi tính như người bạn thân thiết mặc dù không ít lần, Toàn chật vật với những cơn đau tái mặt khi phải cử động những ngón tay vốn không lành lặn của mình. Với 2 ngón tay còn chịu sự điều khiển của đầu óc, Toàn đã mày mò tự học và sử dụng thành thạo máy vi tính, đọc hiểu tiếng Anh. Lúc đầu Toàn chỉ sử dụng máy tính cho nhu cầu học tập và làm việc thông thường, nhưng do máy tính thường gặp sự cố, Toàn lần mò tìm cách tự khắc phục, dần dần anh biết sửa chữa máy tính.

“Phần mềm” hoàn hảo

Từ một cậu bé tật nguyền, sau mấy năm, Toàn đã trở thành người giỏi tin học nhất thị xã nghèo miền trung du. Năm 2002, Toàn nài nỉ bố mẹ “đầu tư” cho mình một “trung tâm tin học”. Trước sự kiên trì thuyết phục và niềm đam mê mãnh liệt của Toàn, gia đình cũng chấp thuận. Toàn cùng một người bạn về Hà Nội mua máy vi tính, kết nối Internet và trở thành người đầu tiên đưa Internet về làng. Căn nhà của Toàn nhanh chóng trở thành trung tâm tin học lớn nhất vùng và dạy tin học miễn phí cho các bạn trẻ. Hình ảnh Toàn lọt thỏm trên xe lăn cùng thợ kỹ thuật đến sửa chữa máy tính cho khách tại nhà lúc đầu là chuyện lạ, gây sửng sốt cho không ít người nhưng chẳng mấy chốc đã trở nên quen thuộc với người dân thị xã Phú Thọ. Cả thế giới đã hiện lên trước mắt Toàn và các em nhỏ vùng quê nghèo thông qua chỉ một cái nhấp chuột.

Năm 2004, Toàn đã được dự Hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi toàn quốc lần thứ nhất. Từ hội nghị này, Toàn đã nung nấu muốn làm việc nhiều hơn nữa để khẳng định bản thân. Năm 2005, Toàn xuống Hà Nội xin học nghề ở một số công ty máy tính. Năm 2007, Toàn thành lập Công ty TNHH Thương mại NQT, quyết tâm dấn thân sâu hơn vào thương trường. Trên chiếc xe lăn do bạn bè đẩy đi, Toàn đi khắp thị xã để lắp đặt máy, cài đặt chương trình và tư vấn cho khách hàng. Nhiều hợp đồng lắp đặt máy, bảo trì mạng… đã được ký kết với các doanh nghiệp, công ty lớn.

31 tuổi, không một ngày đến trường, chỉ với hai ngón tay cử động được và một nghị lực sống, Nguyễn Quốc Toàn đã làm tất cả để chứng minh tuyên ngôn của mình: “Thân xác tôi là phần cứng, tâm hồn tôi là phần mềm. Tôi phải sống và sẽ sống có ích để chứng tỏ “phần mềm” của tôi hoàn chỉnh”.

Nguyễn Quốc Toàn là một trong số gần 300 đại biểu đã tham dự hội nghị biểu dương người tàn tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu do Bộ LĐ- TB- XH và Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi VN vừa tổ chức ngày 12-4 tại Hà Nội. Đánh giá cao những nỗ lực của người tàn tật, trẻ mồ côi trong việc hòa nhập với xã hội, bà Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch nước cho rằng, những người tàn tật và trẻ mồ côi VN đã thể hiện được khí phách VN, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng là người chiến thắng. Theo bà Doan, trong thời gian qua, người khuyết tật và trẻ mồ côi còn gặp nhiều khó khăn. Quốc hội đang xem xét và cho ý kiến về Luật người khuyết tật. Bà Doan cũng kêu gọi các tổ chức, cá nhân tiếp tục có những ủng hộ, giúp đỡ về vật chất và tinh thần để người khuyết tật, trẻ em mồ côi hòa nhập với xã hội hơn.
Minh Hiếu
Nguồn: congluan

Doanh nhân Vũ Thị Hoài Sơn: Người Việt đầu tiên làm kem trang trí bánh

Từ một hướng dẫn viên du lịch có trình độ cao, chuyên đảm nhận những tour khách doanh nhân khó tính, tiếp xúc nhiều với những nhà kinh doanh đến từ nhiều nước, kinh doanh thấm vào máu khiến chị rẽ ngang, bỏ nghề hướng dẫn viên chuyển sang làm kinh doanh.

Tổng Giám đốc Vũ Thị Hoài Sơn và đội ngũ nhân viên, kỹ thuật viên của công ty Nhất Hương.

Chị là Tổng giám đốc công ty chuyên về sản xuất kem trang trí bánh kem, Công ty Nhất Hương - Vũ Thị Hoài Sơn.

Rẽ ngang với kem


Rời quê hương Hải Dương, chị Vũ Thị Hoài Sơn vào lập nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1991. Vốn liếng tiếng Anh của cô sinh viên Đại học Ngoại ngữ Hà Nội khiến chị được cấp trên tại công ty du lịch OSC tin tưởng giao cho những tour khách khó tính.


Năm 1994, sau 3 năm làm hướng dẫn viên du lịch, chị rời bỏ những đoàn khách. Cả gia đình không ai theo nghề làm bánh, nhưng chị lại chọn bánh. Chị chính thức trở thành nhà phân phối cho hãng kem trang trí bánh nổi tiếng thế giới - Richs.


Năm 2007, sau mười mấy năm làm nhà phân phối, chị đã góp phần làm cho Richs trở thành một nhãn hiệu dường như độc quyền trong lĩnh vực phân phối kem trang trí bánh tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi Richs ngày càng lớn mạnh thì chị cũng nhận ra vai trò của mình không còn sức quan trọng với công ty nữa. Chị quyết định ra riêng với công ty Nhất Hương.


“Hồi đó, toàn thị trường chỉ có Richs là mạnh nhất, cùng với một số sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan thống lĩnh thị trường. Vì vậy, khi tôi ra công ty, những người làm bánh, những công ty sản xuất bánh không tin nổi tôi sẽ có thị phần và sống được…”, chị Sơn nhớ lại.





Một số sản phẩm của Nhất Hương


Thời điểm đó, không ai nghĩ rằng người Việt Nam sẽ sản xuất được kem trang trí bánh. Vì so với những sản phẩm trong hệ nhũ (sữa chua, kem ăn…) thì kem trang trí bánh khó làm nhất. Hơn nữa, người ta đã quen với việc dùng hàng của các công ty ngoại. Tuy nhiên, chị muốn chứng tỏ rằng, người Việt hoàn toàn có thể làm ra những sản phẩm này.


Vươn lên


Từ một công ty bị giới cùng ngành coi thường, không thèm quan tâm, cảnh giác, chỉ sau gần 2 năm, Nhất Hương đã vươn lên giành thị phần và được coi là đối thủ nặng ký.


Sau khi chuyển đổi từ dây chuyền sản xuất, công nghệ của Trung Quốc sang Hà Lan, công ty của chị đã không ngừng tăng trưởng về doanh số cũng như thị phần. Tốc độ tăng trưởng mỗi năm gần 30%, chiếm gần 40% thị phần kem trang trí bánh khiến Nhất Hương trở thành công ty số 2 tại thị trường Việt Nam.


Nỗi lo của chị giờ đây không còn là việc công ty không có khách hàng, tăng trưởng chậm mà chuyển sang nỗi lo mới. Đó là tốc độ tăng trưởng của công ty quá nhanh, “nó lớn lên từng ngày khiến tôi lo rằng mình không theo kịp sự phát triển này”, chị tâm sự.


Hiện nay, chị vẫn tích cực tham gia những khóa học nâng cao nghiệp vụ, đi học nghề ở nước ngoài và vạch ra kế hoạch sắp tới cho công ty để chia sẻ gánh nặng khi công ty ngày càng lớn mạnh.


Ấp ủ của chị là mở một trường dạy nghề làm bánh và tư vấn mở cửa hàng bánh cho khách hàng vào năm 2011. Theo chị, mở hàng bánh là một hướng kinh doanh tốt, mang lại lợi nhuận cao và rất tiềm năng tại Việt Nam hiện nay.





Một buổi dạy kỹ thuật của Công ty Nhất Hương. Giám đốc Vũ Thị Hoài Sơn (X) người đứng thứ hai bìa trái.



Giành giật thị trường với nước ngoài

 “Nhiều khi trăn trở, suy nghĩ mãi, tại sao mình lại làm cái việc bon chen, nhiều mệt mỏi này? Vì rằng mình là phụ nữ mà, sao mình không an phận? Những lúc ấy mình cảm giác hối hận nhiều vì đã lao vào con đường lắm chông gai này”, nữ giám đốc suy tư.

Tuy nhiên, cái mệt mỏi, hối hận của chị không phải là từ việc mỗi ngày phải như con thoi, đi đi về về giữa hai quận 3 - Củ Chi để lo cho nhà máy và công ty, cũng không phải vì phải thức khuya dậy sớm. Cái mệt mỏi của chị là khi công ty chưa tìm ra được khách hàng, là khi tốc độ tăng trưởng của công ty quá chậm.


Đỉnh điểm của mệt mỏi là năm 2009, công ty đối diện với những vụ kiện từ đối thủ, lo lắng đến mất ăn mất ngủ làm tóc chị bạc đi trông thấy. “Đã phải nhuộm tóc dù mới hơn 40”, giữa câu chuyện, chị trở nên trầm ngâm.


Tuy nhiên, khi được hỏi tại sao không rút lui vào hậu trường, chị cho biết rằng hiện tại Nhất Hương công ty của chị là công ty duy nhất của Việt Nam trong thị trường này. Chị muốn chứng minh rằng người Việt hoàn toàn có khả năng làm tốt trong lĩnh vực này, không thể để tất cả thị trường cho người nước ngoài.


Nguồn: tamnhin

Những doanh nhân thành đạt từ 'số 0'





Nguyễn Thị Ngọc Chúc.
Là doanh nhân nữ duy nhất trong tổng số 10 người đạt giải, Nguyễn Thị Ngọc Chúc (37 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Hoàng Quan, quận 8, khá vất vả khi khởi đầu sự nghiệp do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn. Lên 9 tuổi, chị mới được cắp sách đến trường, nhưng sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học đành phải bỏ lại sau lưng ước mơ về giảng đường đại học, để bước vào đời với công việc tại một công ty sản xuất, xuất khẩu nông sản. Sau đó, Ngọc Chúc lại đến với ngành keo dán công nghiệp như một cơ duyên, bởi chồng chị là một kỹ sư hóa chất. Tìm hiểu chợ đầu mối hóa chất ở chợ Kim Biên, chị quyết định chọn mặt hàng keo dán đa năng (keo 502) làm sản phẩm tiên phong tấn công thị trường.
Với quyết tâm cao, tự mày mò học hỏi, Ngọc Chúc đã nhanh chóng đưa sản phẩm keo dán công nghiệp của Hoàng Quan có mặt khắp trên thị trường và đạt huy chương vàng Hội chợ quốc tế Công nghiệp, cúp vàng thương hiệu năng động năm 2004... Chữ "tín" luôn được chị Chúc đặt lên hàng đầu trong công việc kinh doanh. Nó là phương châm hoạt động chính của cơ sở Hoàng Quan. Chính điều này đã giúp chị thành công rất nhiều trong công việc do được đối tác tin cậy. Và anh em trong công ty quý trọng bởi sự gần gũi, giúp đỡ và truyền lại cho thế hệ sau kinh nghiệm làm việc bằng cả nhiệt huyết tuổi trẻ của mình.
Thái Tuấn Dũng.
Với chức vụ là Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Ky Vy, quận 5, Thái Tuấn Dũng (34 tuổi) cho biết, từ ý tưởng giúp các bà mẹ Việt Nam có thêm thời gian chăm sóc gia đình nhiều hơn nên tháng 7/2001, sản phẩm của Ky Vy ra đời và chỉ trong một thời gian ngắn (cuối năm 2001) đạt danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao với nhãn hiệu BiNo. Bất chấp sự cạnh tranh khốc liệt của hàng ngoại nhập, Ky Vy vẫn vươn lên với doanh số không ngừng tăng. Sản phẩm Ky Vy chiếm 40% thị phần trong nước và xuất khẩu (năm 2004 xuất khẩu đạt 501.000 USD). Ky Vy giải quyết việc làm có thu nhập ổn định cho hơn 240 lao động trực thuộc và 120 nhân viên bán hàng tại các nhà phân phối. Đồng thời công ty đã dành ngân sách gần 500 triệu đồng để hoạt động từ thiện. Tổng giám đốc Thái Tuấn Dũng tiết lộ, năm tới, công ty có 2 định hướng là đầu tư vào chiều sâu công nghệ để đáp ứng nhu cầu cạnh tranh của thị trường, dự kiến doanh thu trong 2 năm tới tăng gấp đôi so với hiện nay.
Nguyễn Thành Nhơn.
Với "máu" kinh doanh, thạc sĩ Nguyễn Thành Nhơn (32 tuổi), Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Nhơn Hữu, quận 10, bước vào thương trường khi mới còn là cậu sinh viên năm thứ nhất bằng việc bán hàng lưu động bút bi Bến Nghé đến từng nhà, từng cửa hàng mà theo anh đây là một cách tiếp thị mới lạ chưa hề có ở thời điểm đó. Mới đầu chỉ là một doanh nghiệp tư nhân tư mãi, đến năm 2002, Công ty cổ phần công nghệ Nhơn Hữu ra đời hoạt động trong 3 lĩnh vực: công nghệ sinh học, thiết bị điện và phần mềm máy móc Hitachi.
Trong công ty, anh vừa là người điều phối, hoạch định chiến lược cho các đội ngũ nhân viên triển khai kế hoạch, vừa đầu tư nghiên cứu về thiết bị máy móc và các phần mềm hiện đại, rồi kể cả lĩnh vực chế biến thực phẩm dinh dưỡng. Cuối năm 2003, Nhơn thành lập dự án làng nấm ở huyện Củ Chi, được xếp vào loại đặc biệt ưu đãi của TP HCM và đã tạo nghề mới cho 1.000 lao động ở địa phương.
Với Thành Nhơn, bí quyết dẫn đến thành công là người lãnh đạo doanh nghiệp phải biết coi trọng lao động, gần gũi với họ để nhận biết năng lực của mỗi người. Anh từng mua bảo hiểm nhân thọ Prudential cho những người gắn bó với công ty lâu năm để khi về già họ có mức thu nhập ổn định như lúc còn đi làm.
Nguyễn Hiếu Đức.
Nguyễn Hiếu Đức (43 tuổi), Giám đốc DNTN thương mại - sản xuất Đức Quân, quận Phú Nhuận, sinh ra và lớn lên trong một gia đình có tới 11 anh em nên từ nhỏ anh đã phải tự lập bằng cách đi đá bóng thuê để kiếm tiền trang trải học phí cho những năm học phổ thông và đại học. Anh đến với việc kinh doanh mực in bằng cả tâm huyết của một người kỹ sư hóa khi còn rất trẻ. Lúc đầu không vốn liếng, anh đã mượn tạm số nữ trang của bà xã (4 chỉ vàng) đem bán để đặt mua dụng cụ sản xuất. Phòng thí nghiệm đặt tại nhà bếp còn dụng cụ sản xuất chỉ cách giường ngủ có 1 mét và chỉ một mình anh làm tất cả mọi việc từ nghiên cứu sản xuất đến tiếp thị giao hàng.  
Đến nay, Đức Quân cũng đã có trên 10 loại mực in khác nhau dùng để in bao bì và các công nghệ in như: PP, PE, PVC.... và tác giả của các công thức mực in đó chính là anh. Năm 2004, Đức Quân đã cung cấp cho thị trường 450 tấn mực in các loại. Đi liền với việc sản xuất, phương châm kinh doanh mà anh chọn là tính ổn định về giá cả và chất lượng của sản phẩm, nhằm tạo phương thức thanh toán linh hoạt để hỗ trợ tối đa cho khách hàng.
Châu Ngọc Mỹ.
Giám đốc Công ty cổ phần Siêu Thanh (nhà phân phối chính thức sản phẩm máy móc văn phòng), Châu Ngọc Mỹ, theo anh trong kinh doanh phải làm sao để "sản phẩm ra đi mà khách hàng ở lại" thì mới có hiệu quả. Với ý nghĩ đó, công ty đã đưa ra chính sách bảo hành hết chu kỳ vòng đời hoạt động của một sản phẩm là 5 năm. Đây là một bước đột phá mà trong ngành kinh doanh sản phẩm văn phòng chưa ai làm và cũng là bí quyết đưa Siêu Thanh đến với thành công. Trong nhiều năm liền, dưới sự lãnh đạo của Giám đốc Châu Ngọc Mỹ, Công ty Siêu Thanh luôn giữ mức độ tăng trưởng bình quân từ 25% đến 30%, lương bình quân khoảng 3 triệu đồng/lao động. Năm 2004, công ty đã đạt doanh thu trên 50 tỷ đồng (tăng gần 30% so với 2003) và hứa hẹn đạt tới con số 300 tỷ đồng cho năm sau.
Trương Vĩnh Kiến.
Khởi đầu sự nghiệp từ một cơ sở sản xuất theo mô hình kinh tế gia đình với mặt bằng sản xuất chưa đến 100 m2, Tổng giám đốc Công ty TNHH dây và cáp điện Tân Cường Thành, ông Trương Vĩnh Kiến, tâm sự, mới đầu chỉ có 6 công nhân, máy móc thiết bị sản xuất cũ kỹ thô sơ và lạc hậu tự chế tạo trong nước, nên năng suất sản xuất rất thấp. Đến nay, Tân Cường Thành đã được nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết đến, dự kiến doanh thu 2004 là trên 20 tỷ đồng. Sang năm tới sẽ đầu tư một lò luyện nhôm với công suất 25.000 tấn/năm và một dây chuyền sản xuất cáp điện trung thế, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao.


Người viết : DNTĐ - Nguồn vnexpress

Những nữ doanh nhân thành đạt



Ánh mắt, nụ cười lấp lánh khi chị cùng sinh viên xem đoạn clip về gia đình nhỏ. "Bé Gấu" - con trai chị cứ bi bô chỉ trỏ: "Mẹ kìa, mẹ kìa". Có lẽ bé chưa từng được thấy mẹ trong bộ đồng phục công sở đang họp bàn cùng các nhân viên. Người vợ - người mẹ này là Giám đốc đối ngoại Ngân hàng Sacombank.

Ấn tượng sâu sắc nhất mà chị Nguyễn Lê Phương Thảo, Giám đốc đối ngoại Sacombank để lại cho hàng nghìn sinh viên trường Cao đẳng kinh tế đối ngoại trong đêm giao lưu "Nữ doanh nhân thành đạt - Điểm tựa cuộc đời", nhân 8/3, là nhà đối ngoại thành đạt trong công việc; người mẹ, vợ hiền của gia đình.
Phương Thảo cùng đồng nghiệp Ngân hàng Sacombank. Ảnh: T.A
Trả lời câu hỏi của thế hệ đi sau xoay quanh kinh nghiệm làm thế nào đảm trách tốt vai trò xã hội và gia đình, ba từ chị muốn chia sẻ nhất là "sự cân bằng". Chị nói: "Dù là người phụ nữ của xã hội hay gia đình thì quan trọng nhất là phải biết tự cân bằng bản thân để phù hợp được với hoàn cảnh, làm tốt được nhiều vai trò".
"Nguyên lý cân bằng" đó đã được Phương Thảo áp dụng ngay từ khi còn là học sinh phổ thông, vào đại học, cả thời gian 4 năm du học và nhận nhiệm vụ trưởng bộ phận đối ngoại của ngân hàng. Học cùng lúc cả hai trường Đại học Ngoại thương và Đại học Khoa học xã hội & nhân văn TP HCM, Thảo phải tìm mọi cách để dung hòa hai ngành học ở hai trường khác nhau.
Trong thời gian học ở nước ngoài, Thảo làm thêm rất nhiều việc từ phục vụ bàn, nhân viên lễ tân và nhiều công việc cực nhọc khác. "Nó đem lại cho mình những giá trị cuộc sống to lớn đến không ngờ!". Cô du học sinh nhỏ nhắn đã thầm thốt lên như thế khi được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc nhân sự Tập đoàn Thistle. Điều bất ngờ hạnh phúc này lặp lại khi Thảo được mời về làm Giám đốc đối ngoại Ngân hàng Sacombank vào năm 2005.  
Tuy nhiên, những "ma lực hấp dẫn" của thành công xã hội không kéo được Thảo ra khỏi guồng máy gia đình nhỏ của mình, không làm xao lãng nhiệm vụ làm một người phụ nữ. Chị chia sẻ một cách tâm đắc: "Vui nhất là 8/3 năm nay lại rơi vào ngày thứ 7. Như vậy Thảo có thể tổ chức tiệc cho cả bà nội và bà ngoại bé Gấu rồi". Cuối cùng, người phụ nữ này vẫn xếp gia đình lên vị trí hàng đầu trong cuộc sống của mình.
"Nụ cười tiếp thị VN" Lê Thanh Tú đã mang đến cho hội trường Cao đẳng kinh tế đối ngoại một cảm giác thật vui tươi và sống động. "Cô gái cười" này đang là giám đốc Công ty Jolie Siam, một đơn vị chuyên về cung ứng dịch vụ nghi thức lễ tân văn phòng, ngoại giao, sự kiện.
"Làm sếp một đội ngũ lễ tân xinh đẹp, được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, nụ cười luôn nở trên môi, trước hết mình phải là người cười tươi nhất, đẹp nhất". Thanh Tú vui vẻ cho biết.
"Cô gái cười" Lê Thanh Tú. Ảnh: T.A
Tốt nghiệp thạc sĩ ngành "Thành lập và Quản trị công ty vừa và nhỏ" trường Đại học Lyon (Pháp), trong thời gian du học Tú có cơ hội gặp bà Blandine Peillon, giám đốc một công ty lễ tân. Cuộc hội ngộ thông qua chương trình đại sứ trẻ của Lyon đánh dấu sự ra đời của một dự án chung tại TP HCM.
Tú cho biết, cô đặt niềm tin vào dự án với mong muốn sẽ mang một luồng gió mát cho hình ảnh ngành lễ tân với phong cách Pháp vào VN. Giá trị của nụ cười và tính hiếu khách truyền thống của người VN là nguồn cảm hứng trong công việc của Tú. "Ấn tượng đầu tiên - ấn tượng vàng. Chúng ta chỉ có một cơ hội trong lần tiếp xúc đầu tiên để tạo hình ảnh trong mắt khách hàng". Triết lý kinh doanh đồng thời là mục tiêu hành động này đã giúp Tú đi đến những thành công hôm nay.
Nhận chức giám đốc Công ty TNHH bảo vệ - vệ sĩ Vương Gia khi chưa tròn 20 tuổi khi mẹ qua đời, Đào Mỹ Ngọc trầm ngâm nhớ lại: "Lúc ấy có lẽ mình là người nhỏ tuổi nhất công ty nhưng lại có vị trí cao nhất". Điều đáng nói là mặc dù tuổi tác vào hàng "út ít" nhưng Ngọc lại được các nhân viên trong công ty hết sức nể trọng vì cô thuộc loại người đã nói là làm, và nhất quyết phải làm đến nơi đến chốn.
Ngay ngày đầu tiên tiếp nhận công ty, Ngọc đã thay đổi hàng loạt, từ trụ sở công ty, hệ thống bộ máy nhân sự đến đồng phục nhân viên, logo, khẩu hiệu hành động. Slogan "Chúng tôi không nói trước tương lai của bạn. Chúng tôi bảo đảm nó", đã ra đời từ cuộc cải cách táo bạo đó.
Mẹ của Ngọc là một trong những thành viên sáng lập Vương Gia. Ước nguyện của bà trước khi nhắm mắt là giao công ty lại cho đứa con gái duy nhất mà bà hết mực yêu thương. "Tôi hành động là vì mẹ", Ngọc nói trong xúc động. Cô cho biết, khi nhậm chức giám đốc Vương Gia, tất cả thủ tục du học của Ngọc đã hoàn tất, chỉ chờ ngày bay. Thế nhưng vì tâm nguyện của mẹ, Ngọc đã quyết định ở lại Việt Nam.
Những ai đã tiếp xúc với Ngọc đều có chung nhận định về cô: một cô gái nhỏ bé nhưng cá tính và quyết đoán. Hiện giờ Ngọc là Giám đốc dự án Tập đoàn Togi. Những mất mát người thân vẫn chưa lắng dịu nhưng bản lĩnh của một nữ doanh nhân luôn nhắc Ngọc phải phấn đấu và vượt qua tất cả khó khăn.

Người viết : DNTĐ-Nguồn vnexpress

Doanh nhân thành đạt suy nghĩ và hành động trong tích tắc


Với đầu óc thông minh sắc sảo, sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm, những doanh nhân thành đạt thường đưa ra suy nghĩ và hành động trong tích tắc thay vì chần chừ đắn đo.

Theo Themoneytimes, doanh nhân thành đạt là những người có khả năng xây dựng bí quyết từ chính công việc của họ, dù là nhỏ nhất. Bởi chính chúng là điều cần thiết để đưa họ đến với sự thành công.

Trước hết, đó phải là những người có khả năng chấp nhận sự mạo hiểm. Những nhà kinh doanh thành đạt không bao giờ sợ hãi trước những dự án chưa từng được ai thực hiện. Thành công chỉ đến với những người biết tính toán và kiểm soát sự rủi ro. Bởi vậy, họ phải luôn là những người đầu tiên nhận thức được tiềm năng của những ý tưởng tốt và sử dụng nó để tạo ra lợi nhuận.

Tiếp đó, những doanh nhân thành công đều có kiến thức chuyên ngành sâu sắc về lĩnh vực họ làm và ý tưởng mà họ theo đuổi. Họ trở thành bậc thầy trong ngành sản xuất, dịch vụ... chủ yếu đều dựa trên những kiến thức tuyệt vời mà họ có thông qua quá trình làm việc chăm chỉ và sự thông minh trời phú.

Kiến thức sẽ là chưa đủ, bởi họ luôn cần có tư tưởng sáng tạo không ngừng. Nhờ khả năng sáng tạo bẩm sinh mà họ làm nên sự khác biệt với những người khác và thực hiện những điều họ muốn. Nhờ khả năng sáng tạo, họ có thể suy nghĩ và giải quyết mọi chuyện một cách độc lập. Đấy chính là lý do tạo nên những chiến lược tiếp thị, quảng cáo, đóng gói khéo léo, độc đáo và giàu ý tưởng.

Tuy nhiên, công việc kinh doanh không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Điều đó đòi hỏi những người đầu tư phải thích ứng cao với mọi biến đổi, điều không thể tránh khỏi trong môi trường kinh doanh. Con đường đến với thành công của họ không chỉ phải đối mặt với những thay đổi bất ngờ mà còn phải sẵn sàng loại bỏ những vật cản trên chặng đường đó.

Chính bởi những chông gai và thử thách thường trực trên chặng đường kinh doanh nên các doanh nhân luôn cần sự lạc quan và tự tin. Điều đó giúp họ quả quyết trong những quyết định của mình. Sự tự tin cùng với những nhận thức khá tốt về nguồn lực và năng lực khiến họ hiếm khi nghi ngờ về khả năng thành công của những mục tiêu đề ra. Không chỉ tự tin, các doanh nhân thành đạt luôn có cái nhìn tích cực về cuộc sống. Họ luôn hy vọng những gì tốt đẹp nhất. Cũng chính sự lạc quan đó đã giúp họ bước tiếp về con đường phía trước, vượt qua những thời điểm khó khăn, đồng thời thúc đẩy họ đạt được những khả năng tốt nhất của mình.

Và cuối cùng, thời gian luôn là điều khan hiếm với những nhà kinh doanh. Do vậy, đòi hỏi họ phải có khả năng quản lý thời gian tốt, để giải quyết mọi việc một cách hoàn hảo trong khi đảm trách nhiều công chuyện và luôn có cả đống việc cần làm.
Thậm chí, họ phải suy nghĩ và hành động ngay trong cùng tích tắc để cơ hội không tuột khỏi tay mà vẫn phải đảm bảo chất lượng của tất cả các quyết định mình đưa ra. Họ không chọn sự chần chờ, trì hoãn là cách thức để hoạt động hay làm việc.


Người viết : DNTĐ - Nguồn vnexpress

DN - Đặng Thành Tâm - Từ kẻ thất nghiệp đến người giàu nhất Việt Nam


Từ kẻ thất nghiệp đến người giàu nhất Việt Nam
Thích xem phim hành động, đi ăn quán vỉa hè để rồi co chân chạy khi công an đuổi và thất nghiệp hai năm trời trước khi tỏa sáng là những bí mật được ông Đặng Thành Tâm, người từng giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam "bật mí".


Áo quần không là lượt, tóc tai cũng chẳng chải chuốt bảnh bao, Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SGI), chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tông công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc, Đặng Thành Tâm tranh thủ gặp chúng tôi sau khi đáp chuyến bay từ TP HCM ra Hà Nội.

 
Doanh nhân Đặng Thành Tâm
Sinh ra trong một gia đình nghèo tại đất cảng Hải Phòng, điều duy nhất mà cậu bé Tâm nhận được từ cha là lòng đam mê học hỏi không ngừng nghỉ. Đi Liên Xô (cũ) về, ai cũng vác đầy nồi áp suất, xà bông, còn cha Tâm ngày đó mang về mấy container đầy sách. Cũng không ai ngờ chính đống container đó là tài sản vô giá mà người cha truyền lại cho các con."Ba tôi nói hoài, nói mãi về sự cơ cực của gia đình và nhắc nhở 4 chị em chúng tôi cần phải học. Ba nói nhiều tới mức chúng tôi ngấm vào máu lòng khao khát học lúc nào không hay”, Đặng Thành Tâm bắt đầu cuộc trò chuyện với phóng viên bằng sự hồi tưởng về người cha trong một quán café tại phố Ngô Quyền - Hà Nội.

Người ta nhắc đến Đặng Thành Tâm nhiều trên sàn chứng khoán nhưng ít ai ngờ trước khi tỏa sáng, chàng thanh niên Tâm đã từng bị... thất nghiệp. Hồi đó, ngành hàng hải đang rất "hot" bởi mỗi chuyến đi thủy thủ được trợ cấp 50 USD. Nhưng sau này, chuyến tàu ít đi, vậy là hai năm trời chàng thanh niên Tâm bơ vơ. Đến khi "dạt" vào làm ở công ty của chị gái, tố chất kinh doanh mới được thổi bùng lên. Sau này khi đã trở thành doanh nhân nổi tiếng, ít ai biết, tiền góp vốn đổ vào các tập đoàn của người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam có đến 80% phải đi vay. Nhưng cái giỏi của ông là biến những khoản vay đó trở thành lợi nhuận kếch xù. Theo ông, cuộc đời kinh doanh là những thách đố, đầy rẫy niềm vui và cũng không ít nỗi buồn mà con người phải đánh đu.
"Khó để tìm mọi thứ vẹn tròn. Nguyên lý cuộc đời là nước luôn chảy chỗ trũng. Nghệ thuật ở chỗ làm sao đào hố của mình sâu hơn để nước chảy vào", vị Chủ tịch hóm hỉnh.

Từng học khoa điều khiển tàu biển, ngành sỹ quan chỉ huy, tốt nghiệp thêm bằng luật, MBA, để rồi trở thành một doanh nhân nổi tiếng, là thành viên hội đồng tư vấn kinh doanh APEC, thành viên hội đồng tư vấn cao cấp chương trình hoạt động hậu WTO của Chính phủ, nhưng đối với Đặng Thành Tâm, những ngày tháng lênh đênh trên biển đã tác động đến tính cách ông nhiều nhất. Công tác sỹ quan chỉ huy dạy cho chàng thanh niên trẻ biết cách ra lệnh, đối mặt với bão tố và lên kế hoạch cho những chuyến đi dài ngày. Đến sau này, khi trở thành một CEO thành đạt, chính nguyên tắc chỉ huy thẳng thắn dứt khoát ấy đã giúp cho ông vững vàng chèo lái con thuyền doanh nghiệp gặt hái thành công.


Khủng hoảng kinh tế năm 1997- 1998 đánh sập nhiều doanh nghiệp thì Khu công nghiệp Tân Tạo, nơi ông từng làm Tổng giám đốc lại coi khủng hoảng là… ân nhân. Chi phí cho Dự án Tân Tạo hết khoảng 32 triệu đôla, vốn điều lệ công ty chỉ vẻn vẹn 1 triệu đôla, đang loay hoay không biết xoay đâu ra tiền thì chạm trán ngay khủng hoảng. Nhưng cũng chính nhờ nó mà Đặng Thành Tâm có cơi hội tiếp cận vốn vay ngân hàng. Trong khi nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa vì suy thoái, thì Đặng Thành Tâm đã chớp cơ hội giá vật liệu xây dựng giảm 50%, được Nhà nước hỗ trợ lãi suất, ông mạnh dạn vay vốn xây nhà xưởng. Xây xong cũng là lúc khủng hoảng đi qua, giá cả phục hồi, vậy là lãi được gấp đôi.


Chiến thuật tương tự được vị doanh nhân này áp dụng trong cuộc khủng hoảng năm 2008. Lúc thị trường đi xuống, nhiều doanh nghiệp phải bán tháo bất động sản, ông đã tranh thủ mua lại với giá rẻ ở khu Ngoại giao đoàn, đường Láng Hạ (Hà Nội) và ẵm luôn 1 ha đất ở quận Bình Tân (TP HCM) với giá 2 triệu đồng mỗi m2. Chiến công lớn gây xôn xao dư luận gần đây của Đặng Thành Tâm là đánh bật nhiều đối thủ nặng ký để giành được dự án khách sạn 5 sao Lotus, một trong những dự án hàng đầu Hà Nội với tổng mức đầu tư lên tới 500 triệu USD do Tập đoàn Riviera (Nhật Bản) làm chủ đầu tư trước đó. Nhờ vậy mà thị trường ốm yếu, Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc vẫn có hàng nghìn tỷ trong tài khoản.
 
Ông Đặng Thành Tâm cùng Thủ tướng Nhật Bản tại hội nghị ABAC năm 2009
Là người giàu nhất trên sàn chứng khoán năm 2007 và năm nay, nhiều người tin rằng, một lần nữa cái tên Đặng Thành Tâm sẽ lại được xướng danh. Chia sẻ cảm xúc này, Đặng Thành Tâm nói, ông lấy làm vui, vì được mọi người tin tưởng. Song, điều khiến ông tự hào nhất vẫn là muốn được trở thành một CEO tài ba, bởi theo ông, đó mới là hạnh phúc nhất của người làm lãnh đạo.

Nói về những thất bại của đời mình, vị chủ tịch cười tươi:
“Đời tôi thất bại nhiều rồi, nhưng tôi coi đó là những chi phí cuộc đời bắt mình đánh đổi. Tôi tập cho mình thói quen không kêu than mà sẵn sàng chấp nhận”.

Thất bại lớn mà ông nhớ mãi là chật vật kêu gọi vốn đầu tư cho khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh). Quay cuồng vay vốn khắp nơi không ai cho, kêu gọi thành viên Tân Tạo góp sức cũng không được, ông tưởng mình chết chắc khi dự án còn đang phôi thai mà nguồn vốn không có. Bơ phờ, mệt mỏi, nhưng ông xác định rõ, nếu không có vốn đầu tư thì sẽ mất tất cả, công sức bao lâu sẽ đổ hết xuống sông biển. Nghĩ vậy, ông lại lao đi khắp nơi, tất tả kêu gọi đầu tư. Nhờ duyên may gặp gỡ kèm tài thương thuyết, vị Tổng Giám đốc trẻ tuổi đã thuyết phục được nhiều nhà đầu tư rót vốn. Đến nay, sau gần chục năm, Khu công nghiệp Quế Võ đã có hơn 50 dự án đầu tư được cấp phép và đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư hàng trăm triệu đôla và hàng nghìn tỷ đồng. Ông ví chấp nhận thất bại như việc gieo hạt chờ cây nẩy mầm. Khi gieo 10 hạt giống, chỉ cần hai cây sống là đã thành công.
"Hai cây sống sót thì phải chiết cành. Tôi đã phải học cách chiết để nhân rộng thành công”, vị Chủ tịch tâm sự.

Ít ai biết rằng thời gian rảnh rỗi vị CEO 46 tuổi này được thư giãn bằng những bộ phim hành động hoặc lang thang vỉa hè kiếm những món ăn mà khách sạn 5 sao không bao giờ có như cá kho dưa, cá chiên, rau muống... Ra Hà Nội, ông lại tranh thủ lượn lờ mấy quán ăn vỉa hè ở phố Hai Bà Trưng để rồi mỗi khi công an đuổi lại chạy bán sống bán chết. Bôn ba chinh chiến trên thương trường suốt 14 năm, song đối với Đặng Thành Tâm, thành công lớn nhất của cuộc đời vẫn là chinh phục được "bà xã". Tự nhận mình là kẻ "xấu trai", suốt ngày lọc cọc chiếc xe đạp, ông thấy số mình quá may mắn khi cách đây hai chục năm được cô gái sắc nước hương trời kém mình 6 tuổi để mắt tới và sau này trở thành mẹ của các con ông.


Đối với ông, công việc kinh doanh thú vị, song gia đình vẫn là điều quan trọng nhất. Không muốn con cái xa rời mình, dù bận đến đâu ông cũng cố gắng lắng nghe suy nghĩ của lũ trẻ. Giật mình, ngã ngửa người khi tình cờ đọc được lời trách "ba không quan tâm đến chúng con" của cô con gái 13 tuổi trên ... blog, người cha ngoài tuổi tứ tuần chột dạ xem lại mình.
"Có những lúc con bật nhạc "tằng tằng" nghe chối hết tai nhưng tôi vẫn cố nghe để hiểu. Đến lúc hiểu rồi thì thấy bài hát cũng rất thú vị", ông chia sẻ.

Kể về dự định trước mắt, Đặng Thành Tâm nói, ông muốn khẳng định hình ảnh và vị thế của Kinh Bắc tại Hà Nội, TP HCM và tập trung phát triển Công ty cổ phần Khoáng sản Sài Gòn Quy Nhơn. Và một bí mật được "bật mí", ông còn phải dành thời gian để học... nhảy đầm, đánh golf.
"Hai năm nữa tôi sẽ lui về làm cố vấn. Đóng góp với cuộc đời là vô tận, mình làm mãi rồi, cũng phải để cho lớp trẻ đi lên chứ", ông cười tươi hóm hỉnh.

Người viết : DNTĐ - Nguồn vnexpress

DN - Lê Trí Thông - Trở thành nhà quản trị hoàn hảo là khát khao lớn nhất của anh


Mới bước qua tuổi 31, Lê Trí Thông đã được nhắm vào vị trí Tổng giám đốc của Ngân hàng cổ phần Đông Á (DongABank) trong thời gian tới, thay cho vị CEO nổi tiếng Trần Phương Bình.


"Khi nhận thông tin này, tôi thực sự rất vui. Vì đó là sự ghi nhận lớn dành cho những đóng góp của cá nhân đối với ngân hàng", anh bộc bạch.
Tuy nhiên, Thông cho biết anh không ảo tưởng hay quá vui mừng. "Vị trí CEO đòi hỏi nhiều phẩm chất và sẽ dành cho người phù hợp nhất ở thời điểm đó nên cơ hội dành cho tất cả mọi người xứng đáng. Mục tiêu lớn nhất của tôi là trở thành một nhà quản trị xuất sắc và góp sức cho sự lớn mạnh của tổ chức - dù khi đó đang nắm giữ vị trí nào", anh nhấn mạnh.
Năm 2004, khi 25 tuổi, anh là một sinh viên trẻ tuổi nhất được trường kinh doanh SAID - Đại học Oxford nhận vào học chương trình MBA. Chính sự “đặc cách” này mà anh nhiều phen lao đao khi phải "so tài" với những “tiền bối” đồng khóa.
Trở thành nhà quản trị hoàn hảo là khát khao lớn nhất của anh. Ảnh: NVCC
Anh cho biết, những người cùng lớp ai nấy đều là thạc sĩ, tiến sĩ, giảng viên đại học… và phần lớn đều đến từ các nước phát triển. Trong khí đó, anh chỉ là một sinh viên ‘baby”, kiến thức cũng như kinh nghiệm đều kém hơn, ngoại ngữ thì hạn chế…
Chưa hết, phương pháp học cũng rất khác với các bạn ở đây. Do đó, mỗi lần làm việc nhóm, Thông gặp không ít khó khăn. Áp lực vì thế ngày càng đè nặng. “Có lúc, tôi cảm thấy rất tự ti và tự dằn vặt mình tại sao phải 'chui' vào cái chốn khổ ải này. Nhưng rồi, chính sự tự ti ấy lại dấy lên trong tôi một quyết tâm phải học bằng mọi giá và không được chùn bước”, anh cho biết.
Trong học kì đầu tiên, để theo kịp chương trình, Thông dành toàn bộ thời gian thư giãn cho việc học. Nhiều đêm anh chỉ ngủ 3-4 tiếng đồng hồ để thức đọc sách, nghiên cứu tài liệu... Chưa đầy 4 tháng, anh sụt hơn 4kg.
Sau kỳ học đầu tiên, cậu sinh viên "baby" đã bắt kịp với cách học tại đây và có thời gian để giao lưu, tham dự hội thảo... Anh không những bắt kịp chương trình so với các bạn cùng khoá mà còn đoạt luôn học bổng toàn phần duy nhất của chương trình MBA – học bổng Naomi Molson Scholar dành cho sinh viên xuất sắc và có tiềm năng phát triển sự nghiệp. Năm sau đó, anh nhận được giải thưởng tốt nghiệp xuất sắc tại Đại học Oxford.
Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo MBA, anh có thời gian ngắn làm việc tại tập đoàn Exxon Mobil (Anh) trước khi về Việt Nam. Năm 2007, khi đang là Tổng giám đốc Công ty cổ phần TIE - một trong những nhà phân phối lớn nhất Việt Nam về điện tử, công nghệ thông tin và viễn thông, anh đã nhen nhóm tình yêu đối với ngành tài chính.
Thời gian đó, anh “bén duyên” cùng Ngân hàng Đông Á bằng việc đóng góp những ý tưởng triển khai các dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin tại nhà băng này. Đến năm 2008, Thông chính thức đầu quân cho DongAbank và kiêm nhiệm nhiều vị trí cấp cao như: Phó tổng giám đốc ngân hàng, Chủ tịch Công ty Kiều hối Đông Á, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thẻ Thông Minh Vi Na...
Khi tiếp nhận vai trò Chủ tịch Công ty Kiều hối Đông Á, anh bắt tay ngay vào việc sắp xếp và tái cấu trúc lại hệ thống quản lý. Bên cạnh đó, anh xuống tận nơi để hướng dẫn nhân viên cách làm việc mới. Thay vì ngồi ở văn phòng như trước đây, Thông khuyến khích mọi người tự đi ra thị trường dò xét tình hình, theo dõi động thái của công ty bạn. Chính anh cũng thường xuyên ra ngoài thăm dò tình hình để có thể đưa ra những chính sách làm việc sát với biến động của thị trường.
Sau hơn 2,5 năm, anh cùng đồng nghiệp xây dựng được một văn hóa làm việc mới trong công ty, ứng dụng thành công công nghệ thông tin, đưa ra các sản phẩm mới mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng... góp phần đưa tổng doanh thu kiều hối năm 2010 ước đạt hơn 1,2 tỷ USD. Công ty cũng tăng trưởng hơn 2,5 lần về lợi nhuận và là tổ chức duy nhất tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhận được giải thưởng của Hiệp hội các mạng lưới chuyển tiền quốc tế (IAMTN), sánh vai cùng 6 tổ chức chuyển tiền hàng đầu thế giới.
Với “đứa con” mới của DongAbank - Công ty cổ phần Thẻ thông minh Vi Na, anh gần như phải bắt tay vào xây dựng từ đầu. Ngoài việc thiết lập được một bộ máy vận hành tốt, sản phẩm nổi bật mà công ty chế tạo và thương mại hóa thành công là máy ATM nhả vàng đầu tiên tại Việt Nam. Để có thể giới thiệu chiếc máy ATM nhả vàng "Made in Vietnam" ra thị trường, anh và và các cộng sự đã mất 2 năm và nhiều đêm mất ngủ.
Bên cạnh đó, công ty còn thực hiện thành công việc kết nối liên mạng ATM & POS toàn quốc cùng với Smartlink, Banknetvn, ra đời nền tảng thanh toán điện tử VNBC. Chưa hết, công ty còn nghiên cứu và phát triển thành công thiết bị tiết kiệm năng lượng cho máy ATM đầu tiên tại Việt Nam.
Thông cho biết, dù máu kinh doanh đã bắt đầu từ năm 10 tuổi, nhưng anh lại quyết định thi đại học chuyên ngành kỹ thuật. Anh là kỹ sư Công nghệ hóa học, thực phẩm hạng xuất sắc, đứng đầu danh sách tốt nghiệp của Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP HCM năm 2002.
Việc chọn chuyên ngành kỹ thuật do ảnh hưởng của bố vốn là một doanh nhân xuất thân từ dân kỹ thuật. Định hướng học hành này càng được củng cố khi anh đọc cuốn tự truyện “Đời kinh doanh” của Lee Iaccoca - vị Tổng giám đốc huyền thoại đã vực dậy hãng ôtô trên bờ vực phá sản (Chrysler). Ông này được anh coi như một thần tượng, cũng xuất thân từ dân kỹ thuật.
Phó Tổng giám đốc luôn tâm niệm "khát khao chính là điểm tạo nên thành công và sự khác biệt giữa nhiều người. Ảnh: NVCC
Anh nghiệm ra rằng, giữa kỹ thuật và kinh doanh có mối dây liên hệ rất chặt chẽ - vừa đối lập vừa tương hỗ. Những người vốn là dân kỹ thuật thường có tư duy khoa học, logic và sự điềm tĩnh. Trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, họ vẫn có thể kiểm soát tốt tình huống. Còn một nhà kinh doanh thường đi kèm với sự linh hoạt và chấp nhận mạo hiểm trong công việc. "Điều quan trọng nhất là phải hài hòa giữa hai con người này", anh chia sẻ.
Tuy khác thế hệ với ông Trần Phương Bình - vị Tổng giám đốc đương nhiệm của Ngân hàng Đông Á, nhưng Thông luôn có chung sự chia sẻ, và khát khao đưa ngân hàng theo hướng chuyên nghiệp và bài bản về mặt quản trị. Có thể đó cũng là một trong những lý do quan trọng giúp anh chiếm được sự tín nhiệm từ vị CEO đương nhiệm.
Theo Thông, giữa hai thế hệ quản trị hiện tại ở Đông Á có chung những khát khao lớn và tính trách nhiệm rất cao, nhưng do xuất phát điểm và tư duy khác nhau nên có những điểm khác biệt. Lực lượng tiền bối là những người có thâm niên kinh nghiệm với mối quan hệ rộng. Còn doanh nhân trẻ là người được đào tạo bài bản, có khả năng tạo ra những sản phẩm dịch vụ táo bạo, độc đáo; kiến thức được trui rèn vững chắc. "Nếu có sự kết hợp cả hai thì sẽ tạo nên sức mạnh tổng lực cho một tổ chức", anh khẳng định.
Anh bộc bạch, tham gia vào lĩnh vực tài chính chưa lâu nhưng nó đã tạo cho anh rất nhiều lực hút. Bởi lẽ, đây là một lĩnh vực có sự kết hợp rất chặt chẽ giữa logic của khoa học với tính hành vi của con người. "Để thành công trong một môi trường cạnh tranh gay gắt này, quan trọng nhất là yếu tố cân bằng. Cân bằng giữa lý tính và cảm tính, giữa công việc và cuộc sống; giữa lợi ích cổ đông, nhân viên và khách hàng, dài hạn và ngắn hạn", Thông chia sẻ.
Bên cạnh yếu tố tự cân bằng, thành công của anh ngày hôm nay còn bắt nguồn từ người bố. Ông hầu như chưa bao giờ áp đặt cho anh điều gì mà chỉ đem lại cho con trai những lời khuyên và cơ hội tiếp xúc với nhiều người khác nhau trong giới kinh doanh. “Trong những cuộc họp, bên cạnh bố xuất hiện một cậu nhóc kè kè không còn là chuyện lạ với nhiều người. Nhờ vậy, kinh nghiệm thương trường của tôi được hình thành ngay từ nhỏ”, Thông tâm sự.
Ngoài ra, với anh, khát khao bao giờ cũng là điểm làm nên sự khác biệt giữa những người trẻ. "Ai có ước mơ lớn, dám chấp nhận thử thách, chấp nhận thất bại, dám đi trên những con đường xa và đầy chông gai... thì thành công sẽ đến. Còn những bạn trẻ có khát khao nhỏ, tư duy tìm công việc nhẹ nhàng... thì trước sau gì cũng có ngày 'giấc mơ con đè nát cuộc đời con'", anh chia sẻ.

Người viết : DNTĐ - Nguồn vnexpress

6 bí quyết của các doanh nhân thành đạt



Bạn muốn dấn thân vào thương trường? Bạn muốn biến đam mê thành sự nghiệp tươi sáng? Ngoài năng lực, bằng cấp, kinh nghiệm, bạn còn cần phải biết một số bí quyết. Dưới đây là 6 bí quyết mà các doanh nhân thành đạt muốn chia sẻ với bạn.

Công việc quan trọng nhất xuất hiện trước khi khởi nghiệp

Điều đầu tiên mà các doanh nhân thành đạt làm trước khi bắt tay vào kinh doanh là nghiên cứu rộng khắp để chắc chắn rằng họ hiểu rõ thị trường, đối thủ cạnh tranh và nhu cầu mà họ có thể đáp ứng. Họ hiểu rằng các dịch vụ của họ sẽ không mang lại hiệu quả nếu họ không nhận biết được những thách thức phải đương đầu và những cơ hội phải nắm bắt. Doanh nhân giỏi luôn biết chuẩn bị. Họ lập kế hoạch kinh doanh, đặt ra các mục tiêu và tạo dựng tất cả nền móng cần thiết trước khi hành động.
Kiếm tiền nhờ làm việc không lương
Nhiều doanh nhân đặt nền móng cho công việc kinh doanh của họ bằng cách tham gia vào các dự án tình nguyện tại cộng đồng để nắm bắt cơ hội, tạo các mối liên kết, và bắt đầu công việc mang tính then chốt, “sống còn” là xây dựng các mối quan hệ.
Vì thế, bạn hãy tích cực tham dự các cuộc họp, hội nghị, diễn đàn để xem đâu là cái người ta đang cần và nói thẳng để họ biết bạn có thể làm gì. Sẽ ngày càng có nhiều người biết đến công việc kinh doanh của bạn. Họ chính là các khách hàng tiềm năng.
Cơ hội tốt đến mọi lúc mọi nơi
Đôi khi cơ hội xuất hiện vào những lúc chúng ta ít mong chờ nó nhất. Các doanh nhân thành đạt luôn “căng tai căng mắt” dò tìm cơ hội trong mọi thời điểm.
Bạn phải luôn sẵn sàng nói về công việc kinh doanh của mình bất cứ lúc nào và ở bất cứ địa điểm nào. Bí quyết là đặt mình vào vị trí luôn chờ đợi các cơ hội tiềm năng.
“Cá nhỏ hóa cá lớn”
Đôi khi những người chủ doanh nghiệp dành tất cả thời gian tìm kiếm “cá lớn” và lờ đi những chú “cá nhỏ”. Tuy nhiên trong thực tế, khởi đầu với các khách hàng cùng những giao dịch nhỏ nhất có thể tạo ra những cơ hội lớn.
Vì vậy, dù các dự án có nhỏ đến đâu, hãy nhận và hoàn thành thật tốt, sau đó tiên phong hành động để biến những cơ hội đó từ nhỏ thành lớn.
Say mê là chìa khóa
Muốn thành công, phải làm việc miệt mài. Phải yêu cái bạn đang làm. Dành thật nhiều thời gian và tâm huyết. Bắt đầu kinh doanh sẽ có rất nhiều thách thức, nhưng nó sẽ rất có giá trị nếu bạn có cơ hội thực hiện những ước mơ về sự nghiệp của bạn mỗi ngày.
Xây dựng các mối quan hệ cá nhân là cách tự tiếp thị tốt nhất
Bạn có thể chi cả đống tiền để quảng cáo nhưng bạn sẽ tạo được tiếng vang lớn hơn rất nhiều nếu biết chịu khó “làm quen”. Hãy tham gia vào các tổ chức ở cộng đồng, hay các nhóm doanh nghiệp địa phương, và tham dự các hoạt động hay sự kiện để gặp gỡ những nhân vật mới. Bất cứ ai cũng có thể mang đến cho bạn một dự án hay một hợp đồng hấp dẫn một ngày nào đó.
Theo CareerBuilder

Những điều làm nên một doanh nhân thành đạt


Điều gì làm nên một doanh nhân thành đạt. Sau một thời gian nghiên cứu, người ta nhận thấy giữa các doanh nhân thành đạt có rất nhiều điểm chung khiến họ thành công mà ta có thể học tập.
1. Không bao giờ tự hài lòng.  Họ luôn đặt ra những đặt mục tiêu cao hơn. Giống như một nhà leo núi, khi leo lên đến đỉnh của một ngọn núi, họ lại đặt ra mục tiêu phải trèo lên một đỉnh núi cao hơn. Đối với một doanh nhân thành đạt, giậm chân tại chỗ có nghĩa là thụt lùi. Những người tự hài lòng với bản thân sẽ không có sáng tạo trong những lần làm ăn tiếp theo, họ mua những mặt hàng giống như lần trước, áp dụng những cách thức quảng cáo giống như lần trước và nếu như doanh thu không đạt được bằng lần trước thì họ lại đổ lỗi cho thời tiết hay tình hình kinh tế chung mà không nghĩ rằng bản thân mình mới là nguyên nhân chính.
2. Họ cố gắng làm việc vì khách hàng và những thành tựu sẽ đạt được chứ không phải vì tiền. Steve Jobs, người thành lập ra hãng máy tính Apple luôn đặt khách hàng lên vị trí hàng đầu. Ông cho biết không có gì tuyệt vời hơn khi được nhìn người mua xếp hàng đợi khi cửa hàng chưa mở.
3. Những doanh nhân thành công luôn nỗ lực để tìm cách giải quyết chứ không chịu nhận lời phàn nàn hay mất thời gian cho việc đổ lỗi. Giả sử bạn thông báo với một người mua là sẽ giao hàng sau một tuần nhưng vị khách đó tỏ ra không hài lòng. Bạn sẽ nhún vai và nói: “Không phải lỗi của chúng tôi. Phải cần chừng đó thời gian thì chúng tôi mới giao hàng được.” hay “Mình phải làm cách nào để giải quyết chuyện này nhỉ?”. Những doanh nhân thành đạt luôn chọn cách thứ hai. Họ luôn cố gắng hết mình.
4. Trước khi bắt tay vào một công việc, những doanh nhân thành công luôn lường trước được các rủi ro. Họ luôn đặt câu hỏi:"Điều tồi tệ nhất nào có thể xảy ra nếu ta thực hiện kế hoạch này?" và nếu xét thấy có thể mạo hiểm được thì họ sẽ bắt tay vào làm. Nhưng khi đã quyết định làm thì họ sẽ làm với sự quyết tâm, tự tin và vận dụng mọi kiến thức, kỹ năng cần thiết.

Người viết : DNTĐ – Nguồn Sức Trẻ Việt Nam

10 tỷ phú giàu nhất châu Phi

Lần đầu tiên tung ra danh sách 40 người giàu nhất châu Phi, Forbes đã cho thấy tầm quan trọng của “lục địa đen” đối với thế giới. Tổng tài sản của các đại gia này lên tới 64,9 tỷ USD, trong đó có 16 người là tỷ phú.
Nam Phi đóng góp tới 15 người trong danh sách, theo sau là Ai Cập với 9 người, Nigeria với 8 người và Ma-rốc với 5 người. Tuy nhiên, nếu xét về số lượng tỉ phú thì Ai Cập lại là nhiều nhất với 7 trên tổng số 16 người.
Có sáu quốc gia ở châu Phi có mặt trong danh sách. Độ tuổi trung bình của những người trong danh sách này là 61 và tất cả 40 người đều là đàn ông. Dưới đây là top 10 người giàu nhất châu Phi.

1. Aliko Dangote

Dangote năm nay 54 tuổi nhưng đã sở hữu khối tài sản trị giá 10,1 tỉ USD. Ông là nhà sáng lập kiêm CEO của tập đoàn Aliko Dangote chuyên về hàng hóa và vật liệu xây dựng, được mệnh danh là vua xi măng của châu Phi. Dangote Cement được niêm yết trên sàn chứng khoán Nigeria vào cuối năm ngoái và hiện đang là công ty có giá trị lớn nhất trên sàn. Về sau, ông thành lập tập đoàn Dangote Group - kết hợp sản xuất xi măng, tinh luyện đường, xay bột và sản xuất muối. Ông còn là một nhà từ thiện nổi tiếng khi hào phóng chi ra hàng triệu USD cho việc chăm sóc sức khỏe, giáo dục cộng đồng và giải quyết các vấn đề xã hội.

2. Nicky Oppenheimer

Trùm kim cương 66 tuổi của Nam Phi Nicky Oppenheimer xếp thứ 2 với 6,5 tỉ USD. Ông là chủ tịch của công ty khai thác kim cương DeBeers, tuy nhiên đầu tháng 11 vừa rồi, ông đã tuyên bố bán toàn bộ số cổ phần của mình trong công ty, chấm dứt hơn 80 năm thống trị của gia đình Oppenheimer. Oppenheimer có niềm đam mê đặc biệt đối với trực thăng và criket. Ông cũng là ông chủ của Tswalu Kalahari Reserve - khu giải trí lớn nhất Nam Phi

3. Nassef Sawiris

Về thứ 3 là tỉ phú người Ai Cập Nassef Sawiris của công ty xây dựng Orascom. Năm nay 50 tuổi và có số tài sản trị giá 4,75 tỉ USD, Nassef Sawaris đang sở hữu công ty có giá trị giao dịch thị trường lớn nhất Ai Cập - Orascom Construction - được thành lập bởi cha ông là Onsi Sawaris. Công ty tài chính quốc tế IFC của World Bank đã đầu tư 50 triệu USD vào cổ phiếu của Orascom Construction trong năm 2011. Ngoài ra, Sawiris còn nắm cổ phần lớn trong đại gia xi măng Lafarge và Texas Industries.

4. Johann Rupert

Johann Rupert năm nay 61 tuổi, sở hữu khối tài sản trị giá 4,7 tỉ USD. Ông là chủ tịch kiêm CEO của tập đoàn kinh doanh hàng xa xỉ Richemont của Nam Phi, sở hữu các nhãn hàng tên tuổi như Vacheron Constantin, Cartier, Alfred Dunhill, Montblanc và Chloé. Doanh thu của Richemont đã tăng hơn 30% kể từ đầu năm nay do sự phục hồi kinh tế và nhu cầu hàng xa xỉ đang lên từ châu Á. Ông cũng là một trong bốn tỉ phú người Nam Phi trong danh sách này.

5. Mike Adenuga

Mike Adenuga năm nay 56 tuổi, là nhà tài phiệt người Nigeria với số tài sản lên tới 4,3 tỉ USD. Ông là chủ tịch công ty khai thác dầu mỏ lớn nhất Nigeria, sản xuát ra hơn 100.000 thùng dầu mỗi ngày. Ngoài ra, ông còn sở hữu hãng viễn thông di động lớn thứ 2 Nigeria - Globalcom. Ở Nigeria, Mike Adenuga nổi tiếng là người ưa riêng tư và an toàn, vì thế mỗi lần xuất hiện, ông chỉ đi ô tô chống đạn với tài xế riêng và hàng tá vệ sĩ.

6. Naguib Sawiris

Năm nay 57 tuổi, vị tỉ phú Ai Cập này có tổng tài sản trị giá 2,9 tỉ USD. Ông chính là người đã gây dựng nên Orascom Telecom và bán lại cho người khổng lồ viễn thông Vimpelcom của Nga vào tháng 4/2011 với giá 6,5 tỉ USD, đồng thời trở thành một trong những cổ đông lớn nhất của tập đoàn này. Ông cũng tham gia hoạt động chính trị và đã lập nên đảng Ai Cập tự do, chủ trương thúc đẩy tự do thương mại và nền tảng thực tế.

7. Miloud Chaabi

Miloud Chaabi năm nay 82 tuổi và là một doanh nhân người Ma-rốc hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Khối tài sản của ông được định giá là 3 tỉ USD. Chaabi là chủ tịch của Ynna Holding, hoạt động trong lĩnh vực xây nhà, khách sạn, siêu thị và năng lượng tái tạo. Ông từng là một thành viên Quốc hội, và tháng 2 vừa rồi, ông đã cùng những người biểu tình diễu hành đến Quốc hội để yêu cầu chấm dứt tình trạng tham nhũng trong kinh tế và chính trị.

8. Cristoffel Wiese

Tỉ phú “Cristo” của Nam Phi năm nay 70 tuổi và có tổng tài sản trị giá 2,7 tỉ USD. Ông là chủ tịch hội đồng quản trị kiêm cổ đông lớn nhất của chuỗi siêu thị bán lẻ giá rẻ lớn nhất châu Phi. Ông cũng nắm trong tay tới 40% cổ phần trong chuỗi cửa hàng thời trang giảm giá Pepkor.

9. Onsi Sawiris

Onsi Sawiris năm nay 81 tuổi, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và sở hữu khối tài sản trị giá 2,6 tỷ USD. Ông là giàu thứ ba tại Ai Cập, đồng thời là người đứng đầu gia đình giàu có nhất nước này. Cả ba người con trai của ông là Naguib Sawiris, Samih Sawiris, Nassef Sawiris đều rất thành công trong việc điều hành ba công ty của tập đoàn Orascom là Orascom Telecom, Orascom Hotels and Orascom Construction.

10. Patrice Motsepe

Patrice Motsepe năm nay 48 tuổi và là chủ tịch hội đồng quản trị của công ty khai thác vàng Harmony Gold Mining ở Nam Phi từ năm 2003. Ngoài ra, ông còn là đối tác liên doanh của một trong số những công ty luật lớn nhất Nam Phi là Bowman Gilfillan. Năm 2002, ông được bầu chọn là nhà lãnh đạo của năm bởi các CEO trong top 100 công ty hàng đầu Nam Phi. Cũng trong năm đó, ông được nhận giải thưởng Nhà khởi nghiệp xuất sắc nhất của Ernst&Young. Motsepe hiện là chủ tịch của Cộng đồng doanh nghiệp Nam Phi, đồng thời sở hữu câu lạc bộ bóng đá Mamelodi Sundowns.
 

Theo Forbes

Những đại gia Việt khởi nghiệp từ Đông Âu


Khá nhiều doanh nhân nổi tiếng hiện tại đã gây dựng cơ nghiệp tại các nước Đông Âu như ông Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Đăng Quang, Nguyễn Cảnh Sơn...
Ông Phạm Nhật Vượng (1968) – Chủ tịch Tập đoàn Vingroup
Ông Phạm Nhật Vượng- Chủ tịch tập đoàn Vingroup – hiện tại là người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ông Vượng khởi nghiệp tại Ukraine từ đầu những năm 1990 , gây dựng tập đoàn Technocom - được biết đến nhiều với sản phẩm mì ăn liền “Mivina”.
Tập đoàn Technocom hiện nay đã chuyển trụ sở về Việt Nam, đổi tên thành Vingroup chuyên hoạt động trong lĩnh vực bất động sản cao cấp.
Ông Nguyễn Cảnh Sơn (1967) - Chủ tịch Eurowindow Holding
Ông Nguyễn Cảnh Sơn khởi nghiệp tại Liên bang Nga năm 1994 với việc thành lập công ty T&M Trans. Năm 2007, Eurowindow Holding được thành lập để quản lý các dự án đầu tư tại Việt Nam của tập đoàn T&M Trans, chủ yếu trong các lĩnh vực bất động sản, VLXD, tài chính... Các công ty thành viên của Eurowindow gồm có: CTCP Cửa sổ nhựa Châu Âu, Trung tâm thương mại Mê Linh Plaza, CTCP Incentra…
Ông Nguyễn Cảnh Sơn hiện giữ chức Chủ tịch HĐQT của Eurowindow Holding, CTCP Đầu tư T&M Việt Nam; thành viên HĐQT Techcombank.
Ông Sơn hiện còn là chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài.
Lê Viết Lam (1969)- Chủ tịch Tập đoàn Sun Group
Ông Lê Viết Lam là một trong những người đã cùng kinh doanh tại Ukraina với ông Phạm Nhật Vượng. Sau đó, ông Lam tách riêng thành lập Sun Group. Sun Group cũng hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, với nhiều dự án bất động sản du lịch như Bà Nà Hill, Bà Nà Hills French Village, SunCity Plaza Saigon...
Nguyễn Đăng Quang (1963), Hồ Hùng Anh (1970) – Tập đoàn Masan
Nếu như ông Phạm Nhật Vượng nổi tiếng với mì tôm tại Ukraina thì ông Nguyễn Đăng Quang cùng các thành viên khác của Tập đoàn Masan nổi tiếng với mì tôm tại Nga. Trong số những doanh nghiệp thành công với mì tôm tại Đông Âu thì hiện chỉ có Tập đoàn Masan là tiếp tục kinh doanh mặt hàng này tại Việt Nam (mì Omachi, Tiến Vua là những sản phẩm của Masan).
Hiện ông Nguyễn Đăng Quang, ông Hồ Hùng Anh chia nhau các vị trí lãnh đạo của các doanh nghiệp thuộc Masan như CTCP Tập đoàn Masan, CTCP Hàng tiêu dùng Masan, Techcombank…

Ông Hồ Hùng Anh hiện là người giàu thứ 6 trên TTCK Việt Nam. Do không trực tiếp đứng tên sở hữu cổ phiếu nên không xác định được giá trị tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang.


Bà Nguyễn Hoàng Yến - vợ ông Quang - là người giàu thứ 5 trên TTCK.


Ông Đặng Khắc Vỹ - thành viên HĐQT ngân hàng VIB

Ông Đặng Khắc Vỹ là một trong những thành viên sáng lập VIB. Ông là Tiến sỹ Kinh tế và đã có nhiều năm làm việc tại nhiều nước trên Thế giới như Cộng hòa Liên bang Nga, Singapore...

Được biết, ông Vỹ cũng từng kinh doanh mì gói tại Nga và đã "chiến thắng" sản phẩm mì gói của Masan.
Ông Đặng Khắc Vỹ đang là Chủ tịch Tập đoàn Future Generation - một trong những tập đoàn lớn nhất của người Việt Nam ở nước ngoài, hoạt động tại các quốc gia Đông Âu, Tây Âu và một số quốc gia Châu Á. Sản phẩm của tập đoàn đã hiện diện tại hơn 20 quốc gia trên thế giới.
Trịnh Thanh Huy (1970) - Chủ tịch Bất động sản Bình Thiên An
Ông Trịnh Thanh Huy hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Cty Cổ phần BĐS Bình Thiên An – nổi tiếng với dự án Đảo Kim Cương và Metropolis Thảo Điền tại TP.HCM. Đồng thời ông Huy còn là sáng lập viên CTCP thương mại Đầu tư HB, thực hiện nhiều thương vụ M&A với các công ty như Vinafco, Beton 6, Descon…
Ông Huy từng kinh doanh mỳ ăn liền và thức ăn nhanh tại Nga trong giai đoạn 1994-1999 và Phó Chủ tịch của Tập đoàn Masan trong thời gian từ 1994-2006.
DĐDN

Vị giám đốc 29 tuổi và lý lịch 4 lần nhảy việc



Ở tuổi 29, trong lý lịch Nguyễn Duy Minh có bốn lần “nhảy việc” và hiện là giám đốc một Công ty chuyên tư vấn, thiết kế, phát triển và tiến hành các chương trình đào tạo do anh sáng lập và điều hành.
Không tự bằng lòng
Nguyễn Duy Minh trong một lớp hướng dẫn các bạn trẻ xây dựng đam mê và hoạch định cuộc đời do Trường Đào tạo cán bộ TP.HCM tổ chức.
Năm 2005, tôi rời trường ĐH Kinh tế. Mùa hè năm đó tôi được nhận vào ví trị trợ lý giám đốc marketing toàn quốc Công ty dầu ăn Cái Lân. Sau một sáng kiến quan trọng giúp công ty phát triển kênh phân phối mới, tôi được bổ nhiệm vào vị trí trưởng phòng marketing khu vực miền Tây và điều hành trực tiếp gần 60 nhân viên. Tiếp theo, tôi tham gia cùng ban giám đốc phụ trách xuất khẩu dầu ăn sang các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc... Năm đó tôi 23 tuổi.
Bạn bè nói tôi thành công, nhiều người bảo tôi ngồi yên mà phát triển. Tôi cảm nhận công việc mình đang làm rất tốt nhưng tôi không thôi nghĩ về bản thân và nhận ra mình còn quá trẻ với quá ít trải nghiệm và kỹ năng sống.
Ở công ty, ngoài đồng nghiệp và cấp trên, tôi chỉ có mối quan hệ với các đối tác không quá 10 người. Tôi nghĩ mình cần phát triển bản thân hơn là khẳng định sự nghiệp ở những vị trí như thế này. Tôi cố gắng hoàn thành tốt công việc nhưng chưa nhận thấy mình đã nỗ lực hết 100% sức lực hay chưa.
Tôi “nhảy sang” Metro Cash & Carry làm việc ở vị trí chăm sóc khách hàng trọng yếu. Con số 200 đối tác quan trọng của công ty cần phải quan hệ thường xuyên thu hút tôi. Công việc hằng ngày là chào hàng và triển khai đơn đặt hàng từ các khách sạn, nhà hàng, công ty lớn ở TP.HCM.
Khi công việc đi vào quỹ đạo, tôi đặt ra những câu hỏi cho mình: Tôi muốn mình là ai? Ai là người tôi thích gặp nhất trong công việc? Việc gì tôi có thể thể hiện hết đam mê? Môi trường làm việc yêu thích của tôi sẽ như thế nào? Mẫu người lãnh đạo trực tiếp tôi thích?
Từ những câu hỏi đó tôi nhận ra mình cần phải thay đổi. Tôi thích là mắt xích lớn trong một mô hình nhỏ hơn làm một mắt xích nhỏ trong một mô hình đồ sộ và muốn để lại một dấu ấn cá nhân. Tôi lại “nhảy việc”.
Tìm ra con đường cho mình
Một người bạn giới thiệu tôi đến với Học viện đào Đạo quản lý VN (ITD VN) vào giữa năm 2007. Đây là một công ty đa quốc gia chuyên thực hiện các khóa đào tạo kỹ năng làm việc, cung cấp chìa khóa xác định đam mê cho người học.
Chính ở nơi đây tôi nhận ra mình thích công việc nghiên cứu những mô hình đào tạo nhân lực và phát triển các chương trình đào tạo để triển khai đến doanh nghiệp. Năm đó tôi 24 tuổi.
Công ty phải liên lạc thường xuyên với các đối tác là lãnh đạo những công ty, tập đoàn lớn để giới thiệu những khóa đào tạo. Lòng tự ti của một cử nhân kinh tế với hai năm kinh nghiệm khiến tôi chột dạ khi... bấm số.
Cảm giác choáng ngợp khi đối diện với những nhân vật trọng yếu trong các công ty, tập đoàn lớn bao lấy tôi. Nhiều nhân viên khác cũng trong tình trạng như vậy. Công ty lúc này xập xệ và có nguy cơ nhiều người bỏ việc.
"Nếu bạn chưa thấy niềm đam mê ở công việc hiện tại thì bạn hãy mạnh dạn bước theo đam mê thật sự của mình vì chắc chắn bạn không thể làm tốt nhất công việc hiện thời. Với tôi, đó là cách sòng phẳng với công việc và với cuộc đời mình", Nguyễn Duy Minh chia sẻ.
Một lần nữa tôi lại hỏi mình: Thấy khó khăn thì có đi tìm giải pháp không? Và liệu tôi đã thật sự cố gắng hết 100% khả năng để vượt qua nỗi sợ hãi này? Hai câu hỏi cốt tử khiến cuộc sống và công việc của tôi xoay chuyển 180 độ. Tôi tìm ra được lối tư duy tích cực hơn trong công việc.
Tôi không lấy khó khăn để giải thích cho thất bại mà kiểm tra lại giải pháp đã phù hợp chưa. Sự giao tiếp với các doanh nghiệp lớn để duy trì mối quan hệ là việc sống còn với công ty và bản thân nên có “khớp” cũng phải “alô”.
Công việc dần ổn định và tốt hơn. Sau hơn một năm, người sếp trực tiếp về lại Malaysia. Tôi được chọn điều hành ITD VN. Lúc này tôi thấy khát khao chinh phục cái mới vẫn còn mạnh mẽ và mong muốn đẩy đam mê của mình lên một tầm mới nên tôi quyết định “nhảy việc” một lần nữa. Khách hàng, đối tác thân thiết đều rất bất ngờ, riêng tôi vẫn tự tin với sự lựa chọn của mình.
Tôi chuyển sang làm giám đốc điều hành Trường phát triển nhân cách và tài năng JRP. Sau một thời gian ngắn cộng tác cùng JRP, tôi nhận ra mục đích của mình và JRP không gặp nhau nên ra đi và quyết định thành lập doanh nghiệp riêng để theo đuổi, xây dựng trọn vẹn đam mê và ước mơ của mình. Nhưng tôi vẫn cộng tác với JRP với vai trò là giảng viên trong một số dự án.
Những lần nhảy việc để đi tìm và cụ thể hóa đam mê của mình, tôi gặp muôn vàn khó khăn phát sinh từ cái mới. Tôi nghiệm ra rằng nếu dịch chuyển góc nhìn, xem mọi việc mình đang làm đều là sự học hỏi thì sẽ bớt áp lực hơn.

Người viết : TTO
Flag Counter