Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

Thái Minh Tần: Từ thợ sửa tivi đến “ông trùm” VTC

Nổi tiếng là người nhạy bén, kiếm tiền giỏi cũng như cách dùng người cực kỳ sòng phẳng nhưng cũng rất đời, “ông trùm” Tổng Công ty Truyền thông Đa phương tiện (VTC), TS Thái Minh Tần, trò chuyện cởi mở cùng Doanh Nhân về con đường sự nghiệp, những trải nghiệm, ấp ủ của một người thành đạt…

Từ thợ sửa tivi đến “ông trùm” VTC
- Người ta thường nói chẳng thành công nào thực sự dễ dàng, với cá nhân ông thì sao?
Lớn lên từ quê nghèo xứ Nghệ, tôi nổi bật về học hành và tự lập từ rất sớm. Năm 1968, tôi nằm trong số những sinh viên ưu tú được cử sang CHDC Đức học, nhưng không may đúng lúc đó xảy ra bạo loạn tại Đức, phá hỏng giấc mơ du học của tôi. Thế là tôi quay về học khoa vô tuyến, Đại học Bách khoa Hà Nội. Ra trường, tôi được phân về công tác tại đài truyền hình Việt Nam. Thời bao cấp, cả nước khó khăn nên một kỹ sư mới ra trường như tôi mưu sinh rất chật vật, trong khi tôi lại là tay lắm ý tưởng khác người. Tôi nghĩ bụng, tại sao mình không sử dụng ngón nghề đã học để sống cho đàng hoàng chứ. Hồi ấy, tôi nổi danh là người sửa ti vi giỏi nhất Hà Nội là thế.
- Khi còn là một tay thợ sửa ti vi kiếm sống, có khi nào ông hình dung một ngày nào đó mình sẽ làm chủ một tập đoàn truyền thông như VTC bây giờ?
Thật lòng mà nói là không. Khi thành lập VTC cách nay 20 năm, tôi cũng chưa hình dung VTC như hôm nay. Làm ở truyền hình một thời gian, nhờ có kỹ thuật và máu kinh doanh nên tôi chuyển về công ty kinh doanh bảo hành cung cấp, ti vi cho cán bộ. Hăng lên thì làm mà cũng toàn “tay không bắt giặc”. Tôi khởi đầu chật vật từ một xí nghiệp với danh hiệu “ba không”: Không nhà xưởng, không tài sản, không vốn, phải mượn đất dựng tạm mái nhà lợp giấy dầu làm trụ sở, một thời gian ngắn sau bị đòi lại đất, xí nghiệp phải đi thuê tạm một phòng hơn 10m2 để lấy chỗ làm việc. Trang thiết bị, tài sản chỉ có 2 bàn làm việc, một tủ đựng tài liệu và đồ nghề. Vốn liếng ban đầu chẳng có gì ngoài 20 chiếc tivi đen trắng…
- Lúc đó điều gì thúc đẩy ông rời khỏi Đài truyền hình Việt Nam?
Có lẽ tôi thuộc tuýp người luôn không hài lòng với những gì đã có. Tôi cần những cơ chế và không gian đủ rộng để thỏa chí hướng và khẳng định giá trị bản thân cũng như ông Trần Đăng Tuấn vừa rồi.
- Với những gì hiện hữu, ông có nghĩ mình là đại gia?
Tôi nghĩ có thể xem mình là một đại gia (cười).
Thành công vì luôn tiên phong
- Ông đã làm thế nào để VTC luôn tăng trưởng 200%/năm?
Mấy năm vừa rồi, cả tổng công ty luôn tăng trưởng 200%/năm. Riêng công ty Intecom thuộc VTC tăng trưởng 300%/năm. Để có được mức tăng trưởng này, mỗi năm chúng tôi phải nghĩ ra ít nhất một dịch vụ mới, không “đụng hàng” với bất cứ ai. Chẳng hạn, năm nay chúng tôi phát triển IPTV ở nước ngoài và dịch vụ truyền hình 3 chiều (3D TV) ở trong nước. Đến giữa năm 2010, VTC đã có trên 30 thành viên: Đài truyền hình kỹ thuật số VTC, Công ty truyền hình di động, Công ty Đầu tư và Phát triển CNTT Intecom, Công ty Viễn thông không dây, Công ty Viễn thông số, Công ty CP Truyền thông trực tuyến VTC Online, Báo điện tử VTCNews, Báo Thể thao 24h, Tạp chí truyền hình số…
- Nhưng đâu phải chỉ mỗi VTC nghĩ ra và triển khai những dịch vụ mới?
Ở lĩnh vực nào thì tôi không biết, còn trong lĩnh vực công nghệ truyền thông chúng tôi vẫn tự hào là đi đầu. Ngay cả việc đưa IPTV ra nước ngoài chúng tôi cũng là số một.
- Ông dự báo gì về xu thế phát triển của truyền thông trong thời gian tới?
Sự phát triển của truyền thông phụ thuộc vào công nghệ số hóa. Trong các lĩnh vực truyền thông, truyền hình sẽ đứng đầu.
- Ở Việt Nam đã xuất hiện những “ông lớn” với tiềm lực tài chính rất mạnh đầu tư bạo tay vào lĩnh vực truyền hình như AVG chẳng hạn. Ông có lo ngại những đối thủ cạnh tranh này?
Tôi rất tự tin vì chúng tôi nắm trong tay nguồn lực công nghệ mà chưa ai có được. Mà trong lĩnh vực truyền thông, công nghệ số hóa phải nói là đóng vai trò quyết định. Những đơn vị đang nhảy vào lĩnh vực truyền hình có thể mạnh về kinh tế, nhưng tôi tin công nghệ của chúng tôi vượt xa họ.
- Nghĩa là ông tự tin trong lĩnh vực truyền hình công nghệ số ông là số một?
Đúng, tôi khẳng định chúng tôi là số một. Ngay cả quyết định mới nhất là đi tiên phong trong phát sóng truyền hình 3 chiều (3D) dù mới bắt đầu nhưng tôi cũng thấy rất thuận lợi.
Sẽ phóng vệ tinh riêng khi đủ điều kiện
- Ông có nghĩ VTC nên phóng và sở hữu hẳn một vệ tinh để thực hiện các công việc của mình giống như các hãng truyền thông tầm cỡ thường làm?
Cũng có mong muốn đấy. Hiện nay chúng tôi đã mua một phần vệ tinh Vinasat-1, mua nhiều bộ phát đáp của vệ tinh Asiat-5. Với việc sử dụng cả hai kênh vệ tinh, hiện VTC đang cung cấp tới 100 kênh truyền hình, với 5 gói dịch vụ khác nhau, trở thành đài truyền hình cung cấp số lượng kênh lớn nhất Việt Nam. Còn việc phóng và sở hữu riêng vệ tinh là cả một câu chuyện dài sẽ thực hiện khi đủ điều kiện. Hiện nay tôi chưa đặt mục tiêu đó lên hàng đầu.
- Vậy VTC sẽ tập trung vào những lĩnh vực nào, thưa ông?
Tập đoàn của chúng tôi sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực. Trước hết là truyền thông, cụ thể là báo chí đa phương tiện. Tiếp theo là viễn thông. Hiện nay khối viễn thông của chúng tôi đang triển khai truyền hình tương tác IPTV (truyền hình qua giao thức Internet) tại Mỹ và châu Âu. Vài năm trước, tại Mỹ có nhiều người Việt muốn xem VTV4, nhưng lại gặp phản ứng của một số đối tượng không có thiện chí với đất nước. Nhiều gia đình treo antena parabol thu sóng kênh VTV4 qua vệ tinh bị các đối tượng này đến đập phá hoặc gây khó dễ.
Chúng tôi khắc phục tình trạng này bằng công nghệ mới. Với công nghệ này, người Việt ở Mỹ và châu Âu có thể xem trực tiếp trên TV rất nhiều kênh truyền hình của VTV, VTC và các đài truyền hình địa phương nhờ bộ giải mã (set top box) tín hiệu qua đường truyền Internet mà không cần mắc antena parabol. Kết quả ban đầu khả quan. Chúng tôi rất tin tưởng là dịch vụ này sẽ thành công.
- Tại sao ông lại dành sự chú ý khá đặc biệt với thị trường Mỹ và châu Âu?


Sự thành công của VTC ngày hôm nay là thành quả của việc dự báo và lựa chọn đúng công nghệ
Không chỉ đơn thuần là thương mại, chúng tôi còn mong muốn đưa đến bà con Việt kiều ở Mỹ, châu Âu, châu Úc những thông tin đúng đắn từ trong nước để bà con, đặc biệt là những người chưa có thiện chí với đất nước, thay đổi cách nhìn về sự phát triển của đất nước mình. Chúng tôi muốn thuyết phục những Việt kiều chưa có thiện chí trước hết bằng văn hóa. Vì vậy chúng tôi đã thành lập kênh Văn hóa Việt (VTC 10), được nhà nước tài trợ một phần kinh phí. Nhà nước cũng tài trợ kinh phí để chúng tôi xây dựng website truyền hình Internet tại địa chỉ www.vtc.com.vn với hầu hết các kênh truyền hình trung ương và địa phương. Chúng tôi là nơi đầu tiên thực hiện chương trình này và tôi tin chắc sẽ thành công.
Tôi chưa từng thất bại
- Triết lý trong cuộc sống và kinh doanh của ông ra sao?
Quả thật tôi chưa có thời gian để nghiền ngẫm và đúc kết một cách kỹ lưỡng. Nhưng tôi nghiệm thấy muốn phát triển nhanh cần phải tìm tòi và kinh doanh những dịch vụ mà chưa có doanh nghiệp nào làm, những dịch vụ đáp ứng nhu cầu sử dụng của đông đảo người dân, giá thành hạ, chất lượng cao. Sự thành công của VTC ngày hôm nay là thành quả của việc dự báo và lựa chọn đúng công nghệ. Chỉ cần chậm cập nhật là sẽ bị tụt hậu. Điều tôi luôn trăn trở là làm sao phải áp dụng công nghệ mới một cách nhanh chóng, không thua kém gì các nước có nền công nghệ tiên tiến trên thế giới.
- Ông có cách dùng người thế nào để đạt được thành công?
Ngay từ ban đầu tôi đều đặt ra yêu cầu cụ thể đối với nhân sự cấp cao khi tuyển dụng. Chúng tôi mặc cả sòng phẳng với nhau, điều kiện là như thế, đáp ứng được thì làm tiếp, còn không đáp ứng được thì tôi thay người khác. Nói với nhau ngay từ đầu thì dễ hơn, không ai trách tôi được. Các phó tổng giám đốc tôi thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm 6 tháng 1 lần. Hai lần liên tiếp không đạt quá bán tín nhiệm sẽ bị thay thế.
- Nhưng phiếu tín nhiệm cũng chưa hẳn đã chính xác vì nhiều khi nó phụ thuộc vào sự yêu ghét?
Còn nhiều kênh khác nữa chứ. Đảng ủy, ban giám đốc, hội đồng thành viên… Ai làm kém thì không thoát được các kênh sàng lọc đâu. Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm cũng giúp anh em nhìn lại mình để mà phấn đấu.
- Đã có trường hợp bị thay thế nào phản ứng với quyết định của ông chưa?
Tôi nhớ có lần anh Đỗ Trung Tá hồi còn làm Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông có phàn nàn với tôi rằng tôi thay nhiều cán bộ. Tôi nói với anh Tá rằng, tôi làm đúng vì đã mặc cả với nhau từ trước. Việc sàng lọc cán bộ như vậy mới tốt cho sự phát triển của VTC. Thành công của VTC đã chứng minh điều ấy.
- Tuy nhiên tính quyết đoán nhiều khi rất dễ bị hiểu thành độc đoán. Sự quyết đoán của ông khi đưa ra quyết định đã bao giờ gặp rắc rối?


Tôi cần những cơ chế và không gian đủ rộng để thỏa chí hướng và khẳng định giá trị bản thân
Từ trước đến nay, những quyết định của tôi chưa có cái nào thất bại, đều thành công cả. Không ai ngăn cấm được những quyết định mang tính quyết đoán đó của tôi. Thực ra, tôi là người dễ gần chứ không khó tính như nhiều người tưởng. Tôi quyết đoán và dám chịu trách nhiệm về các quyết định của mình trước các nhân viên và pháp luật. Tôi kiểm điểm là 99% quyết định của tôi là đúng.
Người phụ nữ và dấu ấn cuộc đời
- Với một người thành đạt như ông, điều gì là đáng quý nhất?
Đến lúc này tôi ngẫm được một điều rằng sức khỏe là quan trọng nhất.
- Đến giờ, ông tâm huyết điều gì hơn cả?
Mong muốn thì nhiều. Năm nay chúng tôi sẽ khánh thành tòa nhà trụ sở của Tổng Công ty, sau đó là Tòa nhà Viễn thông Thế hệ mới. Chúng tôi cũng sẽ triển khai xây dựng một tòa nhà ở TP.HCM, một ở Vinh (Nghệ An). Ngoài lĩnh vực truyền thông, chúng tôi đã đầu tư chiến lược vào lĩnh vực đào tạo, trong đó có trường đại học Văn Hiến, giờ đã đổi tên thành trường đại học VTC Văn Hiến.
- Ông có điều gì chưa hài lòng về mình?
Tôi cảm thấy hài lòng với những gì mình đã đạt được (cười).
- Trong bước đường sự nghiệp và cuộc đời, người nào có ảnh hưởng với ông nhiều nhất?
Vợ tôi là người phụ nữ tuyệt vời. Những thành công trong cuộc đời tôi in đậm dấu ấn của cô ấy. Để có sự thành đạt của người chồng, sự đóng góp của người vợ hết sức quan trọng. Quan trọng nhất của người vợ là phải hiểu chồng đang làm gì và thông cảm. Vợ tôi biết công việc tôi vất vả nhưng không bao giờ kêu ca khi tôi đi sớm về muộn. Cô ấy quán xuyến toàn bộ việc giáo dục con cái và lo cho gia đình. Tôi cảm thấy ở gia đình không có gánh nặng gì, hết sức thoải mái, tự do vì được vợ tin tưởng và thông cảm. Tôi làm gì cũng được vợ ủng hộ và tôi rất hạnh phúc khi ở nhà.
- Xin cảm ơn ông!
Những dấu mốc quan trọng của VTC
* Năm 2001, tiên phong trong ứng dụng công nghệ truyền hình kỹ thuật số chuẩn DVB-T vào Việt Nam.
* Năm 2003, doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên đưa PTTH lên Internet phục vụ thông tin đối ngoại.
* Năm 2006, là doanh nghiệp đầu tiên của châu Á phát sóng truyền hình số trên điện thoại di động theo chuẩn DVB-H.
* Năm 2007 trở thành doanh nghiệp chiếm thị phần số 1 về nội dung số tại Việt Nam.
* Năm 2009 là doanh nghiệp nội dung số đầu tiên của Việt Nam ''mang chuông đi đánh xứ người'' VTC mở chi nhánh đầu tiên tại Hàn Quốc và tới nay đã có mặt ở 8 nước: Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Indonesia, Cambodia, Lào, Nga, Nhật, sắp tới sẽ thêm Thái Lan, Ấn Độ và một số nước khác.
* Năm 2009, doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên cung cấp dịch vụ truyền hình số chuẩn HDTV.
* Năm 2010, thử nghiệm thành công dịch vụ truyền hình ba chiều 3D.
Vương Hạnh (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Flag Counter