Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

Trang trại “kỳ cục” của anh Kỳ Phùng



Anh Lê Kỳ Phùng với bò cạp 
Ở Việt Nam, có lẽ ít ai nghĩ đến việc nuôi những con rắn mối, chàng hiu, kỳ nhông, bọ cạp, kỳ tôm, kỳ sừng, nhái bầu, ễnh ương... để kiếm tiền. Thế nhưng có một người đã dám mở trang trại nuôi toàn những con "kỳ cục" này để hái ra... USD, đó là anh Lê Kỳ Phùng. Hiện trang trại có 117 chuồng với hơn 80 ngàn con các loại, mỗi tháng xuất khẩu sang Mỹ, Pháp, Đức, Tây Ban Nha... từ 10 đến 15 nghìn con, thu về khoảng 20 ngàn USD.
Thú vui "lạ đời" 

Đến xã Tam Phước, huyện Long Thành (Đồng Nai) hỏi trang trại Phú An hầu như ai cũng biết bởi trang trại này nuôi toàn những con vật mà ở Việt Nam ít thấy người mua. Trang trại rộng nằm lọt thỏm trong khu vườn tuyệt đẹp với cây xanh, hoa cảnh và những thảm cỏ xanh rờn. Càng đi sâu vào chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước màu xanh hoa cỏ nối tiếp hết lối đi này đến lối đi khác, không ngờ ngoài tài chăn nuôi, kinh doanh, ông chủ Phùng còn yêu thiên nhiên và có tâm hồn nghệ sĩ đến thế. Nơi đây đã từng hân hạnh được đón tiếp Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng, Phó thủ tướng Vũ Khoan và nhiều vị khách quý nước ngoài như Chủ tịch Hội động vật hoang dã thế giới... đến thăm. 

Tiếp chúng tôi là ông chủ với dáng người đậm, giọng nói chất phác chính hiệu... nông dân. Khi được hỏi lý do tại sao chọn những con vật "lạ đời" này làm "bạn", anh hồ hởi hẳn lên và bắt đầu câu chuyện. Từng là một giáo viên ở Cà Mau nhưng rồi cuộc sống đưa đẩy anh trở thành một người làm kinh doanh. Năm 1990, anh đưa cả gia đình lên TP.HCM làm nghề may và kinh doanh quần áo trẻ em. Hằng ngày sau những lúc chở vợ đi mua vải, giao hàng ở chợ An Đông, anh Phùng còn dành thời gian cho một thú vui "lạ đời", đó là chơi... kỳ nhông. Anh kể, trong một lần chở vợ đi mua hàng ở chợ Cầu Mống, anh thấy người ta bày bán những con kỳ nhông liền tò mò đến xem nhưng không nghĩ những con này mà có thể bán được bởi ở quê chúng chạy đầy đồng. Thấy mọi người mua, anh cũng đem về 4 chú kỳ nhông để chơi cho vui. Một thời gian sau chúng bắt đầu đẻ trứng. Những cái trứng rớt xuống đất thì nở ra con, còn những trứng ở trên tấm liếp thì chết khô. Sau vài lần kỳ nhông đẻ trứng anh phát hiện ra trứng phải có đủ độ ẩm mới nở ra con. 



Chăm sóc kỳ nhông 

Chơi với kỳ tôm 


Bắt thú hoang đẻ ra... USD 

Anh Kỳ Phùng kể: "Thời điểm đó ở Long Thành đất còn rất rẻ, nên tôi mua một miếng để lập trang trại và đưa những con kỳ nhông này lên nuôi tại đây. Bước ngoặt chuyển đổi qua nuôi kỳ nhông, kỳ đà chuyên nghiệp bắt đầu khi có một số người Mã Lai đến tham quan trang trại. Những người này đặt vấn đề mua những con thú này về chơi, mỗi tháng yêu cầu tôi cung cấp vài ngàn con". Họ còn cho biết thêm "dân Tây" rất thích nuôi những con vật này. Ở những gia đình giàu có, họ làm hòn non bộ và thả chúng vào làm cảnh. Khi Mỹ bỏ lệnh cấm vận Việt Nam cũng chính là lúc những khách hàng mới ở Canada, Mỹ, Đức, Tây Ban Nha... đến đặt hàng trực tiếp. Không nói được tiếng Anh, không biết sử dụng internet, anh phải nhờ một người chị làm thông dịch. Thấy công việc không trôi chảy anh đã mày mò học cách gửi mail, tự học để đọc các hợp đồng bằng tiếng Anh. Sau một thời gian ngắn, anh tự mình ký các hợp đồng mà không cần phiên dịch. Từ kỳ nhông, kỳ đà, các đối tác yêu cầu cung cấp thêm những con thú hoang khác. Thế là anh bỏ hẳn công việc kinh doanh quần áo và chuyên tâm phát triển trang trại "kỳ cục" của mình. 

Hiện nay, trang trại đã có hơn 117 chuồng với hơn 80 ngàn con, mỗi tháng xuất đi các nước với doanh số 20 ngàn USD. Không chỉ xuất khẩu kỳ nhông, ễnh ương, bò cạp, trang trại này còn xuất khẩu da trăn và trăn con. Mỗi năm gần 100 ngàn mét da trăn và 5 đến 10 ngàn con trăn con được xuất sang Mỹ và Tây Âu. Để có nguồn da trăn, trăn con, anh mở các đại lý thu mua khắp đồng bằng sông Cửu Long và cũng từ đó tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người. 



Trang trại "kỳ cục" từng vinh dự được Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đến tham quan 


"Nhà động vật hoang dã" làm du lịch 

Tài liệu về kỹ thuật nuôi các con bọ cạp, nhái bầu, ễnh ương... hầu như không có. Vì vậy, anh phải tự mày mò nghiên cứu các bản tính tự nhiên của chúng, làm thế nào để những con vật hoang dã này lớn và đẻ trứng là vấn đề không dễ, phải bỏ rất nhiều công sức mới nắm được kỹ thuật nuôi. "Mỗi một loài tôi phải mất cả vài tháng mới hiểu được đặc tính của chúng, ví như con kỳ tôm, con này có đặc tính rất hay: cứ vào buổi chiều khi mặt trời lặn là leo lên cây, buổi sáng xuống hồ tắm rồi sau đó ra chỗ nắng phơi khô" - anh Phùng cho biết. Chính vì thế mà việc làm chuồng cho chúng ở cũng không hề đơn giản, mỗi loại thú đều có cách thiết kế riêng nhưng tựu trung lại là chuồng phải luôn có cây xanh, ánh nắng, hồ nước, cát... như môi trường tự nhiên. Những nghiên cứu phục vụ cho công việc chăn nuôi đã dần biến anh thành... "nhà động vật học" bởi hầu hết các triệu chứng bệnh tật hay đặc tính từng loài anh đều nắm rất vững. Nhìn anh nâng niu từng con bọ cạp, vuốt ve con kỳ nhông mà chúng không hề phản ứng lại cũng đủ thấy điều đó. Anh Kỳ Phùng cho biết thêm, các con thú này ít bệnh, thức ăn của chúng là sâu, giun nên rất dễ đáp ứng. Nguồn thức ăn "bình dân" này được cung cấp bởi những người dân xung quanh. Điều này vô tình tạo công ăn việc làm cho một số hộ gia đình, đồng thời mùa màng tránh bị sâu hại. 



Kỳ tôm, một trong những con vật "kỳ cục" sinh lợi cho anh Kỳ Phùng 


Không chỉ nuôi những con vật “kỳ cục” như đã nói trên, anh Kỳ Phùng còn biến trang trại của mình thành "công viên" với những thảm cỏ xanh biếc, vườn lan, rừng cây dầu và những loại cây cảnh khác tuyệt đẹp. Anh đang tiếp tục khẳng định mình bằng cách đầu tư vào khu du lịch sinh thái. Năm 2003, tình cờ lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đến tham quan, thấy trang trại đẹp và thấy cách làm của ông chủ Kỳ Phùng nên mời anh thực hiện một khu du lịch cho tỉnh. Sau khi khảo sát, khu du lịch sinh thái Thác Giang Điền ra đời với diện tích ban đầu 67ha. Đây là khu vực bỏ hoang do địa hình không thích hợp để làm nông, sau 3 năm đầu tư, đến nay đã định hình nên một khu du lịch với đặc thù tắm thác và đang chuẩn bị khánh thành giai đoạn 1 vào dịp cuối năm nay. Điều thú vị là bước đầu sẽ hình thành tour cho du khách tắm thác và tham quan trang trại "kỳ cục"! 

Thiên Long 

Việt Báo (Theo_Thanh_Nien)




Ít ai ngờ được khu vực thác Giang Điền rộng khoảng 100 ha (xã Giang Điền, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) hàng bao đời nay là khu vực thiên nhiên hoang dã, không có người sinh sống, nay trở thành khu du lịch sinh thái lớn nhất tỉnh Đồng Nai thu hút mỗi ngày hàng nghìn lượt khách đến tham quan thưởng ngoạn, tắm thác thiên nhiên hoang dã với những chòi nghỉ, vườn cây cảnh có hàng trăm loại cây, hoa quý hiếm xen lẫn với những khu vui chơi giải trí như dịch vụ câu cá, sân trượt patin cùng các dịch vụ ăn uống khác...

Lượng khách du lịch vui chơi đến đây trong năm qua ước đạt gần 300.000 lượt người, đạt mức kỷ lục so với các điểm du lịch khác hiện có trong tỉnh Đồng Nai . Giám đốc của khu du lịch tư nhân nói trên là ông Lê Kỳ Phùng, người đã từng nổi tiếng về xây dựng trang trại nuôi động vật hoang dã ở xã Tam Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai với mức thu nhập hơn 700.000 USD/ năm từ việc xuất khẩu các loài động vật hoang dã.
Ông Lê Kỳ Phùng cho biết: cách đây 4 năm, khi đang ăn nên làm ra với nghề nuôi và xuất khẩu các sinh vật cảnh ở trang trại Phú An thuộc huyện Long Thành, qua gợi ý của một số người bạn khi nghe tin tỉnh Đồng Nai cho phép tư nhân đầu tư khai thác khu vực thác Giang Điền để trở thành khu du lịch sinh thái, ông Phùng mời 1 kiến trúc sư đi tham quan, tìm hiểu. Sau đó, ông cùng 2 người bạn quyết định thành lập Công ty TNHH Phú An, đầu tư 150 tỷ đồng cho giai đọan 1 cải tạo gần 70 ha xung quanh khu vực thác Giang Điền thành khu du lịch sinh thái. Vậy là suốt 4 năm trời, công ty TNHH Phú An do ông làm Giám đốc ra sức cải tạo khu thác nói trên thành khu tắm thác thiên nhiên. Tuy mới hoàn thành và đưa vào khai thác giai đoạn 1, nhưng thời gian qua, bình quân mỗi ngày có hơn 5.000 du khách đến đây thưởng ngoạn. Ông Phùng cho biết thêm: ngoài dịch vụ tắm thác và một số dịch vụ vui chơi giải trí khác, ông đang biến khu đất còn lại thành nơi nuôi dưỡng các động vật hoang dã như ở trang trại của ông ở Tam Phước để hoàn thiện một khu du lịch sinh thái hoang dã. Theo ông Phùng, trong một vài năm tới khu du lịch này sẽ hòan thiện nhiều loại hình giải trí lành mạnh như tổ chức các trò chơi dân gian, cắm trại và các loại hình dịch vụ cao cấp như sân golf, khách sạn, biệt thự cho thuê để khai thác triệt để những cảnh quan thiên nhiên hoang dã xung quanh khu vực thác Giang Điền. Khi hoàn thiện, nơi đây sẽ ngày càng thu hút thêm nhiều du khách, kể cả du khách nước ngoài bởi nhiều ưu thế: nằm sát Quốc lộ 1, cách thành phố Biên Hòa 15 km và thành phố Hồ Chí Minh 45 km, rất gần các khu công nghiệp ở Đồng Nai.
Tuy đang hoàn thiện giai đọan tiếp theo của khu du lịch sinh thái thác Giang Điền, ông Lê Kỳ Phùng đã tiếp tục đầu tư 30 tỷ đồng vào khu du lịch suối Mơ ở xã Trà Cổ thuộc huyện miền núi Tân Phú với khoảng 30 ha, trong đó có 20 ha mặt nước với những loại hình du lịch liên quan đến sông nước như công viên nước, chèo thuyền vượt thác, tắm suối thiên nhiên...
Hiện ông Lê Kỳ Phùng được mệnh danh là người tiên phong đi đầu trong việc xây dựng thành công các khu du lịch sinh thái hoang dã ở Đồng Nai.
 Minh Hưng
  



"Chơi ngông" thành tỷ phú
Zoom Picture
Ở miền Đông Nam bộ có một trang trại rộng chừng 17ha, trong đó một phần chỉ dành riêng để nuôi các động vật bò sát, lưỡng thể.
Người ta đồn ông chủ trang trại chơi ngông muốn lập một kỷ lục Guinness nào đó nên đã xây chuồng nuôi toàn những cóc, nhái, tắc kè, kỳ tôm, thằn lằn, rắn mối rồi cả bò cạp... Tưởng thú “chơi ngông” này ngày một, ngày hai rồi cũng như bong bóng xì hơi, nào ngờ trang trại của ông ngày một phình to ra...
Từ nuôi chơi đến xuất khẩu
Ông chủ trang trại ấy tên là Lê Kỳ Phùng, bước sang năm 2005 mới vừa tròn 46 tuổi. Ông vốn gốc người miền Tây Nam bộ lên Sài Gòn ăn học. Nghề nghiệp của ông cũng chẳng dính dáng gì đến ngành động vật học, thực vật học hay chăn nuôi trồng trọt gì cả. Bởi vậy, thấy ông tự dưng bỏ Sài Gòn đi xa hơn 50km lập trang trại nuôi bò sát ở tận xã Tam Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai người ta càng thêu dệt nên nhiều chuyện. Có người bảo, ông đọc sách Guinness thế giới thấy có người lập kỷ lục sống chung 1 tuần liền với trên 2.000 con bò cạp nên nảy ý định phá kỷ lục này chơi. Cũng có người thực tế hơn đồn ông cố làm chuyện lạ để gây sự tò mò của du khách đến rồi hốt bạc (!).
“Thực ra ban đầu chỉ là chuyện tình cờ - ông Phùng tâm sự - Vào khoảng năm 1994, do có người bạn ở vùng này giới thiệu, tôi mua một mảnh vườn rộng 1,4ha với ý định trồng một số cây ăn trái, cây cảnh lâu lâu lên chơi đổi gió. Một lần đi qua chợ Cầu Mống ở TPHCM thấy người ta bán nhiều động vật hoang dã như kỳ tôm, thằn lằn núi, tắc kè, chàng hươu, nhái bầu..., tôi mua về khu vườn nuôi chơi. Ai dè nuôi được thời gian thấy chúng cũng sinh sôi nảy nở đâm ra mê...”.
Rồi cũng rất tình cờ, một lần có người quen làm ở Công ty XNK lâm nghiệp lên chơi thấy ông Phùng nuôi bò sát đã đặt mua với điều kiện phải có số lượng mỗi loại từ vài nghìn con trở lên. Bấy giờ ông mới tính chuyện xây chuồng trại nuôi theo kiểu công nghiệp. Nhưng bắt tay vào nuôi bài bản để có nhanh số lượng thì cái khó lại lòi ra: kỳ tôm, bò cạp... chết khá nhiều. Mỗi lần như vậy ông phải đập chuồng xây lại theo kiểu khác. Cứ mò mẫm mãi (vì trên thế giới chưa có sách vở, tài liệu nào hướng dẫn), cuối cùng ông cũng tìm ra được mỗi kiểu chuồng phù hợp cho từng loại bò sát khác nhau, trong đó có cây xanh thiên nhiên, đất, cát, hồ nước, ánh nắng...
Đến bây giờ thì trang trại đã có 3 dãy chuồng xây dựng ổn định, trong đó riêng kỳ tôm có 15 chuồng kinh doanh (mỗi chuồng 1.000 con), 15 chuồng sinh sản (mỗi chuồng 170 con); cóc, nhái: 15 chuồng; lưu điu chỉ: 2 chuồng; bò cạp: 2 chuồng (mỗi chuồng 1.000 con); rắn mối 1 chuồng... Doanh thu xuất khẩu của trang trại hiện đạt tới 1 triệu USD/năm, một con số thật ít ai ngờ tới.
Dự án du lịch xanh
Bẵng đi một thời gian, vào giữa tháng tư này tôi mới gặp lại Lê Kỳ Phùng, nhưng lần này ông không hẹn ở trang trại nuôi bò sát mà tại vùng đất mới cách đó 5km. Tại đây Lê Kỳ Phùng đang say sưa thực hiện một dự án mới với tầm quy mô rất lớn: Xây dựng Khu du lịch sinh thái Giang Điền có diện tích giai đoạn 1 rộng 67ha nằm tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, cách TP Hồ Chí Minh chừng 50 km. Tôi hỏi vui: “Ông vua bò sát đã chán bò sát chuyển sang làm du lịch rồi sao?”. Ông Phùng cười: “Không có đâu, chính nhờ bò sát mà tôi mới phát triển được như hôm nay”. Rồi ông Phùng kể, nhờ xuất được bò sát, tôi có tiền mua thêm đất mở rộng trang trại lên trên 17ha. Nơi ấy bây giờ là “hậu cứ” của dự án này bởi ngoài nuôi bò sát còn có một vườn ươm cây cảnh với hàng trăm loại giống quý khác nhau dành cung cấp toàn bộ cho khu du lịch”.
Vừa kể, ông Phùng vừa dẫn chúng tôi đi thăm khu du lịch sinh thái còn bề bộn các công trình xây dựng... Thấy tôi mải mê giơ máy hình bấm hết cảnh này sang cảnh khác xung quanh thác nước Giang Điền thơ mộng, ông Phùng hồ hởi nói: “Bây giờ cảnh đẹp và hấp dẫn thế đấy, song chỉ cách vài năm thôi, nơi đây là quả đồi cây cỏ mọc rậm rạp lút đầu người. Một vị lãnh đạo ở địa phương đã gợi ý nên đến nghiên cứu đầu tư làm một công trình gì đó ở cái thác nước này. Tới đây khảo sát, vượt qua tầng tầng cây cỏ hoang dã dày đặc, khi nhìn thấy con thác là tôi mê ngay. Song để có cái nhìn chắc chắn hơn, tôi đã mời Kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị, một người anh đồng hương đang công tác tận Hà Nội vào tư vấn.
Với con mắt nhà nghề, khi đến đây anh Trị chẳng những “OK” ngay mà còn đồng ý nhận thiết kế toàn bộ khu du lịch và hùn vốn cùng xây dựng...”. Bây giờ sau 3 năm khởi công, hình hài của khu du lịch sinh thái Giang Điền đã hiện khá rõ: Một con đường lát bằng đá chẻ tận dụng đá tại chỗ chạy dài cả cây số dọc theo dòng sông Buông uốn lượn. Từ cổng vào có hàng loạt công trình đã và đang mọc lên: Nhà điều hành, khu giải trí trong nhà, công viên nước, CLB thể thao, khu khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, hồ bơi... Xen kẽ các khu này là những vườn cây cảnh được trồng và chăm sóc công phu tạo cho cảnh quan hết sức thơ mộng. Phía bên kia dòng sông được nối bằng chiếc cầu treo vừa mới khánh thành là khu nghỉ dưỡng, cắm trại với những căn nhà lợp lá ẩn hiện trong rừng cây trái. Một điểm nhấn và sẽ rất hấp dẫn khách đến đây là hai bãi tắm sông bên cạnh thác nước Giang Điền cũng đang được khẩn trương thi công hoàn thành trong mùa khô này...
Tôi biết để tạo được hình hài một khu du lịch tầm cỡ như ngày hôm nay, sau 3 năm, vợ chồng ông Phùng và một số người bạn đã đổ vào đây tới 80 tỷ đồng. Song điều này không làm ông Phùng nản chí. Ông tâm sự: “Dự kiến đến 1-12-2005 khu du lịch này sẽ hoàn thành giai đoạn 1 và đón những vị khách đầu tiên đến đây tham quan, nghỉ dưỡng. Song từ nay tới đó, công trình cần đầu tư thêm 20 tỷ đồng nữa. Có khó khăn về vốn, nhưng đổi lại chắc chắn chúng tôi sẽ tạo được một khu du lịch sinh thái hấp dẫn, góp phần làm cho quê hương đất nước mình đẹp hơn và người dân có thêm một địa chỉ đến vui chơi, giải trí sau những ngày lao động vất vả”.
Gia Dũng

Ông Lê Kỳ Phùng - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Giang Điền: Định mệnh sắp đặt tôi gắn liền với mảnh đất Giang Điền
Thứ hai, 12/03/2012, 10:39 (GMT+7)



Khu Du lịch sinh thái Thác Giang Điền - vùng đất được mệnh danh là “Đà Lạt của Miền Đông Nam Bộ” với cảnh quan thiên nhiên độc đáo như món quà của tạo hóa dành cho mảnh đất Giang Điền, Đồng Nai. “Phải có một tâm hồn thực sự yêu quý những tài nguyên mà thiên nhiên đã ban tặng thì mới có thể quyết tâm cải tạo nâng cấp từ một vùng hoang sơ thành khu du lịch”, ông Lê Kỳ Phùng (ảnh) – người “cha đẻ” của khu du lịch nổi tiếng ấy đã tâm sự.
Từ tâm hồn yêu quý thiên nhiên...
° Được biết, ông có thời gian là một kế toán ở Cà Mau, duyên cớ nào đưa đẩy ông về gắn bó và lập nghiệp tại Đồng Nai?
- Ông Lê Kỳ Phùng: Trong quá trình làm việc, tôi tiếp tục học tại trường Tài chính và chuyển về Công ty Du lịch tỉnh Kiên Giang. Năm 1989, tôi dự định chuyển qua kinh doanh tại TPHCM nhưng vẫn chưa quyết định hướng phát triển chính thức. Khi đến Công ty Naforimex để giao dịch, rất tình cờ tôi tiếp xúc với một doanh nhân người Malaysia tìm mua kỳ tôm, chàng hiu, ểnh ương, bò cạp, thằn lằn nhà, tôi quyết định chuyển sang kinh doanh lĩnh vực này, không ngờ đó lại là bước ngoặt chuyển hướng cuộc đời tôi.
Để phát triển các loài bò sát và lưỡng cư này theo tiêu chuẩn CITES phải tìm địa điểm có điều kiện thiên nhiên phù hợp để xây dựng trang trại. Qua khảo sát, tôi chọn vị trí xã tam Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, nơi có điều kiện môi trường thuận lợi để xây dựng trang trại Phú An. Vậy là định mệnh đã sắp đặt tôi gắn liền với mảnh đất Tam Phước – Giang Điền cho đến hôm nay.
Khung cảnh hùng vĩ và lãng mạn tại đô thị Xanh Giang Điền
° Khu Du lịch sinh thái Thác Giang Điền ra đời như thế nào, thưa ông?
- Trang trại Phú An hình thành năm 1994 và hoạt động rất hiệu quả; tuy đang kinh doanh hàng xuất khẩu nhưng nghiệp cũ là du lịch vẫn luôn thôi thúc trong lòng tôi. Do đó, vào thời điểm rảnh rỗi, tôi rong ruổi khắp nơi để tìm vị trí phát triển du lịch, trong đó có thác Giang Điền. Lúc đó hạ tầng đến thác còn kém lắm; cảnh quan đầy tiềm năng với dòng sông uốn lượn và các thác, ghềnh đá, triền đồi thoai thoải nhưng thực trạng đất khô cằn, cỏ dại um tùm. Nhiều vũng ao và vụn đá tàn dư của những người khai thác đá. Cảm giác thích thú với cảnh quan ngoạn mục vừa đan xen buồn vì con người quá tàn nhẫn với thiên nhiên.
Tôi chợt nghĩ, nếu tiếp tục khai thác đá thì vài năm sau không còn thác mà chỉ còn dòng sông sình lầy và đầy đá vụn, phải tìm cách cứu lấy thiên nhiên vì nếu để mất đi là vĩnh viễn không bao giờ phục hồi lại được. Qua nhiều đêm trăn trở, tôi cho rằng con đường duy nhất để Thác Giang Điền tồn tại và ngày càng đẹp hơn là phải xin đầu tư xây dựng thành khu du lịch. Ý nghĩ này nung nấu trong tôi. Cuối cùng, tôi bàn với bà xã và được hoan nghênh, rồi cùng đồng hành suốt quãng đường từ ngày bắt đầu đến hôm nay.
° Sức mạnh nào giúp ông biến nơi thiên nhiên hoang dã, không có người sinh sống thành nơi có kiệt tác về cảnh quan kiến trúc ngày nay?
- Tôi nghĩ phải có tâm hồn thực sự yêu quý tài nguyên mà thiên nhiên đã ban tặng mới đủ quyết tâm cải tạo nâng cấp từ vùng hoang sơ thành khu du lịch. Thực tình, tôi nghĩ mình còn may mắn có sự đồng thuận và tích cực góp sức của người bạn đời, cũng như có được sự chung vai sát cánh của thân hữu và nhân viên dù hoàn cảnh khó khăn nhất.
...Đến kiệt tác cảnh quan biệt thự Hồ Thiên Nga
° Được biết, bên cạnh việc tiếp tục mở rộng Khu Du lịch sinh thái Thác Giang Điền, Công ty CP Du lịch Giang Điền đang thêm hướng đi mới là kinh doanh bất động sản. Ông có thể chia sẻ thêm về chiến lược này?
- Thực ra, Công ty CP Du lịch Giang Điền không rẽ hướng sang bất động sản mà phát triển bất động sản là giai đoạn phát triển trong chiến lược tổng thể của chúng tôi. Định hướng phát triển bất động sản - cụ thể là Khu đô thị xanh Giang Điền đã có kể từ bản vẽ quy hoạch đầu tiên của Khu Du lịch năm 2002. Lúc đó, với sự góp ý của Kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị và xuất phát từ quan điểm “càng có nhiều người cùng hưởng dụng cảnh quan, môi trường càng quý”, chúng tôi đã suy nghĩ chiến lược phát triển đô thị Xanh với định hướng xây dựng trước một khu du lịch như công viên trung tâm, phục vụ cho quần thể các khu đô thị xung quanh.
° Dự án Khu biệt thự Hồ Thiên Nga và khái niệm “đô thị Xanh” rất được quan tâm. Vậy từ đâu ông có ý tưởng này?
- Xung quanh công viên trung tâm (Khu Du lịch sinh thái Thác Giang Điền – diện tích 39 ha), chúng tôi sẽ lần lượt xây dựng các khu đô thị Xanh với nhiều chủ đề: bao la, ngoạn mục (khu đô thị Thác Giang Điền); lãng mạn, sâu lắng (khu biệt thự Hồ Thiên Nga); xanh ngát, trong lành (Khu biệt thự Vườn Tre). Do đó có thể nói, với nhiều chủ đề đa dạng chung quanh điểm nhấn “xanh của nước và xanh của cây, cỏ”, các khu đô thị Giang Điền thích hợp với nhiều đối tượng và lứa tuổi; trong đó dự án Hồ Thiên Nga là phân khúc thứ hai sau dự án Khu Du lịch sinh thái Thác Giang Điền, với điểm nhấn là ba khu hồ nước xanh cùng với triền đồi tạo cảnh quan lãng mạn, êm ả, thanh bình là Hồ Thiên Thanh, Hồ Thủy Trúc và Hồ Ngọc Bích.
Các cư dân tại đây sẽ có thẻ thành viên để hưởng dụng cảnh quan và tiện nghi của Khu Du lịch sinh thái Thác Giang Điền - một khu du lịch luôn tràn đầy sức sống và ngày càng phát triển tiện ích công cộng.
Sau nữa, khi đến sống tại Hồ Thiên Nga, dù dưới dạng biệt thự nghỉ dưỡng cuối tuần hay thường trú, cư dân đều được hưởng dụng: một bên là cảnh quan - môi trường thiên nhiên và một bên là kiến trúc tiện nghi - hiện đại.
Cuối cùng, những lợi ích thứ cấp như giá trị đất đai ngày càng tăng và khả năng phát triển các dịch vụ - kể cả cho thuê biệt thự - do gần đó là Khu công nghiệp công nghệ cao Giang Điền 530 ha và quần thể các đô thị đang phát triển.
Dự án khu biệt thự Hồ Thiên Nga được thiết kế bởi KTS Hồ Thiệu Trị
° Theo ông thế nào là một khu đô thị Xanh?
Có rất nhiều mô hình phát triển đô thị xanh, theo ý tưởng của chúng tôi là xây dựng quần thể đô thị chung quanh một khu du lịch-được xem là công viên trung tâm.Các điều kiện cần có là chiến lược phát triển trong tầm nhìn dài hạn và điểm nhấn cảnh quan tạo nên chủ đề phát triển đô thị Xanh. Khu Giang Điền đã đáp ứng được các yêu cầu trên.
Về vị trí chiến lược, khu Giang Điền có cự ly thích hợp đối với TPHCM và TP.Biên Hòa, nằm giữa các công trình quan trọng (TP.Biên Hòa, thị trấn Trảng Bom, sân bay quốc tế Long Thành, khu hành chính mới của tỉnh Đồng Nai, Khu Công nghiệp công nghệ cao Giang Điền…) với các tuyến đường quan trọng hiện tại và trong tương lai (Quốc lộ 1, Quốc lộ 51, Đường cao tốc Sài Gòn - Long Thành - Dầu Giây, Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường tránh thành phố Biên Hòa, đường cao tốc Biên Hòa-sân bay Long Thành, đường Vành đai 3…).
Trong thời gian ngắn sắp tới, khi đường cao tốc Sài Gòn - Long Thành - Dầu Giây được khánh thành thì mọi cư dân có thể dễ dàng di chuyển từ TPHCM về Khu đô thị Xanh Giang Điền với chỉ chưa đầy 20 phút. Cư dân tại Khu đô thị Xanh Giang Điền chắc chắn sẽ hài lòng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với ghềnh thác, khí hậu trong lành và thoáng mát để nghỉ dưỡng.
° Xin cảm ơn ông



Không có nhận xét nào:

Flag Counter