Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

Trở thành “vua mỳ tôm” xứ Nghệ từ hai chỉ vàng

Khuôn mặt của Nguyễn Thế Kinh (phường Quán Bàu, Tp Vinh, Nghệ An) cũ như hiện vật trong bảo tàng. Xa áo lính, ông chấp nhận làm thuê rồi học lỏm và thành “vua mỳ tôm, bột canh” ở xứ Nghệ một thời. Giờ thì người đời không bảo ông là kẻ khùng, người điên như hai chục năm trước.



“Học lỏm” từ 2 chỉ vàng…
Đầu những năm 1990-1991, ga Vinh (Tp Vinh) sầm uất bởi những chuyến tàu từ Nam ra mang theo bao nhiêu là nhu yếu phẩm. Một trong những mặt hàng đắt nhất là mỳ tôm. Hễ có toa hàng về là mọi người lại xếp hàng, thậm chí là tranh giành để mua. Có người chen chân cả ngày mà cũng chẳng mua được. Mỳ tôm bấy giờ hệt như món ăn xa xỉ.

Những hình ảnh ấy khiến cho ông Kinh nghĩ suy: “Không lẽ mình không làm được. Họ làm được, sao mình không?”

Nghĩ vậy ông ù chạy mua một gói mỳ tôm về. Bóc gói mỳ ra rồi mổ xẻ. Ngoài việc cóp nhặt địa chỉ sản xuất trên bao bì, ông Kinh còn chú ý đến gói xúp bột canh bé xíu bên trong! Rồi ông nghĩ, Vinh cũng như các tỉnh lân cận chưa có nơi nào sản xuất mỳ tôm hay bột canh, mình phải làm?


Người lính nói như lệnh, nên ngay lập tức ông bắt tay vào lập nghiệp. Cái khó nhất là lấy đâu ra tiền, rồi công nghệ sản xuất? Người thương binh có gì đâu ngoài chiếc áo lính, biết bắt đầu từ đâu? Bao câu hỏi cứ nhảy múa trong đầu nhưng rồi ông quyết định: cầm 2 chỉ vàng vay mượn của người thân (Bấy giờ vàng hơn 300 ngàn đồng/chỉ).

Ông Kinh bắt tàu vào Nam theo địa chỉ ghi trên bao mỳ tôm. Vào một tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long, ông đã xin lấy hàng để làm đại lý cho hãng mỳ tôm này. Một toa hàng chất đầy mỳ tôm từ miền Nam về Vinh ngay sau đó khiến cho ai ai ở thành phố đỏ này cũng ngơ ngác. Người ta nói, ông Kinh khùng và điên!

Ông chỉ chặc lưỡi, cười! Kỳ thực, người đời có biết đâu? Việc chấp nhận làm thuê là để ông học hỏi. Và thậm chí là để học lỏm và “ăn cắp” công nghệ? “Ban đầu họ chưa tin nên lấy hàng là phải tiền nóng. 5 tháng sau quen quen rồi thì mới cho lấy hàng theo hình thức gối đầu”, thương binh Nguyễn Thế Kinh nói.

Khi đã đạt được lòng tin, ông bắt đầu lân la tiếp cận để “chôm” công nghệ. Say sưa tìm hiểu từng công đoạn: Công nghệ làm mỳ tôm ra sao, rồi công thức để có gói bột canh bé xíu như thế nào đều được ông Kinh ghi chép rất cẩn thận. Và rất may mắn là do thân quen nên trong một lần thanh tra đi kiểm tra ông được đi theo. Ông Kinh đã hỏi và có trong tay được toàn bộ công nghệ làm mỳ tôm và bột canh?

Dĩ nhiên là quyết định sản xuất mỳ tôm gói bột canh trên ngay trên mảnh đất xô viết Nghệ Tĩnh ấp ủ bao lâu nay đã được người thương binh Nguyễn Thế Kinh thực hiện.

… thành “vua mỳ tôm, bột canh”

Sau gần một năm làm thuê, năm 1992, ông Kinh quyết định thành lập Xí nghiệp sản xuất thực phẩm Hương Kinh (đóng ở nhà riêng tại phường Quán Bàu-Tp Vinh) chuyên sản xuất mỳ tôm Gô mếch và bột canh Thu Hương. Gọi là xí nghiệp cho oách chứ cơ sở này cũng rất ít người.

“Bột canh là học lỏm từ gói xúp bột canh nhỏ xíu kia để sản xuất gói loại lớn mang tên vợ. Còn mỳ tôm thì cũng chỉ đặt tên theo cái lý của mình thôi”, ông Kinh nhớ lại. Từ chỗ chờ những chuyến tàu trong Nam về, mỳ tôm, bột canh của ông Kinh nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường Nghệ An và vùng lân cận.

Trước nhu cầu của của khách hàng, xí nghiệp sản xuất của ông Kinh đắt hàng và nổi tiếng. Ngày trung bình, xí nghiệp này cũng sản xuất 1 tấn bột bột canh. Mỳ tôm Gô mếch thì nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường, được nhiều người ưa chuộng.

Những năm sau đó, tại Nghệ An cũng có một hãng mỳ tôm khác khác ra đời, nhưng ông Kinh vẫn được xem là “vua” thời ấy trong cách đánh giá của người đời. 

“Đại sứ bột canh” tại Lào
Tiếng lành đồn xa, năm 2000, Xí nghiệp ông Kinh là một trong 8 đơn vị của Nghệ An được đưa sản phẩm sang nước bạn Lào tham gia hội chợ (cả nước có 100 doanh nghiệp).

“Lúc đó nhà nước khuyến khích doanh nghiệp mang sản phẩm hướng ra thị trường ngoài nước mà không phải thuế nên chuyến đi Lào tôi đã đưa sang 4 xe mỳ tôm và bột canh. Vậy nhưng 6 ngày đầu tham gia hội chợ mà chỉ bán được 1 xe nên mình cũng thất vọng. Vậy nhưng sau đó nhờ có một cơ duyên mà người ta mua cho mình 3 xe còn lại”, ông Kinh tâm sự.

Như được tiếp thêm lửa, sau ngày hội chợ, hàng tháng 3 đến 4 chuyến hàng của ông Kinh lại sang Lào để bán bột canh và mỳ tôm. Thị trường Lào nhanh chóng tiếp cận sản phẩm của ông Kinh. 5 chuyến xe đầu, ông Kinh được trả tiền toàn đô la, lãi từ 60 đến 100 triệu đồng (bằng tiền tỷ bây giờ).

Cùng với những chuyến hàng, danh tiếng của ông Kinh lan nhanh tại Lào. Sau này không những đưa hàng sang bán mà người thương binh này còn được nhiều doanh nghiệp nước bạn nhờ hướng dẫn kỹ thuật, công nghệ và lắp ráp máy móc để sản xuất. 

“Năm 2000 cũng vì nhiều lý do mà tôi đã chuyển giao toàn bộ công nghệ, cũng như kỹ thuật sản xuất mỳ tôm và bột canh cho một doanh nhân ở Lào. Và hiện bột canh và mỳ tôm vẫn được ưa chuộng tại đất nước triệu voi này”, giọng có vẻ chùng xuống khi thương binh Nguyễn Thế Kinh nói.
      
Người lính không cho mình đứng im

Sau năm 2000, trên thị trường Nghệ An không còn bột canh, mỳ tôm ông Kinh nữa. Nhiều người người vẫn tiếc nuối! Hiện tại trên thì trường Nghệ An cũng chỉ có một doanh nghiệp sản xuất mỳ tôm nhưng cũng cầm chừng. Nhắc chuyện này, ông Kinh im lặng.
  
Hỏi chuyện đời, ông Kinh nói: “Mình quê ở Bắc nhưng gắn bó với xứ Nghệ lâu rồi, thành người Nghệ mất rồi”. Nói vậy nhưng giọng ông vẫn rất Bắc. Ông lại đùa: “Người lính không cho mình đứng im đâu. Làm thực phẩm cho người rồi giờ lại làm thức ăn cho cây. Mình đang sản xuất phân bón”.

Theo Bee

Không có nhận xét nào:

Flag Counter