Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Vì sao doanh nghiệp có lãi mà không có tiền?



“Lãi lắm, lãi lắm!”. Cách đây vài năm, thi thoảng gặp bạn bè, một vị chủ một doanh nghiệp mới thành lập vẫn thường hồ hởi khoe như vậy. Bè bạn ai cũng mừng cho người chủ doanh nghiệp mới. Vậy nhưng, vài năm sau, bạn bè gặp lại thấy vị chủ doanh nghiệp hơi trầm trầm, hỏi ra anh mới cho biết công ty thì vẫn có lãi, nhưng chả biết tiền nong đi đằng nào hết, lúc nào cũng thiếu trước hụt sau, phải đi vay nóng liên tục. “Cầm báo cáo tài chính vẫn thấy lợi nhuận sau thuế không ít, thế nhưng không biết phải phân tích tình hình tài chính công ty thế nào, tiền đi đâu về đâu?!”, vị chủ doanh nghiệp nói. Lời tâm sự của vị chủ doanh nghiệp đó cũng là niềm băn khoăn của rất nhiều chủ doanh nghiệp khác trong giai đoạn hiện nay. 


Để giải đáp phần nào thắc mắc của các chủ doanh nghiệp, Hội Doanh nhân trẻ thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Câu lạc Bộ Giám đốc Tài chính Việt Nam (VCFO) tổ chức khóa học Phân tích báo cáo Tài chính dành cho Lãnh đạo. Đối tượng học viên là các lãnh đạo, các nhà quản lý cũng như các chủ doanh nghiệp quan tâm đến việc phân tích báo cáo tài chính (BCTC) của doanh nghiệp mình. 

Bản chất cốt lõi của các BCTC doanh nghiệp 

Định kỳ, các doanh nghiệp thường lập Bảng cân đối kế toán, Báo cáo kết quả kinh doanh, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ và Thuyết minh báo cáo tài chính. Về bản chất, các BCTC chủ yếu báo cáo những gì đã xảy ra ở doanh nghiệp, nghĩa là vẽ lại bức tranh hiện tại và quá khứ, chứ ít đề cập đến chuyện tương lai. Điều đó tương tự như bạn nhìn vào chiếc gương chiếu hậu để nhìn vào quãng đường bạn đã đi qua vậy. Chính vì thế, nếu Lãnh đạo doanh nghiệp chỉ nhìn vào BCTC quá khứ để phân tích và suy đoán tương lai mà không dựa vào các dữ liệu khác thì cũng tựa như lái xe mà chỉ nhìn vào gương chiếu hậu. 

Theo cách nói đơn giản nhất, Bảng cân đối kế toán có ba phần chính gồm Tài sản, Công nợ và Vốn chủ sở hữu. Mối liên quan giữa ba phần này được thể hiện bằng công thức sau: Tài sản = Công Nợ + Vốn chủ sở hữu. Ngoài ra, có một cách nhìn khác nữa về Bảng cân đối kế toán, đó là trong quá trình kinh doanh, Tài sản sẽ được kỳ vọng mang lại dòng tiền vào cho doanh nghiệp, từ đó doanh nghiệp dùng dòng tiền này để trang trải cho Công nợ (ví dụ như trả nợ ngân hàng) và Vốn chủ sở hữu (ví dụ như trả cổ tức).



Dựa trên tính thanh khoản, Tài sản được phân chia thành 2 phần chính là Tài sản ngắn hạn và Tài sản dài hạn. Tương tự, Công nợ cũng được phân chia thành 2 phần là Công nợ ngắn hạn và Công nợ dài hạn. Nhưng Vốn chủ sở hữu thì không được phân chia thành 2 phần ngắn hạn và dài hạn, vì về bản chất, Vốn chủ sở hữu không phải là nguồn vốn ngắn hạn. Khi người phân tích nói công ty có tiềm lực tài chính vững mạnh thì lãnh đạo doanh nghiệp hãy hiểu rằng công ty có Vốn chủ sở hữu nhiều. 

Đối với Báo cáo kết quả kinh doanh, báo cáo này nói lên tình hình doanh thu, chi phí, lãi lỗ trong từng thời kỳ, nó cũng tương tự như câu nói lâu ngày bạn bè gặp lại hỏi thăm “Dạo này làm ăn thế nào?” và câu trả lời là “Tháng vừa rồi bán được hai lô hàng, doanh thu được X tỷ, trừ đi giá vốn chi phí mất Y tỷ, lời ra được một khoản Z tỷ”, Báo cáo kết quả kinh doanh là thế. 




Trong khi đó, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ có thể được coi là báo cáo quan trọng nhất trong số các BCTC, vì nó chỉ ra được tiền đi đâu về đâu, tại sao cả năm làm ăn có lãi mà trong năm thường xuyên thiếu tiền. Một trong những dòng quan trọng nhất trong Báo cáo lưu chuyển tiền tệ là Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh (mã số 20 trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ). Lãnh đạo doanh nghiệp khi cầm Báo cáo lưu chuyển tiền tệ trên tay thì hãy đọc dòng này trước tiên. Trên nguyên tắc, Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh mà liên tục bị âm là không tốt. 

Nguyên tắc phân tích BCTC và phân tích các tỷ số tài chính 

Để biết doanh nghiệp mình có tốt hơn chính mình hay không, doanh nghiệp phải dựa vào Phân tích xu hướng (phân tích ngang), đây là dạng phân tích theo thời gian để so sánh sự khác nhau của doanh nghiệp trong mỗi thời điểm. Sau đó, doanh nghiệp cần phân tích so sánh với ngành nghề để biết doanh nghiệp mình có tốt hơn đối thủ cạnh tranh hay không. Nếu công ty so sánh là đối thủ cạnh tranh trực tiếp, số liệu so sánh sẽ cho thấy vị thế của công ty đối với đối thủ cạnh tranh từ đó công ty sẽ có những quyết sách phù hợp để cải thiện hiệu quả hoạt động hay gia tăng vị thế của mình. Việc so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành không phải đối thủ cạnh tranh trực tiếp, hay so sánh với bình quân toàn ngành có thể giúp doanh nghiệp so sánh hiệu quả hoạt động với mức hiệu quả kinh doanh tương tự hay bình quân. 

Nhà đầu tư có thể so sánh hiệu quả hoạt động của các công ty trong ngành để xếp hạng danh mục đầu tư, đánh giá cố phiếu hay để xem xét triển vọng phát triển. Tuy nhiên, khi so sánh với doanh nghiệp cùng ngành phải chú ý: doanh nghiệp quy mô lớn và doanh nghiệp quy mô nhỏ có thể thể hiện hiệu quả khác nhau. Hơn nữa sự khác nhau còn có thể thể hiện không chỉ qua quy mô tài sản mà còn về phần trăm tăng trưởng, quy mô tái đầu tư, vị trí địa lý,… Việc so sánh các doanh nghiệp khác ngành có thể đem lại thông tin hữu ích cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. 

Phân tích khả năng sinh lời như thế nào? 

Hai doanh nghiệp A và B cùng có lợi nhuận kế toán bằng nhau nhưng chưa chắc đã có tính sinh lời như nhau. Nếu quy mô Vốn chủ sở hữu của công ty A nhỏ hơn thì chứng tỏ công ty A sinh lời tốt hơn công ty B (nếu phân tích khả năng sinh lời trên vốn chủ sở hữu, tức là ROE). Vì vậy, khi phân tích khả năng sinh lời, các lãnh đạo hãy sử dụng các đơn vị % hơn là đơn vị tiền tệ tỷ đồng hay triệu đô. Vậy thì có thể so sánh lợi nhuận kế toán với cái gì? Ta có thể so sánh với doanh thu thuần (để tính được Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu ROS), so sánh với vốn chủ sở hữu (để tính được Tỷ suất lợi nhuận trên vốn ROE), so sánh với tổng tài sản (để tính được Tỷ suất lợi nhuận trên tài sản ROA). 

Ba tỷ số trên càng cao càng tốt. Cả 3 tỷ số này đều có thể phân tích theo thời gian và phân tích so sánh với mức chung của ngành nghề. Ngoài ra, các tỷ số này đều có thể so sánh với doanh nghiệp các ngành nghề và có thể so sánh qua các kỳ kế toán, xu hướng. Bên cạnh phân tích khả năng sinh lời, cũng cần phân tích khả năng thanh khoản, phân tích cơ cấu nguồn vốn, khả năng vay và trả nợ và phân tích khả năng quản lý tài sản và năng lực hoạt động của doanh nghiệp. 

Quan trọng nhất là Phân tích báo cáo lưu chuyển tiền tệ 

Các phân tích trên đã nói đến việc phân tích khả năng “sinh lời” của doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều đó chưa giải quyết được vấn đề doanh nghiệp có khả năng “sinh tiền” hay không. “Có lãi mà không có tiền” là tình hình tài chính không tốt đang xảy ra ở rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các chủ doanh nghiệp trong lúc mải mê tìm kiếm thị phần và lợi nhuận đã có những lúc lơi lỏng việc quản lý dòng tiền. Có lợi nhuận, nhưng lợi nhuận dường như dồn hết vào hàng tồn kho quá nhiều (mua nhiều, bán chậm) và bán chịu cho khách hàng. Có lợi nhuận, nhưng tiền thường xuyên thiếu trước hụt sau, phải đi vay ngân hàng hoặc vay nóng. 

Phân tích Báo cáo lưu chuyển tiền tệ để thấy được khả năng tạo ra tiền mặt của doanh nghiệp, nguồn gốc, chất lượng của dòng tiền và lợi nhuận kế toán. Khi phân tích tỷ trọng Báo cáo lưu chuyển tiền tệ, các lãnh đạo nên so sánh các dòng trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ với Doanh thu thuần như được báo cáo ở trên Báo cáo kết quả kinh doanh. Một lần nữa, tỷ số % Dòng tiền thuần từ hoat động kinh doanh trên (/) doanh thu thuần (OCF/Sales ratio) là một trong những tỷ số quan trọng nhất trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ vì nó phản ánh khả năng chuyển đổi doanh thu thánh tiền mặt. Một công ty phát triển tốt và bền vững thường có tỷ số này cũng như Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS) tăng lên theo thời gian. 

Một trong những lời khuyên quan trọng nhất dành cho các lãnh đạo là các hãy thường xuyên đọc Báo cáo lưu chuyển tiền tệ, xem dòng tiền từ hoạt động kinh doanh có dương hay không và giải thích được tại sao lại âm hay dương. Điều quan trọng nhất đối với các lãnh đạo doanh nghiệp cần phải nhớ sau buổi học là “Doanh nghiệp chỉ có thể dùng “tiền” để trả lương, tiền thuê nhà, tiền điện thoại, trả cho nhà cung cấp, trả gốc và lãi cho ngân hàng nhưng không thể dùng “lợi nhuận kế toán” để trả cho những khoản đó được”. 

Dương Hải - Phó GĐ CLB Giám đốc Tài chính Việt Nam (VCFO)
Nguồn: ybahcm.com.vn

Không có nhận xét nào:

Flag Counter