Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

CEO Nguyễn Mạnh Hùng: “Chỉ muốn học vua Minh Trị”



Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm CEO Thái Hà Books Nguyễn Mạnh Hùng từng học đại học và sau đại học tại Nga (Liên Xô cũ), từng đảm nhận vị trí quan trọng trong nhiều doanh nghiệp và tổ chức lớn. Rồi ông bất ngờ rời bỏ “chỗ làm trong mơ” đối với nhiều người khác để đi làm sách.

Từng học tập, công tác, tham quan, làm việc tại 39 quốc gia như Nga, Mỹ, Pháp, Australia, Anh, Nhật, Trung Quốc, Ai Cập, Thụy Điển, Italy…, ông Hùng biết 4 ngoại ngữ: Anh, Pháp, Nga, Trung; trong đó 3 ngoại ngữ đầu thành thạo cả nghe, nói, đọc, viết. Từng sống ở nước ngoài trên 16 năm. Sau khi từ Sydney, Australia trở về nước, từ năm 2003, ông bắt đầu giảng dạy về quản trị kinh doanh tại các tổ chức quốc tế, các hiệp hội doanh nghiệp, trung tâm đào tạo, các doanh nghiệp. Ông cũng là giảng viên, thành viên ban giám khảo và cố vấn cho nhiều chương trình Khởi nghiệp.
 
Sách là đam mê

Bỏ FPT, trở thành người kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa, ông có nghĩ là mình đã chọn một cái gì đó nhẹ nhàng và ít may rủi?

Ở FPT là kinh doanh thực thụ. Thái Hà Books là đam mê. Sách là đam mê và mong muốn từ nhỏ của tôi. Làm sách không giàu nhưng rất thú. Ít có nghề nào càng làm càng mê như sách. Người bán phở ít ăn phở, người bán thịt chưa chắc đã ăn nhiều thịt, nhưng người làm sách thực thụ thì càng làm càng đọc nhiều, càng mê đọc và say sưa sưu tầm sách.

- Ông có thể nói gì về thị trường của mặt hàng ông đang kinh doanh? Thái Hà Books nhắm tới những dòng sách nào?

Làm cái gì cũng phải nghĩ đến sức mạnh cạnh tranh. Tôi làm lãnh đạo doanh nghiệp nhiều năm, kinh doanh từ nhỏ, lại giảng về kinh doanh nên mảng sách kinh doanh không thể không chú tâm. Tôi là Phật tử thuần thành nên loại sách về ứng dụng đạo Phật vào cuộc sống và lãnh đạo doanh nghiệp không thể không làm. Hơn nữa, là Ủy viên Ban chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nên tôi nghiên cứu kỹ về các em và về các bậc cha mẹ. Chính vì vậy sách cho cha mẹ và con trẻ, nhất là tuổi teen, là thế mạnh của chúng tôi.

- Có một sự thực bây giờ, thời gian là vàng là bạc thế nên để người ta cầm sách lên đọc đã là khó, nói gì đến một doanh nhân. Sự đọc sách có trở thành… xa xỉ quá không, thưa ông?

Điều ấy chỉ đúng một phần thôi. Đành rằng người Việt ta nói chung và doanh nhân nói riêng chưa chăm đọc, nhưng không có nghĩa là không đọc. Tôi có thể kể ra cho chị một danh sách dài cả mấy trang về những doanh nhân chăm đọc. Người Việt mình chứ không phải Tây đâu nhé. Trong đó phải kể đến Trương Gia Bình và Nguyễn Thành Nam của FPT, Đặng Đức Dũng của Hưng Việt, Lý Trường Chiến của Dân Trí, anh Nguyễn Mạnh Hùng của Viettel, anh Toàn của Công ty Du lịch Bốn mùa, anh Khiết Giám đốc Công ty kiểm toán ASCO, anh Chín Chủ tịch VMC, chị Trang JRP, anh Hùng Hanel Telecom… Nhiều doanh nhân có thời gian đi nhậu, đi chơi mà lại nói không có thời gian đọc sách là vô lý!

- Ông đã bắt đầu trở thành một “chiến sĩ văn hóa đọc”, không ngừng tuyên truyền để mọi người đọc sách và đã làm khá nhiều việc để tạo nên các phong trào tủ sách, Tết Sách... Việc này có ích lợi gì rõ rệt cho xã hội?

Cứ làm cái đã. Không làm thì sao biết có kết quả hay không. Ít nhất năm 2010 vừa qua, thông qua 50 buổi nói chuyện về sách, văn hóa đọc và kỹ năng đọc sách siêu tốc khắp nơi trên cả nước, tôi biết rằng hàng ngàn người đã thay đổi tư duy. Hàng trăm người thay đổi nhận thức. Một ví dụ cụ thể, Tết Canh Dần vừa rồi có đến 19 doanh nhân bạn tôi khoe tủ sách tại gia (thay cho tủ rượu). Có ai tin không, có dám nghĩ đến chuyện đó 3 năm về trước không?! Tôi tin một cách tuyệt đối rằng tôi và những người tâm huyết với sách và tri thức sẽ tạo ra một phong trào “toàn dân đọc sách” như phong trào “toàn dân tập thể dục” trước đây của cụ Hồ.

- Cuốn sách mới nhất, tâm huyết nhất của Thái Hà Books, hoặc một nhà sách khác, mà ông “mời” các doanh nhân, doanh nghiệp tìm đọc, đó là cuốn sách gì?
Có lẽ phải chọn 3 cuốn: 1. Think and grow rich - 13 nguyên tắc nghĩ giàu, làm giàu của Napoleon Hill. Cuốn này tôi đọc 22 lần, trong đó 18 lần bản tiếng Anh. 2. Tuần làm việc 4 giờ. Để làm sao các doanh nhân và mỗi chúng ta làm việc hiệu quả và thay đổi tư duy về cách làm việc. 3. Năng đoạn kim cương. Đọc để có trí tuệ cắt được kim cương (thứ rắn nhất trên thế gian này), trong suốt như kim cương để biết mình, doanh nghiệp mình quý và hiếm như kim cương.

Trao đổi và cho đi

- Điều gì khiến ông không dừng lại ở vị trí CEO một công ty mà lại trở thành diễn giả?

Tôi chưa dám nhận là diễn giả. Đơn giản tôi đi nói chuyện và sẻ chia. Bao kinh nghiệm và kiến thức đúc kết mấy chục năm, từ bao nhiêu nước, với bao nhiêu nhà lãnh đạo, từ biết bao tập đoàn để không thật là uổng phí. Phải chia sẻ. Phải trao đổi và “cho đi”. Cuộc sống là vô thường mà! Hơn nữa các cụ đã nói: “Khi cho đi, ta hạnh phúc hơn khi nhận”.

- Tôi còn nhớ trong bộ phim The King’s Speech, nhà vua George VI từng luôn bị lắp bắp trước đám đông. Muốn nói chuyện trước công chúng, cũng phải có năng khiếu, ông có phải tập luyện không?

Kiên trì và làm nhiều. Hết. Tôi không hề tập luyện. Nếu ta thật sự có kiến thức, có những trải nghiệm quý giá mà lại nói từ tâm mình, nói hết mình sẽ hay. Thậm chí rất hay, rất cuốn hút.

- Ông muốn gửi gắm điều gì tới các đối tượng tới nghe ông nói chuyện?

Hãy học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước. Tôi nhớ rằng có 4 cấp: học nhi chi, hành nhi chi, giao nhi chi và khốn nhi chi. Đấy, cấp độ 2 là hành. Hãy hành động và làm. Cấp độ 3 là giao nhi chi. Bang giao là quan trọng. Cuối cùng chỉ khi khốn khó mới ngấm. Nếu học từ những người làm thật, có mối quan hệ rộng và đã rất “khốn” để thành công chúng ta nhất định đi nhanh và vững chắc.

- Vừa rồi, ông và Alan Phan - Chủ tịch Quỹ đầu tư VIASA có cuộc tọa đàm “Đầu tư năm 2011 – Bài học từ 42 năm làm ăn tại Mỹ và Trung Quốc” tại TP. HCM, Hà Nội và Hải Phòng”. Sau 3 buổi tọa đàm, ông có nhận xét gì về ích lợi của các chương trình này, và thái độ tiếp nhận của khách tham dự ra sao?

Con số gần 200 email và điện thoại gọi đến làm tôi vui. Các doanh nhân tham dự đã hiểu thêm về việc đầu tư ở nước ngoài, nhất là Mỹ và Trung Quốc. Nhiều người đã nghĩ đến việc niêm yết tại Mỹ hay các nước phát triển (hiện nay Việt Nam mới chỉ có Cavico niêm yết ở Mỹ. Trong khi Trung Quốc và các nước khác đã huy động được biết bao nhiêu tiền từ sàn chứng khoán nước ngoài).

- Sắp tới, ông sẽ có những chương trình gì thiết thực liên quan tới kinh tế, xã hội, hay văn hóa của Việt Nam?

Chúng tôi đang mời một loạt các doanh nhân thành đạt từ Mỹ và các nước phát triển vào Việt Nam. Năm 2010 Thái Hà Books cũng đã tổ chức được 7 chương trình Phật pháp ứng dụng dành cho doanh nhân và trí thức tại TP.HCM. Năm nay đang tính đến format mới cho hay hơn, hấp dẫn hơn. Các doanh nhân không chỉ cần có các chương trình về lãnh đạo và kinh doanh; họ cần cân bằng được cuộc sống. Bệnh tật thế kỷ 21 khá nhiều mà nguyên nhân chính vẫn là rối loạn chuyển hóa đấy!

Thiền đem đến “trí vô sư”

- Ông có viết một bài: Doanh nhân tự nguyện đi tù 10 ngày để kể về 10 ngày trải nghiệm khóa thiền Vipassana. Điều gì khiến ông có thể dứt ra khỏi công việc ở công ty mà đi như vậy?

Có 2 loại trí là hữu sư và vô sư. Chỉ có thiền mới giúp ta có được trí vô sư. Hơn nữa thiền giúp doanh nhân sáng tạo, minh mẫn, thư giãn, khỏe mạnh, làm việc hiệu quả. Và cuối cùng, giám đốc doanh nghiệp chỉ lo 2 việc chính là định hướng và đào tạo đội ngũ kế cận. Tôi làm tốt 2 việc đó là được, có thể không cần phải có mặt ở cơ quan.

- Nhưng giả sử vắng ông, công ty không được điều hành tốt, hoặc nói chung là vận hành không suôn sẻ, thì ông vẫn chấp nhận để đi thiền sao?

Người có “trí” ắt phải biết cân bằng. Hơn nữa linh tính hay trí vô sư mách ta phải làm gì. Rất tiếc nhiều doanh nhân Việt chưa nhận ra giá trị của thiền. Họ tưởng thiền là phải mất nhiều thời gian. Và rằng do bận, do lắm việc, phải suy nghĩ nhiều nên không có thời gian thiền. Ta phải thiền mọi lúc mọi nơi. Khi đang trả lời phỏng vấn tôi cũng thiền đấy. Chánh niệm là quan trọng!

- Được biết, trong trải nghiệm đó, có cả việc ông cùng đoàn nhà sư đi khất thực. Đây không phải là một việc quá lạ lẫm với ông sao?

Doanh nhân chúng ta sống trong đầy đủ: máy lạnh, xe hơi, nhà lầu, ăn ngon, mặc đẹp. Khi xuất gia bạn chỉ có y, bát. Làm nhà sư tức sống bằng của bố thí của bá quan, bá tánh. Tức phải ăn xin. Còn đi khất thực tức đi chân đất, không đội mũ nón, ai cho gì lấy đó. Phải như vậy mới hiểu được giá trị thật của cuộc sống. Có 2 đường tu: tu phúc và tu giải thoát. Mà muốn tu tốt phải nhớ và tâm niệm một câu: “thiểu dục tri túc”.

- Theo ông, doanh nhân có nên áp dụng, tận dụng, hoặc kết hợp thế nào cho hợp lý giữa các phương thức tôn giáo vào đời sống và công việc kinh doanh?

Tôi rất muốn khuyên các doanh nhân chọn cho mình một tôn giáo. Tôn giáo chính là chỗ dựa. Khi thất bại, lúc khó khăn, nếu có tôn giáo ta sẽ có thêm tự tin và nghị lực để vượt qua. Đạo Phật lại dạy chúng ta từ - bi - hỷ - xả, cho ta hiểu về vô thường, về khổ và vô ngã nên nếu thấu hiểu Phật pháp sẽ rất vững chãi trong cuộc sống.

- Ông thể hiện sự quan tâm tới các nhân viên trong công ty bằng cách viết blog hoặc post lên trang web, các giám đốc khác ít khi thể hiện theo cách đó…

Sự quan tâm có nhiều cách thể hiện. Quan trọng nhất là tấm lòng, là xuất phát từ tâm. Tôi vẫn nấu ăn cho nhân viên, vẫn đi chợ mua quà cho anh chị em, vẫn gửi nhắn tin chúc ngày tốt đẹp thường xuyên. Mà thực ra chỉ cần gặp ai tươi cười với họ, cảm thông với họ, hiểu họ, giúp họ, tin họ đã là sự quan tâm lớn lắm rồi. Các đồng nghiệp của chúng ta cần những thứ rất giản đơn mà đôi khi ta không biết! May mắn Thái Hà Books có được Vườn Yêu Thương - môi trường yêu thương do tất cả cùng tạo ra và cùng hưởng. Bất cứ ai làm ở Thái Hà Books, dù chỉ 1 ngày, sẽ mãi mãi là Thaihabooker!
 
Một chút về bản thân

- Ông có nhiều ước mơ không?

Ít lắm. Chỉ muốn làm thật nhiều cho sách và tri thức thôi. Chỉ muốn học vua Minh Trị của nước Nhật ngày xưa - chọn những cuốn sách hay nhất của nhân loại, truyền những gì tinh túy nhất của thế giới đến với mỗi người dân Việt.

- Có vẻ như ông hơi khô khan…

Cảm nhận là của từng người. Nhiều người lại thích sự dí dỏm và hài hước của tôi. Mà mình phải là mình chứ. Thế mới là Nguyễn Mạnh Hùng!

- Ông có thể tự vẽ chân dung Nguyễn Mạnh Hùng một cách ngắn gọn, cô đọng nhất?

Khó nhỉ! Gầy và thấp (nặng quãng 60 kg, cao 1 mét 65). Làm việc không biết mệt mỏi. Hay nghĩ và làm những gì có thể cho người khác. Hành trang luôn là cái ba lô trong chứa máy tính và sách. Sứ mệnh là sẻ chia. Và ăn gì cũng thấy ngon, ngủ đâu cũng rất tốt.
Theo doanh nhan

Không có nhận xét nào:

Flag Counter