Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

Chàng trai 8X bỏ lương trăm triệu để sản xuất hương

Bỏ việc tại Thung lũng Silicon (Mỹ), từ chối mức lương lên đến trăm triệu đồng, chàng trai trẻ Trần Phương Anh đi khắp đất nước tìm thảo mộc, tham khảo nhà khoa học lịch sử để làm hương.
Bỏ việc tại Thung lũng Silicon (Mỹ), từ chối mức lương lên đến trăm triệu đồng, chàng trai trẻ Trần Phương Anh đi khắp đất nước tìm thảo mộc, tham khảo nhà khoa học lịch sử để làm hương với suy nghĩ bất cứ gia đình nào cũng sử dụng hương, nhất là các ngày lễ, Tết.
"Hải quy" - làn sóng, giúp đất nước phát triển
Tôi gặp Trần Phương Anh (sinh năm 1981, Thái Bình) vào những ngày mà cả nước đang tất bật sắm đồ lễ Tết. Trông cậu hơi "tơi tả". Cậu đang toan tính làm sao đủ nguồn cung cấp hương cho ngày lễ trọng đại trong năm. Chiếc áo sơ mi trắng lẫn áo vest mặc ngoài cũng như chiếc cặp cậu mang đều lấm tấm bụi hương. Nhưng lấn át sự tơi tả ấy vẫn là nụ cười tự tin đầy đặc trưng của một chàng trai thế hệ mới.
Trần Phương Anh vốn là một học sinh có tiếng ở trường chuyên Thái Bình. Tốt nghiệp ĐH Ngoại thương rồi nhận suất học bổng cao đi Mỹ học cao học, trường cậu học là một ngôi trường danh tiếng, Đại học Yale, nơi nhiều vị lãnh đạo nổi tiếng đã từng học.
Ở đây, cảnh bố đưa con đi học bằng trực thăng vẫn thường gặp. Nhưng bằng ý chí thoát nghèo, chàng trai tỉnh lẻ này đã hoàn thành tốt chuyên ngành Quản trị kinh doanh. Thu nhập rủng rỉnh sau khi ra trường làm việc tại Thung lũng Silicon tưởng chừng khiến cậu thỏa lòng.
Nhưng sau một năm làm việc ở nơi mà nhiều sinh viên mong ước, Trần Phương Anh quyết định "hải quy" làm việc. Giải thích từ "hải quy", Phương Anh cho rằng: Hải là biển, quy là quy tụ. Tức từ hải ngoại quay về nước. Ở các nước phát triển, nhiều người học nước ngoài cũng về quê làm đã thành các làn sóng, giúp đất nước phát triển. Thế hệ đó giờ rất thành đạt, vậy nếu mình về Việt Nam cũng có thể trưởng thành.
"Vui nhất có lẽ bố mẹ mình. Họ muốn mình về gần để có thể quan tâm chăm sóc. Mẹ vẫn thường so sánh với các con rằng: Đấy con bác trong xóm làm ở Hà Nội về đưa mẹ đi mua thuốc đấy! Những câu nói này của mẹ cũng khiến tôi suy nghĩ cùng với ý nghĩ trên nên mình quyết tâm về nước", Phương Anh chia sẻ.
Có duyên với hương
Khi nói chuyện, Phương Anh cũng không ngần ngại chia sẻ sự khó khăn tìm công việc khi về nước như hai lần thi vào Công ty Viettel nhưng đều trượt. Nhưng bù lại, chàng trai thi đậu để làm quản lý chuỗi nhà hàng BBQ tại Việt Nam hay làm trưởng đại diện BitDefender Việt Nam. Mỗi nơi làm việc Phương Anh đều để lại những dấu ấn riêng về cách quản lý.
"Khi trượt Viettel cả nhà buồn lắm! Mẹ trách mình chắc là vào phòng thi tỏ thái độ này nọ. Mẹ cũng bất ngờ vì điều này và hiểu con hơn. Có thể cách học và thi của Việt Nam khác kiến thức mình có. Còn khi làm ở công ty nước ngoài, tiền lương mỗi tháng khoảng từ 3.500 - 5.000USD. Cách đây 5 năm là con số khá dư dả. Tính ra, mỗi tháng mình chưa tiêu hết 300USD. Điều đó chỉ làm gia đình vui. Nhưng sốc là quyết định từ bỏ tất cả những gì tốt đẹp để làm hương nhang", chàng trai 30 tuổi tâm sự.
Dù làm công việc tốt, lương cao nhưng Phương Anh vẫn ấp ủ một niềm đam mê được thoát ra khỏi cái bóng làm thuê. Cũng từng tự lập ra trang web để làm nơi rao vặt, mua bán của cư dân mạng nhưng chưa kịp bắt tay thì cái duyên với hương nhang lại đến với Trần Phương Anh.
Một hôm anh chàng về quê vào thăm chùa Keo (Thái Bình) và trò chuyện cùng vị trụ trì bằng tuổi. Trong câu chuyện có đề cập đến công thức làm hương bị thất truyền hàng trăm năm.
Từ ngày đó, không giờ phút nào cậu không nghĩ đến hương. Bỏ làm trưởng đại diện công ty nước ngoài. Dành tất cả các khoản tiền tiết kiệm được để tìm hiểu và đầu tư làm hương. Phương Anh không làm hương theo cách thông thường mà phát triển theo một hướng mới. Những nén hương cậu làm ra được đúc kết từ những trải nghiệm thực tế khắp đất nước.
Nhiều loại thảo mộc được thử nghiệm và đưa vào nén hương để cháy lên cái tâm của người thắp. Không những thế, cậu còn cùng các nhà khoa học như GS Lê Văn Lan, Nhà sử học Dương Trung Quốc... tìm kiếm lại các cách làm hương của nhân dân bị bỏ quên từ lâu. Mỗi nén hương được đặt trong hộp mang sự trân trọng bởi các hình vẽ mang tính truyền thống.
Nâng tầm những thứ bình dân
Chia sẻ về việc vì sao lại chọn hương thay vì các con đường khác rộng mở hơn, cậu cho rằng, có 3 cách để phát triển sản phẩm: Bình dân hóa thứ xa xỉ. Nâng tầm những thứ bình dân. Hương là yếu tố văn hóa mang tính tâm linh của Việt Nam. Bất cứ gia đình nào cũng sử dụng hương, nhất là các ngày lễ, Tết. Vì thế, quyết định nâng giá trị thứ bình dân đã được cậu suy nghĩ và lựa chọn.
"Mẹ chỉ muốn mình đi làm thuê để an nhàn và không lo bị phá sản. Ước mong duy nhất của họ là có công việc ổn định, mỗi tháng thu nhập khoảng vài triệu là đủ. Chính vì thế, phải thời gian dài sau khi lập công ty, Phương mới dám thú thực cùng bố mẹ. Bạn bè cũng không hiểu mình đang làm gì. Tất cả đều là dấu hỏi", cậu chia sẻ.
Sau 3 năm thành lập, đến nay, Công ty hương Phụng Nghi của chàng trai này vẫn còn những khó khăn. Một mình đứng một bên chiếc bập bênh nhưng cậu vẫn vui vẻ chia sẻ rằng: Tổng thu nhập của năm 2010 là 15 tỷ đồng, năm nay cũng được khoảng hơn 20 tỷ đồng. Với 150 nhân viên nên số tiền này cũng là con số khiêm tốn. Nhưng dù khó khăn đến đâu tôi vẫn quyết tâm duy trì con đường này. Nếu cần sẽ đi làm trở lại để lấy tiền "nuôi hương"...
Quan niệm của Phương Anh về gia đình được hiểu rằng: Dù là vua hay dân cày, yên ấm dưới một mái nhà thì đó là người hạnh phúc. Vì thế, mỗi khi Tết đến niềm vui lớn nhất của cậu là được sum vầy bên gia đình, đi lễ chùa, mừng tuổi cháu bé.
Bạn bè thường đặt những câu hỏi khó hiểu với Phương Anh bởi cậu tự nhận mình là con người trong sáng, thánh thiện. Và cậu cũng không có các sở thích như uống rượu, nhậu nhẹt bù khú, hút thuốc...
Theo Khoa học & Đời sống

Không có nhận xét nào:

Flag Counter