Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

Muốn thành công cần kết hợp tài, tầm và tâm

Trên thế giới có 3 loại người: người may mắn, người xui xẻo và người bình thường. Anh Lê Kim Giàu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hưng Khang, cho rằng, mình là người may mắn. Theo anh, xui xẻo chẳng qua là những thử thách giúp chúng ta cứng cỏi hơn mà thôi. “Tôi đã đọc được đâu đó rằng: Cuộc sống là một trò chơi tìm kiếm. Khi một cánh cửa sập lại với mình, chắc chắn sẽ có 5, 7 cánh cửa khác mở ra và có người trải thảm đỏ đón mình”, anh tâm sự.
Ông Lê Kim Giàu, TGĐ Công ty Cổ phần Hưng Khang
Khi nào và ở đâu, anh đã từng bị mộtcánh cửa sập lại và 5, 7 cánh cửa khác mở ra?
Năm 1970, từ Campuchia, tôi trở về Việt Nam. Đối với tôi, đó là thời kỳ bóng đêm bao trùm, vì trước đó tôi sống rất sung sướng, ăn học đi đứng đều có người phục vụ. Dù mới 9 tuổi, nhưng tôi đã phải tìm kế sinh nhai. Tôi nghĩ, mình “ăn theo thuở, ở theo thời”, bằng mọi giá phải kiếm đồng tiền một cách lương thiện bằng mồ hôi, nước mắt. Tôi bán hàng rong, chạy xe ba gác, làm đủ nghề. Quãng thời gian lượm hạt cao su, mót lúa, đốn củi đem về cho bà ngoại bán đổi gạo đã để lại ấn tượng sâu đậm trong ký ức tuổi thơ tôi. Đến năm 1988, tôi xin làm phụ việc trên tàu và dành dụm đến năm 1993 thì được 300 USD rồi ra làm riêng.
Với 300 USD, tôi thuê 1 chiếc xà lan để chở dầu thuê. Đến năm 1995, tôi tích lũy được một số vốn kha khá. Nhưng một lần nữa, bóng đen lại đổ ập lên mình. Chủ cho thuê xà lan thông báo ngưng hợp đồng trước thời hạn vì phải phục vụ cho mục đích quân sự (xà lan này do một tư nhân cùng với quân đội bỏ vốn đầu tư rồi nhận khoán, sau đó cho tôi thuê lại).
Hai tháng sau, tình cờ tôi gặp lại đồng nghiệp cũ tại Sài Gòn. Anh đã cho tôi vay tín chấp 400 triệu đồng với lãi suất 3% và bảo đóng tàu mới để làm ăn. Anh bạn nói rõ, anh giúp tôi bởi tôi có thiện chí làm ăn. Thêm 200 triệu đồng từ một bà chủ xà lan là khách hàng nữa cùng vốn liếng trong nhà bán khoảng 42 triệu đồng, tôi đổ tất cả vào đóng tàu.
Đến năm 2001, tôi đã sở hữu được 4 chiếc tàu chở dầu mang thương hiệu Quốc Cường. Với kinh nghiệm trong ngành vận tải xăng dầu bằng đường sông, tôi quyết định đầu tư thêm ngành đóng tàu. Từ năm 2001 đến cuối năm 2004, nhận thấy ngành kết cấu thép có thị trường rộng lớn, tôi lại chuyển từ ngành đóng tàu sang ngành kết cấu thép, vì đây là lĩnh vực đơn giản và ít phức tạp hơn.
Từ 300 USD khởi nghiệp năm 1993, đến nay, anh có trong tay khoảng bao nhiêu vốn?
Tôi chỉ biết tôi có đủ tiền lo cho các con tôi ăn học. Các tổng giám đốc thành công trên thế giới đều thường nhờ vào 70% kinh nghiệm, 20% trải nghiệm, 10% còn lại là kiến thức học ở trường. Tôi thiếu 10% cuối cùng nên luôn cố gắng rèn luyện bản thân, học hỏi những người xung quanh. Tôi đã học từ những người đi trước, từ các giáo sư đến bạn bè, đối tác, thậm chí nhân viên của mình.
Con tôi sau khi du học đã trở về nước và trở thành trợ lý đắc lực, luôn kề vai sát cánh cùng tôi trong các dự án mà Hưng Khang đảm nhận. Đối với các nhân viên trong Công ty, tôi cũng khuyến khích, hỗ trợ họ trau dồi kiến thức, đặc biệt là kỹ năng quản lý.
Việc giảm nhân sự từ 200 xuống còn 70 người trong khủng hoảng kinh tế có phải là chiến lược cắt giảm nhân sự của Công ty khi gặp khó khăn?
Khủng hoảng kinh tế thế giới tất nhiên ảnh hưởng ít nhiều đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, ảnh hưởng đó không đáng kể so với tốc độ tăng trưởng của Hưng Khang. Công ty cắt giảm nhân sự nhằm thực hiện chủ trương cơ giới hóa, tự động hóa hoạt động sản xuất của nhà máy. Chúng tôi khuyến khích các cá nhân sáng tạo, cải tiến máy móc, thiết bị, sức máy thay sức người.
40% máy móc đang vận hành tại Nhà máy Hưng Khang đều ra đời từ Xưởng chế tạo máy của tôi. Hệ thống máy móc của Công ty ngày càng được cải tiến.
Hưng Khang có khách hàng lớn và đối thủ cạnh tranh nào?
Những khách hàng lớn của Công ty là PepsiCo (Mỹ), Toyota (Nhật), Sonadezi (Việt Nam)... Còn đối thủ, tôi không quan tâm lắm bởi chúng tôi đã đề ra hướng đi và có chiến lược lâu dài.
Thời điểm khó khăn nhất của Hưng Khang?
Trong quá trình hình thành và hoạt động đến nay, Hưng Khang chưa gặp phải khó khăn nào đáng kể. Chúng tôi luôn thận trọng trong các bước đi. Làm gì thì cũng phải huề vốn hoặc lời chút ít mới làm. Do đó, chúng tôi chưa từng bị thua lỗ.
Tuy nhiên, giai đoạn đóng chiếc xà lan chở dầu đầu tiên là giai đoạn khó khăn nhất của tôi. Lúc đó, tiền chở thuê chỉ vừa đủ để trả tiền lãi. Tôi nghĩ, mình phải đột phá để vượt qua khó khăn. Và đó là chiến lược đúng. Trước mỗi khó khăn, tôi luôn bình tĩnh nhìn thẳng vấn đề, vạch ra các giải pháp, tính toán chi ly từng bước một, tùy vào thời điểm, tùy vào thực tại mà đưa ra giải pháp an toàn nhất.
Chuyên cung cấp các giải pháp kết cấu thép cho các công trình công nghiệp, thương mại, dịch vụ, vậy trong quản trị nhân sự, Hưng Khang có áp dụng “giải pháp thép” không?
Tôi xem nhân viên như người trong gia đình. Trong kinh doanh, chúng tôi luôn đề cao chất lượng - số lượng, thời gian, cho đó là sự sống còn của Công ty. Tuy nhiên, chính nhân viên là yếu tố quan trọng tạo nên sự sống còn đó. Đối với tôi, con người là nguồn lực quan trọng nhất của một doanh nghiệp. Tôi luôn khuyến khích nhân viên phát minh ra sản phẩm mới cũng như đổi mới trong môi trường làm việc tập thể.
Trong kinh doanh, tôi luôn coi trọng đạo đức. Và hơn hết, muốn thành công thì phải có niềm đam mê và sẵn sàng học hỏi.
(Theo nhipcaudautu)

Không có nhận xét nào:

Flag Counter