Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Tham vọng doanh số hàng ngàn tỉ đồng


Chiến lược nào sẽ giúp Tổng Giám đốc Dương Quốc Thái đem về doanh thu như mong muốn cho Công ty Cổ phần Bao bì Nhựa Sài Gòn?

Quyết định đổi mô hình kinh doanh từ công ty trách nhiệm hữu hạn sang công ty cổ phần vào năm 2007 của Tiến sĩ Khoa học Dương Quốc Thái, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bao bì Nhựa Sài Gòn (Saplastic-JSC), được cho là Chiến lược những phép cộng (Học thuyết Win – Win) của nhà quản trị. Đó là phép cộng về nguồn lực tài chính, kinh nghiệm điều hành, quản lý từ các cổ đông chiến lược đẳng cấp quốc tế. Sau hơn 2 năm cổ phần hóa, đến hết quý II/2010, Saplastic đã công bố mức lợi nhuận của mình lên đến 15 tỉ đồng, cao gấp 8 lần so với cùng kỳ năm 2009. Dự kiến lợi nhuận năm 2010 là 35 tỉ đồng/90 tỉ đồng vốn điều lệ.

Kết quả kinh doanh đó gắn với những quyết định táo bạo của Tiến sĩ Dương Quốc Thái. Không chỉ là một Tổng Giám đốc khá tự tin với chiến lược đầu tư mạnh về công nghệ và trình độ quản lý, ông Thái còn được biết đến như là một doanh nhân “chịu chi” cho các dự án nghiên cứu để cải tiến sản phẩm. Ông cho biết: “Doanh nghiệp sẵn sàng trích ra 20% lợi nhuận để đầu tư nghiên cứu nếu việc đó có thể phục vụ lại cho dự án phát triển của doanh nghiệp”.

Trong tình hình chung là các doanh nghiệp đang nỗ lực phục hồi sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, việc Saplastic công bố mức lợi nhuận cao gấp 8 lần so với cùng kỳ năm trước gây không ít thắc mắc cho giới kinh doanh. Ông giải thích thế nào về điều này?

Saplastic là công ty đã niêm yết nên mọi con số trong kinh doanh đều phải được minh bạch. Thực tế, mức độ cạnh tranh trên thị trường bao bì nhựa hiện rất gay gắt. Lý do dễ thấy nhất là ảnh hưởng từ cuộc suy thoái kinh tế đã làm giảm mạnh sản lượng sản xuất của nhiều ngành hàng như: cà phê, bánh kẹo, thủy sản… các ngành tiêu thụ sản phẩm bao bì nhựa nhiều nhất. Thứ nữa, việc ngày càng có nhiều công ty bao bì nhựa mới trong và ngoài nước xuất hiện cũng sẽ là thách thức đối với các doanh nghiệp nội địa.

Kết quả lạc quan trên có được nhờ chiến lược hậu suy thoái của Công ty. Từ cuối năm 2009, chúng tôi đã áp dụng thành công các biện pháp giảm chi phí đầu vào, dự trữ được nguồn nguyên vật liệu lớn để sản xuất khi giá nguyên vật liệu thế giới tăng. Ngoài ra, việc đầu tư các dây chuyền sản xuất mới kết hợp biện pháp cải tiến kỹ thuật triệt để của Công ty từ năm 2007 đến nay đã phát huy tối đa tác dụng. Chính sách giảm lãi suất ngân hàng trong 6 tháng đầu năm cũng có tác động đến hiệu quả kinh doanh của Công ty.

Công ty đã đầu tư bao nhiêu tiền cho việc cải tiến này?

Lúc khởi nghiệp, chúng tôi chỉ có một dàn máy thành phẩm đơn giản nhập từ Trung Quốc về. Việc tồn tại và phát triển trong tình hình hợp đồng đặt hàng và lợi nhuận chạy cả vào túi của những đại gia đòi hỏi nỗ lực rất lớn với 1 doanh nghiệp non trẻ như Saplastic.

Tính đến nay, số tiền đầu tư vào cải tiến dây chuyền của Công ty theo công nghệ châu Âu phải lên đến hơn 20 triệu euro. Sắp tới, việc tăng vốn điều lệ từ 90 tỉ đồng lên 125 tỉ đồng cũng nhằm tập trung mở rộng đầu tư chuyên sâu cho chất lượng và tăng số lượng cung cấp cho thị trường bao bì nhựa cao cấp.
Hiện có những cổ đông lớn nào đang đầu tư vào công ty? Tỉ lệ góp vốn của họ là bao nhiêu?

Hiện nay, chúng tôi có 4 nhà đầu tư chiến lược là Vietnam Holding Ltd (Quỹ đầu tư của Thụy Sĩ) chiếm 8,33% vốn điều lệ, Công ty Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) nắm 8,33%, Vietnam Investment Fund chiếm giữ 15,05 % và Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Đầu Tư Việt Nam II sở hữu 8,40%. Trong đó, Vietnam Holding thường chỉ đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước đang cổ phần hóa nhưng họ cho biết khá hài lòng khi chọn đầu tư vào một doanh nghiệp có 100% vốn tư nhân đầu tiên như Saplastic.
Bao bì nhựa thường ảnh hưởng đến môi trường, Saplastic có nghiên cứu hoặc chiến lược làm bao bì tự hủy không?

Chúng tôi đã xây dựng và thực hiện quản trị thành công môi trường sản xuất theo chuẩn ISO 9001: 2008, 14001:2004 và HACCP. Với quan điểm “Bảo vệ Trái đất là bảo vệ ngôi nhà chung của nhân loại”, Công ty đã thực hiện nhất quán, tuân thủ tuyệt đối các quy định pháp luật, kiểm soát chặt lượng rác thải.

Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng lộ trình thay thế dần các hóa chất có chỉ số tác động môi trường cao bằng loại ít có tác động hơn, chẳng hạn thay thế methanol bằng nước hoặc dung môi từ gốc nước, lựa chọn những nhà cung cấp nguyên liệu tuân thủ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm theo quy định của FDA (Ủy ban Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ).

Trong chiến lược marketing của Công ty, phân khúc nhóm C gồm các sản phẩm bao bì túi cà phê, trà hòa tan, sữa bột, hóa chất,… đang chiếm 30% doanh thu. Ông có dự báo nào liên quan đến nhóm hàng này?

Cà phê, trà hòa tan và sữa bột… là những mặt hàng có nhu cầu về bao bì lớn. Doanh nghiệp sản xuất bao bì hoàn toàn có thể sống khỏe khi có một vài khách hàng là các đại gia nổi trội trên thị trường như Nestlé, Vinacafé, Trung Nguyên, Highlands… Tỉ suất lợi nhuận trong ngành này lại khá hấp dẫn, khoảng từ 5-8%. Song không thể phủ nhận mức độ cạnh tranh của nhóm hàng này hết sức khốc liệt. Hiện nay, 30% doanh thu của Saplastic đến từ nhóm hàng này, nên theo đó, quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất cũng được chuyển đổi uyển chuyển đáp ứng nhu cầu thị trường. Theo tôi, nhóm hàng này sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh.




Dự báo của ông đối với ngành bao bì nhựa mềm?

Mức tăng của thị trường này trung bình 25-30%/năm và sẽ tiếp tục tăng cao trong những năm tới. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhu cầu về bao bì nhựa mềm của khách hàng rất cao, dự kiến tăng từ 35% đến hơn 100% trên từng khách hàng. Với nhu cầu thị trường ở mức cao như vậy, Saplastic sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng trên 135% mỗi năm và ổn định ở vị trí 5 công ty đầu ngành từ nay cho đến năm 2015. Doanh số năm 2010 của Công ty sẽ hơn 350 tỉ đồng, năm 2013 sẽ trên 1.000 tỉ đồng và dự kiến năm 2015 là hơn 2.000 tỉ đồng. Còn những kế hoạch sau đó xin chưa tiết lộ vội.

Theo Doanhnhan360.com

Không có nhận xét nào:

Flag Counter