Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

Tìm đáp số cho sự nghiệp nhờ kinh doanh thép phế liệu

Lựa chọn công việc phù hợp với điểm mạnh là một yếu tố quan trọng tạo nên thành công của mỗi người. Có một cách để ra nhận ra sở trường là lắng nghe bản thân, nhìn vào bên trong xem mình hợp với cái gì thay vì nhìn vào những thứ bên ngoài. Đó cũng chính là bí quyết thành công mà CEO Nguyễn Minh Tiến – Công ty A&A Toàn Cầu đã trải nghiệm. Sự nghiệp kinh doanh thép phế liệu của anh đã khắc họa sống động cho tinh thần độc lập, lựa chọn công việc đúng thế mạnh cho mình để tạo nên những thành công đột phá.
CEO Nguyễn Minh Tiến

Phi vụ kinh doanh đình đám thời sinh viên

Anh Nguyễn Minh Tiến sinh ra và lớn lên trong một gia đình bố mẹ đều là viên chức Nhà nước tại thành phố Hải Phòng. Tư tưởng của người Nhà nước đã ngấm sâu đến mức bố mẹ áp đặt là con cái phải có cuộc sống ổn định, an toàn, ít rủi ro. Tuy nhiên, bố mẹ không “cài đặt” được vào đầu anh tư tưởng ấy. 

Từ hồi học cấp 3, anh đã thích kinh doanh và nung nấu ý định thi vào khối ngành kinh tế. Mặc dù bố phản đối quyết liệt và yêu cầu anh phải thi vào trường Dược với hứa hẹn là sẽ xin việc cho anh vào bất cứ đâu nhưng anh không nghe theo lời bố mà chọn thi trường Kinh tế. 

“Đất không chịu trời thì trời phải chịu đất”, anh thi đỗ vào Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội và bắt đầu cuộc sống tự lập, thuê nhà trọ học. Ngay từ ngày là tân sinh viên, với niềm yêu thích kinh doanh, anh đã vạch cho mình là phải trải nghiệm tất cả các công việc mà sinh viên có thể làm như: tiếp thị, nghiên cứu thị trường, bán sách giáo trình, làm dịch vụ tra điểm thi đại học, gia sư, kinh doanh hoa… Với anh, làm thêm không phải là để kiếm tiền mà để cọ sát và trải nghiệm công việc kiếm tiền, kinh doanh, từ đó hiểu giá trị của đồng tiền và ứng xử với tiền như thế nào.  

Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong thời sinh viên của anh là làm dịch vụ tra cứu điểm thi đại học. Khi anh học năm thứ 2 đại học, lúc đó Internet còn rất hiếm và các trường đại học chưa công bố điểm trên mạng như bây giờ. Anh cùng một nhóm bạn làm dịch vụ cung cấp điểm thi đại học cho các sĩ tử ở Hải Phòng. Trước kỳ thi, nhóm của anh phân nhau đến các trường xin giáo viên cho danh sách học sinh lớp 12, sau đó đến từng khu phố, từng nhà có thí sinh để nhận đăng ký xem điểm. Sau kỳ thi, anh lập một mạng lưới lấy điểm thi ở Hà Nội và chuyển về Hải Phòng. Để có được điểm thi sớm và đầy đủ nhất, không quản ngày hè nắng nóng, nhóm anh đến từng trường xin điểm copy ra đĩa mềm hoặc chờ trường dán điểm xong là chép tay rồi gọi điện chuyển về Hải Phòng. Nhờ sự kịp thời, dịch vụ xem điểm của nhóm anh chiếm phần lớn thị phần và tạo được tiếng vang ở Hải Phòng. Số tiền kiếm được từ vụ kinh doanh là 10 triệu đồng. Đó là số tiền đầu tiên anh có được từ công việc kinh doanh.

Công cuộc tìm đường đi sau thất vọng của hai lần nhảy việc

Tốt nghiệp đại học, anh thử sức với công việc tại một công ty vận tải biển nước ngoài tại Hải Phòng. Do công ty mới thành lập, chưa có vị trí kinh doanh nên anh trở thành nhân viên “đa - di - năng” kiêm nhiệm rất nhiều việc khác nhau như: hành chính, thủ quỹ, thu ngân… Sau vài tháng thấy không có triển vọng, lại không được làm công việc yêu thích nên anh xin nghỉ để tìm kiếm cơ hội mới.

Ngay sau đó, anh tìm kiếm và trúng tuyển vào làm vị trí kinh doanh dự án công nghệ thông tin tại Công ty FPT. Công việc của anh là kết nối để bán dự án công nghệ thông tin cho các cơ quan. Với bản tính luôn thích trải nghiệm và học hỏi, làm được hơn 1 năm, anh cảm thấy mình không học hỏi được nhiều nên đã nghĩ đến việc tìm một môi trường mới. Đúng lúc đó, Công ty FPT có chính sách phát hành cổ phiếu cho nhân viên với giá trị quy ra tiền là 20 triệu đồng, lúc đỉnh điểm bán ra gấp 60 lần. Vì lí do thực tế này, anh đã cố gắng ở lại làm thêm một năm nữa với hy vọng được hưởng chính sách. Cuối cùng, anh thất vọng vì không đủ tiêu chuẩn có cổ phiếu nên quyết định ra đi. 

Trong những tháng cuối làm việc tại FPT, tâm trí anh nghĩ rất nhiều hướng đi cho cuộc đời mình. Sau nhiều trăn trở suy nghĩ về tương lai, đấu tranh nội tâm về con đường mình đi, anh tự chiêm nghiệm ra một điều cực kỳ quan trọng mà sau này là bàn đạp thành công của mình: “Trước khi kinh doanh sản phẩm gì, dịch vụ gì thì hãy nhìn vào bên trong con người mình thay vì nhìn vào bên ngoài. Nhìn vào bên trong để xem bản thân mình có những ưu điểm, nhược điểm gì, sở trường gì, niềm yêu thích gì, đam mê, khát vọng là gì, ý chí là gì. Sau đó, tập trung làm rõ những tố chất, điểm mạnh đó của bản thân… Do đó, làm gì không quan trọng mà là phải sử dụng đúng tố chất mạnh ấy. Nếu như không sử dụng đúng điểm mạnh thì trong bất cứ công việc nào thành công sẽ không nhiều và khi khó khăn đến sẽ dễ nản chí và muốn chấm dứt”. 

Khi có sự chiêm nghiệm từ bên trong, anh tự rút ra 3 tiêu chí công việc anh thấy phù hợp với năng lực của mình đó là: Công việc phải có yếu tố nước ngoài; công việc có quy mô lớn, có hàm lượng chất xám cao và mới mẻ với nhiều người.

Cơ duyên tình cờ đến với thép phế liệu

Như người đã xác định được “kim chỉ nam”, anh không đi ứng tuyển nữa mà dành thời gian 6 tháng để tìm hiểu về kinh doanh cho người khởi nghiệp trên nhiều diễn đàn như: ttvnol, vnn… và đồng thời đi gặp gỡ, tiếp xúc với các thành viên trên diễn đàn. 

Một lần, anh đến văn phòng của một người bạn thì vô tình nghe được thông tin “Công ty Hòa Phát cần 20.000 tấn thép phế liệu”. Không ngờ con số này gây ấn tượng mạnh với anh, khiến anh rất quan tâm, tò mò và tự hỏi “Tại sao người ta lại cần một số lượng lớn đến thế để làm gì?”. 

Như có điều gì thu hút đến mê hoặc, ngay lập tức anh tìm hiểu và biết được rằng: để sản xuất ra phôi thép thì cần phải có thép phế liệu. Phôi thép chính là những khối thép lớn, dài dùng để cán ra thép xây dựng (thép cây, thép dây…) phục vụ cho các công trình nhà cửa, đường xá, cầu cống,…

Cùng thời điểm này, anh có một người bạn vừa mới ra trường và đang kinh doanh môi giới thương mại. Người bạn này thành công hơn và có thu nhập cao hơn anh nhiều lần. Như bắt được “sóng”, anh nhận thấy đây chính là điều mình đang tìm kiếm sau khi ghép nối hai nguồn tin về “thép phế liệu” và “môi giới” với nhau. “Ngành thép phế liệu rất mới và đang rất có tương lai ở Việt Nam hơn nữa lại phù hợp với ba tiêu chí công việc đã đề ra: Ngoại, lớn và mới. Ngoài ra, nghề môi giới hợp với người trẻ tuổi vì không cần đầu tư vốn ban đầu”. Điều đó tạo cho anh quyết tâm khởi nghiệp kinh doanh.

Khởi nghiệp và bứt phá

Năm 2005, anh cùng một người bạn góp vốn thành lập công ty cổ phần. Mỗi người góp 20 triệu đồng. Lúc đó, anh tiết kiệm được 10 triệu đồng, 10 triệu còn lại anh vay chị gái và xác định trước là trong vòng 6 tháng đầu tiên setup công ty sẽ không có lãi. 

Để tiết kiệm tối đa chi phí, đầu tiên anh thuê văn phòng gồm 3 tầng trên cùng của một căn nhà trên đường Hoàng Hoa Thám với chỉ có … 1,2 triệu đồng/ tháng, mua 2 bộ máy tính, máy điện thoại, máy fax cũ để dùng và xác định tài sản vô hình lớn nhất chính là bộ não, là chất xám, là kiến thức của mình. 

Lúc đó, với chí lớn và sự tập trung cao độ, anh ở văn phòng công ty cả ngày lẫn đêm, coi văn phòng là nhà. Cuộc sống những ngày đó của anh là ăn, ngủ với “thép phế liệu”. Công việc chủ yếu của anh hàng ngày dồn tâm, trí, lực vào tìm hiểu sâu về thép phế liệu và nghĩ cách xem sẽ phải làm gì với nó. 

Với mạng Internet và một cái máy tính, anh vào Google tìm kiếm những thông tin liên quan đến “thép phế liệu” bằng các thứ tiếng khác nhau. Kết quả hiện ra các diễn đàn, mạng xã hội về thép phế liệu rất nhiều, trong đó phải kể đến trang Alibaba (Trung Quốc) có nhiều đối tác rao mua, rao bán trên đó, anh click vào từng người có triển vọng và gửi mail cho họ. Không chỉ có thế, anh vào các trang web chuyên ngành về thép phế liệu để có kiến thức sâu hơn.
 
Bài toán đặt ra là làm thế nào để có khách hàng. Ở Việt Nam, không khó khăn, anh tìm được ngay những khách hàng có nhu cầu thép phế liệu là các nhà máy, các dự án đang triển khai… Khi tiếp xúc, được họ đón tiếp trọng thị, anh đã tìm được câu trả lời cho mình: “Họ tiếp mình vì họ cần mình, họ vừa xây xong một nhà máy hoành tráng, tốn rất nhiều tiền nhưng cũng không biết mua nguyên liệu ở đâu”. Sau cuộc gặp, anh hỏi tất cả các thông tin cần thiết về công nghệ, mặt hàng họ cần, chất lượng, cách thức thanh toán… Từ đó, anh xây dựng cơ sở dữ liệu khách hàng tiềm năng. 

Bước tiếp theo để có nguồn cung, anh liên lạc với những người có khả năng cung cấp và cần bán hàng trên mạng, họ cũng cần anh vì có thể giới thiệu đầu ra cho họ. Khó khăn duy nhất là vì quen trên mạng, không biết mặt, nên rủi ro cao vì nhiều khách hàng không thẩm định được. Vì thế, anh phải tìm cách đánh giá đối tượng khách hàng quen trên mạng, nếu không sẽ bị “sập bẫy”.
 
Thời gian đầu, anh giao dịch với tất cả mọi người biết trên diễn đàn, nhưng sau dần anh thu hẹp đối tượng và chắt lọc hơn. Qua mỗi email gửi đi, mỗi cuộc điện thoại, anh đều rút ra được bài học, kinh nghiệm để lần sau không mắc lại nữa. Sau khi chọn lọc tương đối ổn, anh mới tiến hành ký hợp đồng với một vài đối tác trong nước và nước ngoài. Tuy rất kỹ càng rồi nhưng các hợp đồng đầu tiên anh ký đều thất bại vì nhiều vấn đề không lường trước.

Từ những trải nghiệm đó, anh thận trọng hơn: chỉ tập trung giao dịch trên những diễn đàn hẹp, chuyên môn sâu, ít người biết đến hoặc của những người thực sự quan tâm đến lĩnh vực này. Vì vậy, anh chuyển cách tiếp cận đối tác chủ động hơn là tìm đối tác và đặt ra tiêu chí để chọn lọc đối tác phù hợp. Sâu hơn, anh vào các website của hiệp hội ngành hàng thép phế liệu của quốc gia trên thế giới, có điện thoại, địa chỉ công ty rõ ràng, anh nghiên cứu về năng lực, kinh nghiệm và kết nối với họ thì độ tin cậy cao hơn nhiều. 

Những tháng đầu gặp phải khó khăn trong tìm kiếm đối tác nhưng anh không thấy chán nản mà luôn có một niềm tin vững vàng vào con đường mình đã chọn. Thiên thời, địa lợi anh đã có, giờ chỉ cần nhân hòa thôi.

Điều đó tạo cho anh động lực phấn đấu và hun đúc ý chí mạnh mẽ hơn. 

Sau 4 tháng mở công ty, anh đã ký thành công hợp đồng đầu tiên khi kết hợp với một người bạn có nhà cung cấp thép phế liệu chất lượng nhưng chưa có khách hàng, ngược lại anh có khách hàng nhưng chưa có nhà cung cấp. Hợp đồng đầu tiên là 500 tấn thép phế liệu, số phí môi giới được 4000 đô la, lợi nhuận chia đôi, anh được 30 triệu đồng, nhiều hơn cả số tiền anh góp vốn lập công ty. 

Từ đây, nhờ đào sâu về con đường kinh doanh thép phế liệu, anh làm hai mảng rất rõ rệt là: Đại diện thương mại (đại diện cho người bán nước ngoài để bán lô hàng thép phế liệu tại Việt Nam) và Thương mại (Trực tiếp nhập hàng về bán tại Việt Nam). Cả hai mảng, anh đều làm một cách bài bản, đúng nghĩa, trung thực và uy tín. 

Nhờ thế, những khách hàng tìm đến với anh là vì chất lượng cũng như những giải pháp hiệu quả mà anh đề ra để xử lý tất cả các vấn đề phát sinh cho hai bên: nhà cung cấp và khách hàng. Tiêu chí phục vụ của anh là: “Không phải bán cái mình có mà phải bán cái khách hàng cần”.
 
Bằng những bước đi vững chắc và đúng đắn, sau hơn 6 năm kinh doanh, công ty của anh đã trở thành doanh nghiệp làm thương mại và đại diện thương mại về thép phế liệu có thị phần đứng đầu Việt Nam. Anh tiết lộ: “Mỗi năm, A&A bán khoảng 300.000 tấn thép phế liệu, cung cấp khoảng 1/8 tổng số thép phế liệu ở Việt Nam, ước tính giá trị lượng hàng là 120 triệu đô/năm. Về mảng thương mại: Mỗi năm nhập khoảng 10.000 – 15.000 tấn để phân phối trong nước”. 

Không ngại bật mí những con số về doanh thu và tăng trưởng của công ty, anh cho biết: “Năm 2010 thì doanh thu 60 tỷ, lãi 10 tỷ; Năm 2011 tình hình kinh tế khó khăn, doanh thu 80 tỷ, lãi 8 tỷ”. Còn các khách hàng của anh có thể nhắc đến: Tổng Công ty Thép Việt Nam, Công ty Gang thép Thái Nguyên, Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Thái Hưng, Tập đoàn Thép Việt (Thương hiệu Pomina)…

Những kết quả này đã chứng minh cho sự đúng đắn khi lựa chọn cách nhìn vào bên trong để xây dựng sự nghiệp của anh. Đối với anh, “kinh doanh lĩnh vực thép phế liệu là kinh doanh hẹp nên bất cứ một sự thiếu trung thực nào đều có thể ảnh hưởng trực tiếp đến mình nên chỉ làm tốt mới phát triển được”. 

Một số hình ảnh về hoạt động của A&A Toàn Cầu:

Hội nghị khách hàng của Công ty năm 2011

Hoạt động đào tạo nội bộ cho nhân viên để xây dựng văn hóa doanh nghiệp được anh Tiến rất chú trọng thông qua các buổi tham quan, dã ngoại, thực tế

Sự cộng hưởng của luật hấp dẫn

Trong sự nghiệp kinh doanh của mình, anh Tiến đã nghiệm ra nhiều điều: Thành công đến không chỉ do sự nỗ lực làm theo “tiếng nói bên trong” mà còn từ những may mắn bất ngờ. Anh giải thích cho sự may mắn bằng “luật hấp dẫn”, trong đó phải kể đến sự việc: Năm 2009, anh định mở thị trường Indonesia nhưng chưa có cơ hội thực hiện, thì tự dưng nhận được email của một phụ nữ mời hợp tác. Bức mail “từ trên trời rơi xuống” đến với anh đột ngột trong khi anh không biết chủ nhân là ai. Anh đọc kỹ email, gọi điện nói chuyện và bay sang Indonesia gặp thì cảm nhận đây là một người đáng tin cậy, có thể hợp tác được với nhau. Từ đó, hai bên hợp tác hiệu quả, “thuận buồm xuôi gió”, anh mở thêm thị trường Indonesia thành công. Vì thế, anh rút ra một điều rất lý thú: “Cơ hội chỉ dành cho người sẵn sàng với nó. May mắn chỉ đến khi chúng ta được làm đúng sứ mệnh của bản thân”. 

Đối với anh Nguyễn Minh Tiến, kinh doanh không phải để trở thành doanh nhân, để giàu có mà là để làm những việc có ích cho xã hội. Anh quan tâm đến tâm linh và hoạt động từ thiện để giúp đỡ, chia sẻ với những người khác. Anh tâm sự: “Anh sẽ dành phần lớn tài sản để làm từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Đó cũng là cách anh trải nghiệm ý nghĩa cuộc sống”. Nhóm từ thiện Thiện Nguyện Lan Tỏa do anh sáng lập đang nhận bảo trợ cho các em học có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và thực hiện nhiều chuyến đi từ thiện đến các địa chỉ khác nhau.

Nhóm Thiện nguyện Lan Tỏa thăm em Vương (Hải Phòng)

Chia sẻ kinh nghiệm với các bạn trẻ mới vào đời và lập nghiệp, anh bảo: “Các bạn trẻ muốn lập nghiệp vững chắc thì phải xây dựng từ gốc, chứ không phải là làm doanh nhân vì sự hào nhoáng, nổi tiếng và giàu có. Đầu tiên là phải rèn luyện đạo đức và có một thái độ sống tích cực, sau đó lựa chọn một công việc phù hợp dựa trên sở trường, điểm mạnh của mình, cuối cùng là không ngừng nỗ lực, không ngừng học hỏi, luôn luôn chia sẻ. Làm được như vậy thì thành công, hạnh phúc sẽ đến, và tiền bạc cũng chỉ là một kết quả tất nhiên”.
Anh Tiến tham dự Hội thảo Hiệp hội Tái chế Thế giới 2012 tại Rome, Italia để trau dồi thêm kiến thức cho sự nghiệp của mình

Sau cuộc trò chuyện với anh Nguyễn Minh Tiến, tôi bỗng nghiệm ra rằng “khi con người làm đúng công việc mà “trời đất giao phó” thì thành công sẽ được nhân lên gấp nhiều lần”. Anh Tiến đã tìm cho mình con đường đi đúng đắn và thành công nhờ làm theo “tiếng nói bên trong con người mình”. Chính sự mách bảo từ bên trong ấy đã tạo ra sức mạnh giúp anh vượt qua khó khăn, ngăn trở để đến với thành công và tìm được ý nghĩa đích thực của cuộc sống. 


Nguồn; Hoclamgiau.vn

Không có nhận xét nào:

Flag Counter