Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Bà chủ Hyundai và những sứ mệnh tốc độ vừa phải

Mang một vẻ đẹp đặc trưng của người phụ nữ xứ Hàn, dù đã làm Chủ tịch Tập đoàn Hyundai được 7 năm, bà Hyun Jeong-eun vẫn giống một người vợ, người mẹ hiền dịu trong gia đình hơn là một người đàn bà thép đi qua giông bão cuộc đời và thương trường. Người đàn bà này được nhắc tên nhiều lần trong danh sách những người phụ nữ quyền lực và giàu nhất thế giới, nhưng cái tên ấy còn được dư luận chú ý bởi những hành động đã đi vào lịch sử nối lại hòa bình cho hai miền trên bán đảo Triều Tiên.

Người vợ hiền bất đắc dĩ phải thay chồng chèo lái

Bà Hyun Jeong-eun sinh năm 1955 tại Seoul, là con gái thứ hai trong gia đình có 4 người con. Bà từng học ở Đại học Hoa Lê – một trường nữ sinh tư thục danh tiếng nhất Hàn Quốc. Năm 1983, bà là một trong số những sinh viên lấy bằng Thạc sĩ Tâm lý học phát triển tại Đại học Fairleigh Dickinson, Mỹ. Cha đẻ của bà cũng từng làm việc cho Ngân hàng Hàn Quốc, sau đó trở thành chủ tịch Hyundai Merchant.




Sau này bà đã yêu và trở thành vợ của Chung Mong-hun – con trai thứ 5 của nhà sáng lập Tập đoàn Hyundai – Hàn Quốc Chung Ju-yung. Bố chồng bà đã từ một người nông dân trở thành ông chủ của một tập đoàn kinh tế lớn nhất và có thế lực nhất Hàn Quốc. Vì thế, dẫu không trực tiếp nhúng tay vào kinh doanh, bà Hyun Jeong-eun cũng đã mang trong mình ít nhiều ảnh hưởng từ hai người cha và truyền thống nhà chồng. Để sau này, bà đã có cơ hội chứng tỏ mình là một người con dâu, con gái có tầm.

Khi bà mới về làm dâu gia đình họ Chung, có lẽ bà chưa thể lường hết những sự phức tạp trong ngôi nhà của Chủ tịch Tập đoàn Hyundai. Là con trai thứ năm của Chung Ju-yung – người sáng lập “đế chế” Hyundai của Hàn Quốc, nhưng chồng bà, ông Chung Mong-hun được bố quý mến và ưu ái hơn anh cả Chung Mong Koo. Cuối năm 1997, khi sắp nghỉ hưu, ông Chung Ju-yung đưa chồng bà vào vị trí đồng chủ tịch Hyundai. Việc này khiến anh cả Chung Mong Koo vô cùng giận dữ. Sau đó, ông đã nhiều lần cố gắng giành lại vị trí này của em trai nhưng vì bị bố can thiệp nên việc không thành.

Cuối cùng, ông Chung Mong-koo đã phải công nhận chiếc ghế Chủ tịch độc quyền của chồng bà Hyun Jeong-eun. Tuy nhiên, yên ấm chưa được bao lâu, đến năm 2000, trước sức ép của dư luận, truyền thông và chính phủ khi tập đoàn rơi vào nợ nần, Chung Mong-hun từ bỏ vị trí Chủ tịch tập đoàn Hyundai, chỉ giữ lại chức chủ tịch Hyundai Asan, còn anh trai là Chung Mong Koo quyết giữ đến cùng vị trí chủ tịch Hyundai Motors và Kia Motors.

Sự nghiệp lãnh đạo của ông Chung Mong-hun đã kết thúc cùng với cuộc đời ông bằng vụ nhảy lầu tự tử từ cửa sổ văn phòng của mình ở tầng 12 do bị cáo buộc liên quan đến viện trợ cho các đối tác tại CHDCND Triều Tiên khoản tiền nửa tỷ USD cho một số dự án về công nghiệp, vận tải, du lịch và bị buộc tội chuyển tiền bí mật cho CHDCND Triều Tiên để đổi lấy cuộc gặp Thượng đỉnh liên Triều năm 2000.

Sau sự kiện đau buồn gây chấn động Hàn Quốc đó, năm 2003, bà Hyun Jeong-Eun đã bước vào nghiệp kinh doanh, đi một bước dài từ vai trò nội trợ lên nắm quyền lãnh đạo Hyundai Group.

Vững vàng nhờ nghị lực và lòng yêu thương

Với không mấy kinh nghiệm thương trường, bà Hyun Jeong-eun vẫn chèo lái Huyndai vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đạt doanh thu 15 tỷ USD. Mới nhậm chức, bà đã đặt cho mình mục tiêu đưa Hyundai trở thành tập đoàn lớn thứ 13 của Hàn Quốc vào năm 2012 thông qua chiến lược kinh doanh tập trung vào tăng sản lượng bán hàng, cơ cấu lại doanh nghiệp, giảm giá thành sản phẩm và phát triển thương mại với CHDCND Triều Tiên. Trong hai năm 2008 và 2009, bà có tên trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới do tạp chí Forbes của Mỹ tổng hợp.

Quá trình nắm quyền là cả một thời gian bà một lòng nỗ lực đưa Hyundai Group trở lại thành một đế chế công nghiệp như thời chưa bị chia năm xẻ bảy do mâu thuẫn nội bộ gia đình, nợ xấu và kế hoạch mở rộng hoạt động sang Triều Tiên thất bại. Vì tham vọng đó, Hyundai Group đang muốn thâu tóm Hyundai Engineering & Construction, công ty xây dựng lớn nhất Hàn Quốc mặc dù điều đó sẽ đẩy bà Hyun Jeong Eun vào thế cạnh tranh trực diện với anh chồng – Chung Mong Koo. Hyundai Engineering & Construction từng là một bộ phận quan trọng của đế chế Hyundai trước khi các khoản nợ xấu đẩy tập đoàn vào tay các trái chủ. Việc không thâu tóm được Hyundai Engineering & Construction sẽ không chỉ ảnh hưởng xấu đến kế hoạch mở rộng Hyundai Group của bà Hyun Jeong Eun, mà còn khiến bà mất quyền kiểm soát Hyundai Merchant Marine, bộ phận lớn nhất của Hyundai Group mà Hyundai Engineering có nắm giữ cổ phiếu.

Theo số liệu từ các báo cáo tài chính, tính đến cuối tháng 6 năm 2010, Hyundai Motors có 7,3 nghìn tỷ won (6,4 tỷ USD) tiền mặt và các tài sản tương đương tiền mặt, còn “đồng minh” Kia Motors cũng có 1,9 nghìn tỷ won.

Trong khi đó, tổng tiền mặt và các tài sản tương đương tiền mặt của Hyundai Group (gồm các bộ phận chính là Hyundai Merchant, Hyundai Elevator và Hyundai Securities) chỉ có 1,13 nghìn tỷ won. Sự chênh lệch này cũng được phản ánh trong giá trị tài sản cá nhân của hai người. Ông Chung Mong Koo sở hữu khối tài sản trị giá ít nhất 5,4 tỷ USD, theo số liệu của Bloomberg. Trong khi đó, giá trị tài sản của bà Hyun là khoảng 115,7 triệu USD.

Bất chấp những khó khăn từ khách quan cũng như chủ quan, bà Huyn luôn nở nụ cười và bày tỏ sự tự tin vào năng lực bản thân và truyền tự tin ấy cho những người thuộc cấp.

Ngày 21/10 vừa qua, Hyun Jeong-eun đã gửi một bức thư cho tất cả nhân viên của Tập đoàn Hyundai để kỷ niệm 7 năm bà nắm giữ vai trò Chủ tịch Tập đoàn này. Trong thư, bà Hyun yêu cầu các nhân viên tiếp tục những nỗ lực của họ và nhắc lại câu chuyện thần kỳ của những người thợ mỏ Chile.

Bà viết: “Các bạn không thể hấp thức ăn với nước chỉ 99oC. Các bạn phải làm mọi cách để nước sôi đủ 100oC. Mặc dù để đạt được đến nhiệt độ đó, bạn cần thêm năng lượng gấp 5 lần so với việc chỉ đạt đến 99o. Bài học cho tất cả chúng ta là chúng ta phải cố gắng hết mình để đạt được giấc mơ đã thúc đẩy chúng ta trong suốt 7 năm qua.

Bà Hyun bị ám ảnh đặc biệt bởi câu chuyện 33 người thợ mỏ Chile đã bị sập hầm sâu trong lòng đất trong 69 ngày trước khi được cứu sống một cách diệu kỳ. “Sau khi người thợ mỏ cuối cùng lên được mặt đất an toàn, một nhân viên cứu hộ đã tự hào trưng một áp phích mang dòng chữ “Sứ mệnh hoàn tất” – bà Hyun vô cùng tâm đắc điều này và lưu ý: “Thành công đó là kết quả của sự phấn đấu cho 1oC cuối cùng. Tất cả chúng ta hãy cùng làm việc cùng nhau để đi tới thành công, như thế chúng ta có thể ăn mừng sứ mệnh rất riêng của chúng ta đã được hoàn tất!

Bà Hyun là người hiểu rõ hơn ai hết sự chăm chỉ của các nhân viên Tập đoàn Hyundai và thành quả của họ được tin tưởng là sẽ luôn vững vàng. Bởi thế, bà luôn ân cần bày tỏ sự tin tưởng và yêu thương, khích lệ của bà đối với các nhân viên, coi họ như những người anh em cùng chung chí hướng để cùng nhau vượt qua những thách thức đầy bất trắc của thương trường cũng như của cuộc đời.

Sứ mệnh không tình cờ

Thế rồi, một sự kiện nằm trong kế hoạch nhưng dư âm và ảnh hưởng của nó lại nằm ngoài dự tính đã xảy ra. Đó là sự kiện bà đến Triều Tiên và gặp lãnh đạo nước này vào ngày 16/8/2009 giữa lúc quan hệ Hàn Quốc – Triều Tiên ngày càng bế tắc. Người ta bình luận rằng có lẽ số phận đã quyết định chính bà chứ không phải ai khác làm công việc này. Sự thể xuất phát từ duyên do Công ty con của Huyndai là Công ty Lữ hành Huyndai Asan rơi vào nguy cơ phá sản, tour du lịch đến núi Geumgang (Kim Cương) bị hủy bỏ do biên giới giữa hai nước bị đóng cửa hoàn toàn từ 1 năm trước. Tình thế nguy cấp này đã buộc người lãnh đạo phải ra tay nhằm thay đổi tình hình, bà đã phải thân chinh sang CHDCND Triều Tiên và tình cờ trở thành cầu nối giữa hai nước. Chuyến đi của bà đã thành công ngoài mong đợi, làm thay đổi hẳn quan hệ hai miền.

Không phải ai cũng biết sự kiên trì và dũng cảm của người phụ nữ có vẻ ngoài hiền dịu ấy. Trong chuyến đi sang CHDCND Triều Tiên lần này, bà Hyun Jung-eun đã có đến 5 lần hoãn ngày về để gặp bằng được ông Kim Jong-il cũng như để hoàn thành một số mục tiêu của chuyến đi.

Bà Hyun Jung-eun đã kết thúc chuyến thăm 8 ngày đến CHDCND Triều Tiên với việc một nhân viên của công ty bị phía CHDCND Triều Tiên giữ được trả tự do. Không chỉ có thế, bà còn được gặp riêng Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il. Cũng nhờ cơ hội này đã ra đời bản thỏa thuận 5 điểm quan trọng như nối lại tour du lịch núi Geumgang đã bị gián đoạn do vụ nữ du khách Park Wang-ja bị lính CHDCND Triều Tiên bắn chết, nối lại chương trình đoàn tụ cho những gia đình bị ly tán ở hai miền nhân ngày Tết Trung thu, sớm khôi phục việc đi lại qua các cửa biên giới liên Triều, đẩy mạnh hoạt động sản xuất ở khu công nghiệp Gaesung và triển khai một tour du lịch trong khu công nghiệp này.

Sau chuyến đi nhiều ý nghĩa này, bà Hyun đã được gọi là một đại sứ đặc biệt trong việc nối lại quan hệ hai miền Triều Tiên. Đài CNN đã có cuộc phỏng vấn đặc biệt với bà trong chương trình có tên gọi “Nhìn vào Hàn Quốc”, trong đó, bà đã kể lại những kinh nghiệm của mình khi đến xứ sở còn nhiều điều ẩn giấu Triều Tiên.

Từ một người vợ yên lòng sống đời nội trợ, chăm chút cho chồng con, bà đã vượt qua nỗi mất mát người chồng để thay ông làm một doanh nhân thành đạt, chăm chút cho số phận của bao nhiêu nhân công. Nhưng sự tình cờ không dừng ở đó, bà lại không định mà trở thành một “chính trị gia” khi đã giúp đem lại hơi ấm hòa bình bằng chính sự nhẫn nại và khéo léo của mình. Bởi những sự đưa đẩy này mà người ta không ngần ngại gọi cuộc đời của bà Hyun Jeong-eun bằng hai chữ “định mệnh”.

Theo Đang Yêu

Đếm từng ngày để khẳng định mình

Cuộc đời của chị gắn liền với hai từ nỗ lực. Nỗ lực vừa đi làm, vừa học, nỗ lực để từ một nhân viên bình thường lên được vị trí trưởng phòng kinh doanh - tiếp thị rồi đảm đương chức vụ Tổng giám đốc một khu nghỉ dưỡng để nỗ lực... cứu công trình ấy “sống lại”.
Minh họa cho quá trình phấn đấu của chị là một đường thẳng, tăng dần đều. Nhưng khi bước vào vai trò của một người đứng mũi chịu sào một doanh nghiệp, đường thẳng ấy đã thay bằng biểu đồ hình sin, hết lên rồi lại xuống...
Người Sài Gòn ra biển




* Đang yên lành theo đúng nghĩa đen trong vị trí Trưởng Phòng kinh doanh tiếp thị của khách sạn Rex với doanh thu tăng dần đều hàng năm, chuyện chị chấp nhận xa Sài Gòn, xa gia đình, làm việc ở tận Ninh Chữ. Có vẻ như là vấn đề “không được bình thường” dẫu đây là chuyện “lên chức”?

- Mọi người vẫn nghĩ thế khi biết quyết định của tôi. Thậm chí, có người còn nghĩ tôi có tính toán riêng nào đấy. Thật sự, chỉ có những ai sống “an toàn” trong một môi trường ngày này qua tháng khác mới hiểu được suy nghĩ của tôi về quyết định này.

Yên mãi trong một môi trường, tôi thấy mình già cỗi đi. Ai mà không có khát khao vượt thoát hơn hiện tại. Ngay khi được hỏi mình có muốn đảm nhận vị trí Tổng giám đốc Resort Sài Gòn - Ninh Chữ không, tôi chỉ mất có 5 phút để suy nghĩ rồi trả lời đồng ý.

Đừng vội nghĩ rằng tôi ham chức vụ. Đơn giản, đó đúng là giai đoạn tôi cần phải thay đổi bản thân mình. Vả chăng, vẻ đẹp quá hấp dẫn của khu nghỉ dưỡng này, từ thiên nhiên đến thiết kế công trình khách sạn, nhà nghỉ... đã thu hút tôi.

* Nghĩa là, chị đã xác định được tiềm năng của thành công khi được giao nhiệm vụ đó?

- Resort Sài Gòn - Ninh Chữ khai trương năm 2006. Đến tháng 7/2007 tôi mới chính thức nhận nhiệm vụ tại nơi này. Khi đó, công trình đang trong tình trạng báo động vì tuy đẹp như mơ nhưng số lượng khách đến nghỉ dưỡng lại... chưa đông.

* Đó là khó khăn chung của một công trình du lịch mới. Chấp nhận bỏ phồn hoa xuống biển, chắc hẳn, chị cũng đã thấy được những thuận lợi của việc phát triển du lịch tại Ninh Chữ?

- Với điều kiện tự nhiên và địa lý, Ninh Chữ đã được xác định là một trong ba cạnh của tam giác du lịch Nha Trang - Đà Lạt - Phan Rang. Cảnh quan thiên nhiên quá đẹp với các bãi biển và vịnh biển còn hoang sơ, không thiếu các di tích, danh thắng gắn liền với dân tộc Chăm, với cuộc di dân vào Nam của các chúa Nguyễn.

Những năm gần đây, Ninh Chữ nói riêng còn có những sản vật địa phương để du khách đem về làm quà lưu niệm, biếu tặng và sử dụng, mà không phải điểm du lịch nào cũng có được. Đó là lý do để Tổng công ty Du lịch Saigontourist quyết định đầu tư nơi đây.

Tôi còn nhớ, ngày đó, khi chưa có khu nghỉ dưỡng này, chỉ có một nhà nghỉ của Nguyễn Văn Thiệu (cựu Tổng thống của chế độ Sài Gòn) và một khách sạn 2 sao mang tên Ninh Chữ cũng đã thu hút được hàng ngàn lượt khách du lịch mỗi năm.

Đáng tiếc, giao thông trên quốc lộ 27A để đưa khách từ Đà Lạt đến Ninh Chữ lại quá tệ. Hai năm gần đây, du lịch tại Ninh Chữ gần như mất toàn bộ khách từ Đà Lạt. Đối chiếu với “con đường thảo nguyên”, nối biển và hoa từ Nha Trang đi Đà Lạt, khách du lịch từ Đà Lạt đổ xô về Nha Trang là chuyện đương nhiên.

Nếu tính riêng về du lịch biển, Ninh Chữ lại kẹt giữa hai trung tâm du lịch đã phát triển đến mức chuyên nghiệp là Phan Thiết và Nha Trang. Từ TP.HCM, du khách sẽ đến Mũi Né cho gần và nếu đã đi xa thì gắng hơn chút nữa, đến hẳn Nha Trang để hưởng thụ các dịch vụ đa dạng của thành phố du lịch chuyên nghiệp.

Thêm vào đó, mức sống người dân địa phương chưa cao. Họ sẽ rất ngại ngùng và không dám chọn khu resort 4 sao đẹp đẽ này, mặc dù thực tế là giá các dịch vụ ở đây chỉ bằng một nửa so với các resort đồng hạng nơi khác. Vì thế, nguồn khách địa phương phải xác dịnh ngay từ đầu là không có. Tất cả những khó khăn ấy khiến Resort Sài Gòn - Ninh Chữ rất khó để “bằng chị bằng em”.

* Hiện thực mịt mù như thế, thật khó để một chủ doanh nghiệp phấn đấu?

- Muốn định hình một khu nghỉ dưỡng trên bản đồ du lịch, phải mất ít nhất 10 năm. Đồng ý rời Sài Gòn xuống biển, tôi biết mình sẽ là một trong những "viên gạch lát đường". Tôi không băn khoăn nhiều khi chấp nhận hiện thực đó, bởi vì mình cũng đang hưởng thụ những gì mà các thế hệ trước đã xây đắp.

Tỉnh Ninh Thuận đang cố gắng hoàn chỉnh giao thông quốc lộ 27A, xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng vẫn chưa hoàn thành. Sẽ mất khoảng 3 đến 5 năm sau, bộ mặt tỉnh mới chỉn chu được. Cá nhân tôi nghĩ, để trở thành một địa danh du lịch, Ninh Thuận sẽ không bằng được Bình Thuận và Khánh Hòa.

Thế nhưng, nhìn ở hướng phát triển công nghiệp, Ninh Thuận là nơi Chính phủ quyết định đặt ở đây 3 nhà máy điện hạt nhân. Khách du lịch sẽ e ngại về điều này, nhưng bù lại, nguồn khách chuyên gia đến phục vụ công trình xây dựng nhà máy sẽ có thể nuôi sống Resort Sài Gòn - Ninh Chữ.

Tôi vẫn tin, với chủ trương phát triển Ninh Thuận thành một thành phố bán du lịch, việc phục vụ các thương gia và chuyên gia sẽ giúp khu nghỉ dưỡng Sài Gòn - Ninh Chữ có một tương lai khác.

Đánh thức vịnh Vĩnh Hy

* Với tất cả những khó khăn, chị đang nuôi Sài Gòn - Ninh Chữ trong giai đoạn “nằm ổ”, chờ thời cơ?

- Khó khăn là khó khăn chung của ngành du lịch. Với riêng Sài Gòn - Ninh Chữ, hiện vào Xuân và mùa Hè, chúng tôi không đủ phòng để bán. Chỉ lo mùa Đông, lượng khách trong quý IV là chưa được như mong đợi. Tôi rất ghét việc chờ thời. Resort Sài Gòn - Ninh Chữ chưa thể dựa vào hoàn toàn bản thân mình thì tôi buộc phải bước ra ngoài, đón khách, chủ động tìm thêm nguồn thu cho mình.

* Một công trình phục vụ nghỉ dưỡng chẳng phải là trung tâm dịch vụ lữ hành, thưa chị?

- Việc phân công lao động chỉ đúng và thích hợp ở nơi có đầy đủ thành phần. Với những nơi chưa có bộ phận cần thiết, mình có thể làm cho có. Sau khi khảo sát địa bàn, tôi trực tiếp thiết kế tour, liên hệ các hãng vận chuyển, về Sài Gòn tìm nguồn khách hàng. Nhân viên khách sạn thì biết bán tour, biết chào mời khách đến nghỉ dưỡng.


Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương và phu nhân đã có mặt tại khách sạn Sài Gòn - Ninh Chữ

Nghe có vẻ ngược ngạo nhưng thực tế là có thể thay đổi hiện thực từ cố gắng của mình. Còn nhớ, tour nghỉ dưỡng 3 ngày 2 đêm mang tên "Đánh thức Vĩnh Hy" của Sài Gòn - Ninh Chữ đã kéo khách Sài Gòn nườm mượp đến Ninh Thuận từ năm 2008. Chỉ riêng chương trình này, tôi đã làm cho doanh số Sài Gòn - Ninh Chữ tăng 40% doanh thu.

Rất nhiều công ty du lịch ở TP.HCM lấy chương trình của tôi để làm tour, tôi cũng chấp nhận, chỉ mong khách đến Ninh Chữ nhiều là được. Đến tận bây giờ, tour này vẫn còn giá trị khai thác. Cuộc sống không tự mang đến cho bất kỳ ai điều gì, nếu họ không biết tự vận động.

* Nhưng vận động quá mức dễ bị đuối sức. Hơn 5 lần vào bệnh viện, kể từ khi nhận nhiệm vụ chưa khiến chị sợ sao?

- Nếu tự nhận xét thì tôi là một người quyết liệt và cầu toàn. Đã nghĩ cái gì là phải làm cho bằng được nên đôi khi quên mất điểm hạn chế của mình. “Sức khỏe” của Sài Gòn - Ninh Chữ thì cứ trêu ngươi tôi.

Hết lần này đến lần khác, đang phát triển tốt thì lại rơi vào khó khăn mà toàn là những khó khăn khách quan. Đang đón khách không kịp thì bất ngờ khủng hoảng kinh tế cuối 2008, đầu 2009. Cả tập thể nỗ lực để vượt bão, vừa mới tăng nhanh doanh thu nhanh trong thời gian gần đây thì bão lũ miền Trung ào tới.

Chuyện bão lũ ảnh hưởng đến Ninh Thuận là điều ít ai lường đến. Hàng loạt khách hàng của tôi hủy đặt chỗ trong những ngày qua. Giờ thì lại bắt đầu giai đoạn khắc phục khó khăn rồi đây!

* Liên tục vượt thử thách, bí quyết khắc phục khó khăn của chị?

- Kiên trì và tôn trọng từng ý tưởng. Thời khắc con người nảy ra ý tưởng trong cuộc đời không nhiều lắm đâu. Thế nên, phải trân trọng ý tưởng của mình trước khi nghĩ xem điều đó có thực hiện được hay không.

Tôi có một cuốn sổ tay, với nội dung chia làm ba mục, luôn mang theo bên mình. Mục thứ nhất ghi lại những điều cần phổ biến, triển khai ngay với nhân viên trong ngày. Mục thứ hai ghi lại mục tiêu ngắn hạn, dài hạn và mục thứ ba là ghi lại ý tưởng mà mình bất chợt “sáng ý”.

Cuốn sổ này được việc lắm, nó giúp tôi quản lý công việc tốt hơn và nắm rõ từng bước mình phải đi để đến được từng mục tiêu của mình, khi khó khăn cũng như lúc đang phát triển.

Bên cạnh đó, tôi cũng đòi hỏi khá cao ở nhân viên. Con người là tiềm lực quý giá nhất của mỗi doanh nghiệp. Trong giai đoạn khó khăn, việc cần nhất là giữ người và nâng chất từng con người. Một tập thể mạnh sẽ tạo nên doanh nghiệp mạnh.

* Nhưng nâng chất con người bằng cách ngày ngày bỏ thời quan sát nhân viên, hướng dẫn trực tiếp như chị là quá tỉ mỉ?


- Không tỉ mỉ, không cầu toàn thì không thể tồn tại trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn. Mình bán cho khách hàng dịch vụ, sự hài lòng của họ là doanh thu cho mình. Vả chăng, người lãnh đạo thì lúc nào cũng thấy doanh nghiệp của mình chưa hoàn hảo cả.

Càng ra ngoài, quan sát cách làm của các đơn vị du lịch khác, tôi càng thấy Sài Gòn - Ninh Chữ chưa hoàn hảo. Massage đắp bùn khoáng, quầy bar ngoài trời... là những dịch vụ mà tôi học tập được từ các khách sạn, resort bạn bè.

Trong cái khó của vùng nắng hạn Ninh Thuận, tôi đã tìm được nguồn nước, tự tạo được nguồn phân hữu cơ để tiền cảnh của resort có hồ phong thủy, cỏ xanh mượt bốn mùa và lúc nào cũng có hoa khoe sắc.

Tôi cũng đang chuẩn bị tour mới "Nếp nhà Ninh Chữ" để du khách thử làm làm diêm dân, ngư dân hay người hái táo thuê... và thưởng thức cuộc sống ở địa phương này.

Nếu không hoàn thiện từng ngày bằng những dịch vụ phụ trợ như thế, chỉ với chính sách giá, Sài Gòn - Ninh Chữ làm sao đủ sức cạnh tranh?

Điểm tựa bình yên

* Dành hết thời gian vật lộn sinh kế cho Sài Gòn - Ninh Chữ. Niềm vui của chị là đâu?

- Từng giai đoạn trưởng thành của Sài Gòn - Ninh Chữ đều mang đến cho tôi niềm vui và tự hào. Thế nhưng, việc dành thời gian vật lộn vì nhu cầu cơ bản tương tự “cơm áo gạo tiền” của khu nghỉ dưỡng này khiến niềm vui của tôi không thể “thăng hoa” được. Đó là, một sân golf mini, khu trò chơi trẻ em, dự án nuôi chim yến, một trung tâm ẩm thực đặc sản Sài Gòn và tiệc cưới bên ngoài khách sạn...

Vui đó mà lo đó! Nhìn lại, dẫu sao mình cũng là một phụ nữ. Mà phụ nữ mà xa nhà, đi làm như thế cũng là một cái lỗi đối với mái ấm của mình.

* Người đàn ông của chị nói sao về cái “lỗi” ấy?

- Tôi may mắn lấy chồng cùng nghề. Anh ấy đam mê và hiểu được đam mê của nghề nên không “bắt lỗi” mà còn ủng hộ, động viên tôi rất nhiều. Thú thật là đi xa như thế, chúng tôi mới hiểu được lòng nhau. Vậy là, không những không “cách lòng” mà còn thương quý nhau hơn.

Hai tuần một lần, tôi mới về nhà. Thời gian đó, tôi dành hết cho việc vun vén chuyện nhà. Đi chợ, làm sẵn thức ăn, nước uống trữ trong tủ lạnh. Mỗi ngày, chồng tôi sẽ tự rã đông, hâm nấu. Như cách đùa của anh ấy thì bây giờ cả hai chúng tôi đều tự lập cao.

* Nhưng về lâu về dài, việc xa mặt như thế liệu có ổn cho đời sống vợ chồng?

- Ở cái tuổi mà thời gian không cho phép phiêu lưu nữa, tôi bắt đầu trân quý quỹ thời gian của mình. Tôi ý thức được rằng mình đang đánh đổi cuộc sống yên bình của mình cho sự nghiệp nên đếm từng ngày để khẳng định bản thân.

Khi thời gian “lót đường” của mình đã xong, tôi sẽ trở về với một công việc nào đấy có thể gần gia đình. Thế nên, hiện tại, tôi làm hết sức mình để không thành công thì thành nhân.

Theo Doanh nhân Sài Sòn

Chuyện về tỉ phú Hai Thơ

Chuyện nông dân giàu lên và trở thành tỉ phú nhờ nuôi cá tra ở ĐBSCL không mới, nhưng để trụ vững qua những mùa cá mất giá và tiếp tục ăn nên làm ra thì có rất ít người. Ông Ngô Phú Thơ , (tự Hai Thơ) 61 tuổi, ở phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, là một trong số ít người đó. Ông từng được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong phong trào Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Không những giỏi làm ăn, ông Hai Thơ còn nhiệt tình ủng hộ cho các công tác xã hội ở địa phương như: làm cầu đường, xây nhà tình thương...

Bí quyết làm giàu

Một ngày cuối tháng 7, tại “Trang trại nuôi trồng thủy sản liên kết cồn Đông Thị Hơi” của ông Ngô Phú Thơ, khách khứa ra vào tấp nập chúc mừng gia chủ vừa thắng lớn vụ mùa năm 2011. Ông Hai Thơ phấn khởi nói: “Năm nay trúng mùa được giá, lời nhiều hơn những năm trước nên tôi làm bữa cơm mời anh em, bạn bè đến chung vui vậy mà”.




Qua 3 đợt xuất bán được 2.500 tấn cá, với giá từ 24.000 đến 26.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông Hai còn lời trung bình 5.000 đồng/kg. Tính sơ sơ, ông Hai Thơ thu được lợi nhuận từ 10 ao cá ở trang trại rộng 5 ha khoảng 12,5 tỉ đồng. Tôi hỏi ông bí quyết nào giúp ông vừa trúng mùa, vừa được giá ngon lành, trong khi nhiều nơi lao đao vì giá cả lên xuống thất thường hoặc khó khăn trong việc tìm đầu ra. Ông cười không giấu giếm: “Nhờ tôi liên kết với một công ty đa quốc gia, đầu tư và bao tiêu sản phẩm nên không lo đầu ra. Còn nuôi cá thì tôi áp dụng những khoa học kỹ thuật qua những đợt tập huấn nuôi trồng thủy sản của các cơ quan, đơn vị: Trạm Khuyến nông, Trường Đại học Cần Thơ, Chi cục thú y... Tôi có đứa con trai lớn đã học trung cấp thú y và thủy sản hỗ trợ nên càng thuận lợi trong khâu nuôi trồng, chăm sóc”.

Ông Hai Thơ bắt đầu nuôi cá tra từ năm 2002 với diện tích 2 ha, sau đó dần mở rộng lên 5 ha. Trung bình 2 năm, ông thu hoạch 3 vụ cá. Từ đó đến nay chỉ có lời chứ không hề lỗ. Mỗi vụ tùy theo giá cả lên xuống mà ông lời ít hay nhiều và đều lời tiền tỉ trở lên. Ông Hai chia sẻ: “Thật ra, khi bắt đầu nuôi cá, tôi có sẵn một số vốn nên chỉ vay ngân hàng phân nửa tổng số vốn đầu tư nên không chịu nhiều gánh nặng lãi suất. Thức ăn cho cá thì tôi mua từ đại lý cấp I, không qua nhiều trung gian nên giá thành thấp hơn so với thị trường. Nhờ chi phí sản xuất thấp nên tôi luôn có lời trong mỗi vụ thu hoạch”.

Tuy nhiên, cũng như nhiều người nuôi cá khác, ông Hai Thơ luôn phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm của mình nên khá bấp bênh và thu nhập không ổn định. Vì thế, ông luôn cố gắng tìm đầu ra ổn định cho con cá tra để yên tâm sản xuất lâu dài. Cơ hội đã đến vào năm 2010, khi công ty cung cấp thức ăn Con Cò tổ chức một chuyến du lịch cho những khách hàng thân thiết và ông Hai Thơ được mời tham gia chuyến đi này. Trong số khách đi du lịch, có đoàn của Công ty đa quốc gia IDI chuyên về chế biến thủy sản. Nhân dịp này, ông Hai Thơ đã làm quen và trao đổi với đại diện của Công ty IDI về việc liên kết hợp tác sản xuất- thu mua cá tra. Sau chuyến đi đó, hai bên đã cùng ký kết hợp đồng làm ăn. Ông Hai Thơ chịu trách nhiệm cung cấp cá tra còn phía công ty thì đầu tư một phần chi phí thức ăn và thu mua sản phẩm. Thế là năm 2011, năm đầu tiên liên kết đã thành công ngoài mong đợi và đây cũng là năm ông Hai thu lợi nhuận nhiều nhất từ trước đến nay.

Vươn lên từ nghèo khó

Tiếp xúc với ông Hai Thơ, người ta dễ có cảm tình với vị tỉ phú này, bởi ông rất bộc trực, gần gũi. Là “đại gia” nhưng ông ăn mặc, nói năng rất giản dị. Tôi nghĩ, có lẽ cái chất nông dân đã thấm sâu vào con người ông và quá trình vươn lên từ nghèo khó đã khiến ông luôn bình dị như bao người.

Nhắc lại những tháng ngày đã qua, vợ chồng ông Ngô Phú Thơ- bà Lê Mỹ Dung còn nhớ rất rõ cái thuở hàn vi. Năm 1975, hai vợ chồng ra riêng với 1 công đất cha mẹ cho. Không ngại vất vả, khó khăn, ông bà chăm lo cho mảnh vườn trồng cây ăn trái và làm thêm nhiều việc để kiếm sống. Nhờ siêng năng, chịu khó và tiết kiệm, ông bà cũng lo cho gia đình cuộc sống tạm ổn. Nhận thấy không thể giàu lên từ mảnh vườn ít ỏi, hai vợ chồng tích cóp vốn liếng và vay mượn thêm tiền bạc để đóng một chiếc ghe 20 tấn, chở vật liệu xây dựng đi bán khắp vùng sông nước. Gửi con cho ông bà nội chăm sóc, hai vợ chồng rong ruổi những chuyến đi có khi một tuần, nửa tháng đến khi bán hết hàng mới quay về. Lênh đênh trên sông nước khoảng 8 năm, tích lũy được một số vốn kha khá, vợ chồng ông Hai Thơ quyết định từ giã đời thương hồ để lên bờ ổn định cuộc sống và cũng để có điều kiện gần gũi, nuôi dạy con cái tốt hơn. Đầu những năm 1990, vợ chồng ông Hai Thơ mở một cây xăng và buôn bán khá thuận lợi, cuộc sống khá lên từ đó. Đến năm 2002, thấy phong trào nuôi cá tra bắt đầu phát triển, ông Hai Thơ bắt tay vào đầu tư nuôi cá tra ở cồn Đông Thị Hơi, khu vực Thới Thạnh, phường Thới An, cách nhà gần 2km. Ông bà phân chia nhau: bà Dung và con gái lo cây xăng, ông Hai và con trai lo nuôi cá. Nhờ biết cách làm ăn, vợ chồng con cái lại chung sức đồng lòng nên chẳng mấy chốc, gia đình ông Hai Thơ trở thành tỉ phú.

Đã trải qua những tháng ngày cơ cực nên vợ chồng ông Hai Thơ rất thông cảm với những hoàn cảnh khó khăn. Ông Hai nhận những gia đình nghèo khó vào làm tại trang trại của mình để giúp họ có việc làm ổn định. Mỗi năm, ông Hai Thơ cất một căn nhà tình thương cho hộ nghèo. Đến nay, ông đã cất được 4 căn nhà tình thương ở phường Thới An, quận Ô Môn và 1 căn ở huyện Phong Điền. Ông còn nhiệt tình ủng hộ các phong trào xã hội khác ở địa phương. Ba năm trước, ông Hai Thơ đã chi trên 60 triệu đồng để xây lại 2 cây cầu Cả Đâu và Cả Sơn thêm rộng rãi để bà con đi lại thuận tiện hơn. Mỗi mùa mưa, ông Hai đều đổ đá bụi các tuyến đường giao thông để tránh lầy lội, sình bùn, học sinh đi học dễ dàng hơn...
* * *
Chia tay ông bà Hai Thơ, tôi ra về trên con đường trải đá bụi rợp mát bóng cây, bên tai vẫn còn nhớ lời bộc bạch chân tình của ông Hai: “Mình có điều kiện thì chia sẻ với cộng đồng là việc nên làm. Tôi tin vào luật nhân quả, ở hiền gặp lành mà”.

Theo Baocantho.com

Nghị lực của Anh

Có được thành quả như hôm nay là chặng đường phấn đấu miệt mài của Lê Thúy Thanh Anh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tặng Vật phẩm Quảng cáo Cánh Hạc Giấy (đường Cách Mạng Tháng Tám, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ). Vượt qua nghịch cảnh với nỗi đau liệt một chân do cơn sốt quái ác lúc Anh 3 tuổi, thiếu thốn vật chất, nhưng nghị lực sống và khát khao làm chủ của cô gái 27 tuổi này luôn cháy bỏng.

Đầu năm 2011, với số tiền chắt chiu được trong những năm tháng làm thuê, cùng với sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè, Lê Thúy Thanh Anh quyết định thành lập Công ty TNHH MTV Tặng Vật phẩm Quảng cáo Cánh Hạc Giấy, vốn điều lệ 100 triệu đồng. Công ty chuyên tư vấn thiết kế, quảng bá thương hiệu cho các công ty lên các chất liệu như: thủy tinh, pha-lê, sứ,... tạo nên những sản phẩm như: Cúp pha-lê, tranh treo tường, lịch xuân, viết bi, in hình ảnh, câu chữ lên ly sứ, ly thủy tinh... Bây giờ, công ty của Anh chỉ mới ở điểm khởi đầu, nhưng Anh đã làm được một điều mà không phải ai cũng làm được từ đôi bàn tay trắng...




Lê Thúy Thanh Anh sinh tại tỉnh Đồng Tháp trong một gia đình 6 anh, chị em. Cha là thợ sửa xe, mẹ làm nội trợ, kinh tế gia đình rất khó khăn. Chị kể: “Không được may mắn như những đứa trẻ khác, căn bệnh sốt bại liệt lúc 3 tuổi đã làm một chân tôi bị liệt. Lớn lên, bắt đầu ý thức được mọi vấn đề, biết cơ thể mình không được vẹn nguyên như người khác, tôi rất buồn. Dù vậy, tôi vẫn luôn có niềm tin mãnh liệt vào một tương lai tươi sáng, nên tôi không ngừng nỗ lực và chinh phục thử thách cuộc sống”. Học xong lớp 12, năm 2003, gia đình Anh chuyển qua Cần Thơ sinh sống. Hai năm kiên trì ôn luyện vào ngành y khoa, với mong muốn làm vui lòng gia đình, nhưng Anh đều thất bại. Không đậu ngành y, Anh nộp hồ sơ xét nguyện vọng 2 ngành Thiết kế thời trang vào một trường đại học ở TP Hồ Chí Minh. Nhưng gia đình không đủ điều kiện cho Anh đi học, cô đành gác lại ước mơ đến giảng đường đại học và quyết chí ở lại Cần Thơ tự lập nghiệp.


Trong lúc đang phân vân không biết chọn học nghề nào phù hợp, Anh đã gặp người bạn đang là chủ một Studio áo cưới và khuyên chị học nghề Thiết kế Đồ họa. Vậy là chị đăng ký học Thiết kế Đồ họa tại Trung tâm đào tạo nghề Nguyên Tùng. Anh nói: “
Cuộc sống tự lập với bao lo toan, nếu học đúng với chương trình đào tạo của trung tâm ít nhất phải 1 năm mới có thể thạo hết các kỹ thuật, sau đó mới bắt đầu đi học việc, nhưng tôi học được 2 tháng thì xin thầy cho đi học việc để có tiền trang trải cuộc sống. Vừa học, vừa làm, tôi có thể tự lo cho bản thân”. Anh xin học việc tại Công ty TNHH TM-DV in Thạnh Vân, do mới học nghề nên kiến thức không nhiều để đáp ứng yêu cầu của nhân viên thiết kế kỹ thuật, nhưng chị đã không ngừng nỗ lực. Nhiều lúc buồn và tủi thân không được như người khác, đi lại chậm chạp, nên gặp nhiều khó khăn trong công việc... Song, Anh luôn nhận được sự yêu thương, chia sẻ từ bạn bè và đây là nguồn động viên chị vượt qua khó khăn.

Học việc được hơn 1 năm, năm 2007, gia đình có việc nên Anh xin nghỉ về phụ giúp gia đình. Trong thời gian này chị đăng ký học thêm chứng chỉ Quản trị mạng ở Trường Đại học Cần Thơ vào ban đêm. Học xong Quản trị mạng, gia đình cũng ổn định. Năm 2008, Anh quyết định đi làm lại, dù phải bắt đầu lại từ đầu, với rất nhiều gian khó. Năm 2009, chị xin vào làm việc tại Công ty TNHH Cơ khí và Quảng cáo Huy Nam và cũng là lúc gia đình Anh chuẩn bị chuyển lên TP Hồ Chí Minh sinh sống. Một lần nữa, Anh lại lựa chọn, gia đình phản đối, Anh vẫn quyết định ở lại Cần Thơ một mình lập nghiệp.

Anh làm việc miệt mài và luôn vận động để tiến lên phía trước, chị nhận được sự tín nhiệm của Ban giám đốc Công ty TNHH Cơ khí và Quảng cáo Huy Nam và được đề bạt giữ chức vụ ở nhiều vị trí. Làm thuê hơn 2 năm, Lê Thúy Thanh Anh đã thành lập công ty kinh doanh riêng với khát vọng làm chủ sức lao động của bản thân. Chị cho biết: “Tôi có ý tưởng ra ngoài tự kinh doanh từ lâu, nhưng chưa có điều kiện, kinh nghiệm và vốn hạn chế. Thời gian làm việc tại Huy Nam, tận dụng lúc nhàn rỗi tôi lên mạng tìm tư liệu nghiên cứu kinh doanh và lập kế hoạch mở công ty”... Anh Trần Xuân Vinh, Kỹ thuật viên máy tính Công ty Cổ phần Việt Thắng, cho biết: “Tôi biết Anh được 5 năm qua, từng làm việc chung ở công ty Huy Nam, nên cũng hiểu hoàn cảnh gia đình Anh, gia đình khó khăn, Anh tự lập là chính. Cô ấy sống lạc quan, chan hòa với mọi người. Đặc biệt, Anh không ngừng nỗ lực và cô ấy đã tiến gần đến thành công”...

Nếu tính những thành quả bằng vật chất hôm nay mà Anh đạt được so với nhiều người sẽ không đáng là bao. Song, không thể phủ nhận rằng, đối với một người cơ thể khiếm khuyết như chị có được một thành quả như thế rất đáng trân trọng và khích lệ. Bằng nghị lực của mình, chị đã vượt qua những thử thách cam go của cuộc sống, với khát vọng cháy bỏng làm chủ, dù con đường kinh doanh phía trước không bằng phẳng và cũng không dễ đi, nhưng chị luôn muốn bước tới.

Theo Baocantho.com

Gặp người làm thay đổi thị trường trò chơi điện tử thế giới


Người đàn ông này đã làm thay đổi bộ mặt thị trường trò chơi điện tử thế giới. Các sản phẩm của ông được Bill Gates quan tâm và nhiều lần ngỏ ý muốn mua lại. Ông không phải là người có tham vọng về quyền lực khi đã dám từ chối vị trí cao nhất vì sự phát triển chung của tập đoàn. Người đàn ông mà chúng tôi muốn nói đến ở đây chính là Yamauchi Hiroshi, nguyên chủ tịch tập đoàn trò chơi điện tử Nintendo, Nhật Bản.

Là chủ công ty sản xuất đồ chơi lớn nhất Nhật Bản, Yamauchi là một trong các doanh nhân thời hậu chiến ở Nhật đã gây dựng và phát triển cơ nghiệp từ đống tro tàn. Khởi đầu với công việc kinh doanh các bộ bài, ngày nay, sản phẩm trò chơi điện tử của Nintendo đã lên đến hàng chục loại khác nhau. Số tiền thu được từ các bộ bài, mặt hàng đồ chơi sơ khởi, hiện chỉ chiếm 1% tổng số lợi nhuận của Nintendo.

Thời trẻ, Yamauchi dự đoán sẽ rất khó để đạt mức doanh thu 1 tỷ USD/năm. Nhưng ngày nay, con số đó đã gấp 5 lần. Từ căn nhà ba tầng khiêm tốn làm tổng hành dinh ở Koyto, Nintedo tung ra nhiều sản phẩm độc đáo, thống lĩnh 90% thị trường đồ chơi tại Mỹ và 70% tại Nhật. Chủ tịch Yamauchi đã gia nhập hàng ngũ các tỷ phú thế giới. Năm 2005, Yamauchi được xếp hạng thứ 366 trong danh sách những người giàu nhất hành tinh với tổng tài sản ước tính khoảng 1,8 tỷ USD theo bình chọn của Tạp chí Fobes. Yaumauchi cho biết ông sẽ về hưu ở khi bước sang tuổi 80.




Hiroshi Yamauchi là vị chủ tịch thứ ba của Nintendo. Trong lịch sử của tập đoàn này kể từ năm 1949 đến thời điểm ông từ chức vào năm 2002, Yamauchi là vị chủ tịch thành công nhất khi biến Nintendo từ một công ty sản xuất bộ bài nhỏ tại Nhật thành một tập đoàn sản xuất và kinh doanh trò chơi điện tử với doanh thu hàng tỷ USD như ngày nay.

Bước khởi nghiệp đầy sóng gió

Hiroshi Yamauchi sinh ngày 07 tháng 11 năm 1927. Năm 1933, cha ông đã bỏ gia đình ra nước ngoài sinh sống, còn Hiroshi được để lại cho ông bà nội nuôi dạy.

Năm 1940, ở tuổi 12, Yamauchi đã bắt đầu làm việc trong một nhà máy của quân đội. Sau đó ông định nhập ngũ nhưng không được vì còn quá trẻ để ra trận. Khi chiến tranh kết thúc vào năm 1945, Hiroshi theo học luật tại Đại học Waseda. Năm 21 tuổi, Yamauchi phải bỏ học quay về quê nhà ở Kyoto để tiếp nhận, quản lý và điều hành công ty Nintendo sau khi ông nội của ông, chủ tịch Nintendo lúc đó, qua đời.

Ban đầu, Yamauchi gặp phải rất nhiều khó khăn. “Có lúc tôi cảm thấy tuyệt vọng trước sự lớn mạnh của các đối thủ cạnh tranh”- ông nói. Nintendo đã sa sút và tuột dốc trầm trọng trong lúc Yamauchi nỗ lực đa dạng hoá các hoạt động kinh doanh. Ông từng làm thử mặt hàng cơm gạo sấy ăn liền, rồi máy đánh dã cầu và cả súng thể thao bằng tia laser nhưng đều thất bại. Cơn khủng hoảng nặng nề nhất của công ty kéo dài suốt đầu thập niên 70 và ít nhất hai lần, người ta tưởng Nitendo không còn gượng dậy được. Yamauchi từng phải cầu nguyện cho Nitendo đừng bị phá sản.




Nintendo chỉ bắt đầu biết đến thành công sau khi Yamauchi phát hiện tài năng sáng tạo của Yokoi Gumpei, một kỹ sư bảo trì dây chuyền ráp nối các bộ bài. Yokoi đã giúp ông sáng tạo ra Ultra Hand, một loại cánh tay đồ chơi tự động. Hơn 2 triệu bộ Ultra Hand đã được bán hết sạch trong đợt đầu tiên trong mùa Giáng sinh. Yokoi còn giúp Yamauchi làm ra GameBoy, sản phẩm đồ chơi nổi tiếng nhất của Nintendo. Trong thập niên 80, Nintendo thổi một cơn lốc vào thị trường trò chơi điện tử trên toàn thế giới khi cho ra đời hàng loạt các trò chơi hấp dẫn, từ Atari, Games and Watch, Donkey Kong cho tới Super Mario Brothers.

Cũng vào những năm 80 đó, Yamauchi mở rộng Nintendo sang Mỹ. Ông chỉ định con rể của mình là Minoru Arakawa đảm nhận vị trí quản lý các hoạt động của Nintendo tại đây. Yamauchi từng phải đối mặt với muôn vàn thách thức khi mới “chân ướt, chân ráo” đến thị trường này, nơi đã có các “đại gia” như Radarscope, Space Fever, và Sheriff. Yamauchi quyết định tung ra những sản phẩm trò chơi mới mà người Mỹ chưa từng được chứng kiến trước đó, và “con át chủ bài” sẽ là bộ đồ chơi gồm những chú vật nuôi trong nhà rất ngộ nghĩnh, đáng yêu Shigeru Miyamoto. Cú đánh lớn của Yamauchi vào thị trường Mỹ đã dọn đường cho công cuộc chinh phục thị trường này, cũng là bước mở đầu cho những phát triển tiếp theo của Nintendo tại Mỹ.

Những dấu ấn tạo nên tên tuổi

Nintendo và Yamauchi luôn sống chết với sản phẩm”- đó là nhận định của các chuyên gia trên thị trường trò chơi điện tử. Và họ hoàn toàn có lý. Không như các đối thủ cạnh tranh, sản phẩm của Nintendo luôn được bổ sung thêm nhiều chức năng mới, chẳng hạn như chức năng máy tính cá nhân. Nintendo hy vọng trong tương lai sẽ thống lĩnh thị trường trò chơi điện tử thế hệ mới như đã từng đứng đầu ngành công nghiệp trò chơi điện tử thế giới từ hàng chục năm qua. Điểm mạnh của Yamauchi là hiểu tâm lý và biết chính xác những sở thích của khách hàng. Các chuyên gia tiếp thị của Nintendo so sánh Yamauchi như một Walt Disney trong lĩnh vực kỹ thuật số. Theo Yamauchi, trong khi các đối thủ lớn hơn như Sony và Microsoft vẫn còn các thị trường khác để phát triển, Nintendo lại chỉ tập trung vào khai thác mảng thị trường trò chơi điện tử từ gần 30 năm qua, nên việc phải sống chết với sản phẩm là điều tất nhiên. Một điểm mạnh đáng gờm của Nintendo là khả năng sáng tạo không ngừng. Vào những năm 80, Nintendo tung ra thị trường loại máy trò chơi điện tử đầu tiên mang tên Famicom. Nintendo đã tiêu thụ được hàng chục triệu bộ và chiếm tới 95% thị trường lúc đó. Năm 1990, hãng lại cho ra đời sản phẩm mang tính cách mạng có tên Super Nintendo với lượng bán ra là 55 triệu bộ. Sản phẩm này được người tiêu dùng ưa chuộng đến nỗi đã bị các đối thủ cạnh tranh làm giả. Tiếp đến là Game Boy, trò chơi điện tử di động đầu tiên, với tổng số bán ra là 120 triệu chiếc. Vào tháng 6 năm 2000, Nintendo lại tạo ra cơn sốt với sản phẩm Game Boy Advance. Chỉ trong vòng 1 tuần, sản phẩm đã bán được 500.000 chiếc ở châu Âu.

GameCube là một trong những sản phẩm thành công nhất của Nintendo và nó đã khiến ông chủ của vương quốc Microsoft thèm muốn. Bill Gates liên tục tỏ ý muốn mua lại bộ phận sản xuất đồ chơi GameCube, nhưng Hiroshi Yamauchi trước sau vẫn một mực từ chối. Phát biểu trong một cuộc họp báo ở Đức cách đây không lâu, Gates tiết lộ, ông vẫn giữ nguyên mối quan tâm đối với công ty sản xuất thiết bị trò chơi điện tử nổi tiếng này. “Nếu Yamauchi gọi điện ngỏ ý bàn về việc mua bán cổ phần, chắc chắn tôi sẽ sẵn sàng nhấc máy trả lời ngay”,- nhà tỷ phú Mỹ cho biết.

Nintendo đã bán được 800.000 bộ GameCube trên toàn thế giới ngay trong quý đầu tiên ra mắt. Nintendo,cũng đã bán được 3,24 triệu máy trò chơi điện tử cầm tay Game Boy Advance (GBA)trong năm 2004. Trong tháng 5, Nintendo đã đặt mục tiêu bán 6 triệu bộ GameCube và 20 triệu máy GBA trên toàn thế giới trong năm tài chính 2005.

Những năm gần đây, Nintendo mặc sức “làm mưa làm gió” trên thị trường máy trò chơi điện tử cầm tay với sản phẩm Game Boy, nhưng vị trí đó đang bị lung lay trước sản phẩm Play Station Portable (PSP) của đối thủ đáng gờm Sony - hãng diện tử nổi tiếng tại xứ sở hoa anh đào đang muốn lặp lại kỳ tích của mình với sản phẩm Play Station khi bước vào cuộc chơi với tư thế của một kẻ học nghề nhưng đã vươn lên giành ngôi vị số một.

Cuộc chiến trên bộ điều khiển (game console) diễn ra vào nửa cuối thập niên 90 - thời kỳ Nintendo và Sega chia nhau thống lĩnh thị trường trò chơi điện tử với những vị trí tưởng chừng không thể suy suyển. Thế rồi, giống như một pha hành động chớp nhoáng trong trò chơi điện tử, Sony tấn công vào “gót chân Achilles” của cả hai đối thủ và rồi cuối cuộc chiến chỉ còn Nintendo trụ lại được. Sega biến mất khỏi thị trường phần cứng vào năm 2001 và đầu năm nay đã phải sáp nhập vào Sammy, một hãng sản xuất máy pinball của Nhật.

Có được thành công đó là nhờ các sản phẩm của Nintendo luôn duy trì tính độc đáo và tiện dụng. Yamauchi chào hàng GameCube như một sản phẩm máy chơi điện tử độc nhất vô nhị, có nhiều khác biệt so với Xbox và
Play Station 2 của Sony và Microsoft. Yamauchi cũng tuyên bố GameCube sẽ có giá rẻ nhất trong dòng sản phẩm cùng loại đang có mặt trên thị trường, ông tin rằng mọi người “sẽ chơi, nhưng không phải chỉ với một chiếc máy điện tử, mà họ chơi với các phần mềm, họ buộc phải mua các phần mềm trò chơi điện tử. Vì vậy, giá của máy phải càng rẻ càng tốt”. Mong muốn đã trở thành hiện thực, các máy GameCube rẻ hơn nhiều lần so với sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh. Ngoài ra, Yamauchi cũng yêu cầu sản phẩm GameCube phải thật đơn giản để tạo sự thoải mái cho người chơi.

Dự định của Yamauchi lúc còn tại chức và hiện nay vẫn được Nintendo tiếp tục theo đuổi, là sẽ tung ra thiết bị trò chơi điện tử cầm tay DS hai màn hình có thêm tính năng tải phim. Yamauchi tiết lộ kế hoạch kết hợp khả năng tải tín hiệu của DS với việc phát hành phim, nhưng khởi đầu công ty sẽ kinh doanh phim hoạt hình. “Chúng tôi dự kiến thử kết hợp DS với một số rạp chiếu phim. Bằng cách sử dụng chức năng vô tuyến của hệ thống, người sử dụng chỉ cần mang thiết bị DS và phần mềm Pokemon dành cho Game Boy Advance đến rạp hát đã được chỉ định sẽ tải được dữ liệu liên quan đến nhân vật Pokemon mới trong khi bạn xem phim này”- Yamauchi nói.

Rút lui vì lợi ích chung

Vào ngày 31 tháng 5 năm 2002, Yamauchi chính thức rút lui khỏi vị trí chủ tịch Nintendo và chuyển giao quyền điều hành cho Satoru Iwata, giám đốc kế hoạch kinh doanh của tập đoàn. Hiroshi Yamauchi hoàn toàn rút khỏi hội đồng quản trị vào năm 2005 vì lý do tuổi tác và, theo ông, việc này sẽ có lợi hơn cho Nintendo. Yamauchi cũng từ chối khoản trợ cấp lương hưu trị giá gần 14 triệu USD. Ông cho rằng Nintendo nên dùng khoản tiền này để tái đầu tư. “Tôi đã có một thời gian quản lý và điều hành thành công”,- Yamauchi nói,- “Đã đến lúc Nintendo cần một thế hệ lãnh đạo mới, trẻ hơn và có năng lực hơn. Điều này sẽ tạo ra một phong cách văn hoá mới cho công ty”.

Có thể nói, thành công của Nintendo ngày nay không chỉ đến từ sự sáng tạo mà còn từ những quyết định khôn ngoan của Yamauchi trong việc kiểm soát hiệu quả thị trường phần mềm trò chơi điện tử. Ông được biết đến như một nhà lãnh đạo có đầu óc thực tế và không ngại đánh thẳng vào những điểm khó khăn nhất. Mặc dù Yamauchi tự thừa nhận mình hầu như không biết gì về kỹ thuật phần mềm, nhưng khả năng phán đoán trong lĩnh vực tiếp thị của ông, nhạy bén đến độ gần như bản năng, quả là không chê vào đâu được. Trong lúc rất nhiều người trong công ty phản đối cái tên Donkey Kong dành cho một nhân vật trò chơi điện tử mới, thì Yamauchi vẫn giữ nguyên lập trường. Và thời gian đã chứng minh, cái tên này sau đó được xem là chìa khoá dẫn tới thành công lớn cho Nintendo trên thị trường trò chơi điện tử, thu hút được hàng triệu khách hàng khắp nơi.

Yamauchi đã thực sự lao vào cuộc chơi để đưa Nintendo từ một công ty nhỏ trở thành tập đoàn nổi tiếng trên toàn thế giới. Ở tuổi 70, thú vui của ông là chơi Go, một trò chơi truyền thống của Nhật Bản. Tuy vậy, trong các chiến lược kinh doanh của Yamauchi không có bóng dáng của trò chơi dân gian. Hiện nay, cho dù chỉ là giám đốc của một nhà máy sản xuất bộ bài nhỏ tại Nhật thay vì lãnh đạo tập đoàn sản xuất trò chơi điện tử thành công nhất trên thế giới, Yamauchi vẫn luôn được đánh giá là một trong những người có quyền lực nhất trong thị trường trò chơi điện tử toàn cầu.

Theo Bwportal.com.vn

Cống hiến dù nhỏ nhoi


Sinh ra tại Sài Gòn, năm 12 tuổi, John Nhật Nguyễn theo gia đình định cư tại Canada. Cuộc sống tốt, học vị cao và từng đảm nhiệm vị trí quản trị cấp cao trong các công ty quản lý và tư vấn bất động sản hàng đầu tại Bắc Mỹ gần 10 năm nhưng John Nhật Nguyễn vẫn quay về Việt Nam.

Trở về

* Trong khi nhiều người mong muốn được ra nước ngoài học tập, làm việc để tiếp nhận những điều tốt đẹp nhất từ nền văn hóa của các nước phát triển thì ông, người đang có những điều kiện thuận lợi ấy, vì sao lại quay về Việt Nam để khởi nghiệp?

- Cũng như các doanh nhân Việt kiều khác, do thấy Việt Nam phát triển, nhiều cơ hội kinh doanh mở ra nên tôi quyết định trở về. Nhưng trên hết, tôi muốn góp sức mình vào sự phát triển của nền kinh tế nước nhà, dù sự đóng góp ấy rất nhỏ nhoi.




* Và sau gần tám năm về Việt Nam, ông đã đóng góp được gì?

- Nói chính xác là gần 10 năm, vì trước khi chính thức về Việt Nam, tôi vẫn thường đi lại giữa Việt Nam - Canada - Mỹ để lo việc riêng của gia đình và cả việc của công ty. Từ khi chính thức thành lập Công ty Liên minh Nguyễn (NAC Real Estate) vào năm 2008, tôi đã ở hẳn tại Việt Nam.

Tuy chưa đóng góp được gì nhiều nhưng chúng tôi đã giúp giải quyết việc làm cho hàng trăm người lao động, đã đưa công nghệ truyền thông số vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Với kênh thông tin này, khách hàng trong và ngoài nước nhanh chóng thu thập được thông tin một cách đầy đủ và chính xác nhất về lĩnh vực bất động sản, giúp họ đưa ra quyết định đúng đắn nhất.

Trong kinh doanh bất động sản, điều các nhà đầu tư sợ nhất là thị trường không minh bạch, nhiều thông tin ảo khiến khách hàng lúng túng. Chúng tôi không đơn thuần là người môi giới, mà còn là nhà tư vấn chuyên nghiệp.

Người làm nghề tư vấn phải được đào tạo hẳn hoi. Ở nước ngoài, nếu tư vấn sai sẽ bị kiện và phải bồi thường thiệt hại cho khách hàng. Việt Nam chưa có quy định về vấn đề này, nhưng vì đã làm việc nhiều năm ở nước ngoài nên tôi biết mình phải có trách nhiệm như thế nào đối với khách hàng.

* Nhưng nghe nói, lúc quay về ông đã gặp không ít khó khăn?

- Đúng. Có quá nhiều khó khăn ở phía trước. Năm 2003, trong những lần về Việt Nam thăm họ hàng, tôi nhận thấy thị trường bất động sản ở Việt Nam phát triển khá “nóng”. Mảnh đất màu mỡ này vẫn còn nhiều khu chưa được khai phá, trong đó, thị trường nhà cho thuê vẫn chưa thực sự chuyên nghiệp.

Để kiếm được một địa điểm đẹp đặt trụ sở, văn phòng, doanh nghiệp thường mất rất nhiều thời gian và phải thông qua khá nhiều khâu trung gian. Giá cả thì mỗi nơi chào mỗi kiểu và chưa có đơn vị nào đứng ra cung ứng dịch vụ trọn gói.

Thị trường bất động sản Việt Nam gần đây mới tập trung vào lĩnh vực nhà ở, thị trường văn phòng cho thuê, khu trung tâm mua sắm chuyên nghiệp..., nên mảng này vẫn chưa thực sự phát triển. Vậy là tôi đầu tư vào lĩnh vực này.

Hồi ấy chúng tôi phải chạy khắp nơi mới tìm được địa điểm đặt văn phòng, rồi lại loay hoay tìm điểm đặt xưởng. Khó khăn đã khiến chúng tôi nảy ra ý tưởng phát triển mạng lưới thông tin về bất động sản. Một mình chưa thể làm được gì nên tôi quay về Canada vận động anh em Việt kiều sinh sống ở đây cùng tham gia xây dựng đề án.

Ba năm làm việc không ngừng nghỉ, thức trắng nhiều đêm, cuối cùng cổng thông tin bất động sản thương mại Vietnamlease.com cũng ra đời, cho phép các nhà đầu tư, công ty quản lý quỹ, nhà môi giới, người tiêu dùng tìm kiếm các thông tin về thị trường, giá cả, các căn hộ cho thuê, diện tích, mặt bằng, phong thủy...

Và dự án này cũng đã giành chiến thắng tại cuộc thi “Thách thức 20 triệu đô la” do Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư Mekong tổ chức.

Phát triển

* Và bây giờ NAC Real Estate đã là một thương hiệu lớn trong lĩnh vực tư vấn, quản lý bất động sản tại Việt Nam?

- Cũng có thể đúng. Hai cổng thông tin Vietnamlease.com và vietnammls.net cùng đội ngũ gần 200 nhân viên năng động, đầy nhiệt huyết, có trình độ chuyên môn đã giúp công ty tăng trưởng vượt bậc. Năm 2009, doanh số của NAC Real Estate tăng gấp ba lần năm 2008 và sáu tháng đầu năm nay cũng liên tục tăng.

Công nhân viên đã tạo dựng thương hiệu NAC Real Estate

Hiện tại, chúng tôi đang quản lý 20 dự án văn phòng, các trung tâm thương mại, khu công nghiệp, khách sạn, căn hộ và trên 5 triệu mét vuông diện tích. Ngoài các dự án ở Việt Nam chúng tôi còn quản lý nhiều dự án khách sạn, casino, đồn điền, bất động sản du lịch và nông nghiệp (cà phê, cao su) ở Campuchia, Lào. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang xúc tiến đầu tư vào hai mảng mới là dịch vụ trao đổi, cho thuê khách sạn - căn hộ và những dự án nhà ở tại Mỹ cho người Việt Nam.

* Thực ra, hình thức trao đổi, cho thuê khách sạn, nhà ở đã có một số công ty trong nước thực hiện. Cách làm của NAC Real Estate có gì khác?

- Hình thức, cách làm thì giống nhau, nhưng chúng tôi đi xa hơn bởi NAC Real Estate là một trong những công ty quản lý nhiều bất động sản nhất ở Việt Nam. Chúng tôi có điều kiện giúp khách hàng trao đổi nhiều hơn. Với chủ đầu tư thì chỉ có thể làm được một dự án của mình, còn chúng tôi với tư cách là nhà quản lý nhiều dự án bất động sản nên có thể giúp khách hàng tham gia được nhiều vị trí hơn.

Với các dự án cho thuê, trao đổi căn hộ - khách sạn của chúng tôi, các chương trình quản lý và tiết kiệm cho thuê đã được nhà đầu tư tích hợp sẵn trước khi giao nhà, nên khách hàng mua nhà không phải tốn nhiều thời gian, công sức. Công ty sẽ lo tất cả, từ trang trí nội thất, đưa khách vào thuê, chăm sóc khách đến thu tiền thuê và chuyển tiền vào tài khoản của khách hàng với chi phí rất thấp.

Khách hàng ở bất cứ quốc gia nào cũng có thể nắm được tình hình căn hộ của họ. Qua hệ thống quản lý của chúng tôi, khách hàng có thể trao đổi sử dụng các căn hộ ở Việt Nam, Mỹ và Canada. Ở Việt Nam, đây là hướng đi mới nhưng tại các nước Đông Nam Á khác như Philippines, Singapore... thì hình thức này đang rất thành công.

* Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay đầu tư vào bất động sản ở Mỹ đang là “mốt” và có nhiều cơ hội. Theo ông điều này đúng hay sai?

- Theo tôi là đúng. Tình hình địa ốc ở Mỹ rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư bất động sản quốc tế. Hiện giá trị bất động sản ở Mỹ đang đi xuống, chỉ còn bằng 30 - 40% so với bốn năm trước. Theo tôi biết, giá bất động sản ở hai thành phố Florida và Boston của Mỹ rẻ hơn ở Việt Nam.

Chẳng hạn, một căn nhà diện tích 150m2 tại Florida giá chỉ khoảng 80.000USD. Theo nguyên tắc đầu tư, cái gì có xuống ắt có lên và ngược lại, theo một chu kỳ nhất định. Bất động sản cũng không nằm ngoài quy luật đó. Hơn nữa, hiện nay đồng USD đang bị yếu đi so với các đồng tiền khác nên đây là cơ hội tốt để đầu tư.

Ở Mỹ, việc mua căn hộ rất dễ. Luật bất động sản của Mỹ bây giờ rất thoáng. Công dân của bất cứ nước nào cũng có thể mua nhà ở Mỹ và ai cũng có thể vay tiền ngân hàng. Nhà đầu tư chỉ cần bỏ vào 50% giá trị căn hộ, phần còn lại ngân hàng sẽ cho vay với lãi suất thấp, chỉ 2%. Hiện nay, Mỹ đang áp dụng luật di trú mới: chỉ cần đầu tư vào Mỹ trên 500.000USD, ở những khu vực mà chính phủ muốn tạo ra công ăn việc làm cho công dân Mỹ, nhà đầu tư sẽ được cấp thẻ xanh và cho nhập quốc tịch.

Với dự án ở Mỹ, chúng tôi muốn mang điều mới mẻ đến với khách hàng trong nước để họ thấy rằng đầu tư bất động sản không chỉ dừng ở một vị trí địa lý hay địa phương nào. Khi mua nhà ở Mỹ, khách hàng ở Việt Nam không cần phải lo lắng nhà không ai coi vì công ty chúng tôi sẽ đứng ra quản lý, khai thác cho thuê...

Nếu họ đi du lịch hoặc cho con cái du học, chúng tôi cũng có thể giúp. Ngoài ra, chúng tôi còn có thể giúp doanh nghiệp tìm kiếm địa điểm đặt văn phòng, nhà ở cho nhân viên. Hiện tại, chúng tôi đã tư vấn cho nhiều doanh nghiệp về khu vực nào đang được ưu đãi, nơi nào có thể thuê đất với giá rẻ, nơi nào thích hợp cho việc kinh doanh...

Học hỏi

* Nghe nói ông là người hâm mộ “vua bất động sản” Hồng Kông Lý Gia Thành?

- Tôi đặc biệt ngưỡng mộ ông ấy. Với tôi, ông ấy là một thương gia giản dị, cần mẫn và quyết đoán. Ông dám nghĩ, dám làm và có khả năng tiên đoán thị trường chính xác. Tuy nhiên, mỗi người có một bí quyết khác nhau, không thể lấy cách của ông ấy áp dụng vào việc kinh doanh của mình.

Dù vậy, tôi cũng học hỏi được nhiều điều từ ông. Tôi tâm niệm, đã kinh doanh là phải gắn mình với công ty chứ không nên chỉ vì lợi ích cá nhân. Nếu làm việc không xuất phát từ cái tâm thì sẽ khó gặt hái được kết quả tốt.

* Và ông cũng “gối đầu giường” cuốn Binh pháp Tôn Tử?

- Đọc sách là thú tiêu khiển của tôi. Từ thú vui này tôi rút ra được nhiều bài học đắt giá. Binh pháp Tôn Tử nói rằng: “Chưa đánh đã cầm chắc chiến thắng là do biết chuẩn bị, tính toán, chọn lựa kỹ lưỡng mục tiêu và đối tượng”. Trong kinh doanh cũng vậy, thành công là do biết vận dụng linh hoạt chiến lược kinh doanh, thấy được lợi ích của các đối tác, khách hàng và nhân viên, xác định đúng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, kinh doanh phù hợp với thị trường.

Và thành công

* Dự án ở nước ngoài nhiều như thế chắc thời gian ông ngồi trên máy bay không phải là ít?

- Tôi đi lại giữa các nước thường xuyên nên việc họp hành của tôi chủ yếu qua mạng và diễn ra ở bất cứ nơi đâu: trên xe hơi, ở nhà chờ máy bay... Nhưng tôi đi nhiều không phải vì các dự án ở nước ngoài, mà là vì những dự án trong nước.

Tôi phải đi để tìm nguồn khách hàng và nhà đầu tư nước ngoài cho những dự án trong nước. Hoặc khi các dự án trong nước cần vốn hay phải tìm các đối tác liên doanh thì tôi phải bay qua Mỹ vì lãi suất cho vay ở Việt Nam quá cao, thủ tục lại khó khăn.

Có hai vấn đề còn cản trở sự đầu tư của Việt kiều về nước, đó là khung pháp lý và tài trợ vay ngân hàng. Hiện tại, chúng tôi phải làm việc với một số ngân hàng ở hải ngoại để hỗ trợ khách hàng vay vốn. Và với một số dự án, chúng tôi đã đưa chương trình hỗ trợ vay vốn vào để giúp khách hàng có cơ hội sở hữu mua nhà ở Việt Nam.

* Với hiệu quả kinh doanh đạt được, có thể nói ông đã rất thành công trong việc điều hành NAC Real Estate. Ông có nghĩ mình sẽ “bám trụ” ở Việt Nam lâu dài?

- Tôi đã đưa vợ và hai con về Việt Nam ở hẳn. Con gái lớn của tôi đã hòa nhập được với cộng đồng và học giỏi.
Từ một đứa trẻ chỉ biết nói vài từ tiếng Việt, sau một năm học tiếng Việt tại một trường công ở TP.HCM, cháu đã đứng thứ hai trong lớp về môn tiếng Việt.

Tuy nhiên, về lâu về dài, tôi phải đưa các cháu về Canada để các cháu có điều kiện học tập tốt hơn. Khi thay đổi như vậy cũng có những khó khăn nhất định như các cháu phải thay đổi bạn bè, thầy cô..., nhưng bù lại các cháu có nhiều cơ hội học hỏi hơn và được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau.

* Có vẻ như ông không có nhiều thời gian cho gia đình?

- Đúng. Khiếm khuyết hiện nay của tôi là không có nhiều thời gian dành cho gia đình. Nhưng tôi đã cố gắng tận dụng tối đa khoảng thời gian ít ỏi đó, lấy “chất lượng bù số lượng”.

* Bận rộn là thế nhưng ông vẫn tham gia giảng dạy?

- Đây là chương trình đào tạo nội bộ của công ty chúng tôi. Nhưng sắp tới, chúng tôi sẽ kết hợp với đối tác để đào tạo về quản lý bất động sản và khách sạn. Hiện tại, chúng tôi đã làm việc với một trường đại học ở Mỹ và đối tác ở Việt Nam để đưa ra chương trình đào tạo chính quy do Mỹ cấp bằng. Chương trình này có cái hay là các em ở bậc trung học có thể tham gia được. Các chương trình này rất thành công ở Mỹ. Trung Quốc cũng đã triển khai hình thức đào tạo này và cũng đã thành công.

Chúng tôi muốn đưa chương trình đào tạo quản lý bất động sản, du lịch, khách sạn vào các trường phổ thông. Các em học sinh cấp III có thể tham gia học để tích lũy kinh nghiệm làm việc. Sau này, nếu có điều kiện đi học ở Mỹ, các em sẽ tiết kiệm được từ 30 - 50% thời gian, tức là thay vì học bốn năm các em chỉ cần học hai năm.

Vấn đề hiện nay là khâu thủ tục. Do ở Việt Nam thủ tục không hoàn tất nhanh được nên trước mắt chúng tôi sẽ hợp tác với các trường đại học, cao đẳng hoặc các trường tư để thực hiện dự án này. Nếu không có gì thay đổi thì chậm nhất là tháng 1/2011 sẽ triển khai khóa đầu tiên.

Theo Doanh nhân Sài Gòn

Tham vọng doanh số hàng ngàn tỉ đồng


Chiến lược nào sẽ giúp Tổng Giám đốc Dương Quốc Thái đem về doanh thu như mong muốn cho Công ty Cổ phần Bao bì Nhựa Sài Gòn?

Quyết định đổi mô hình kinh doanh từ công ty trách nhiệm hữu hạn sang công ty cổ phần vào năm 2007 của Tiến sĩ Khoa học Dương Quốc Thái, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bao bì Nhựa Sài Gòn (Saplastic-JSC), được cho là Chiến lược những phép cộng (Học thuyết Win – Win) của nhà quản trị. Đó là phép cộng về nguồn lực tài chính, kinh nghiệm điều hành, quản lý từ các cổ đông chiến lược đẳng cấp quốc tế. Sau hơn 2 năm cổ phần hóa, đến hết quý II/2010, Saplastic đã công bố mức lợi nhuận của mình lên đến 15 tỉ đồng, cao gấp 8 lần so với cùng kỳ năm 2009. Dự kiến lợi nhuận năm 2010 là 35 tỉ đồng/90 tỉ đồng vốn điều lệ.

Kết quả kinh doanh đó gắn với những quyết định táo bạo của Tiến sĩ Dương Quốc Thái. Không chỉ là một Tổng Giám đốc khá tự tin với chiến lược đầu tư mạnh về công nghệ và trình độ quản lý, ông Thái còn được biết đến như là một doanh nhân “chịu chi” cho các dự án nghiên cứu để cải tiến sản phẩm. Ông cho biết: “Doanh nghiệp sẵn sàng trích ra 20% lợi nhuận để đầu tư nghiên cứu nếu việc đó có thể phục vụ lại cho dự án phát triển của doanh nghiệp”.

Trong tình hình chung là các doanh nghiệp đang nỗ lực phục hồi sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, việc Saplastic công bố mức lợi nhuận cao gấp 8 lần so với cùng kỳ năm trước gây không ít thắc mắc cho giới kinh doanh. Ông giải thích thế nào về điều này?

Saplastic là công ty đã niêm yết nên mọi con số trong kinh doanh đều phải được minh bạch. Thực tế, mức độ cạnh tranh trên thị trường bao bì nhựa hiện rất gay gắt. Lý do dễ thấy nhất là ảnh hưởng từ cuộc suy thoái kinh tế đã làm giảm mạnh sản lượng sản xuất của nhiều ngành hàng như: cà phê, bánh kẹo, thủy sản… các ngành tiêu thụ sản phẩm bao bì nhựa nhiều nhất. Thứ nữa, việc ngày càng có nhiều công ty bao bì nhựa mới trong và ngoài nước xuất hiện cũng sẽ là thách thức đối với các doanh nghiệp nội địa.

Kết quả lạc quan trên có được nhờ chiến lược hậu suy thoái của Công ty. Từ cuối năm 2009, chúng tôi đã áp dụng thành công các biện pháp giảm chi phí đầu vào, dự trữ được nguồn nguyên vật liệu lớn để sản xuất khi giá nguyên vật liệu thế giới tăng. Ngoài ra, việc đầu tư các dây chuyền sản xuất mới kết hợp biện pháp cải tiến kỹ thuật triệt để của Công ty từ năm 2007 đến nay đã phát huy tối đa tác dụng. Chính sách giảm lãi suất ngân hàng trong 6 tháng đầu năm cũng có tác động đến hiệu quả kinh doanh của Công ty.

Công ty đã đầu tư bao nhiêu tiền cho việc cải tiến này?

Lúc khởi nghiệp, chúng tôi chỉ có một dàn máy thành phẩm đơn giản nhập từ Trung Quốc về. Việc tồn tại và phát triển trong tình hình hợp đồng đặt hàng và lợi nhuận chạy cả vào túi của những đại gia đòi hỏi nỗ lực rất lớn với 1 doanh nghiệp non trẻ như Saplastic.

Tính đến nay, số tiền đầu tư vào cải tiến dây chuyền của Công ty theo công nghệ châu Âu phải lên đến hơn 20 triệu euro. Sắp tới, việc tăng vốn điều lệ từ 90 tỉ đồng lên 125 tỉ đồng cũng nhằm tập trung mở rộng đầu tư chuyên sâu cho chất lượng và tăng số lượng cung cấp cho thị trường bao bì nhựa cao cấp.
Hiện có những cổ đông lớn nào đang đầu tư vào công ty? Tỉ lệ góp vốn của họ là bao nhiêu?

Hiện nay, chúng tôi có 4 nhà đầu tư chiến lược là Vietnam Holding Ltd (Quỹ đầu tư của Thụy Sĩ) chiếm 8,33% vốn điều lệ, Công ty Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) nắm 8,33%, Vietnam Investment Fund chiếm giữ 15,05 % và Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Đầu Tư Việt Nam II sở hữu 8,40%. Trong đó, Vietnam Holding thường chỉ đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước đang cổ phần hóa nhưng họ cho biết khá hài lòng khi chọn đầu tư vào một doanh nghiệp có 100% vốn tư nhân đầu tiên như Saplastic.
Bao bì nhựa thường ảnh hưởng đến môi trường, Saplastic có nghiên cứu hoặc chiến lược làm bao bì tự hủy không?

Chúng tôi đã xây dựng và thực hiện quản trị thành công môi trường sản xuất theo chuẩn ISO 9001: 2008, 14001:2004 và HACCP. Với quan điểm “Bảo vệ Trái đất là bảo vệ ngôi nhà chung của nhân loại”, Công ty đã thực hiện nhất quán, tuân thủ tuyệt đối các quy định pháp luật, kiểm soát chặt lượng rác thải.

Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng lộ trình thay thế dần các hóa chất có chỉ số tác động môi trường cao bằng loại ít có tác động hơn, chẳng hạn thay thế methanol bằng nước hoặc dung môi từ gốc nước, lựa chọn những nhà cung cấp nguyên liệu tuân thủ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm theo quy định của FDA (Ủy ban Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ).

Trong chiến lược marketing của Công ty, phân khúc nhóm C gồm các sản phẩm bao bì túi cà phê, trà hòa tan, sữa bột, hóa chất,… đang chiếm 30% doanh thu. Ông có dự báo nào liên quan đến nhóm hàng này?

Cà phê, trà hòa tan và sữa bột… là những mặt hàng có nhu cầu về bao bì lớn. Doanh nghiệp sản xuất bao bì hoàn toàn có thể sống khỏe khi có một vài khách hàng là các đại gia nổi trội trên thị trường như Nestlé, Vinacafé, Trung Nguyên, Highlands… Tỉ suất lợi nhuận trong ngành này lại khá hấp dẫn, khoảng từ 5-8%. Song không thể phủ nhận mức độ cạnh tranh của nhóm hàng này hết sức khốc liệt. Hiện nay, 30% doanh thu của Saplastic đến từ nhóm hàng này, nên theo đó, quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất cũng được chuyển đổi uyển chuyển đáp ứng nhu cầu thị trường. Theo tôi, nhóm hàng này sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh.




Dự báo của ông đối với ngành bao bì nhựa mềm?

Mức tăng của thị trường này trung bình 25-30%/năm và sẽ tiếp tục tăng cao trong những năm tới. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhu cầu về bao bì nhựa mềm của khách hàng rất cao, dự kiến tăng từ 35% đến hơn 100% trên từng khách hàng. Với nhu cầu thị trường ở mức cao như vậy, Saplastic sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng trên 135% mỗi năm và ổn định ở vị trí 5 công ty đầu ngành từ nay cho đến năm 2015. Doanh số năm 2010 của Công ty sẽ hơn 350 tỉ đồng, năm 2013 sẽ trên 1.000 tỉ đồng và dự kiến năm 2015 là hơn 2.000 tỉ đồng. Còn những kế hoạch sau đó xin chưa tiết lộ vội.

Theo Doanhnhan360.com

Giám đốc 8X: 5 năm tới sẽ nâng tiềm lực vốn của công ty lên 100 tỷ VND


Trong cuộc nói chuyện với một người lần đầu tiên gặp mặt, sau 2 lần bất ngờ bị nói đúng điều vừa chợt nghĩ đến trong đầu, tôi cảm nhận được trực giác của người đối diện rất tuyệt. Đây là tuýp người có khả năng lập tức-biết-một-điều-gì-đó. Anh là Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Công ty Bất động sản Hà Nội Mới – người hội tụ đầy đủ tố chất của một doanh nhân trong kỷ nguyên mới, bao gồm: tâm, tầm nhìn, trí tuệ và bản lĩnh được hỗ trợ thêm khả năng đặc biệt vừa nói đến ở trên.

Tính “focus” cực mạnh

Để có thể lột tả được nhân vật trong bài phóng sự chân dung, bắt đầu buổi phỏng vấn, tôi thường thích vặn vẹo về gốc gác gia đình của họ. Những thông tin này giúp tôi hiểu sâu nguyên nhân những hành động, những quyết định… trong cuộc đời về sau của nhân vật. Đối với Hai, tôi cũng bắt đầu như thế. Sau khi trả lời ngắn gọn vài câu hỏi của tôi, Hai thẳng thừng từ chối: Em nghĩ chị nên tập trung vào cuộc sống của một người làm kinh doanh.




Đối với thế hệ 7x trở về trước, hầu như không bao giờ tôi gặp phải những phản ứng như vậy. Khi đã nhận lời gặp, họ thường trả lời khéo léo tất cả các câu hỏi của phóng viên. Không từ chối mà chỉ lái thông tin trong câu trả lời theo hướng không gây lại bất lợi cho mình. Trên cơ sở những thông tin không-gây-bất-lợi đó, họ thường phó mặc cho phóng viên tự định hình bài viết.

Còn Hai mang đặc trưng của một 8x thành công, càng đầu cuối, thậm chí 9x tính cách này nổi rõ. Đó là tính “focus” rất mạnh. Họ muốn tự định hình bài viết và chỉ cung cấp thông tin trong giới hạn đó. Không hơn. Đích cuối mới là sự quan tâm của họ chứ không phải sự khéo léo trong ngôn từ.

Dấu ấn của người cha và cuộc sống tâm linh

Hai sinh ra và lớn lên tại Nam Định trong một gia đình có 3 chị em. Cha mẹ anh là cán bộ nhà nước. Hai cho biết, anh chịu ảnh hưởng tình cảm từ mẹ và lý trí từ cha. Cha luôn chia sẻ và gần gũi với cậu con trai duy nhất trong nhà. Thông qua những câu chuyện thực tế của những người xung quanh, cha luôn rút ra những bài học thiết thực cũng như định hình tính cách của người con.

Hai không chia sẻ cụ thể với tôi những ấn tượng và cảm xúc về cha mình. Nhưng có thể cảm nhận được, cha anh đã để lại dấu ấn sâu đậm trong cuộc sống tinh thần hiện tại của anh. Cha anh đã làm tròn trách nhiệm của một đấng sinh thành với đúng nghĩa của nó. Không những sinh, mà còn biết cách chăm chút nuôi dưỡng cuộc sống vật chất và tinh thần để đứa con của mình trưởng thành vững vàng như ngày hôm nay. Đó là:

Một đứa con có nhận định rõ ràng về ngành học của mình trước khi thi đại học, điều mà phần đông các bạn cùng lứa tuổi không xác định được. Anh chọn ngành học là công nghệ Nano bởi vì các thông tin báo chí phân tích: đây là chính là cơ hội giúp cho các nước nghèo có khả năng bứt phá và phát triển nhanh chóng. Sự rõ ràng đó đã trở thành một phần trong con người Hai, luôn đồng hành cùng anh trong mỗi quyết định bước ngoặt.

Một đứa con tự lập, từ đầu học kỳ II của năm thứ nhất đại học, Hai đã không phải xin tiền của gia đình, mặc dù bố mẹ anh có thể chu cấp cho con. Không xin tiền của chị ruột, mặc dù người chị đang sống ở nước ngoài sẵn sàng làm điều đó. Không xin tiền cho bản thân, Hai còn nuôi em gái, hiện cũng là sinh viên học đại học ở Hà Nội.

Một đứa con hiểu được chữ tâm trong đạo làm người và lấy đó làm kim chỉ nam cho việc điều hành doanh nghiệp cũng như các quyết định kinh doanh của mình. Gia đình anh là gia đình theo Đạo Thiên Chúa. Cha mẹ hướng cho con học theo những điều tốt đẹp trong kinh thánh để sống. Anh cho biết, khi đứng trước 2 quyết định kinh doanh, một xấu (tham lam, hại người…) nhưng lãi suất cao và một tốt (mọi bên đều có lợi) nhưng lãi suất thấp, anh chọn phương án 2 mà không phải suy nghĩ nhiều lắm. Bởi vì, anh tin rằng hướng thiện là con đường duy nhất đúng trong mọi trường hợp. Đối với anh, người doanh nhân phải có cái tâm tốt; phải lấy mục đích làm giàu là giúp người khác làm giàu; người kinh doanh không nhất thiết phải bon chen chụp giật mà nên là người kiếm tiền bằng cách giải quyết những bài toán của người khác.

Hiện tại, Hai vẫn thường xuyên đến nhà thờ vào cuối tuần. Mỗi tuần một lần, anh tự tạo cho mình cơ hội được nghe các cha xứ giảng về những đạo nghĩa trong cuộc sống để nhìn lại những hành động hay dở trong tuần qua của mình và được thư giãn trong không gian âm nhạc của các bài thánh ca. Thứ âm thanh thánh thiện, hùng tráng, giàu năng lượng có khả năng len lỏi vào từng tế bào của sự sống, giúp anh refresh lại bản thân.

Hai cho biết, những người có niềm tin, thường hạnh phúc hơn những người không có. Đạo Thiên Chúa không những là chỗ dựa tinh thần, mà từ kinh thánh anh còn rút ra những bài học bổ ích hỗ trợ mình trong cuộc sống cũng như thương trường. Muốn vươn mình lên một tầm cao mới, trong cuộc sống nói chung cũng như trong kinh doanh nói riêng, phải biết chăm sóc và phát triển cuộc sống tâm linh của mình là điều mà Hai tâm niệm.

Những bước chân đầu tiên trong kinh doanh

Xác định phải tự lập ngay từ khi bước chân vào đại học, cuối năm thứ nhất, Hai đã góp những đồng vốn ít ỏi của mình, bỏ sức ra là chính, cùng với một chị bạn mở quán cơm văn phòng. Hai xắn tay vào làm tất cả các công việc của quán, từ trực điện thoại, quản lý các nhân viên, marketing cho quán, đến tự đưa cơm cho khách hàng. Sau 3 tháng làm việc, đúng vào lúc giá cả thực phẩm tăng, nhưng khó có thể nâng giá được xuất ăn, làm hầu như không có lãi, cảm thấy kinh doanh khó có thể phát triển tốt, Hai quyết định thôi công việc này để đi tìm hướng đi mới.

Đây cũng là thời điểm, Hai nhận thức được ngành học của mình còn quá mới mẻ và nhiều tranh cãi. Sự thay đổi cấu trúc phân tử bằng công nghệ Nano có thể tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích trong cuộc sống. Nhưng nó lại có những tác dụng phụ đang còn gây tranh cãi về vấn đề môi trường. Hầu hết những phát minh trong lĩnh vực này chưa được áp dụng trong thực tiễn. Các sinh viên ra trường, một vài người rất giỏi được chuyển sang học tiếp tại Nhật, một vài người làm giảng viên trong trường hoặc làm việc trong các viện nghiên cứu còn phần lớn đều làm việc trái ngành nghề. Trong khi các bạn cùng khóa theo quán tính cứ đi tiếp hoặc chuyển hướng chú ý sang lĩnh vực công nghệ thông tin, Hai tự xác định cho mình, học chỉ để rèn luyện tư duy và kinh doanh mới là nơi anh đam mê và lựa chọn để dấn thân.

Có tầm nhìn mới cho tương lai, kết thúc quán ăn, Hai thử sức trong môi trường thương mại điện tử. Đây là một lĩnh vực hoàn toàn mới ở Việt Nam. Với bản tính nhanh nhậy và ham học hỏi, Hai nâng thu nhập của mình lên trên 10 triệu/1 tháng trong vòng 3 tháng. Một con số thu nhập rất “khủng” trong giới sinh viên không những hồi bấy giờ mà ngay cả bây giờ. Sau bốn tháng Hai nhượng lại hệ thống của mình và kiếm được hơn 100 triệu VND đầu tiên. Anh đã dùng số tiền này để đầu tư tiếp vào một hướng kinh doanh mới, một phần để biếu gia đình và làm từ thiện.

Tài chính không phải là thành công lớn nhất mà Hai thu nhận được trong giai đoạn này, nhân sinh quan mới mẻ về cuộc sống cũng như những tri thức, quan hệ và kỹ năng mới là những tài sản vô giá. Lần đầu tiên, anh hiểu được sức mạnh của môi trường Internet và nhận thức sâu sắc rằng dù có kinh doanh trong bất cứ lĩnh vực nào, thì Internet cũng sẽ là công cụ hỗ trợ rất mạnh. Thiếu nó, khó có thể thành công trong thời đại hiện tại. Từ đó đến nay, dù làm bất cứ việc gì, anh đều trăn trở tìm cách tận dụng nguồn tài nguyên vô tận này. Và vì vậy Internet luôn đem lại lợi nhuận và sự khác biệt cho mọi hoạt động của anh.

Thời gian tiếp theo, Hai thực sự bước chân vào thế giới ảo - không có biên giới này. Anh bắt đầu nhận và thực hiện những gói quảng cáo trực tuyến cá nhân nhỏ đồng thời bán một số sản phẩm do nhà máy trực thuộc Bộ Quốc phòng sản xuất. Anh tổ chức mạng lưới cộng tác viên lên tới gần trăm người, chủ yếu là sinh viên và một số là dân văn phòng nhàn rỗi làm mạng lưới chân rết trên các diễn đàn và mạng xã hội.

Một cơ hội mới lại đến với Hai khi có người bạn quyết định thành lập công ty hoạt động trong lĩnh vực đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, mời Hai về làm người phụ trách kinh doanh kiêm trợ lý. Sau vài ngày suy nghĩ, anh nhận định nếu nhận lời anh được 3 điểm lợi: học miễn phí tất cả các khóa học không hề rẻ; làm quen với một lượng học viên toàn là CEO của nhiều công ty – một tài sản vô giá đối với một người định bước chân vào thương trường; được thử sức trong một lĩnh vực hoàn toàn mới. Hai nhận lời làm việc với mức lương khởi điểm chỉ 3 triệu VND/1tháng cộng với % hoa hồng.

Với tâm thế càng làm nhiều càng tích lũy được nhiều, trên thực tế, Hai không nề hà bất cứ công việc gì của công ty, từ việc tổ chức lớp học; làm việc với giảng viên; sắp xếp lịch học; hỗ trợ cho giảng viên đến việc đi giải quyết những ca khách hàng khó tính. Sau vài tháng, cảm thấy mục đích ban đầu đã đạt được cộng với sự không hài lòng về cách đối xử với nhân viên của ban lãnh đạo công ty, Hai quyết định ra đi.

Thực sự dấn thân vào thương trường

Trong những người mới quen ở môi trường đào tạo, có một người hé mở cho Hai cơ hội đến với lĩnh vực bất động sản. Nhanh chóng nhận thấy đây là thị trường đầy tiềm năng và cũng đầy thách thức. Cân nhắc không lâu, Hai quyết định đầu quân cho một sàn bất động sản để học nghề. Đây là khoảng thời gian Hai tích lũy kiến thức chuyên môn và nung nấu quyết tâm xây dựng một thương hiệu về sàn bất động sản trong tương lai gần.

Sau hơn một năm làm việc, Hai cảm nhận được mình bắt đầu có “cảm giác” về bất động sản. Anh giải thích thêm, giống như người đi xe máy, lúc đầu phải rất tập trung để lái, sau một thời gian khả năng lái đã đi sâu vào tiềm thức trở thành một thói quen, người lái có thể điều khiển xe rất thoải mái mà không cần phải suy nghĩ.

Mặc dù vốn tích lũy được chưa phải là nhiều so với những đại gia kinh doanh trong lĩnh vưc này, nhưng Hai cảm thấy anh có đầy đủ điều kiện để thành lập công ty, bao gồm:

Cảm giác tốt về thị trường bất động sản;

Những kiến thức, kỹ năng cơ bản về bất động sản đã nắm vững;


Có nhiều mối quan hệ rộng và chất;


Các kiến thức về quản trị công ty đã tích lũy được rất nhiều trong thời gian tham gia các khóa học ở công ty đào tạo nguồn nhân lực lãnh đạo;


Kinh nghiệm đúc kết được, những bài học rút ra trong cách điều hành doanh nghiệp của các công ty mà mình từng làm.

Tất cả những điều đó giúp Hai định hình được tầm nhìn cũng như mô hình hoạt động cho công ty sắp mở của mình. Để gia tăng sức mạnh, từ nguồn quan hệ phong phú của mình, Hai mời một số người cùng hợp tác và đầu tư. Tháng 08/2009, Công ty Bất động sản Hà Nội Mới được thành lập.

Sau hơn một năm hoạt động, công ty phát triển tốt, có doanh thu ổn định, ngay trong tháng ngâu vừa rồi, nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực này lỗ, nhưng công ty của Hai vẫn làm ăn tốt và có lãi với một lượng khách hàng quen luôn tìm đến với công ty. Thành công trên là do ban giám đốc công ty đã định hướng đúng dòng sản phẩm chung cư trả góp giá rẻ dành cho người thu nhập thấp.

Anh quan niệm một công ty lớn phải như một cây đại thụ, có cành lớn tỏa ra các cành nhỏ và sau đó mới là lá. Người đứng đầu phải biết cách tự phát triển bản thân ngày càng lớn mạnh (thân cây cổ thụ) và thu hút được nhân tài (cành lớn) từ đó làm nền tảng để phát triển toàn bộ hệ thống nhân viên (cành nhỏ, lá). Nếu người lãnh đạo quá ôm đồm, dù có giỏi đến đâu, thì bất quá cũng chỉ giống một cây cau đơn độc, cao chót vót với lơ thơ vài tán lá ở trên khó có thể tỏa bóng mát ra cả một vùng rộng lớn.

Với quan niệm đó, Hai rất quan tâm đến việc đào tạo và trao quyền độc lập cho nhân viên. Tất cả nhân viên của anh đều được rèn thói quen liên tục cập nhập thông tin về bất động sản cũng như của các đối thủ cạnh tranh, phải nghiên cứu sâu về các luật liên quan đến đất đai, những thông tư và nghị định của nhà nước về bất động sản cũng như liên tục tham gia các khóa học về lĩnh vực này. Anh luôn nhắc nhở mọi người trong công ty, hãy tư vấn đủ và đúng trước khi tư vấn hay. Chính vì vậy, ngay cả các chủ đầu tư cũng tìm đến công ty anh để hợp tác về việc phân phối các dự án của họ.

Bên cạnh việc đào tạo, các chính sách đãi ngộ nhân viên cũng được Hai đặc biệt chú ý. Có những nhân viên trong công ty anh có thu nhập tới 30-50 triệu/tháng.

Tích hợp sức mạnh của Internet vào vào kinh doanh bất động sản là điều anh luôn để tâm ngay từ những ngày đầu thành lập công ty. Vào cuối tháng 09 này, công ty sẽ cho ra mắt website batdongsan.org, một dự án được đầu tư kỹ và khá tốn kém, đây sẽ là nơi tổng hợp mọi thông tin giao dịch và kiến thức về bất động sản, cũng như một môi trường tương tác mạnh giữa mọi thành phần quan tâm đến bất động sản. Theo lời Hai: một thứ khá mới mẻ ở Việt Nam. Anh tin tưởng, đây sẽ là công cụ mạnh, làm điểm tựa để công ty có những bước phát triển đột phá trong tương lai, đồng thời là một giải pháp hữu hiệu cho các công ty bất động sản cũng như khách hàng có nhu cầu giao dịch.

Trong cả quãng đường đã đi qua của Hai, có thể nhìn thấy, mỗi hành động của anh đều có mục đích và sự được mất của mỗi bước đi đều được anh cân nhắc, có lẽ đó là một trong những “bí mật” giúp anh luôn gặp thuận lợi trên bước đường kinh doanh của mình.

Viễn cảnh trong tương lai

Hai chia sẻ mục tiêu của anh trong 15 năm tới sẽ đưa Công ty Bất động sản Hà Nội Mới lọt vào Top500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, theo xếp hạng của VNR500. Trong vòng 5 năm tới sẽ nâng tiềm lực vốn của công ty lên 100 tỷ VND. Theo anh, đây là những mục tiêu khả thi được tính toán dựa trên tình hình kinh doanh cũng như mức tăng trưởng của công ty tại thời điểm hiện tại và các mục tiêu cho thời gian tới.

Tuy nhiên, bất động sản không phải lĩnh vực duy nhất mà anh quan tâm. Anh cho biết đào tạo cũng là niềm đam mê và y tế là lĩnh vực cũng thực sự thu hút anh. Hiện tại, anh còn là cổ đông chiến lược cho một công ty chuyên về tổ chức hội thảo, đào tạo và tư vấn doanh nghiệp - Viettraining. Hai mơ ước, sau 20-25 năm nữa, anh sẽ mở một trường đại học theo mô hình Đại học Harvard với mô hình đào tạo - nghiên cứu và kinh doanh, một nơi đối với sinh viên dễ vào nhưng khó ra.

Để đạt được mục tiêu đó, hiện tại anh phải làm việc cật lực, chỉ ngủ có 5 tiếng rưỡi/1 ngày. 5 tiếng buổi tối và nửa tiếng buổi trưa. Hai chỉ cho tôi phương pháp rút ngắn giờ ngủ của mình bằng cách mỗi tuần bớt ngủ đi 15 phút, bằng cách để sớm chuông báo thức lên 15 phút – cách mà anh đã thực hiện trước đây. Một câu chuyện nhỏ nhưng thể hiện rõ nét tính cách của một người rất có bản lĩnh.

Khi cần tìm lời giải cho những vấn đề khó Hai thường ngồi tĩnh tâm, dần dần đóng mọi giác quan, hít thở thật sâu và tập trung cao độ vào điều cần giải quyết, khi đó các bài toán khó sẽ lần lượt được tháo gỡ. Hy vọng, phương pháp đã hỗ trợ Hai đạt được thành công ngày hôm nay sẽ còn phát huy tác dụng trong quãng đường đi tới ước mơ của anh trong tương lai.

Theo Học làm giàu

Flag Counter