Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

Doanh nhân Đinh Thị Thức- Nhiều lần vượt qua phá sản

Có lẽ con đường trở thành doanh nhân của chị Đinh Thị Thức không giống bất cứ một nguyên tắc hay lý thuyết kinh tế nào.



Bởi điểm xuất phát ấy, chiếu theo tất cả các học thuyết thì đều thất bại 100% và không có tia hy vọng nào cho sự thành công. Cái duy nhất mà doanh nhân này có được khi khởi nghiệp chỉ là táo bạo và quyết tâm.

Người ta nói “buôn tài không bằng dài vốn” song với chị thì phần vốn là nhà giáo, gia đình hai bên nội ngoại đều nghèo nên cái thuở lập nghiệp cũng lắm gian nan. Nhà máy dệt bây giờ đang lách cách dệt ra vải và cung cấp cho rất nhiều doanh nghiệp lớn hiện nay như Cao su Sao Vàng hay Giầy Thượng Đình là nhà máy đầu tiên chị gây dựng và điều đáng nói là nó có được nhờ mua chịu và bằng một phần vốn vay của bạn bè.

Mua được máy tưởng đã mừng nhưng đến khi đưa máy về mới tá hoả - không có điện để chạy. Để vận hành nhà máy lại phải lắp trạm điện riêng, mà lắp thì phải có tiền. Bây giờ cơ ngơi của doanh nghiệp đã lên tới vài trăm tỷ nhưng ngày đó làm cái trạm điện 15 triệu đã là việc dường như không thể. Thế rồi lại vay, và may hơn nữa là “nhà đèn” thương tình cho chịu một nửa. Có điện, có máy móc thiết bị nhưng con đường chông gai phía trước còn lớn hơn nhiều. Chị tâm sự: “Lúc đó vải dệt ra nhưng không bán được, tôi phải một mình lặn lội thuê xe mang lên tận Xín Mần – Hà Giang, cũng may sản phẩm được bà con chấp nhận nên công ty đã thoát được cảnh phá sản” – “Được biết suốt từ năm 1994 sản phẩm dệt của Cty vẫn được Cty Cao su Sao Vàng và Cty Giày Thượng Đình tiêu thụ đều đều. Chị đã tiếp cận họ và giữ được mối quan hệ lâu dài này thế nào?”. Tôi hỏi. Chị hào hứng: “Năm 1994, tôi bắt đầu tìm cách tiếp cận, giới thiệu để bán sản phẩm cho Cty Cao su Sao Vàng rồi Cty Giày Thượng Đình. Lúc đó mới xoá bao cấp, để vào được những Doanh nghiệp Nhà nước thời ấy rất khó. Tôi vẫn nhớ đã mất đến hơn 20 lần mới gặp được người đại diện của họ để chào hàng. Sau đó lại mất rất nhiều thời gian đi lại làm việc mới được chấp nhận. Bù lại suốt mười mấy năm nay chúng tôi là đối tác chung thuỷ của nhau và mối quan hệ ấy cơ bản có được là nhờ chữ tín và chúng tôi luôn làm khách hàng hài lòng”.

Đối với sản phẩm chè xuất khẩu, Tân Phong sử dụng công nghệ chế biến tiên tiến nhất hiện nay nên sản phẩm của Tân Phong đạt được chất lượng cao, cung cấp cho thị trường khó tính  Mỹ, Anh, Đức, Đu bai…

 Ngoài ra một yếu tố khác rất quan trọng là phải luôn nắm rõ tình hình thị trường thế giới để có phương án sản xuất và chủ động trong đàm phán ký kết hợp đồng. Để làm được điều này, Tân Phong đã mời một tiến sỹ có kinh nghiệm trong việc nghiên cứu thị trường với chi phí bỏ ra cho công việc này không nhỏ - trung bình 40 triệu đồng/tháng. Trong một ngày, Tân Phong nhận được thông tin về thị trường chè thế giới ít nhất là 3 lần, phản ảnh đầy đủ về tình hình tiêu thụ tại các thị trường lớn ra sao, tình hình sản xuất tại các nước có sản lượng chè lớn trên thế giới như thế nào rồi nước nào được mùa, nước nào mất mùa. Cũng chính nhờ những thông tin chính xác và kịp thời nên Tân Phong chủ động trong việc đàm phán giá bán, không bị bán rẻ. Hiện nay có loại chè do Tân Phong sản xuất có giá bán cao gấp đôi sản phẩm của các doanh nghiệp khác. “Tất nhiên, không chỉ có công nghệ làm nên thành quả đó được, để có được sản phẩm chè tốt cần tốt từ khâu giống cho tới canh tác rồi thu hoạch, chế biến là công đoạn cuối cùng”. Chị nói và giải thích thêm: “Hiện nay chúng tôi có trên 1.000 hộ gia đình trồng chè suốt từ Hà Nội tới Phú Thọ, Yên Bái. Công ty thực hiện phương thức hỗ trợ nông dân bằng cách ứng trước 1 năm tiền giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân và hỗ trợ kỹ thuật cùng bà con canh tác sao cho có được nguyên liệu tốt nhất và có năng suất cao. Hiện nay Tân Phong có 4 nhà máy chế biến chè xuất khẩu, mỗi năm tiêu thụ khoảng 30 nghìn tấn chè tươi và xuất khẩu khoảng 4.500 tấn chè thành phẩm. Như vậy nếu không xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định thì không thể chủ động sản xuất cũng như xuất khẩu được. Về công nghệ, hệ thống sấy của Tân Phong có chất lượng cao hơn nhiều loại thiết bị cùng chức năng đang được dùng tại Việt Nam. Chính nhờ hệ thống thiết bị hiện đại này, sản phẩm của Tân Phong đảm bảo sạch tuyệt đối”.

Từ nhà giáo chuyển qua kinh doanh ngành dệt rồi lại in ấn bao bì rồi sản xuất chè… các lĩnh vực xem ra không mấy liên quan tới nhau. Như cảm nhận được những băn khoăn thắc mắc của tôi, chị chia sẻ: “Ngoài sản phẩm dệt, chè, Tân Phong còn sản xuất và in bao bì cacton, túi nhựa PP. Ngoài sản xuất phục vụ cho chính công ty, chúng tôi cũng sản xuất bao bì cho rất nhiều doanh nghiệp lớn khác như cà phê Trung Nguyên và nhiều doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh. Chẳng có nghề nào là dễ cả, cơ bản là mình phải tìm cách vượt qua được. Bản thân tôi cũng không ít lần cận kề với phá sản. Nào là mắc về kỹ thuật, mắc về tiêu thụ rồi nhân lực…  nhưng lúc khó nhất là lúc mình quyết tâm nhất, cơ bản là xây dựng được một bộ máy đồng lòng nhất trí. Đó cũng là một thế mạnh của Tân Phong”.

Cách đây chưa lâu, khi được mời tham dự một hội nghị về công tác phát triển Đảng trong doanh nghiệp, khi doanh nhân Đinh Thị Thức trình bày trước hội nghị về việc Tân Phong có chi bộ Đảng từ năm 1996 – tức là 3 năm sau khi thành lập công ty, nhiều người tại hội nghị – có cả các doanh nghiệp Nhà nước đã rất ngạc nhiên. Ngoài ra, Tân Phong cũng có đầy đủ các tổ chức đoàn thể như công đoàn, thanh niên, cựu chiến binh… Nhờ tổ chức một cách bài bản, công ty vừa xây dựng được bộ máy tốt vừa duy trì và phát triển được nguồn nhân lực. Đó chính là một trong những bí quyết để Tân Phong thành công.
Thanh Thanh
Nguồn: congluan

Không có nhận xét nào:

Flag Counter