Thứ Hai, 14 tháng 1, 2013

Khởi nghiệp kinh doanh - Từ A đến Z




Tiền là bước đầu tiên để khởi động một doanh nghiệp. Vì vậy, nếu bạn chưa có một khoản kha khá, hãy tìm nguồn để vay (bạn bè, gia đình, ngân hàng).

Business Plan: Kế hoạch kinh doanh

Một kế hoạch kinh doanh không đơn giản chỉ là giấy tờ tài liệu, nó bao gồm rất nhiều các bản nghiên cứu như là những cuộc khảo sát thăm dò ý kiến với các khách hàng tiềm năng, những tính toán về tài chính, ước tính lỗ lãi,... Bản kế hoạch sẽ cung cấp cho bạn phương hướng, những quyết định chính xác để xác lập thị trường, tìm các mối quan hệ,…

Trong bản kế hoạch, cần có chiến lược toàn diện cho doanh nghiệp, chiến dịch marketing (xác định khách hàng, sản phẩm, nhu cầu, thị trường, đối thủ cạnh tranh, giá cả, lượng tiêu thụ, nhân sự, kế hoạch tài chính, quảng cáo, khuyến mãi,…).

Create a perfect business cards: In những tấm danh thiếp hoàn hảo

Danh thiếp không tiêu tốn của bạn nhiều tiền, nhưng giúp bạn khởi động tốt cho các mối quan hệ làm ăn và tạo độ tin tưởng với đối tác, khách hàng. Trên danh thiếp cần in đầy đủ thông tin về công ty bạn; tránh những họa tiết quá màu mè, rắc rối (trừ khi bạn kinh doanh về các sản phẩm đòi hỏi tính sáng tạo và nghệ thuật cao); giấy in chất lượng tốt.

Design a brochure: Thiết kế sách mỏng dùng cho quảng cáo

Nội dung phải ngắn gọn, dễ hiểu; hình ảnh quảng cáo chuyên nghiệp và đảm bảo các thông tin liên lạc chính xác. Chọn màu và chất lượng giấy đẹp, phong cách phù hợp với loại sản phẩm kinh doanh.

Effective advertising: Quảng cáo hữu hiệu

Cách quảng cáo rẻ nhất và nhanh nhất là thông qua truyền miệng, vì vậy hãy nói về kế hoạch kinh doanh của bạn với toàn bộ gia đình, bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp cũ,…

Ngoài ra có nhiều cách như phát tờ rơi, quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng nếu bạn đủ điều kiện tài chính.

Friendly service: Phục vụ thân thiện

Dù trong trường hợp nào đi nữa thì bạn cũng nên nhớ một nguyên tắc vàng của những nhà kinh doanh: “Khách hàng luôn luôn đúng” và “80% lợi nhuận là do khách hàng mang lại”. Vì thế, đừng thất thố với khách hàng. Hãy luôn là người chủ động gọi cho họ. Tỏ ra quan tâm đến quyền lợi của họ, không thất hứa với khách hàng.

Get your head around it: Chuẩn bị kỹ lưỡng

Hãy nghiên cứu cẩn thận sản phậm bạn định kinh doanh cũng như những vấn đề liên quan đến việc kinh doanh. Đọc sách báo, tìm hiểu qua nhà tư vấn và internet,… Việc làm này giúp bạn tránh khỏi những sai lầm đáng tiếc.

Heating up cold calls: Hâm nóng những cuộc điện thoại

Nói một cách khác là hâm nóng những mối quan hệ với đối tác và khách hàng. Đừng lãng quên ai cả nếu bạn không muốn họ lãng quên công ty của bạn.

Increase sales: Tăng doanh số bán hàng




Tăng giá trị cho sản phẩm và chiêu mộ khách hàng bằng cách gửi kèm quà tặng, mua hai tặng một, bảo hành thường xuyên,… Tận dụng những dịp hội chợ, triển lãm để quảng bá cho sản phẩm của công ty bạn nếu có điều kiện.

Juggle your time: Sắp đặt lại quỹ thời gian của bạn

Khi đã quản lý được thời gian tức là bạn đang quản lý được công việc của mình.

Know your market: Nắm bắt thị trường

Nắm bắt và phát triển thị trường là một việc làm tối quan trọng của mọi doanh nghiệp, vì thị trường liên quan trực tiếp đến khách hàng, và khách hàng liên quan đến lợi nhuận.
Learn how to manage stress: Học cách giải tỏa căng thẳng

Cứ thử tự đứng ra kinh doanh mà xem, bạn sẽ thấy đầu óc lúc nào cũng căng thẳng, công việc chiếm hết thời gian của bạn. Nếu không biết cách thư giãn, nghỉ ngơi để lấy lại năng lượng, bạn sẽ nhanh chóng trở thành nô lệ của công việc đấy.

Market trends: Xu hướng thị trường

Quan sát mọi lúc mọi nơi bạn đến để nắm bắt ngay được xu thế phát của sản phẩm hoặc dịch vụ bạn đang kinh doanh.

Networking: Hệ thống mạng lưới

Thiết lập mối làm ăn với các doanh nghiệp khác. Ví dụ bạn mở dịch vụ kinh doanh áo cưới thì có thể làm ăn với các tiệm hoa tươi, các nhà tạo mẫu tóc, trang điểm,... Các dịch vụ này sẽ hộ trợ và giới thiệu khách hàng lẫn nhau.

Online selling: Bán hàng qua mạng

Một website có thể đưa tên tuổi doanh nghiệp và sản phẩm của bạn đến với rất nhiều khách hàng ở nhiều nơi khác nhau. Không những thế khách hàng sẽ rất hài lòng và tin tưởng với phương pháp bán hàng thuận lợi của bạn.

Pricing: Giá cả

Tất nhiên là khách hàng sẽ chỉ mua những sản phẩm của bạn với giá cả hợp lý. Để phục vụ được mức giá cạnh tranh này bạn phải nghiên cứu thị trường thật kỹ lưỡng đấy.

Quit the rat race: Tìm lối đi thích hợp

Nếu doanh nghiệp của bạn hoạt động không thành công thì cũng đừng quá nặng nề. Có thể đó chưa phải là hướng đi thích hợp, hãy tìm ra một hướng mới để khắc phục những khó khăn đó.

Running your business: Điều hành doanh nghiệp

Mặc dù bạn thông thạo và nắm rõ các hoạt động trong doanh nghiệp nhưng bạn cũng chẳng thể giải quyết mọi việc từ A tới Z. Khi gặp khó khăn hãy tìm đến lời khuyên của các chuyên gia hoặc học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước hay tham gia khóa đào tạo về quản trị doanh nghiệp.

Setting up a budget: Hạch toán ngân sách

Một bản dự thảo ngân sách sẽ giúp cho các kế hoạch trong tương lai của bạn, giúp bạn đạt được mục tiêu và đưa ra những quyết định đúng đắn.

Tax tips: Các khoản thuế

Quản lý tài chính và các sổ sách kế toán chặt chẽ. Đừng gộp chung những khoản chi tiêu cá nhân với các khoản của doanh nghiệp.
Universal laws for avoiding bankruptcy: Hiểu biết luật để tránh phá sản

Nếu các hóa đơn đã đến thời hạn thanh toán mà bạn còn bí thì hãy khéo léo thương thảo để gia hạn thêm thời gian cho các khoản nợ; thiết lập mối quan hệ tốt với các ngân hàng.

Value for money: Kiếm lời qua giá trị của sản phẩm

Kiểm tra chất lượng sản phẩm là cực kỳ quan trọng. Hãy kiểm tra sản phẩm thường xuyên để đảm bảo chúng vẫn còn được sử dụng với chất lượng cao.


Work to do: Công việc cần làm
Bạn đừng quên những khoản như thuế VAT, thuế thu nhập...
X-filing your office: Văn phòng gọn gàng ngăn nắp

Bạn không thể điều hành một doanh nghiệp hiệu quả nếu bạn mất hàng giờ để tìm một tờ hóa đơn giữa hàng đống công văn và sổ sách. Vì vậy hãy tập thói quen ngăn nắp gọn gàng trong toàn bộ công ty, bất kỳ tài liệu nào bạn cần phải luôn đáp ứng sẵn sàng.

Your marketable image: Bạn là bộ mặt của công ty

Phong thái tự tin, chuyên nghiệp, cách ăn mặc gọn gàng lịch sự có thể nói lên khá nhiều điều không chỉ về bạn mà còn về doanh nghiệp của bạn nữa đấy.

Zero tolerance for failure: Không đầu hàng trước thất bại

Lời khuyên này có lẽ không mới và luôn luôn đúng, phải không? Không thất bại nào có thể quật ngã nổi bạn, đó chính là cách để bạn khẳng định mình.


Theo: vietbao

Kinh nghiệm kêu gọi vốn đầu tư

Nhiều bạn trẻ tuy đã có ý tưởng nhưng không biết làm cách nào tiếp cận được nhà đầu tư hoặc nếu được nhà đầu tư để ý thì “bẽn lẽn” không đánh giá đúng giá trị của mình.
Michael Goldberg, chuyên gia của Quỹ Bridge Investment Fund LP trong một buổi tư vấn về khởi nghiệp do Học viện TOPICA tổ chức đã đưa ra lời khuyên cho các học viên rằng tốt nhất đừng nên vay tiền của người thân, bố mẹ, vì sẽ mất luôn mối quan hệ đấy (ý Micheal ngầm nói vay tiền để khởi nghiệp rất khó trả - NV).
Vấn đề đặt ra là không vay người thân thì vay ở đâu? Một trong những nơi mà các bạn khởi nghiệp nên nghĩ đến đó là các quỹ đầu tư. Ngoài hỗ trợ bạn về tiền, họ còn có thể giúp bạn nhiều thứ khác như kinh nghiệm, mối quan hệ, niềm tin vào dự án bạn đang theo đuổi, giá trị thương hiệu của nhà đầu tư…
Nhiều bạn trẻ tuy đã có ý tưởng nhưng không biết làm cách nào tiếp cận được nhà đầu tư hoặc nếu được nhà đầu tư để ý đến thì “bẽn lẽn” nên nhiều khi không đánh giá đúng giá trị của mình. Kinh nghiệm của một số doanh nghiệp trẻ đi trước có thể sẽ giúp ích các bạn trẻ muốn khởi nghiệp trong ngành CNTT.
Nắm rõ sản phẩm của mình

Từ kinh nghiệm của chính doanh nghiệp mình, ông Hồ Minh Đức, đại diện Naiscorp, doanh nghiệp được IDG và Softbank tài trợ đưa ra nhận xét, so với các ngành khác, khởi nghiệp trong CNTT có lợi thế hơn ở chỗ chỉ cần bạn nói ra ý tưởng, nhà đầu tư lập tức đưa ra quyết định đầu tư được hay không (nghĩa là có thể được đầu tư ngay từ giai đoạn ý tưởng – NV), trong khi với các ngành khác, phần lớn các dự án phải chạy một thời gian, phải có đội ngũ nhân sự, thị trường, báo cáo tài chính… để nhà đầu tư xem xét trước khi quyết định. Chính dự án về công cụ tìm kiếm socbay được đầu tư khi công ty Naiscorp chưa thành lập.

Vậy nhà đầu tư căn cứ vào đầu để có quyết định mạo hiểm như vậy? Theo ông Đức, 2 yếu tố quan trọng nhất là con người và ý tưởng/sản phẩm (trong lĩnh vực CNTT). Lý do có thể hiểu là bởi nhà đầu tư bao giờ cũng có những nghiên cứu rất kỹ về thị trường, vì vậy, chỉ cần ý tưởng/sản phẩm của bạn khớp với những điều nhà đầu tư đang cần, khả năng bạn được đầu tư là rất cao. “Nếu như bạn tiếp xúc được với nhà đầu tư đến buổi thứ ba thì khả năng thành công đến 50%”, ông Đức khẳng định.
Còn theo anh Nguyễn Hiến, đại diện một doanh nghiệp mới được Microsoft đỡ đầu (xin chưa tiết lộ), điều đầu tiên trong quá trình tìm kiếm đầu tư bạn phải nắm rõ về sản phẩm của mình, về quy mô thị trường, có kế hoạch cụ thể trong 3-5 năm tới về lộ trình sản phẩm và kế hoạch kinh doanh. Phải nêu rõ bạn cần bao nhiều tiền và chi tiêu số tiền đó vào những việc gì và hiệu quả mang lại ảnh hưởng đến dòng tiền ra sao. Việc này cần người có kiến thức vững về tài chính, kế toán. “Bản thân tôi cũng đã mất đến 2 tháng cho giai đoạn này”, anh Hiến cho biết.
Gây chú ý trước các nhà đầu tư
“Bạn nên tham gia vào các sự kiện có tính chất networking như launch meetup, Pitch bootcamp, mobile day... Đây là sự kiện tập trung rất nhiều nhà đầu tư để bạn có thể tiếp xúc và xây dựng các mối quan hệ. Tham gia các sự kiện đó bạn có thể “đăng đàn” trên sân khấu để giới thiệu về dự án của mình, gây chú ý đến các nhà đầu tư”, anh Hiến bật mí.
Ông Đỗ Tuấn Anh, sáng lập trang appota.com giới thiệu dự án của mình trước các nhà đầu tư tại Triển lãm Demo Asia (tháng 3/2012 tại Singapore)

“Trong những lần tiếp xúc đầu tiên với nhà đầu tư, bạn cần xem trước thật kỹ kế hoạch kinh doanh và luyện tập nhuần nhuyễn phần giới thiệu. Ở những lần gặp đầu tiên, bạn chỉ có từ 30giây - 2 phút để giới thiệu nhanh về dự án và gây ấn tượng với đại diện nhà đầu tư, nếu không qua bước này bạn có thể có cuộc gặp với quy mô lớn nơi có mặt đại diện cấp cao của nhà đầu tư.

Khi đã có buổi tiếp xúc với lãnh đạo cấp cao tại trụ sở của họ chứng tỏ dự án của bạn có tiềm năng và bạn đã chứng minh được năng lực của mình, việc tiếp theo là tuân theo các yêu cầu cụ thể của nhà đầu tư như chỉnh sửa kế hoạch kinh doanh, lên kế hoạch marketing.... Quá trình này tuy khó nhưng có yêu cầu cụ thể và chỉ dẫn của nhà đầu tư nên mọi việc sẽ diễn ra tuần tự. Toàn bộ quá trình từ khí tiếp xúc đến khi nhận được vốn sẽ kéo dài khoảng 6 tháng. Điều quan trọng là bạn phải thật sự kiên trì và lắng nghe lời khuyên từ bạn bè và các chuyên gia có kinh nghiệm”, anh Hiến tiếp
Bạn cũng phải biết cách chọn nhà đầu tư
Hiện nay có rất nhiều nhà đầu tư mạo hiểm, chủ yếu chia 2 loại chính: quỹ đầu tư và nhà đầu tư cá nhân. Các quỹ đầu tư thường đầu tư với quy mô tương đối lớn nhưng thủ tục kéo dài và các điều khoản ràng buộc rất chặc chẽ, bù lại mối quan hệ mà các quỹ đầu tư nắm trong tay sẽ giúp bạn rất nhiều. Các nhà đầu tư cá nhân thường quyết định đầu tư rất nhanh và thủ tục cũng nhanh gọn hơn nhưng nguồn vốn cung cấp khá hạn chế.
Có một thực tế là phần lớn doanh nghiệp trẻ khi đi xin vốn đều mang tâm lý của “kẻ ở chiếu dưới”. Theo ông Đức, điều này hoàn toàn sai lầm. Bản thân nhà đầu tư cũng luôn săn tìm những dự án có thể sinh lời để đầu tư. Nếu bạn tự tin với ý tưởng của mình, với những gì bạn đang làm, tại sao không định giá công ty mình với những giá trị mà bạn kỳ vọng. Nếu mang tâm lý của “kẻ ở chiếu dưới”, thường khi đàm phán bạn sẽ để việc định giá công ty thấp, tạo điều kiện cho nhà đầu tư chiếm dụng vốn cao. Và như vậy, sau này bạn sẽ có ý quyền quyết định hoạt động của công ty.
Nhà đầu tư có thể là người tiếp thêm sức mạnh cho bạn nhưng cũng có thể là người muốn thôn tính bạn. Hãy cân nhắc kỹ.

Dù chỉ có 1 hay nhiều nhà đầu tư đang “ve vãn”, bạn cũng nên tỉnh táo để tìm được nhà đầu tư phù hợp với định hướng, tầm nhìn của công ty. Ông Đức cảnh báo “nếu không cùng tầm nhìn, bạn có thể vô tình dìm chết công ty”. Nếu bạn và nhà đầu tư có cùng tầm nhìn, điều đó sẽ giúp bạn tự tin hơn, các kinh nghiệm của nhà đầu tư cũng sẽ giúp ích nhiều hơn cho công ty giúp cho việc triển khai các hoạt động nhanh hơn. Vì vậy, khi chọn nhà đầu tư, có 2 yếu tố bạn nên cân nhắc là: số vốn họ sẽ đầu tư cho công ty và kinh nghiệm của nhà đầu tư trong lĩnh vực công ty đang theo đuổi.

Cần lường trước các rủi ro
Cũng theo ông Đức, để công ty phát triển càng cần nhiều nhà đầu tư. Có nhiều cổ đông lớn công ty càng lớn. Tuy nhiên, bạn cần chọn lọc kỹ. Cạm bẫy trên thương trường không ít, tình trạng cá lớn nuốt cá bé cũng nhiều và hãy hiểu rằng không ai cho không bạn cái gì. Vì vậy, hãy cân nhắc công ty sẽ được gì, mất gì? Ngoài được vốn và kinh nghiệm thì có ẩn chứa những nguy cơ gì?
Những nguy cơ này phải được nêu trong hợp đồng và điều lệ hoạt động của công ty. Theo ông Đức, không phải nhà đầu tư nào cũng có mục đích đầu tư để cùng phát triển, cùng ăn chia, có những nhà đầu tư nhằm thôn tính đối thủ “từ trong trứng nước”, lại có nhà đầu tư chỉ nhằm “bán lúa non”… Nếu bạn thực sự tâm huyết và sống chết cùng với ý tưởng/sản phẩm của mình, hẳn bạn không muốn những điều này xảy ra. Vì vậy, trong hợp đồng có thể đưa ra điều khoản “nếu bán thì ưu tiên bán trong cổ đông” hay “nếu bán thì bên A bị phạt…”. “Phải lường trước các tình huống để 2 bên cùng giải quyết”, ông Đức nhấn mạnh. “Thực sự thì Naiscorp đã phải thuê một công ty tư vấn luật soạn thảo trong 1 năm để hoàn thiện bộ hồ sơ đầu tư”, ông Đức cho biết.
Thay lời kết
Việc gì cũng cần phải học, kể cả kêu gọi đầu tư. Hiện nay ở Việt Nam đã xuất hiện 1 số khóa học về chủ đề này. Nếu bạn thực sự muốn tìm đến các nhà đầu tư trong giai đoạn khởi nghiệp, hãy tham gia vào các khóa học này.

3 tuần khởi nghiệp nhanh chóng

Bạn muốn tìm con đường khởi nghiệp nhanh? Bạn muốn chắc chắn đạt đến những đỉnh cao nhưng không sa đà khiến bạn lạc lối? Những hướng dẫn sau có thể giúp bạn khởi nghiệp trong vòng một tháng.

Không cần mất nhiều tháng hay hàng năm trời mới có thể khởi nghiệp.

TUẦN THỨ 1

Ngày thứ nhất: Khởi đầu bằng ý tưởng khả thi

Ý tưởng chủ đạo của bạn có làm nên sự nghiệp khả thi không? Làm sao biết được điều đó? Thật ra không phải lúc nào cũng có thể biết. Vì vậy, trước khi bắt đầu, bạn nên dừng lại một chút, chân thành và khách quan tự hỏi mình những câu sau:

1. Có ai cần sản phẩm mình sắp bán không? Nhu cầu cao thấp ra sao? Hãy nghĩ sâu về điều này trước, nghiên cứu thị trường sẽ cho bạn thấy sau.

2. Mọi người có chịu mua sản phẩm của mình không? Người ta thường nói khách hàng sẽ lũ lượt kéo nhau tới mua sản phẩm tốt hơn nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Trường hợp của bạn thì sao?

3. Khách hàng có đang dùng sản phẩm khác không? Nếu có, bạn có tin tưởng rằng họ sẽ mua sản phẩm của bạn không?

4. Bạn có chiến lược kinh doanh không? Bạn có định làm mọi việc cho mọi người không?

Đương nhiên bạn trả lời được những câu hỏi trên nhưng mục đích của bản câu hỏi là để đánh giá trung thực về bản thân. Điều quan trọng là có thị trường cho sản phẩm/dịch vụ của bạn không. Nếu tốn kém nhiều mà tiền lại là của người khác (chủ đầu tư chẳng hạn), thì càng nên nghiên cứu thật kỹ trước khi bắt đầu.

Ngày thứ hai: Xác định quyền sở hữu

Không có công thức nào xác định quyền sở hữu. Trong hợp tác kinh doanh, xác định quyền sở hữu từ đầu là việc dễ gây lúng túng, nhưng đơn giản hơn ngàn lần so với về sau, khi tiền đã bắt đầu lưu chuyển. Cần xác định tỉ lệ sở hữu, ai làm việc gì, ai là chủ ý tưởng, tầm quan trọng của ý tưởng. Không có công thức xác định quyền sở hữu nhưng có thể căn cứ vào điều gần với nó nhất là vốn, trong đó gồm cả chi phí cho thời gian bỏ ra.

Định giá ý tưởng ban đầu là rất khó, vì ý tưởng có rất ít giá trị thực. Chính lượng công sức bỏ ra để biến ý tưởng thành sản phẩm mới quan trọng. Cần phải làm rõ về điều này. Hiện giờ, chúng ta chỉ nhắc đến chuyện đó, hôm sau sẽ đi vào chi tiết hơn.

Ngày thứ ba: Viết hợp đồng

Bạn đã nghiền ngẫm những vấn đề pháp lý tiềm tàng xoay quanh quyền sở hữu, nay đã đến lúc đi vào cụ thể. Bạn hãy thảo nháp một bản hợp đồng tay. Chưa cần nhờ đến luật sư. Bạn chỉ cần viết những ý chính có liên quan đến những người tham gia. Không cần dùng ngôn ngữ pháp lý trang trọng vì chuyện đó sẽ được làm trong ngày thứ 17. Còn bây giờ, chỉ cần làm hợp đồng đơn giản, rõ ràng, nêu rõ phần trăm sở hữu, số tiền và lượng thời gian đầu tư, ai sở hữu cái gì.

Ngày thứ tư: Đặt tên cho doanh nghiệp

Có thể chỉ đơn giản là lấy tên của mình đặt cho doanh nghiệp, nhưng thường còn phải suy nghĩ ý tưởng, kiểm tra tính hữu hiệu của ý tưởng và đăng ký độc quyền tên công ty theo đúng luật. Những việc này bạn sẽ làm sau, trong ngày thứ 17. Dù vậy, hãy bắt đầu suy nghĩ về chuyện đó.

Nếu chỉ biết đến công ty qua cái tên, nhiều người sẽ hiểu sai công việc của doanh nghiệp. Những hiểu lầm này có thể làm bạn mất nhiều thời gian.

Ngày thứ năm: Nghĩ đến bản ước đoán doanh thu đầu tiên

Nhiều người sợ ước đoán nhưng việc kinh doanh sẽ không thành công nếu thiếu việc này. Làm sao tính được chi phí nếu không biết doanh thu? Làm sao biết cần bao nhiêu tiền ban đầu (là thành phần của giá khởi điểm) nếu không biết doanh thu?

Nhiều người nghĩ dự đoán doanh số là điều gì đó phức tạp và mang tính khoa học cao. Họ không biết phải thực hiện bằng cách nào. Nhưng đừng lo, trên thực tế, dự đoán doanh số là điều có thể học và tập.

Làm sao dự đoán đúng một điều hoàn toàn mới mẻ? Hãy chia nhỏ nó ra nhiều phần, xếp vào 12 tháng trong bảng tính rồi ước tính cho từng tháng. Nghĩ xem bạn cần bao nhiêu cái bàn, bao nhiêu quầy hàng, bao nhiêu thời gian? Mỗi cái như vậy giá bao nhiêu? Nhân các mục đó với chi phí cho mỗi mục, bạn sẽ ra được bản ước đoán doanh thu.

Ngày thứ sáu: Lập qũy chi phí khởi điểm

Giống như dự đoán doanh số, làm một bảng tính với nhiều hàng bên trái, cột dọc là các tháng và tổng cộng ở phía dưới để ra được quĩ chi phí khởi điểm. Hãy liệt kê phí thuê cơ sở, trang thiết bị thiết thực, phí marketing và tổng tiền lương.

Lưu ý: Đừng quên tính lương trả cho chính mình.

Ngày thứ bảy: Ước tính chi phí khởi điểm

Liệt kê hai danh sách đơn giản: một là chi phí phải chịu trước khi bắt đầu và tài sản (vật dụng) cần phải có. Chi phí gồm giá hợp pháp, sửa chữa cơ sở, tạo trang web… Tài sản là hàng hóa bạn sắp bán. Phần khó hơn là ước tính số tiền cần có trong ngân hàng để hậu thuẫn công ty trong giai đoạn khó khăn tài chính ban đầu. Bạn phải làm chuyện này hàng tháng, so sánh doanh thu với chi phí, theo dõi tiền thu vào hoặc xuất ra. Đối với hầu hết doanh nghiệp, tiền sẽ không thu lại được ngay mà phải chờ một thời gian.

Trong ngày thứ tám đến mười bốn, bạn sẽ biết phải làm gì tiếp theo để tổ chức doanh nghiệp trong ba tuần.

TUẦN THỨ 2

Ngày thứ 8: Lập chiến lược marketing

Nghĩ đến thị trường mục tiêu, tưởng tượng ra một khách hàng giả định lý tưởng, xác định tuổi, giới tính, nghề nghiệp, hoàn cảnh gia đình và phương tiện thông tin yêu thích của người đó. Hiểu rõ khách hàng là điều quan trọng.

Thông điệp bạn muốn gửi tới khách hàng là gì? Có thể diễn đạt điều đó trong một câu không? Nếu chỉ được nói một câu với khách hàng, bạn sẽ nói gì? Thông điệp đó sẽ được gửi đi đâu? Làm sao để khách hàng nhận được?

Hãy nghĩ đến chiến lược marketing và kế hoạch thực hiện chi tiết. Dành thời gian lướt qua kế hoạch trọng điểm vắn tắt về marketing để hiểu marketing doanh nghiệp cần những gì.

Ngày thứ 9: Phát triển nhãn hiệu công ty

Hãy bắt đầu xây dựng diện mạo và ấn tượng về công ty trong mắt khách hàng. Logo doanh nghiệp trông ra sao? Logo có ý nghĩa gì? Phong cách truyền thống, hay hiện đại? Nhãn hiệu của công ty là gì? Làm sao để khách hàng hiểu được ý nghĩa nhãn hiệu?

Phát triển diện mạo và ấn tượng về công ty bạn qua logo, bảng hiệu, tiêu đề và chất lượng đồ họa. Đây là những yếu tố cần thiết cho nhãn hiệu và phải có chỗ đứng thích hợp cho chúng trước khi tiếp tục.

Ngày thứ 10: Bắt đầu xây dựng trang web

Bạn đã bắt đầu hay nghĩ đến việc xây dựng trang web chưa? Hôm nay là ngày để làm điều đó.

Nếu bạn đang xây dựng một trang web ứng dụng 2.0 hay bất cứ trang web nào dành trọng tâm cho kinh doanh thì phải ổn định và hoàn tất trước 3 tuần.

Hầu hết các doanh nghiệp đều có website rất nhanh. Hãy nghĩ đến các yếu tố cơ bản cho trang web của bạn, và ít nhất dành một trang để nói về bản thân, doanh nghiệp, sản phẩm và dịch vụ.

Ngày nay có nhiều lệnh rút gọn như TypePad, WordPress và các trang nhà của blogger. Những phần mềm này được làm ra để viết blog nhưng có thể áp dụng cho nhiều trang nhỏ và hầu như không phải định dạng lại.

Ngày thứ 11: Nghĩ đến phương tiện thanh toán

Hãy nghĩ xem khách hàng sẽ thanh toán cho bạn cách nào. Nếu định bán trực tiếp cho khách hàng thì phải có tài khoản thanh toán (merchant account) cho phép thanh toán bằng thẻ tín dụng.

Ngày nay, nhờ các nhà cung cấp qua mạng mà chúng ta có nhiều chọn lựa hơn. Trước kia, bạn phải trực tiếp ra ngân hàng, làm nhiều thủ tục mất thời gian. Ngày nay, có thể dùng các công cụ mạng (như Amazon, Yahoo! và những trang khác) để hoàn tất thủ tục trên.

Nếu bán hàng cho doanh nghiệp, cần nghĩ đến các chính sách liên quan tới hóa đơn và tín dụng. Không nên đánh giá thấp tầm quan trọng của việc thu tiền về.

Ngày thứ 12: Thử bán hàng

Bạn đủ khả năng bán hàng vào lúc này chưa? Có lẽ nên dành ngày hôm nay cho việc rao bán sản phẩm. Cả khi chưa thực sự hoàn tất thì nhiều doanh nghiệp (và có lẽ là hầu hết) vẫn bắt đầu bán hàng trước khi thực sự khai trương. Đây là cách để biết chắc mọi người muốn mua sản phẩm của mình.

Ngay cả khi mọi thứ đã sẵn sàng mà bạn chưa thể bán hàng thì cũng nên giải thích nguyên nhân cho một số người. Việc bán hàng sẽ tiếp tục khi doanh nghiệp khai trương, nhưng chúng tôi vẫn muốn đưa việc đó vào hôm nay, vì nhiều doanh nghiệp đã ra đời ngay khi khách hàng đầu tiên gật đầu: “Yes”.

Ngày thứ 13: Chính sách bảo hiểm

Đã đến lúc nói chuyện với người môi giới bảo hiểm và làm cho bảo hiểm kinh doanh có hiệu lực. Ngày nay, ta có thể nghiên cứu rất nhiều, thậm chí là tất cả, qua mạng nhưng nếu không được, hãy gọi điện theo kiểu “cây thư mục” của người xưa để tìm được đúng người mình cần... Nói chuyện với bất cứ người môi giới nào bạn nghĩ đến, hỏi họ một vài câu. Nếu đó không phải người bạn cần thì hãy nhờ họ chỉ cho bạn một người khác. Bằng cách đó, bạn sẽ từ từ tìm ra đúng người mình cần.

Trong quá trình tìm kiếm, bạn sẽ biết loại bảo hiểm nào phù hợp với mô hình kinh doanh bạn đang khởi sự.

Ngày thứ 14: Xây dựng đội ngũ nhân viên

Bạn đã nghĩ mình sẽ xây dựng đội ngũ nhân viên như thế nào chưa? Bạn có biết những người bạn muốn đưa vào làm việc? Đã đến lúc phải gác lại chuyện đội ngũ và công nhân viên để bắt đầu quá trình tuyển chọn nhân sự. Tùy loại hình kinh doanh, bạn sẽ cần bản mô tả công việc và đăng quảng cáo trên các trang web thích hợp.

Hãy bắt đầu nghĩ đến danh sách công nhân viên. Bạn sẽ cần ai giúp khi chính thức khai trương doanh nghiệp? Có phải chỉ mình bạn và đối tác không? Bạn có cần thuê nhân viên phục vụ không? Còn tài xế, ban thiết kế thì sao?

Để bắt đầu, hãy nhìn lại kế hoạch tài chính trong tuần thứ nhất để xem bạn đủ khả năng mướn những ai và bắt đầu tìm kiếm họ.

TUẦN THỨ 3

Ngày thứ 15: Nghĩ đến địa điểm hoạt động

Hầu như mọi người đều xác định được mình sẽ hoạt động bên ngoài gia đình hay đặt văn phòng ở đâu. Họ cân nhắc vị trí thích hợp, kiến trúc, địa điểm, quang cảnh xung quanh…

Cả khi đặt văn phòng tại nhà, hẳn bạn cũng đã nghĩ nhiều về nó. Bây giờ là lúc sắp xếp mọi thứ như bàn, máy tính, điện thoại, Internet, sự yên tĩnh và quang cảnh nếu cần.

Đối với cửa hàng bán lẻ, phân xưởng hay văn phòng, nếu chưa sắp xếp thì bạn phải bắt đầu đi. Đã đến lúc quyết định rồi.

Những người môi giới sẽ giúp bạn. Họ không tính công, vì chủ nhà cho thuê sẽ chi hoa hồng cho họ (bạn cũng nên ghi nhớ điều này vì biết rõ bên nào sẽ trả phí luôn là điều tốt). Hãy tìm một người môi giới biết cộng tác, lắng nghe ý muốn của bạn lẫn những điều bạn không hài lòng.

Hôm nay, hãy từng bước xác lập địa điểm hoạt động, dù chỉ đơn giản là kê thêm bàn ghế, điện thoại vào văn phòng gia đình hay gọi điện để tân trang nhà hàng, xí nghiệp sản xuất. Đối với một số người hoặc doanh nghiệp, việc này có khi mất hơn ba tuần. Đôi khi bạn không được ở trong khu vực mình muốn ngay, nhưng có kế hoạch cho nơi bạn muốn đặt văn phòng làm việc sẽ giúp bạn tìm được nhiều thời gian trống nhất.

Ngày thứ 16: Tạo tài khoản

Với sự trợ giúp của phần mềm tính toán tốt, có thể lưu giữ mọi giấy tờ giao dịch như séc, hóa đơn nhận, xuất. Nên lập sổ sách cẩn thận khi chi tiền hay xuất hóa đơn. Đó chính là công việc giữ sổ sách bạn làm mà có khi không biết. Cách tốt nhất để chọn phần mềm tính toán mới là kiểm tra với ngân hàng để các hệ thống tương thích nhau. Việc này tránh cho bạn vô số bực bội khi nhập dữ liệu theo dõi.

Ngày thứ 17: Làm thủ tục pháp lý

Trở lại tuần thứ 1, bạn đã cùng những người liên quan thảo hợp đồng tỉ lệ sở hữu doanh nghiệp, ai làm việc gì và sẽ bỏ ra bao nhiêu tiền. Bạn cũng đã đặt tên cho doanh nghiệp. Hôm nay, để kết lại mọi thứ, bạn sẽ soạn thực thể pháp lý online hoặc nói chuyện với luật sư, hoặc cả hai.

Hãy tạo cho mình một chút thuận lợi trước khi nhờ đến luật sư. Bạn phải hiểu những cân bằng cơ bản để dùng thời gian gặp gỡ luật sư (phải trả phí) đưa ra được những quyết định đúng, hơn là chỉ để hiểu về những chọn lựa. Chúng tôi không khuyến khích thành lập doanh nghiệp không nhờ đến luật sư (trực tiếp hay qua mạng), nhưng nếu bạn trang bị cho mình những hiểu biết cần thiết từ trước thì sẽ giảm được chi phí.



Ngày thứ 18: Mướn nhân viên

Chỉ còn ba ngày nữa là hết 3 tuần khởi nghiệp. Vì vậy, nếu doanh nghiệp cần nhân viên thì đã đến lúc phải thuê người. Tuần trước bạn đã nghĩ đến đội ngũ làm việc, vì vậy hẳn bạn đã có một số người trong đầu rồi.

Đừng phỏng vấn trước khi tìm hiểu những điều bạn nên hoặc không nên nói với tư cách là nhà tuyển dụng. Nhiều điều khi mới xem qua ta tưởng như bình thường, không vấn đề gì, nhưng thật ra lại sai về kĩ thuật. Ví dụ, không nên hỏi tuổi hay tình trạng kết hôn, vì dễ khiến người được phỏng vấn cảm thấy bị phân biệt.

Ngày thứ 19: Gây quỹ

Gây quỹ là một trong những khâu phụ thuộc vào chi tiết. Việc này vừa dễ như tiêu vài nghìn đôla có sẵn trong túi, vừa khó như xin hàng triệu đôla từ những nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Với văn phòng đặt tại nhà và máy tính, có thể việc khởi nghiệp của bạn chẳng cần gì hơn ngoài những gì có được tại Office Depot trong một buổi chiều.

Nếu cần nhiều hơn số tiền đang có, cần phải soạn kế hoạch kinh doanh chi tiết, tìm nhà đầu tư mạnh và làm thêm nhiều việc khác. Nếu đến với nhà đầu tư chuyên nghiệp, chắc chắn bạn sẽ không nhận được tiền trước ba tuần (đôi khi cũng có trường hợp ngoại lệ). Bạn vẫn có thể tiến hành kinh doanh với số tiền huy động được nhanh để làm cho mình trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư.

Ngày thứ 20: Nghĩ đến ngày khai trương

Điều này vui đây: Tưởng tượng ra một buổi tiệc lớn, có nhiều đèn chiếu phun hơi trên trời và một ban nhạc với những nhạc khí bằng đồng và bộ gõ. Có thể không hoàn toàn giống vậy nhưng ngày khai trương là dịp tốt để bắt đầu marketing doanh nghiệp.

Lên kế hoạch sao cho mọi người đều biết đến ngày khai trương. Đây là dịp để viết thông cáo báo chí, nói chuyện với hội đồng địa phương, phóng viên thương mại và làm cho mọi người biết về doanh nghiệp của mình. Bạn có muốn xây dựng tiếng tăm để khi khai trương, ai cũng biết đến bạn không?

Ngày 21: Khởi nghiệp

Vậy là trong ba tuần, bạn đã bắt đầu và xúc tiến như mong đợi. Điều đó khiến hôm nay trở thành ngày đầu tiên trong chuỗi ngày kinh doanh còn lại của bạn.

Hôm nay, bạn có thêm một ngày nữa để bán hàng.

Hãy tập trung và xem có bao nhiêu khách hàng bước chân vào cửa tiệm, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, tùy công việc bạn làm.

Trong ngày đầu tiên, hãy nhớ quan sát những điều tốt đẹp, những thiếu sót và những điều có thể làm tốt hơn.

Chẳng bao lâu, công việc sẽ tiến triển khác với mong đợi của bạn. Điều đó là bình thường. Chìa khóa nằm ở chỗ ghi lại những khác biệt, lý do và phương án sửa chữa. Trên thực tế, kế hoạch kinh doanh sẽ trở thành kế hoạch quản lý. Vì vậy hãy thường xuyên xem lại kế hoạch để điều hành kinh doanh tốt hơn.


Nguồn: Entrepreneur
Flag Counter