Hiển thị các bài đăng có nhãn Ý Tưởng Kinh Doanh. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Ý Tưởng Kinh Doanh. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

Tạo dựng cơ nghiệp từ thú vui cắm trại trong sân nhà



Từ một giấc mơ tình cờ của Chris MacPhees, một ý tưởng kinh doanh táo bạo đã hình thành và tạo ra nguồn thu nhập không nhỏ cho vợ chồng anh.
Chris and Kella MacPhee, là người sáng lập nên công ty Suburban Camping, có trụ sở tại  Brick, bang New Jersey.

Giây phút nảy sinh ý tưởng: "Tôi tỉnh giấc sau khi mơ thấy mình đang ngồi trong một chiếc lều trại cầu kỳ, tuyệt đẹp và độc đáo dựng ở sân sau nhà mình để thưởng thức các bữa tiệc sinh nhật và các hoạt động hè", Chris nói về cảm hứng nảy sinh ý tưởng vào cuối năm 2010. Anh và người vợ Kella đều là những người rất thích cắm trại nên cả hai đều thấy giấc mơ này rất đáng để theo đuổi. Với con mắt thiết kế của Kella (cô hiện đang là thợ chụp ảnh đám cưới) và kinh nghiệm bán lẻ ngoài trời của Chris, cả hai đã lập nên Suburban Camping vào năm 2011, đầu tư khoảng 15.000 đô la tiền tiết kiệm năm đó của họ và cố gắng giữ các chi phí ở mức thấp bằng cách mua các đồ trang trí phục vụ cho việc cắm trại tại các cửa hàng giá rẻ. Mùa này vợ chồng MacPhees đang đầu tư thêm khoảng 25-30.000 đô la với hi vọng sẽ mở rộng hoạt động ở ba bang nữa.
Dựng trại: Các dịch vụ bao gồm một chiếc lều đôi dành cho một buổi tối lãng mạn; cắm trại theo phong cách vintage, khu cắm trại theo chủ đề Harry Potter với gậy thần, áo choàng không tay, kính mắt và đồ trang trí theo kiểu phù thủy, và cắm trại theo kiểu của các cô gái. Suburban Camping cũng trình chiếu phim vào buổi tối với các thiết bị như máy chiếu, màn hình, loa và chỗ ngồi, khách có thể lựa chọn thêm nước chanh và bánh ngọt có que xiên.  


Lều âm nhạc: "Chúng tôi đều yêu âm nhạc, chúng tôi đã từng đi suốt dọc đất nước với nhiều ban nhạc khác nhau và tình yêu âm nhạc gắn liền với niềm yêu thích cắm trại”, Chris cho biết. Suburban Camping đang hướng tới các lễ hội âm nhạc với các khu cắm trại đã được chuẩn bị sẵn để những người đến thưởng thức âm nhạc có thể đến mua vé xem rồi thuê luôn một cái lều cho họ. Các hình thức marketing khác bao gồm quảng cáo trên báo chí địa phương và trên các tấm lót đĩa tại các tiệm ăn. Truyền thông xã hội cũng là cách hay để chia sẻ các tấm hình và các đoạn video về các khu cắm trại.

Khách hàng: Suburban Camping đã tạo ra 25 lều trại ngay trong mùa kinh doanh đầu tiên, khách hàng được trải nghiệm nhiều kiểu lều khác nhau: lều dành cho các cặp mới đính hôn, lều theo phong cách nam nữ quân dân, và đội bóng đá. Vợ chồng nhà MacPhees hi vọng cũng sẽ tiếp cận được đối tượng dân số lớn tuổi hơn (cho các sự kiện tiệc sinh nhật của người lớn hoặc các sự kiện của giải Super Bowl).

Chi phí: Các gói dịch vụ địa điểm cắm trại dao động từ 375 đô la cho một chiếc lều dành cho 2 người tới 450 đô la cho một chiếc lều kiểu Abra Camp Dabra (chứa được 8 người) và 500 đô la cho 2 chiếc lều dành cho các cô gái. Nếu muốn xem phim, dùng bánh ngọt có que xiên thì khách phải trả thêm 150 đô la cho mỗi gói. Các loại lều bạt của công ty Suburban Camping cũng sẵn sàng trình làng với mức giá 650 đô la/ chiếc.

Kế hoạch sắp tới: Mở rộng hoạt động ra các khu trại bên bờ biển và tuyển một chuyên gia phát triển kinh doanh. Nhà MacPhees cũng sẽ bán các lều trại dựng sẵn thông qua trang web của công ty SuburbanCampsite.com, và có thể vận chuyển trực tiếp tới nhà riêng hoặc cửa hàng của khách hàng. 
(Dịch từ Entrepreneur)

Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

Phát tài nhờ kinh doanh dịch vụ... trút giận

"Những căn phòng xả giận" làm ăn rất phát đạt.

Một khách đang trút giận trong “Căn phòng xả giận”
Cuộc sống hối hả, áp lực khiến ai cũng có thể nổi giận và có nhu cầu trút giận. Với ý tưởng ấy Donna Alexander đã quyết định mở một “căn phòng xả giận” để ai cũng có thể vào đó đập phá, xả stress. Và công việc của cô đang rất phát đạt.

Alexander lần đầu có ý tưởng này khi cô 16 tuổi và đang sống cùng gia đình tại Chicago. “Tôi thấy rất nhiều vụ ẩu đả ở trường cũng như bạo lực trong gia đình. Do đó “Căn phòng xả giận” là một ý tưởng hay. Mọi người cần một nơi để trút giận mà không gặp rắc rối. Nhưng khi ấy tôi nghĩ ai đó cũng sẽ có ý tưởng này và họ sẽ làm tốt hơn một cô bé tuổi teen như tôi”. 

Đến năm 2002 khi chuyển tới Texas để học thiết kế đồ họa và truyền thông tại Westwood College ở Dallas, cô mới thử nghiệm “Căn phòng xả giận” ở chính nhà mình. “Tôi nói với bạn bè và đồng nghiệp rằng ‘Này, bỏ ra 5 USD và các cậu có thể tới gara nhà mình đập phá’”. 

Và cứ như vậy người này bảo người kia và ngày càng nhiều người lạ xuất hiện trước cửa nhà Alexander với gậy bóng chày trong tay. Họ rút tiền đưa cho cô để được đập phá các đồ dùng văn phòng cũ. “Nó khiến tôi phát hoảng”, cô chia sẻ. “Tôi có 2 con nhỏ và không muốn họ nhìn thấy cảnh đó. Đó chính là lúc tôi quyết định mình phải tìm một nơi đàng hoàng hơn”. 

Việc xin giấy phép cho “Căn phòng xả giận” cũng không mấy dễ dàng. Phải mất đến ba năm cô mới tìm được người đồng ý cho thuê đất. “Khi tôi nói ý định của mình phản ứng của họ đều là ‘Không, không và không! Thứ đó chỉ dành cho những kẻ điên”. Nhưng cuối cùng cũng có một người tại Dallas đồng ý và kể từ đó lượng khách hàng thường xuyên của “Căn phòng xả giận” ngày càng tăng lên. 

Khách hàng của Alexander thuộc đủ mọi thành phần, trình độ, từ lãnh đạo các công ty, các CEO tới các cử nhân. “Chúng tôi cũng đón nhiều người tới đây mừng sinh nhật hay các hoạt động kết nối mọi người, các buổi giao lưu doanh nghiệp”, cô cho biết. 

Thậm chí nhiều nhân viên văn phòng cũng ghé tới đây trong giờ nghỉ trưa mặc dù cô vẫn khuyên họ nên thay quần áo. “Việc này đòi hỏi vận động rất nhiều. Bạn vận động những cơ mà ngay chính mình cũng chẳng biết mình đang thực hiện”. 

Donna Alexander không có nhiều quy định đối với khách hàng bước vào “Căn phòng xả giận”. Chỉ có điều cô nhất quyết yêu cầu họ không được tự mang dao hay cưa vào phòng. “Rất thường xuyên tôi nhận được những câu hỏi từ khách hàng kiểu như ‘Ồ, chỗ chị không có cái dao nào sao? Liệu tôi có thể tự mang tới hay không? Con dao của tôi xịn lắm”. Và tôi phải nói với họ rằng ‘Không! Đừng bao giờ nghĩ đến việc mang dao vào đây”. 

Dù vậy thì tại căn phòng xả giận của Donna, khách hàng vẫn có thể thỏa sức đập phá với rất nhiều thứ “đồ chơi” chết người. Họ có thể lựa chọn gậy bóng chày, gậy chơi golf, vợt tennis, gậy sắt và nếu họ cảm thấy mình thực sự sáng tạo thì có cả tay và chân của các ma-nơ-canh. Khách hàng có thể làm gì với chúng tùy thích.

Phòng xả giận được trang bị rất nhiều đồ vật cho khách hàng đập phá, từ TV tới màn hình máy tính hay các đồ dùng văn phòng, đầu máy video cũ…Túm lại là đủ phương tiện để giúp họ có thể trút hết bực dọc trong người một cách tự thoải mái, mãnh liệt nhất. Tất nhiên cũng có những quy định về an toàn, theo đó tất cả khách hàng phải đội mũ cứng và đeo kính bảo hộ. Ngoài ra thời gian của họ cũng sẽ bị giới hạn tùy theo loại vé vào cửa.

Với 25 USD bạn sẽ có một tấm vé ghi “Tôi cần nghỉ ngơi” nghĩa là thời gian để đập phá chỉ vỏn vẹn 5 phút. Nhưng nếu chấp nhận chi ra 45 USD, khách hàng sẽ được xả láng trút giận trong 15 phút. Và hạng cao nhất, nhưng cũng ít người cần đến đó là “Hủy diệt tất cả” với 25 phút quậy tưng bừng. Mức giá của tấm vé này là 75 USD. 

“Hầu hết mọi người chỉ vào đó trung bình 2-3 phút”, Alexander cho biết. “Chúng tôi cũng có một số khách quen thường ở lâu tới 15 phút”. Khi khách hàng yêu cầu loại vé 25 phút và dùng hết thời gian đó, Alexander xem đây là tín hiệu báo động đỏ. “Đó là lúc cần khuyên họ đi gặp bác sỹ tư vấn thực sự”. 

Kể từ khi khai trương “Căn phòng xả giận” tháng 12/2011, đến nay trung bình mỗi tháng cô đón 240 khách và con số này vẫn tiếp tục tăng. Và căn phòng duy nhất trên khu đất có diện tích gần 280 m2 dường như đã không còn đủ đáp ứng nhu cầu. Do vậy Alexander đã lên kế hoạch mở rộng. 

“Chúng tôi làm thêm 2 phòng vài tuần trước”, cô cho biết. Hầu hết các căn phòng này cũng chỉ rộng bằng phòng làm việc loại trung bình. Đáng chú ý là nhiều nơi đã yêu cầu cô nhượng quyền để họ mở dịch vụ này trong đó có những đối tác muốn triển khai ở cả 50 bang của Mỹ. “Đến nay tôi nhận được khoảng 180 lời đề nghị”, Alexander nói. “Các nhà đầu tư còn muốn mở “Căn phòng xả giận” ở Úc, Romania, Đức…Thật khó tin”. 

Theo Thanh Tùng
Dân Trí/Businessweek

Nghệ nhân biến rễ cây vứt đi thành đồ tiền tỉ

Biến gốc cây vô tri vô giác thành những tác phẩm điêu khắc hàng đầu.
Những “kiệt tác” làm từ gốc gỗ thô của ông Vỹ.
Những gốc cây vô tri, vô giác, không có giá trị về kinh tế, qua bàn tay của ông, trở nên có "hồn", thành những tác phẩm điêu khắc mang tính nghệ thuật cao, được nhiều người ưa thích.

"Cái duyên đưa tôi gắn với nghề mộc"

Ông là Lê Đình Vỹ (SN 1951), trú tại xóm Đông Sơn, xã Hậu Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An).

Được nghe nhiều người truyền tụng về tay nghề của ông, chúng tôi tò mò và quyết định ngược một chuyến về quê lúa Yên Thành để được tận mắt chiêm ngưỡng những kiệt tác “con đẻ” do ông sáng tạo ra.

Vừa bước vào khu xưởng sản xuất các sản phẩm nghệ thuật từ gỗ của ông Vỹ, người ta đã nghe mùi thơm của gỗ, sơn mài bốc lên thoang thoảng. Âm thanh “cọc, cạch” nghe chan chát của tiếng đục, chạm, trổ vang lên rộn rã. Tiếp chúng tôi giữa bộn bề các tác phẩm nghệ thuật từ gốc cây, ông Vỹ cho biết mình đến với nghề mộc như là một cái duyên trời sắp đặt.

Từng là bộ đội cụ Hồ tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sau khi rời quân ngũ, ông trở về quê nhà lập gia đình và làm ăn. Thời điểm này ở quê ông có ít người làm nghề mộc, nhu cầu thì lại lớn. Nhận thấy đây là một cái nghề có thể kiếm sống cộng với bàn tay tài hoa trời phú, ông quyết định mở xưởng mộc.

Gắn bó với cái đục, cái bào, tâm huyết với nghề nhiều năm, nhưng rồi ngày càng có nhiều xưởng khác mọc lên, việc kiếm sống từ nghề cũng dần trở nên khó khăn. Trong thời gian làm mộc ông nhận thấy quê mình có nhiều gốc cây có thể làm nên những đồ dùng đẹp như bàn, ghế… mà lại chỉ được dùng để làm củi đun.

Trong khi đó, xã hội bấy giờ đời sống được nâng cao, nhiều người có xu hướng chơi những tác phẩm nghệ thuật từ gốc cây. Từ suy nghĩ đó ông đã quyết định khăn gói lên đường học hỏi cách thổi “hồn” cho những thớ gỗ vô tri vô giác. Khi có ít kinh nghiệm, ông trở về quê sưu tầm, tìm mua những gốc cây bỏ đi về làm thử.

Những gốc cây khô thế này qua bàn tay tài hoa của nghệ nhân Vỹ đều thành tác phẩm nghệ thuật.

Thời gian đầu do chưa quen nên những tác phẩm làm ra không được như ý muốn. Không nản chí, ông tiếp tục bỏ tiền túi đi tham quan học hỏi cách làm ở các xưởng gỗ nghệ thuật Đồng Kỵ, Huế… Từ những đam mê, say sưa học hỏi, ông từng bước cải tiến, rút kinh nghiệm, bắt đầu làm vật nhỏ đơn giản đến những đến những vật dụng lớn có chi tiết phức tạp.

Và rồi các tác phẩm nghệ thuật từ gỗ được ông trình làng, nhiều người bắt đầu để ý đến kiệt tác của ông. Từ gốc cây thô, ông Vỹ miệt mài tạo dáng, tạo hình các con vật làm ra các sản phẩm từ đơn giản như: bình đựng tăm, bình hoa, bình hương, rồi đến các đồ dùng lớn như bàn, ghế…

Giờ đây ông đã có một xưởng chuyên tạo ra các sản phẩm nghệ thuật từ gỗ khá rộng, thu hút nhiều lao động vào làm và là nguồn thu nhập chính của gia đình ông.

Thành công từ nghề thổi "hồn" vào những thớ gỗ vô tri, vô giác

Miệt mài, yêu nghề, ông Vỹ say mê đục, đẽo, bào, gọt, đánh bóng… để thổi “hồn” vào những gốc cây vô tri, vô giác ấy, biến chúng thành những tác phẩm đẹp mắt mang giá trị nghệ thuật cao.

Ông Vỹ đang hướng dẫn các học viên tạo hình nghệ thuật từ gốc cây.

Giờ đây, trải qua bao thăng trầm, ông đã có trong tay bộ sưu tập những sản phẩm làm từ gỗ được nhiều người biết đến. Tay nghề, danh tiếng của ông được nhân dân cũng như các tay chơi đồ gỗ truyền tụng, ca ngợi rất nhiều.

Tiếng lành đồn xa, cơ sở sản xuất gỗ nghệ thuật của ông được nhiều người biết đến, đơn đặt hàng ngày càng nhiều. Có những người trong tỉnh và các tỉnh lận cận nghe tiếng ông cũng đến “mục sở thị” những “kiệt tác” của ông và khi ra về không quên kèm theo đơn đặt hàng. Sản phẩm làm ra không kịp đáp ứng đủ nhu cầu người mua.

Tác phẩm của ông Vỹ được nhiều chuyên gia mỹ nghệ đánh giá cao. Mỗi tác phẩm đều mang một vẻ đẹp riêng, có hồn và đặc biệt là ẩn chứa triết lý nhân sinh của cuộc sống. Ông vui vẻ cho biết: “Nhiều hôm phải động viên anh em làm thêm giờ, tăng ca để kịp giao hàng cho khách. Hầu hết các sản phẩm làm ra đều xuất ngay, không có tồn kho”.

Ông Vỹ bên "kiệt tác" bộ bàn 12 con giáp.

Trong số các “kiệt tác” ấy, giá trị nhất là bộ salon 12 con giáp, bộ cửu long, cây tre trăm đốt, thần Tài, ông Thọ, cá Chép vượt vũ môn…, đó là những tác phẩm mà ông cho là tâm đắc nhất. Chúng được chạm trổ tỉ mỉ, kỳ công.

Để làm cho những gốc cây khô có hồn, ông Vỹ cho biết người thợ phải có con mắt nghệ thuật cộng với bàn tay có “hoa”. "Từ những gốc cây, người thợ phải nhìn ra được cách tạo dáng, tạo hình cho nó, cái rễ này phù hợp để tạo ra con gì, thế gì cho đẹp. Đồng thời phải tính toán khéo léo, thừa thì có thể gọt, đẽo đi còn thiếu thì không có cách gì mà bù lại được cho nó tự nhiên như gốc cây ban đầu.

Hơn nữa còn phải khéo léo, cẩn trọng thổi cái “hồn” làm sao thật sinh động cho chính sản phẩm mình muốn tạo ra, làm cho nó có sức sống. Muốn tạo một bức tượng cần phải hiểu được cái tâm, tính cách của nhân vật thì mới tạo nên được cái “hồn” trong tác phẩm", ông nói.

Hàng ngày ông Vỹ vẫn đang miệt mài với nghề.

Thầy Cung Đình Đại, một giáo viên trong huyện nghe danh ông Vỹ đã mời ông và các thợ về tận nhà để làm những sản phẩm gỗ lũa cho riêng gia đình. “Những tác phẩm của ông Vỹ đều mang trong đó sự ngộ nghĩnh trong các bức tranh dân gian. Từ con chim, con hổ, con tắc kè, con rắn, hay con khỉ… đều thể hiện một cách sinh động đến từng chi tiết nhỏ nhất trong từng thớ gỗ”, thầy Đại cho biết về tài nghệ của ông Vỹ.

Với niềm đam mê nghề thực sự, ông Vỹ cho biết mình chưa một ngày chán nản với công việc. Chính những sản phẩm từ tay làm ra lại làm cho ông càng thêm gắn bó với nghề hơn. Thế nhưng rồi đây khi tuổi đã cao ông cũng phải nghỉ “hưu”.

Vì vậy ông đã truyền nghề cho con trai đầu Lê Đình Kỷ cũng là người có niềm đam mê sáng tạo những tác phẩm ghệ thuật từ gỗ. Ngoài ra ông còn đào tạo cho nhiều thanh niên trong xã có niềm đam mê với nghề. Xưởng của ông lúc nào cũng có gần chục lao động vừa làm thuê vừa học nghề.

Theo Phạm Hòa
Zing/Infonet
Flag Counter