Hiển thị các bài đăng có nhãn Chia Sẻ Thành Công. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Chia Sẻ Thành Công. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

Giá trị của công việc

Một chàng trai trẻ vừa tốt nghiệp Đại học loại xuất sắc nộp đơn dự tuyển vào vị trí quản lý cấp thấp tại một Tập đoàn lớn.
Anh ta vượt qua các vòng đầu tiên. Đến vòng cuối cùng, đích thân CEO phỏng vấn để đưa ra quyết định cuối cùng.
 
                  www.strategy.vn, khời nghiệp, giá trị công việc, triết lý khởi nghiệp, đam mê công việc, khơi lòng đam mê
 
Người CEO rất ấn tượng với CV của chàng trai trẻ khi trong suốt các năm học, anh ta luôn đạt thành tích học tập một cách xuất sắc. Từ trường Trung học cho đến khi vào Đại học và thi tốt nghiệp, không năm nào mà chàng trai này không đạt các danh hiệu.
 
“Anh có bao giờ nhận được học bổng từ trường không”, vị CEO hỏi. “Không bao giờ”, chàng trai trả lời.
 
Vị CEO bèn hỏi tiếp,”Vậy là cha anh đã trả toàn bộ học phí cho anh phải không?”. Chàng trai trẻ trả lời:” Cha tôi đã mất từ hồi tôi được một tuổi, toàn bộ số tiền học phí là do mẹ tôi gánh vác”.
 
“Vậy mẹ anh làm việc ở công ty nào?”. Chàng trai trẻ trả lời: “Mẹ tôi làm công việc giặt quần áo”.
 
Người CEO im lặng một lúc. Sau đó, ông đề nghị chàng trai trẻ đưa hai bàn tay ra cho ông xem. Hai bàn tay chàng trai khá đẹp và mềm mại.
 
”Trước đây, có bao giờ anh giúp đỡ mẹ anh trong việc giặt quần áo chưa?”.
 
“Thưa ngài, xin thú thực là tôi chưa bao giờ”, chàng trai trả lời, “Mẹ tôi lúc nào cũng chỉ muốn tôi học và đọc thật nhiều sách. Hơn nữa, mẹ bảo mẹ có thể giặt quần áo nhanh hơn tôi. Tôi động vào chỉ khiến công việc của bà chậm lại”
 
Vị CEO nghe xong liền nói: “Tôi có một yêu cầu. Hôm nay lúc anh về nhà, hãy đi và rửa hai bàn tay của mẹ anh. Rồi hãy đến gặp tôi vào sáng ngày hôm sau”.
 
Qua ánh mắt và giọng nói của người CEO, chàng trai trẻ cảm giác rằng cơ hội trúng tuyển của mình chắc rất cao. Anh vui vẻ về nhà gặp mẹ và nói với bà hãy để anh ra rửa hai bàn tay của bà ngày hôm nay. Bà mẹ nghe vậy cảm thấy rất lạ, trong lòng bà khi ấy dấy lên những cảm xúc vui buồn lẫn lộn. Bà đưa hai bàn tay mình ra cho con trai mình.
 
Chàng trai trẻ chầm chậm rửa sạch bàn tay của mẹ mình. Từng giọt nước mắt của chàng trai rơi xuống khi anh ta thực hiện công việc của mình. Lần đầu tiên chàng trai nhận ra rằng đôi bàn tay của mẹ mình thật là nhăn nheo, hơn nữa hai bàn tay còn chằng chịt những vết sẹo và chai sạn. Những vết sẹo này hẳn là rất đau đớn vì chàng trai cảm nhận được mẹ khẽ rùng mình mỗi khi anh rửa chúng trong nước.
 
Đây cũng là lần đầu tiên chàng trai trẻ nhận ra rằng chính đôi bàn tay này hàng ngày làm công việc giặt quần áo để có thể trang trải đủ tiền học phí của anh ta ở trường học. Những vết sẹo trên đôi bàn tay của bà mẹ cũng là cái giá cho kết quả đậu tốt nghiệp, cho những bảng điểm xuất sắc và cho cả tương lai của anh.
 
Sau khi rửa sạch đôi bàn tay của mẹ, chàng trai trẻ lặng lẽ giặt nốt luôn chỗ quần áo còn lại trong ngày.
 
Tối hôm đó, bà mẹ và chàng trai đã nói chuyện với nhau rất lâu.
 
Sáng ngày hôm sau, chàng trai trẻ quay lại nơi phỏng vấn.
 
Vị CEO nhận thấy một đêm dài không ngủ trên đôi mắt của chàng trai. Ông hỏi: ”Anh có thể cho tôi biết anh đã làm gì và học được những gì ở nhà của anh ngày hôm qua không?”
 
Chàng trai trả lời: ”Tôi đã rửa đôi bàn tay của mẹ tôi, và tôi cũng đã giặt nốt chỗ quần áo còn lại.”
 
Vậy hãy cho tôi biết cảm giác của anh như thế nào?”
 
Chàng trai trẻ bèn trả lời trong nước mắt:
 
"Thứ nhất: Tôi thấu hiểu thêm những gì tôi đã có được nhờ có mẹ ngày hôm nay.
 
Thứ hai: Tôi hiểu được kiếm tiền vất vả đến như thế nào.
 
Thứ ba: Tôi đã nhận thức được sự quan trọng và giá trị của tình cảm gia đình."
 
Vị CEO nói: ”Đó chính xác là những gì tôi cần tìm ở một nhà quản lý, hoặc một người trong tương lai sẽ ở cấp quản lý cao hơn của Tập đoàn này.
 
Tôi muốn tìm những ứng viên có thể nhận thức được sự giúp đỡ của những người khác;
 
Người có thể hiểu được sự khó nhọc của người khác khi hoàn thành một công việc nào đó;
 
Và là người không đặt tiền bạc là mục đích sống duy nhất của mình...
 
Và còn nữa, xin chúc mừng anh. Anh đã được tuyển.”

Thứ Ba, 12 tháng 2, 2013

Thành tỷ phú từ 1 triệu đồng buôn bán kim chỉ

Mấy ai biết A Sếnh bắt đầu làm giàu từ 1 triệu đồng. Sếnh mua kim chỉ, bánh kẹo, vải vóc, quần áo về bán cho dân bản. Sau 1 năm buôn bán nhỏ, Sếnh đã có được 5 triệu đồng...
Để có được tài sản lên đến 1,5 tỷ đồng, hàng năm thu lãi hàng trăm triệu đồng như hiện nay là quá trình lập nghiệp thật không dễ với chàng thanh niên Tẩn A Sếnh (bản Sèng Làng, xã Tả Phìn, huyện Sìn Hồ, Lai Châu).
Mấy ai biết A Sếnh bắt đầu làm giàu từ 1 triệu đồng. Ở xã vùng cao Tả Phìn, người dân ai cũng nghèo. Giao thông từ bản này đến bản khác chủ yếu là đường đất, trời nắng thì bụi, trời mưa thì trơn. Năm 2006, vợ chồng dành dụm được vẻn vẹn 1 triệu đồng, Sếnh mua kim chỉ, bánh kẹo, vải vóc, quần áo về bán cho dân bản. Sau 1 năm buôn bán nhỏ, Sếnh đã có được 5 triệu đồng.
Khu sản xuất gạch bi của Tẩn A Sếnh
Vợ chồng Sếnh mạnh dạn vay Ngân hàng Chính sách xã hội 30 triệu đồng. Có số tiền kha khá, Sếnh không buôn bán nữa mà mua 10 con bò để chăn thả. Nhờ sự chỉ bảo tận tình của các anh, chị Phòng Nông nghiệp huyện, Sếnh đã có kiến thức chăn nuôi đàn bò. Nhờ đó, đàn bò lớn nhanh và bắt đầu sinh sản. Sếnh bán một số bò lấy tiền mua thêm 5 con ngựa và 12 con dê về nuôi. Thu nhập của gia đình Sếnh ngày càng ổn định.
Ở Sìn Hồ, từ trung tâm huyện đến trung tâm các xã vùng thấp tới 30-60km. Đi xe máy cũng phải mất một ngày mới tới nơi, mà số hàng hóa vận chuyển cũng chẳng được là bao. Năm 2010, Sếnh bán hết bò, ngựa, dê được 150 triệu đồng, vay thêm Ngân hàng NNPTNT 150 triệu đồng nữa để mua một chiếc ô tô tải chở hàng phục vụ bà con.
Chăm chỉ làm việc cũng là cơ hội để Sếnh được tiếp xúc với nhiều người, được đi đây đi đó. Nhìn lại thấy thanh niên cùng trang lứa với mình còn khổ lắm, Sếnh nghĩ cần phải làm gì đó để giúp đỡ những gia đình trong bản còn khó khăn. Sau nhiều đêm trăn trở, Sếnh bàn với vợ vay thêm tiền để mua máy đóng gạch bi về mở cơ sở sản xuất tại nhà, vừa có thêm thu nhập, vừa tạo công ăn việc làm cho thanh niên địa phương.
Cơ sở làm gạch bi của anh bước đầu giải quyết việc làm cho 10 thanh niên trong bản, với thu nhập ổn định từ 3-5 triệu đồng/tháng. Riêng Sếnh, mỗi năm sau khi trừ đi các chi phí cũng thu về trên 200 triệu đồng.
Năm 2012, Tẩn A Sếnh vinh dự được nhận Giải thưởng Lương Định Của do T.Ư Đoàn trao tặng. Tẩn A Sếnh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm làm giàu của mình với mọi người, đặc biệt là các bạn thanh niên. Điện thoại của A Sếnh: 01647811485.

Những tỷ phú ở làng bán xôi xuyên Việt

Hàng nghìn người Hoàng Xá (Thanh Thủy, Phú Thọ) tỏa đi khắp các tỉnh thành trong nước bán xôi. Nhiều người đã thoát nghèo, thậm chí trở thành tỷ phú nhờ nghề bán xôi độc đáo này.

Cả làng bán xôi        

Khi nhắc đến xôi, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến làng Kẻ Gạ (ở Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội). Nhưng ít ai biết rằng, ở trung du miền núi Bắc Bộ còn có một làng làm xôi thậm chí còn lớn hơn Kẻ Gạ, đó chính là làng Hoàng Xá, Thanh Thủy, Phú Thọ.

Nếu như ở Kẻ Gạ, làm xôi như một nghề truyền thống và chủ yếu phục vụ thực khách trong địa bàn Hà Nội thì Hoàng Xá lại khác. Như bao vùng quê Bắc bộ khác, xôi vẫn là một món ăn không thể thiếu trong những dịp lễ tết, hội hè, cưới hỏi và cả ma chay của người Hoàng Xá. Nhưng phải tới thời điểm khoảng 5 năm trước thì người Hoàng Xá mới coi xôi là một “món hàng” để kinh doanh.

Người Hoàng Xá ít khi bán xôi trên địa bàn làng xã mà chủ yếu là tỏa ra các thành phố lớn để bán. Hiện nay, họ đã có mặt ở hầu khắp các tỉnh thành từ Bắc chí Nam để hành nghề. Cũng chính vì lý do này mà nhiều người vẫn hay trêu đùa rằng, người Hoàng Xá bây giờ đi đến đâu trên đất nước Việt Nam đều không sợ chết đói, vì ở đâu cũng có người làng bán xôi ở đó.
Với những chiếc xe đẩy như thế này, người Hoàng Xá đã có mặt khắp các thành phố lớn trong nước để bán xôi. 
Đến Hoàng Xá vào một ngày giáp Tết Nguyên Đán để tìm hiểu về nghề bán xôi nơi đây, chúng tôi được những người dân trong làng giới thiệu ngay đến nhà anh Nguyễn Hồng Tam ở khu 3. Anh Tam là chủ sở hữu một đại lý chuyên cung cấp các đồ nghề và các nguyên liệu làm xôi, từ xe đẩy, bếp than, xoong nồi cho đến gạo, ruốc, đỗ, lạc… Ngoài ra, anh Tam còn kiêm luôn công việc dạy và tư vấn cách làm xôi sao cho nhanh chín, lại thơm ngon… cho những người mới vào nghề và có nhu cầu học hỏi.

Cơ sở kinh doanh của anh Tam được thành lập từ những ngày đầu tiên nghề bán xôi xuất hiện ở đất Hoàng Xá, nên chẳng có điều gì về cái nghề này mà anh không biết. Theo anh Tam cho biết thì vào thời điểm khoảng 5 năm trước, có một số người Hoàng Xá sang đất Hà Tây cũ (nay là Hà Nội – PV), thấy nhiều người ở đó đi bán xôi dạo và có thu nhập cao nên đã học theo cách làm ăn này. Họ trở về làng để sắm đồ nghề rồi cũng ra Hà Nội, ngược Lào Cai, Yên Bái… hành nghề bán xôi. Một thời gian sau, những người này trở về làng và trở nên giàu có, xây được nhà cao cửa rộng.
Bán xôi dạo có thể giúp một người Hoàng Xá bỏ túi tiền triệu mỗi ngày.
Từ đó, bán xôi dạo bỗng nhiên trở thành một nghề “hot”, người Hoàng Xá cứ ùn ùn sắm sửa đồ nghề, dẫn theo vợ con, kêu gọi bàn bè, người thân… ra thành phố để bán xôi với mong ước được “đổi đời”. Bây giờ về làng Hoàng Xá, người ta dễ thấy cảnh nhiều gia đình chỉ còn lại người già và trẻ nhỏ. Thậm chí, nhiều căn nhà quanh năm suốt tháng cứ đóng cửa im ỉm vì người nhà đã ra hết thành phố để bán xôi.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch UBND xã Hoàng Xá cho biết: “Xã Hoàng Xá có 22 thôn xóm thì hầu như thôn nào cũng có người đi bán xôi. Tuy chưa có con số thống kê chính thức nhưng hiện nay có khoảng gần 3000 người (trong tổng dân số gần 13000 người) trong xã đi bán xôi dạo ở khắp các tỉnh thành trong cả nước. Bán xôi là một trong những nghề giúp cho người Hoàng Xá thoát khỏi đói nghèo, thậm chí còn vươn lên làm giàu. “Sau một hai năm đi bán xôi, nhiều gia đình trở về làng và xây được những ngôi nhà 3, 4 tầng khang trang lộng lẫy”, ông Thái nói.

Bán xôi xây nhà lầu

Đúng như lời ông chủ tịch xã, khi chúng tôi dạo một vòng quanh đường làng ngõ xóm Hoàng Xá thì đâu đâu cũng thấy mọc lên những căn nhà 3, 4 tầng, thậm chí là nhiều căn biệt thự sang trọng trị giá hàng tỷ đồng. Phần lớn những căn nhà này là của các “đại gia” bán xôi.
Theo những người dân địa phương cho biết thì chỉ khoảng 5 năm trước đây, Hoàng Xá vẫn còn là một xã nghèo nàn. Khi đó, ngoài con đường trung tâm chạy qua UBND xã thì đi khắp làng Hoàng Xá chỉ toàn thấy những căn nhà tranh vách đất xiêu vẹo.
Một người Hoàng Xá đang bán xôi trên đường Hồ Tùng Mậu, Từ Liêm, Hà Nội.
Chính nghề bán xôi đã góp phần làm cho người Hoàng Xá thoát nghèo, có của ăn của để. Chẳng vậy mà nhiều người Hoàng Xá coi bán xôi là nghề “hái ra tiền” ở mảnh đất nghèo khó này. “Với những người nông dân không được ăn học đến nơi đến chốn thì chẳng có công việc gì nhàn hạ mà lại có thu nhập cao như nghề bán xôi. Nếu không có nghề này thì chẳng biết bao giờ người Hoàng Xá mới có thể thoát nghèo được” - ông Đặng Văn Thông, trưởng khu 1 xã Hoàng Xá nhận định.
Theo ông Thông cho biết thì khu 1 do ông quản lý là một trong những khu có ít người đi bán xôi dạo nhất của xã Hoàng Xá. Mặc dù vậy cũng có đến hơn 10 cặp vợ chồng đã rời làng, kéo theo con cái ra ngoài bán xôi và hầu hết những gia đình này đã xây được nhà cửa đàng hoàng.
Bản thân ông Thông cũng có hai người con trai đang đi bán xôi ngoài thành phố. Chỉ vào căn biệt thự khang trang tiền tỷ sắp hoàn thiện ngay trước ngõ, ông thông bảo: “Đấy là căn nhà của vợ chồng đứa cả của tôi (tên Đặng Vũ Kha – PV). Hai đứa bán xôi ở Thái Bình được 3 năm nay. Căn nhà khang trang này cũng nhờ đi bán xôi mà chúng mới xây dựng được.”

Ngôi biệt thự khang của một “đại gia” làng xôi Hoàng Xá.
Cách nhà ông Thông không xa, chúng tôi ghé thăm nhà bà Nguyễn Thị Biên ở khu 7. Bà Biên có con là Nguyễn Văn Mùi đang cùng với vợ bán xôi ở Mộc Châu, Sơn La. Trò chuyện với bà biên thì chúng tôi được biết, trước đây anh Mùi vẫn còn là một thợ mộc, thu nhập chẳng được bao nhiêu. Nhưng 3 năm trước, anh Mùi đã bỏ nghề mộc, cùng với vợ theo anh rể lên Sơn La bán xôi dạo. Cuộc sống của vợ chồng anh đã thay đổi kể từ đó. Sau hơn 2 năm đi bán xôi, giữa năm 2012, vợ chồng anh Mùi đã xây được căn biệt thự 2 tầng lộng lẫy nổi bật giữa làng Hoàng Xá.
Gia đình ông Thông, bà Mùi chỉ là một trong rất nhiều người giàu lên từ nghề bán xôi dạo. Đến Hoàng Xá, chúng tôi còn biết đến chuyện gia đình ông Hoàng Văn Chúc, người có 10 đứa con thì 8 đứa đi ra ngoài bán xôi và ai cũng trở nên khá giả. Bên bạnh đó là gia đình ông Đặng Văn Đức (khu 2), bà Nguyễn Thị Lai (khu 7)… đã xóa bỏ được những căn nhà tranh vách đất, thay vào đó là những căn nhà ống vài ba trăm triệu…

Có thể nói, nghề bán xôi dạo đang từng bước làm giàu cho quê hương Hoàng Xá.
Đã 3 năm nay, bà Nguyễn Thị Biên và 2 đứa cháu nội (một cháu gái 12 tuổi, và cháu còn lại lên 8) vẫn phải ở nhà chăm sóc lẫn nhau vì con trai và con dâu đi bán xôi tận Sơn La.

 “Nghề này lãi lớn mà vốn đầu tư lại không nhiều nên rất thích hợp với những người nông dân Hoàng Xá. Thông thường, một người đi bán xôi chỉ cần đầu tư một chiếc xe đẩy trị giá khoảng 5 triệu đồng và khoảng 5 triệu nữa cho các vật dụng khác như xoong nồi và nguyên liệu như gạo, ruốc… là có thể đi bốn phương bán xôi,” anh Nguyễn Hồng Tam cho biết.  
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nếu may mắn chọn được địa điểm đông khách, mỗi ngày chủ một xe xôi có thể bán được khoảng 300 gói xôi. Với mức giá trung bình 10.000đ/ gói, trừ các chi phí thì người bán có thể thu về từ 1.000.000đ đến 2.000.000đ là chuyện bình thường.

Chính nhờ mức thu nhập cao như vậy mà nhiều người Hoàng Xá mới trở nên giàu có. Tuy nhiên, để kiếm được đồng tiền từ nghề bán xôi dạo, người Hoàng Xá cũng phải lao động cật lực và gặp phải nhiều khó khăn mà ít ai biết đến.

Họ không chỉ phải thức khuya dậy sớm đồ xôi để kịp giờ đem bán lúc sáng sớm, mà đôi khi còn đối mặt với sự cạnh tranh không lành mạnh từ các quán ăn uống nơi họ hành nghề. “Việc bị tung tin bỏ thuốc phiện vào xôi để hút khách, rồi chuyện bị côn đồ đuổi đánh, đập phá xe hàng là chuyện vẫn thường xảy ra với những người đi bán xôi,” anh Đỗ Hồng Quân, một thợ bán xôi mới “giải nghệ” vì lý do gia đình cho biết.

Khó khăn nhọc nhằn là vậy, nhưng do không được học hành đầy đủ, người Hoàng Xá vẫn phải bám lấy nghề bám xôi và coi đó như một giải pháp cứu rỗi cuộc đời nghèo khó của họ. Đi bán xôi dạo, họ phải xa gia đình, xa mẹ già con thơ nhưng bù lại, họ sẽ có tiền xây nhà xây cửa, có tiền nuôi con cái học hành tử tế, cha mẹ họ cũng sẽ có cuộc sống vật chất đầy đủ hơn…

Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

9 bí quyết đắc nhân tâm ở công sở

Bạn muốn sống thật hạnh phúc vui vẻ ? Bạn muốn đạt đến đỉnh thành công trong công việc? Bạn muốn có nhiều bạn bè yêu quí và không có thù? Hay giản đơn hơn Bạn muốn luôn nhận được nhiều niềm vui mỗi ngày? Bạn muốn tăng thu nhập từ 8 triệu lên 20 triệu , 30 triệu hay 60 triệu ? Bạn muốn có đồng nghiệp tan

1. Thân thiện
Mỉm cười chào tất cả các đồng nghiệp khi gặp nhau sẽ tạo cho bạn cây cầu thiện cảm đầu tiên. Hình ảnh thân thiện dễ mến của bạn sẽ ghi dấu trong những lần giữ cửa thang máy chờ khi đồng nghiệp đang hối hả chạy đến, nhặt dùm tập tài liệu đánh rơi hay đưa một cái kẹp tóc khi cần...
2. Thật lòng khen ngợi, động viên đúng lúc
Ông bà mình thường nói “lời nói không mất tiền mua” nhưng lời nói có thể “mua” cho bạn sự ủng hộ và sự thăng tiến và hơn cả là những người bạn nơi làm việc. Ai cũng có những năng lực nổi trội ngoài công việc của họ. Nếu bạn biết cô A ca vọng cổ hay và đề nghị cô hát trong Tiệc cuối năm công ty, cô B nấu ăn ngon để nhờ làm bánh kem sinh nhật công ty hay cô C vẽ đẹp để nhờ trang trí Noel văn phòng ...thì bạn đã giúp họ toả sáng. Họ sẽ nhớ mãi điều đó và sẽ tìm dịp để khen ngợi lại bạn.
Công việc không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái. Nếu một ngày đồng nghiệp bị khiển trách, hãy chia sẻ bằng một cái siết chặt tay hoặc ngồi lắng nghe thật chia sẻ. Bạn đang là người bạn đồng hành đáng yêu nhất trong những giây phút buồn bực nhất của họ đó.
3. Không nề hà việc khó
Một khách hàng xuất hiện đột ngột và sừng sộ tại sảnh chờ công ty nơi bạn làm đòi gặp Sếp? Tất cả nhân viên đều hết sức e ngại nếu công ty bạn không có phòng chăm sóc khách hàng? Hãy dùng kiến thức và kinh nghiệm xử lý than phiền khiếu nại và “xung phong” tiến ra sảnh trước để tỏ rõ thiện chí. Chắc chắn đây là thử thách vô cùng khó khăn nhưng cũng là cơ hội cho bạn rèn luyện kỹ năng giao tiếp. Mọi người sẽ đánh giá cao việc bạn đã đảm nhận những việc khó về mình.
4. Hăng hái giúp đỡ
Ở Công ty Đầu tư Xây dựng B., anh Kiên luôn nhiệt tình giúp mọi người in sao các file bản vẽ đến mức nhiều đối tác còn nghĩ anh là nhân viên IT mà không biết anh là kỹ sư giám sát công trình. Anh đã được đồng nghiệp mến tặng chức danh trợ lý IT và cũng nhanh chóng thăng tiến lên phụ trách một toà tháp trong dự án vì năng lực làm việc nhóm và giành được thiện cảm của các sếp khi cân nhắc vị trí thăng tiến cho các kỹ sư đang ở vị trí ngang bằng. Hãy luôn chìa cánh tay ra khi có thể, bạn sẽ nhận được nhiều cánh tay vào lúc mình cần sự trợ giúp để lên đỉnh thành công.
5. Chào đón đồng nghiệp mới
Ngày đầu tiên đi làm việc ở chỗ mới, ai cũng cần một sự chào đón và sự hướng dẫn tận tình của đồng nghiệp. Cô giáo lớp một in dấu đậm trong tâm trí ta như thế nào thì người bạn đầu tiên ở nơi mới cũng khiến ta ấm áp như thế. Vậy ta cũng hãy luôn là người bạn thân ái đầu tiên của những đồng nghiệp mới. Bạn hãy nói lời chào mừng và nói rằng bạn sẵn lòng hướng dẫn nếu họ có thắc mắc ban đầu. Hãy giúp họ biết chỗ ăn trưa gần nhất, giúp họ nhận biết các đồng nghiệp khác cũng như cách sử dụng các trang thiết bị trong văn phòng, bạn sẽ có chỗ đứng chắc chắn trong lòng họ.
6. Uy tín, lịch thiệp
Nếu bạn mượn đồ dùng của đồng nghiệp như kim bấm, kéo cắt giấy, tài liệu tham khảo...hãy trả đúng hẹn bởi khi họ cần mà không có thì bạn vô tình đã quạt cho than trong lò giận dữ của họ bùng cháy. Bạn hứa giúp họ tìm nơi cung cấp dịch vụ nhưng không làm thì lần sau họ sẽ không dám giao trứng cho ác nữa.
Văn phòng là một xã hội thu nhỏ nên bạn hãy ứng xử chừng mực lịch thiệp như ở nơi công cộng. Những tư thế ngả ngớn, nói chuyện điện thoại ồn ào, hỉ mũi ầm ĩ hay hát to khi nghe Ipod ..sẽ khiến đồng nghiệp khó chịu tránh xa người thiếu tôn trọng không gian chung.
7. Tích cực lắng nghe
Một trong những bí quyết trong nghệ thuật giao tiếp là kỹ năng lắng nghe. Những người bán hàng giỏi nhất là những người biết lắng nghe để hiểu nhu cầu cầu và đáp ứng nhu cầu khách hàng được hiệu quả nhất. Lúc bạn nghe là lúc bạn hiểu được đồng nghiệp được tốt nhất. Nếu gặp rắc rối, bạn hãy nghe từ người đối thoại, nhiều khi chỉ là chuyện hiểu lầm và ta không mất thời gian để giải quyết hay giận dữ cho những chuyện không hề tồn tại.
8. Êm dịu nhưng hiệu quả trong cách góp ý đồng nghiệp
Trong công việc, những chuyện bất đồng ý kiến hay ứng xử là điều luôn tồn tại. Vấn đề là chúng ta ứng xử trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau. Hãy dùng chiếc bánh Sandwich trong giao tiếp để phát biểu ý kiến để xây dựng đồng nghiệp nhé. Làm sao để bước ra từ sau cuộc nói chuyện, người đồng nghiệp của chúng ta rút kinh nghiệm từ những sai lầm mà không mất đi thiện cảm dành cho ta.
9. 9999
Vâng, im lặng là vàng đối với những câu chuyện riêng tư mà đồng nghiệp chia sẻ cho ta. Nhiều khi “bản năng bà Tám” thúc đẩy ta mạnh mẽ nói ra nhưng hãy nghĩ đến nguyên tắc số 9 này để giữ lại mối quan hệ bằng vàng của ta với đồng nghiệp.
Công sở cũng có những bí quyết đắc nhân tâm, bạn cứ thử xem.
Phunungaynay.vn

Vận hành hiệu quả doanh nghiệp mua nhượng quyền

Một khi đã chọn được thương hiệu nhượng quyền, ký kết hợp đồng, thiết lập nguồn tài chính và tham gia các chương trình đào tạo, bạn còn phải quan tâm thực hiện nhiều việc khác. Đó là:



- Chọn loại hình kinh doanh
- Đàm phán việc thuê mặt bằng
- Mua trang thiết bị và hàng hóa
- Giám sát các thay đổi cấu trúc công trình và xây dựng
- Tuyển chọn nhân viên
- Lên kế hoạch chiêu thị và quảng cáo
Mỗi công đoạn đều có tác động lên sự thành công của giai đoạn khởi nghiệp.
Lựa chọn cấu trúc doanh nghiệp
Bạn sẽ phải chọn trong số ba loại hình kinh doanh trước khi tiến hành khởi sự kinh doanh: đơn vị kinh doanh cá thể, đơn vị hợp tác kinh doanh và công ty. Do mỗi mô hình có khác nhau về chi phí thành lập, thuế và trách nhiệm pháp lý, bạn nên hỏi ý kiến cả luật sư và kế toán trước khi ra quyết định.

Đàm phán với chủ cho thuê mặt bằng
Một khi bạn đã lựa chọn cơ cấu doanh nghiệp, bạn có thể tiếp tục với những quyết định liên quan đến việc điều hành hoạt động kinh doanh nhượng quyền thương mại. Nếu bạn đang kinh doanh bán lẻ, rất có thể bạn đã ổn định được vị trí kinh doanh. Một trong những nhiệm vụ khó khăn hơn cần phải giải quyết là đàm phán để thuê một mặt bằng với chủ đầu tư hay đơn vị phát triển khu trung tâm mua sắm.

Tất cả các hợp đồng thuê đều có những điều khoản cơ bản như giá trị tiền thuê, thời hạn thuê, ngày thực hiện, mô tả về tòa nhà/mặt bằng và các tùy chọn trong việc gia hạn hợp đồng thuê. Ngoài ra, các hợp đồng thuê còn bao gồm những nhu cầu và yêu cầu chi tiết của chủ cho thuê. Điều quan tâm lớn nhất của bạn cùng với luật sư là xem xét hợp đồng thuê một cách cẩn thận và đàm phán những điều khoản có vấn đề.

Đừng nên nóng vội trong quá trình đàm phán. Những cuộc đàm phán thường không dễ dàng hoặc vui vẻ gì, nhưng mất thời gian để có được một hợp đồng tốt nhất cho việc kinh doanh mới là điều quan trọng. Thường thì những người mua quyền thương mại nào ký hợp đồng thuê mặt bằng một cách nhanh chóng sẽ sớm lâm vào hoàn cảnh không có lợi nhuận hoặc thậm chí đối mặt với nguy cơ thất bại.

Bên cạnh các câu hỏi về chi phí và quyền lợi của các điều khoản thuê, hãy chú ý những điểm sau:

- Cân đối thời hạn của hợp đồng thuê nhà với thời hạn của hợp đồng nhượng quyền. Ví dụ, nếu hợp đồng nhượng quyền là 5 năm thì hợp đồng thuê cũng ký 5 năm.
- Yêu cầu chủ cho thuê viết thêm các tùy chọn gia hạn hợp đồng.
- Chú ý ngày thực hiện hợp đồng thuê. Nếu được, hãy cố gắng làm sao để không phải trả tiền thuê trước khi mặt bằng sẵn sàng cho việc sử dụng.
- Hãy yêu cầu miễn phí tiền thuê một vài tháng nếu ký hợp đồng thuê dài hạn.
- Phải đảm bảo có một điều khoản cho phép bạn quyền sang, cho thuê lại mặt bằng trong trường hợp bạn bán lại quyền kinh doanh cho người khác.
- Thương lượng với chủ cho thuê để cùng tham gia công việc làm biển hiệu quảng cáo và công việc xây dựng.

Lắp đặt máy móc thiết bị bên trong
Sau khi giải quyết ổn thỏa việc thuê và các hợp đồng thuê, bạn phải quyết định tiến hành việc thiết kế cửa hàng, lắp đặt trang thiết bị và mua sắm hàng hóa. Bên nhượng quyền thường đưa ra những giới hạn và quy định về kỹ thuật. Để làm đúng các nguyên tắc, họ đưa ra và thỏa mãn nhu cầu công việc kinh doanh của mình, bạn có thể sửa chữa lại cấu trúc của cơ ngơi thuê trước khi khai trương.

Thời gian cần thiết để bạn chọn lựa và lắp đặt đồ đạc, trang thiết bị phù hợp nhất sẽ tương ứng gián tiếp với tuổi đời và sự phức tạp của hệ thống mà bạn mua. Những hệ thống nhượng quyền lâu năm hơn, lớn hơn thường trang bị hệ thống máy móc thiết bị một cách khoa học. Mọi thứ phải được vạch ra một cách rõ ràng bao gồm các trang thiết bị tốt nhất, bố trí chúng chỗ nào, và lắp đặt chúng ra sao. Ngược lại, một trong những hệ thống nhượng quyền hoặc cơ sở nhượng quyền mới khởi nghiệp sẽ không có được những gợi ý đúng đắn và có hiệu quả như vậy.

Quản lý việc “xây dựng”
Khi nói về việc xây dựng hay thay đổi cấu trúc ngôi nhà, gọi chung là “xây dựng”, chúng ta thường nghe các từ như “kinh khủng” và “ác mộng”. Những phản ứng đó là kết quả của những vấn đề bất ổn như:

Các chi phí xây dựng ước tính của bên nhượng quyền dựa trên chi phí hàng bán, dịch vụ và nhân công trong khu vực giá rẻ. Hãy chú ý đến biên độ thay đổi về giá tại những khu vực khác nhau.

Không tiên liệu trước các quy định của chính quyền địa phương có thể làm phát sinh chi phí đối với người mua quyền thương mại.

Đội ngũ thợ xây dựng do quản lý lỏng lẻo hoặc không có nguyên tắc làm ra những sản phẩm tệ hại có thể làm phát sinh đột biến các chi phí.

Nhân viên - trái tim của doanh nghiệp

Thật lý tưởng, nếu bạn thuê được những nhân viên không chỉ thạo việc – có khả năng, nhiệt huyết, tận tâm – mà còn là những người mà bạn quý mến. Nếu cùng làm việc 40-60 giờ mỗi tuần với những người mà mình quý mến thì điều này sẽ thực sự mang lại nhiều lợi ích.

Mỗi doanh nghiệp có một chút khác biệt về cách tuyển chọn, tuyển dụng và giữ chân nhân viên, nhưng nhìn chung, tất cả những vấn đề liên quan đến nhân sự đều xoay quanh tỷ lệ thay mới nhân viên cao, động viên, đào tạo nhân viên và tìm được những người có kỹ năng đặc biệt.

Những người mua quyền thương mại thường tìm cách giúp cho nhân viên cấp thấp thể hiện phẩm chất tốt nhất của họ.

Lập kế hoạch chiêu thị và quảng cáo
Khi bạn khai trương một doanh nghiệp mới, bạn muốn mọi người biết về nó. Ở mức độ cao hơn, bạn còn muốn có nhiều người sử dụng thử sản phẩm hay dịch vụ của mình. Để đạt được mức độ đó, tùy thuộc vào sự lựa chọn thương hiệu nhượng quyền, bạn có thể phải thực hiện ít nhiều công tác chiêu thị.

Tìm ra biện pháp tốt nhất để quảng bá và chiêu thị sản phẩm và dịch vụ về cơ bản là một quá trình dò dẫm thử nghiệm. Chắc chắn, bạn sẽ phạm sai lầm lúc ban đầu. Việc lựa chọn thời điểm quảng cáo nhằm gây được ấn tượng mạnh và hiệu quả cao nhất cũng là một thách thức.

Theo nhuongquyenvietnam.com

Xử lý rắc rối trong kinh doanh

Khả năng kiếm tiền của một công ty sẽ được thể hiện khá rõ nét qua cách giải quyết những rắc rối nảy sinh đối với khách hàng. Về cơ bản, giải quyết vấn đề cũng giống như là thực hành những suy nghĩ chiến lược nghiêm túc. Chúng khác nhau ở tính tức thì, đột xuất hay dài hạn của vấn đề mà công ty đó phải đối mặt.


Do đó, sự kết hợp hai phương pháp tư duy này sẽ giúp ban lãnh đạo có được định hướng giải quyết các rắc rối phù hợp với chiến lược phát triển chung của toàn công ty.


Dưới đây là 5 bước sẽ giúp lãnh đạo doanh nghiệp trở làm chủ những rắc rối, đón đầu và xử lý chúng trước khi mọi việc trở nên tồi tệ hơn:

1. Nhận diện

Nhận diện được chính xác vấn đề để đối phó không phải là việc đơn giản thế nhưng nếu bỏ qua bước này công ty đã hoàn toàn "tự sát". Hãy suy nghĩ đến những vấn đề về doanh thu trước tiên. Có tới hàng trăm lý do để giải thích việc cần "săm soi" lĩnh vực này, bởi tính quyết định sống còn của nó đối với công ty. Và đây là điều kiện cần nhất để công việc kinh doanh tồn tại và phát triển. Một người giải quyết tốt sẽ đưa ra nhiều câu hỏi về bản chất thực sự của vấn đề là gì thay vì suy đoán và ra những quyết định vội vàng.

2. Lên ý tưởng

Lãnh đạo công ty đang có một danh sách ngắn những rắc rối có thể xảy ra và suy nghĩ về tất cả những giải pháp có thể. Cách giải quyết hay nhất có thể xuất hiện từ những ý kiến nảy sinh từ người khác. Hãy tìm những người phù hợp nhất, cùng nhau tập trung lại và nghĩ về rất cả các giải pháp có thể sử dụng được. Đây không phải là thời gian để đánh giá. Quá trình đưa ra những ý tưởng chung không đồng nhất với việc đánh giá chúng. Vì vậy, đừng dập tắt việc lên ý tưởng bằng cách chuyển sang giai đoạn đánh giá.

3. Đánh giá

Đây là lúc dành để đánh giá những ý tưởng mà ban lãnh đạo đã có được trong suốt quá trình lên ý tưởng. Muốn đánh giá một ý tưởng, trước tiên phải dựa vào tác động của nó so với mục tiêu, tính khả thi dựa trên độ phức tạp khi thực hiện. Sự phức tạp ở đây được quyết định bởi yếu tố hai thứ là thời gian và tiền bạc. Tức là ý tưởng đó có mang đến thành công nhanh chóng trong thời gian giải quyết khủng hoảng của công ty không? Nó có những điều kiện để thành công trong quãng thời gian đặc biệt này không. Nó có phù hợp với ngân sách ở thời điểm đó không? Nếu công ty đang cố gắng cắt giảm 1.000 USD ngân sách mà ý tưởng đó chỉ tiết kiệm được 100 USD thì tác động của nó quá thấp. Một ý tưởng tiết kiệm được 1.000 USD là có vẻ khả quan hơn và sẽ có những tác động lớn hơn.

4. Hành động

Đây là bước mà không một người giải quyết tình huống nào bỏ qua. Bởi một ý tưởng rất hay không thể triển khai một cách bất cẩn. Người lãnh đạo doanh nghiệp không cần phải thực hiện hết tất cả những ý tưởng, nhưng với tư cách là một người giải quyết rắc rối, họ có trách nhiệm đối với việc thực thi những giải pháp đã đề ra.

5. Kiểm tra lại

Đôi khi vấn đề đó vẫn tồn tại bởi vì giải pháp đưa ra không phù hợp. Đừng vội đầu hàng. Hãy trở lại bước thứ hai và thử nghiệm với giải pháp tiếp theo.

Giải quyết khó khăn là một kỹ năng rất rất cần thiết trong kinh doanh. Hãy luyện tập 5 bước kể trên để giải quyết từ những rắc rối nhỏ nhất. Hãy nhớ tính đồng bộ trong việc giải quyết rắc rối là một việc rất quan trọng. Biến những ý tưởng trở thành hành động, biến những kỹ năng trở thành thói quen, lãnh đạo doanh nghiệp sẽ có trong mình hành trang quan trọng nhất để đối diện với những khó khăn trên bước đường kinh doanh.

Một ví dụ hoàn hảo cho việc giải quyết những rắc rối trong kinh doanh chính là những nỗ lực giữ gìn danh tiếng của công ty Johnson& Johnson khi công ty này gặp phải tai tiếng cho rằng Tylenol, một thương hiệu thuốc giảm đau gây ngộ độc chết người. Người tiêu dùng không chỉ tẩy chay Tylenol mà còn không mua các loại thuốc khác do công ty sản xuất khiến cho Johnson& Johnson đứng trước nguy cơ bị phá sản.

Trước tình thế đó, công ty đã lập tức đưa ra một loạt những quyết sách. Họ tiến hành nghiên cứu phân tích những viên thuốc mà nạn nhân đã uống. Và thu được kết quả là những viên thuốc này đã bị kẻ xấu tiêm chất độc Xyanua nên mới gây đến tử vong. Tiếp theo, Tổng Giám đốc của Johnson& Johnson đã lên truyền hình xin lỗi về "tai nạn" kể trên và khẳng định sự vô hại của Tylenol. Công ty tuyên bố thu hồi tất cả những sản phẩm ở các đại lý tiêu thụ, sẵn sàng đổi thuốc miễn phí cho khách hàng đã mua thuốc cũ. Để đảm bảo an toàn cho khách hàng, công ty tuyên bố sẽ bỏ một khoản tiền lớn đầu tư sản xuất sản phẩm mới dạng bao kín tránh những vụ tiêm độc xảy ra tương tự. Cuối cùng, công ty treo giải thưởng 100.000 USD cho bất cứ ai cung cấp về thông tin kẻ gây độc.

theo thoibaokinhdoanh.vn

Soi mình để tiến bước

"Soi mình" hay "phản quang tự kỷ” là một trong những năng lực quan trọng của bất kỳ nhà quản trị hay nhà lãnh đạo nào trên thế giới. Trong mắt thế hệ đi trước như chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn, TS. Vũ Minh Khương, nhạc sĩ Dương Thụ..., hình ảnh của người trẻ nói chung và thế hệ doanh nhân tương lai nói riêng vừa "tròn" lại vừa "méo".
Nỗi sợ không thành công
Theo nhạc sĩ Dương Thụ, thế hệ trẻ hiện nay rất nhanh nhạy, năng động và có những điều kiện mà thế hệ trước không có được. Thế nhưng, điểm yếu lại là không biết sử dụng sự nhanh nhạy, năng động này vào những việc gì, hay nói cách khác là mất phương hướng trong hành động.
Giới trẻ hiện nay rất khát khao thể hiện bản thân, nhưng lại thiếu tư duy độc lập, thế nên thường a dua, bắt chước. Họ không hề sợ thất bại, trái lại còn đủ bản lĩnh để đón nhận thất bại, vậy nhưng, cái mà họ sợ nhất là "không thành công", đặc biệt là không thành công như những bạn bè cùng trang lứa.
"Cũng chính vì tâm lý này mà đa phần giới trẻ hiện nay chưa thể làm được những điều to lớn. Thực sự, đi phượt, ca hát, nhảy múa... không phải là sức sống, mà sức sống thật sự phải là những gì cháy bỏng tự bên trong mỗi người để tạo nên giá trị cho xã hội", nhạc sĩ nhận xét.
Gay gắt hơn, nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung nhận xét giới trẻ bằng hai tính từ ngắn gọn: "nhạt nhẽo và dữ dội". Dữ dội là thái độ dám dấn thân, là quyết tâm tạo nên những điều to lớn, còn nhạt nhẽo là do thiếu một lý tưởng, một định hướng cho cuộc sống của mỗi người. Ngày nay, không ít bạn trẻ dám dấn thân nhưng chưa thật sự tìm ra một lý tưởng, một định hướng cho mình, và chưa thể thuyết phục cộng đồng cùng đi theo lý tưởng ấy.
"Thế hệ của chúng tôi cũng không thể gọi là dữ dội, bởi nếu dữ dội thì dân tộc Việt Nam chúng ta đã có thể sánh vai với các dân tộc như Singapore hay Hàn Quốc rồi", ông Trung nói.
Đồng quan điểm, TS. Vũ Minh Khương, giáo sư giảng dạy tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Viện Đại học Quốc gia Singapore (NUS), chia sẻ, những khác biệt giữa thế hệ trưởng thành và thế hệ trẻ thể hiện ở ba yếu tố: xúc cảm, tư duy và năng lực hành động.
"Soi" vào giới trẻ hiện nay, TS. Khương cho biết, các bạn đang thua thế hệ già về mặt xúc cảm, hơn về năng lực tư duy và tương đồng về năng lực hành động, tức tư duy chiến lược còn yếu, thừa thực dụng nhưng thiếu thực tế và hợp tác kém.
Khoảng cách hai thế hệ
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn cho biết, thế hệ những người đi trước như ông không có tuổi trẻ, bởi ai cũng già trước tuổi. Trong khi đó, thế hệ hiện nay sẽ không có tuổi già bởi các bạn cứ trẻ mãi mà không chịu lớn.
Theo ông, một người trẻ cần hội đủ hai yếu tố: cái đầu dám suy nghĩ độc lập, tin và theo đuổi chân lý đến cùng; và trái tim dám ước mơ, sống cống hiến, dám theo đuổi và biến ước mơ thành hiện thực.
Nhìn lại giới trẻ hiện nay, đa phần các bạn thích chọn con đường dễ dàng, thích làm giàu nhanh chóng, thích có bằng cấp mà không chịu khó "thực học", thiếu tinh thần sánh vai và chưa tìm thấy hệ giá trị thực nâng đỡ cho mọi hành động.
Cất lên tiếng nói của thế hệ trẻ, chị Ngô Thùy Ngọc Tú, cựu sinh viên Đại học Stanford, hiện là Giám đốc Chiến lược của Viện Yola, và nghệ sĩ múa Tạ Thùy Chi cũng thừa nhận những điểm còn hạn chế của thế hệ mình như lời chia sẻ của những người đi trước.
Quả thật, thế hệ trẻ hiện nay thừa thông minh, giỏi giang, nhưng vẫn còn thiếu một tiếng nói chung, lý tưởng chung để ra sức phấn đấu, cống hiến.
Tuy nhiên, theo nhạc sĩ Dương Thụ, dù có những điểm vượt trội nhưng thế hệ đi trước cũng có những sai lầm, chẳng hạn như cách ứng xử với tài nguyên thiên nhiên, điều mà rất nhiều bạn trẻ hiện nay đang đấu tranh để khắc phục.
Như vậy, khoảng cách thế hệ thật sự hiện hữu, nhưng làm thế nào để lấp đầy khoảng cách này, để các thế hệ hiểu được nhau thì mới có sự giao thoa về tri thức giữa các thế hệ, để cùng nhau tạo nên những giá trị mới cho cuộc sống mới là chuyện quan trọng nhất.
Mượn hình ảnh trẻ trung của nhà văn Nguyên Ngọc, chuyên gia Giản Tư Trung cho biết, nhà văn hiện đã ngoài 80 tuổi nhưng hằng ngày vẫn lướt web, sử dụng iPad thành thạo và có thể nói chuyện "tâm đầu ý hợp" với một sinh viên 20 tuổi bằng chính "ngôn ngữ hiện đại" của họ.
"Vậy vấn đề ở đây không phải là tuổi tác, mà là liệu chúng ta có sẵn sàng để hiểu những người thuộc thế hệ khác với mình hay không?", ông Trung nhấn mạnh.
Rõ ràng, "sống đậm" hay "sống nhạt" thực ra không phải là bản chất, thuộc tính của giới trẻ, mà chỉ là những biểu hiện tại thời điểm hiện nay. Và, điều quan trọng là người trẻ có quyền lựa chọn lối sống cho chính mình và thế hệ của mình.



TRUNG ĐẶNG

Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

Làm giàu từ vỏ trấu

Với 60 triệu đồng, khởi nghiệp với thứ tưởng chừng như bỏ đi là vỏ trấu, giờ đây anh Lương Văn Minh đã trở thành giám đốc của một công ty.

Anh là Lương Văn Minh (42 tuổi, trú tại khối phố 5, thị trấn Núi Thành, H.Núi Thành, Quảng Nam) hiện là Giám đốc Công ty TNHH Trường Doanh chuyên sản xuất củi trấu.

Anh Minh kể: “Tình cờ, một lần ngồi nói chuyện với anh bạn thời còn đi học hiện là chủ một công ty tư nhân, tôi được biết một phần nguyên nhân khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn là do thị trường chất đốt đang tăng giá. Và tôi chợt nhớ lại vỏ trấu ở quê, người ta vẫn hay vứt bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, sao mình không tận dụng?”. Ý tưởng làm củi trấu đến với anh từ đó. Nhiều đêm liền, anh Minh thức để đọc tài liệu, tìm hiểu qua mạng. Rồi anh vào tận Vũng Tàu để học hỏi cách sản xuất củi trấu sau đó về quê mở xưởng vào năm 2009.

Anh gom góp tất cả tiền bạc có được trong nhà để đầu tư một chiếc máy ép trấu trị giá hơn 60 triệu đồng. Hằng ngày, anh đến các điểm xay xát gạo để mua vỏ trấu rồi đem về đúc, ép thành củi. Thành công chỉ đến với anh sau hàng tháng trời mày mò vừa chạy máy vừa sửa chữa, tốn cả mấy tấn vỏ trấu. Anh Minh cho biết: “Củi trấu tôi làm ra được nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tìm mua vì đảm bảo nhiệt lượng cần thiết khi đốt trong các nồi hơi công nghiệp. Củi trấu có nhiều ưu điểm như nhiệt độ từ 3.800 - 4.000 độ C, đạt yêu cầu nhưng lại rẻ hơn 35% so với than đá. Các xưởng xay xát lúa lúc nào cũng sẵn sàng cung cấp vỏ trấu cho mình”. Loại củi trấu này được các nhà máy ưa chuộng vì góp phần hạn chế việc sử dụng gỗ, củi khai thác trong tự nhiên, hạn chế khí thải độc hại ra môi trường. Hiện mỗi tháng, công ty anh xuất ra thị trường khoảng 200 tấn củi trấu.

Anh Minh cho biết cứ 1,3 tấn trấu (giá 400 đồng/kg) làm được 1 tấn củi trấu (giá 1.500 đồng/kg). Trừ các khoản chi phí, anh thu lãi trên dưới 100 triệu đồng/tháng. Đó là khoản thu nhập rất “khủng” đối với nhiều người dân ở đây.

“Cái khó nhất của nghề là tìm được thị trường ổn định. Nhưng khi mình kiên trì tạo được uy tín với bạn hàng thì có khi cung không đủ cầu”, anh Minh nói. Cao điểm là hồi năm 2011, mỗi ngày anh xuất bán vào Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (H.Điện Bàn), Khu kinh tế mở Chu Lai (H.Núi Thành) đến 400 - 500 tấn củi trấu, anh phải nhập thêm hàng về để bán.

Anh Minh cho biết nghề làm củi trấu không khó nhưng để củi đạt chất lượng cao thì người làm phải để ý đến khâu nén vỏ trấu. Thường thì vỏ trấu đem về từ các nhà máy xay xát có thể ép ngay được. Tuy nhiên, nếu nguyên liệu ẩm, lẫn tạp chất nhiều thì phải phơi mới có thể ép được. Tại công ty, quy trình sản xuất gồm trấu được đùn qua máy xay ở nhiệt độ 250 độ C, sau đó được nén lại nhờ chất keo có sẵn trong vỏ trấu. Củi trấu đạt chuẩn phải dài 40 cm, đường kính 8,5 cm, cứng và nặng gần 3 kg/thanh.

“Làm củi trấu, theo tôi, sự kiên trì phải là hàng đầu. Nhiều lúc máy móc hỏng, không biết sửa khiến người theo nghề phải mệt mỏi, dễ bỏ ngang. Nhưng khi làm đã quen, có thị trường ổn định thì mọi chuyện sẽ đơn giản hơn. Tôi sẵn sàng chuyển giao công nghệ sản xuất cho những ai muốn làm nghề này”, anh Minh chia sẻ. Được biết, hiện công ty của anh có 4 máy ép trấu, anh đặt 2 máy ở Quảng Nam và 2 máy khác ở Quảng Ngãi để mở rộng thị trường, chủ động hơn trong khâu mua nguyên liệu.
Theo Thanh niên

Nhiếp ảnh gia trẻ chạy sô kiếm 20 triệu đồng/tháng

Có những người một tháng kiếm được 20 triệu đồng nhưng cũng có người chỉ 3-4 triệu.

Với sự bùng nổ về internet, trào lưu chụp ảnh, ảnh cưới... giới trẻ có nhiều cơ hội kiếm tiền hơn với nghề nhiếp ảnh. Với sự bùng nổ về internet, trào lưu chụp ảnh, ảnh cưới... giới trẻ có nhiều cơ hội kiếm tiền hơn với nghề nhiếp ảnh.

Thu nhập linh động

Bùi Đức Anh (SE) - một nhiếp ảnh trẻ ở Hà Nội chia sẻ: “Theo mình thấy, dân chụp ảnh chuyên nghiệp có thể làm được mọi yêu cầu của khách hàng. Lúc thì mình đi chụp thời trang hoặc studio, có lúc thì khách tự đến với mình. Đối với nhiếp ảnh thì việc thu nhập có cao hay không phụ thuộc vào số lượng sản phẩm mình chụp và khả năng của mỗi người. Chụp cho các cửa hàng chỉ là phụ, còn chủ yếu là chụp ảnh cưới cho các studio.

Giá trung bình cho mỗi lần chụp là từ 700.000 - 1 triệu đồng/album đám cưới. Vào những tháng như hiện tại thì một tháng chụp được khoảng 10 album nên thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Cho đến nay mình vẫn chưa làm cố định ở bất kỳ đâu vì trong thời gian sắp tới mình sẽ mở một studio”.

Để đến được với nghề này, có người thì học tại khoa nhiếp ảnh của trường ĐH Sân khấu Điện ảnh, nhưng cũng có bạn thì đi lên từ đam mê, rồi tự tìm tòi học hỏi và vào nghề.

Hơn nữa, với nghề này đôi khi bạn sẽ được kết hợp đi du lịch lẫn làm việc. Do muốn có một bộ album cưới phải đẹp và đặc sắc nên nhiều khách hàng có nhu cầu đi chụp ảnh ở các tỉnh xa. Vậy là khách hàng sẽ phải bao hết chi phí đi lại, ăn ngủ nghỉ của nhiếp ảnh gia. Nếu gặp phải khách hàng “chịu chơi” thì bạn còn được vào những địa danh nổi tiếng như bãi biển Nha Trang, Mũi Né, Đà Nẵng…..

Lê Anh Quân (Quân Moon ) - đang làm nhiếp ảnh cho Moza Wedding Studio chia sẻ: “Mùa cưới năm ngoái, mình và ekip đã làm một album cưới rất đẹp. Do yêu cầu của khách hàng là phải làm thật tốt album, cảnh phải đẹp, lãng mạn nên mình đã đề xuất ý kiến là chụp tại Flamingo Đại Lải Sau khi mất một ngày chụp ở đó thì khách hàng quyết định sẽ vào Nha Trang chụp ảnh cho “chất”. Vừa là đưa cả gia đình đi chơi, vừa là để thực hiện thật tốt album. Đương nhiên, số tiền mà anh em nhận được sau mỗi chuyến đi như vậy sẽ cao hơn so với chụp các album ở nhà.

Về thu nhập, Quân cho biết: "Mức thu nhập của hầu hết các nhiếp ảnh hiện nay là khoảng 20 triệu đồng, đối với những ai đã có chút tên tuổi. Còn những người mở studio đã quá nổi tiếng, cộng với tay nghề tốt, quá chuyên nghiệp thì mức thu nhập của họ chắc chắn cao hơn rất nhiều. Những người như vậy đa số đều được người nước ngoài thuê rồi đi sang nước ngoài chụp. Với tay nghề như vậy thì mức thu nhập có thể lên tới 100 triệu đồng/tháng, thậm chí là hơn nữa”.

Là một nhiếp ảnh gia có trong nghề, Nguyễn Thành Sơn (biệt danh Sơn Lùn) chia sẻ về công việc của mình: “Mình có mở một studio riêng do mấy anh em cùng nhau chung vốn. Thời gian đầu, do mới đi vào hoạt động nên vắng khách, các em mẫu có gọi thì mình đi thôi. Nếu chụp cho các em ý thì trung bình mỗi tháng cũng được tầm 3-4 triệu đồng.

Được một thời gian thì bên mình đi sâu vào chụp album cưới, với mỗi album như vậy thì mình được 1-2 triệu đồng. Vào tháng cao điểm, có ngày mấy anh em phải chạy 3-4 show/ngày, tính ra tháng đấy mỗi người phải kiếm được trên 20 triệu đồng.

Điều này cũng tùy vào khả năng của mỗi người. Càng các studio có tiếng thì thu nhập sẽ tương xứng. Tuy nhiên, các tay máy cũng phải đầu tư cho máy móc, ống kính với chi phí khá cao”.

Kiếm nhiều, đầu tư càng nhiều

Nghề nhiếp ảnh có lẽ ít dành cho những ai không có điều kiện về kinh tế. Bởi chi phí đầu tư đối với một người mới vào nghề là khá lớn, từ 30-40 triệu đồng nếu muốn chụp dịch vụ. Đầu tiên, phải đầu tư mua cái máy ảnh tầm 20tr trở lên, sau đó là mua thêm các phụ kiện khác như ống kính, đèn flash….. Hoặc đối với những ai không đủ tiền thì có thể mua thân máy trước rồi đi thuê lens tại các cửa hàng. Giá cả cho mỗi lần thuê như vậy cũng dao động ở mức 150.000- 400.000 đồng/ngày tùy vào loại ống mà bạn muốn thuê.

Sau khi đã sắm đủ máy móc, thiết bị rồi thì hầu hết các bạn trẻ lại gặp khó khăn để có thể kiếm lại được số tiền đã đầu tư. Nếu như nhiều người mua với mục đích là thỏa mãn niềm đam mê của mình thì đây không phải là vấn đề khiến họ phải đau đầu. Còn riêng với những ai bước chân vào nghề và theo nghề một cách thực sự thì câu hỏi “mất bao lâu để kiếm lại số tiền đã đầu tư” làm họ phải suy nghĩ rất nhiều.

Antoni Minh - sinh viên trường ĐH FPT đi làm chụp ảnh cho rằng: “Một khi đã bước chân vào nghề này thì phải đầu tư nhiều, hơn nữa chỉ kiếm lại được tiền khi mình đã có tiếng trong nghề, có kinh nghiệm. Nếu làm việc lâu dài, bền bỉ thì tầm 6 tháng là sẽ thu lại được vốn. Cũng có những bạn rất khá, chỉ mất khoảng 3-4 tháng là đã tạo dựng được tên tuổi và khả năng chụp lên rất nhanh. Nếu như chăm chỉ và học hỏi cũng như tạo dựng được mối quan hệ thì chuyện lấy lại vốn là thừa sức trong 3 tháng. Nhiều người nếu không tìm được khách hàng thì có khi lại lỗ, vì không làm ra thu nhập nên sẽ bị thâm hụt vào vốn.

Ngoài ra, cũng phụ thuộc vào trình độ của mỗi người, nếu như mình chụp khá thì đương nhiên khách hàng sẽ tìm đến mình và ngược lại. Không phải ai cứ đầu tư máy móc rồi mang trên mình mác nhiếp ảnh là kiếm ra tiền”.

Khó khăn nhất đối với các bạn mới vào nghề đó là không có mối quan hệ. Nếu cứ giữ nguyên phong cách chụp ảnh chuyên nghiệp của riêng mình thì hầu như không bao giờ có khách.

Trần Việt Dũng (biệt danh Trần Dũng) - mới bước chân vào nghề được khoảng 2-3 tháng chia sẻ khó khăn trong nghề: “Hầu hết các em teen bây giờ đều thích chụp ảnh kiểu “xóa phông” đằng sau. Tức là chụp kiểu mẫu chỉ đứng cười và đằng sau lưng sẽ bị mờ tịt. Những kiểu đó chỉ đẹp lúc nhìn nhưng không đọng lại được cảm xúc, nếu nhìn nhiều sẽ trở nên nhàm chán. Nhưng những kiểu như vậy thì lại được các em teen thích vì tươi tắn.

Còn một số thể loại ảnh khác như chụp góc rộng, lấy cả cảnh cả người, xóa phông ít thì giới trẻ lại không thích nên thành ra mình lại không có khách. Sau một vài lần trải qua như vậy, mình đã rút ra được kinh nghiệm là dù cho ảnh chụp không thực sự chuyên nghiệp, bản thân mình không muốn thì vẫn phải chụp để làm hài lòng khách hàng. Nếu không mình sẽ bị mất đi một mối làm ăn”.

Không chỉ có vậy, các bạn còn gặp khó khăn nữa về phần máy móc. Mỗi khi đi chụp dịch vụ, khách hàng hay để ý đến máy to và khủng. Antoni Minh chia sẻ: “Mình đã gặp trường hợp khách hàng nói rằng “độ chuyên nghiệp của nhiếp ảnh phải phụ thuộc vào độ to của máy ảnh”. Ví dụ như ống “tele” và lens 85 1.2L. Do ống “tele” to hơn nên mọi người nghĩ ai dùng tele mới là chuyên nghiệp, đẳng cấp. Nhưng hầu hết khách hàng không biết rằng lens 85 1.2L lại đắt tiền hơn rất nhiều".

Tình cảnh trớ trêu nhất của các tay máy nam đó là rất hay bị người yêu ghen. Và ai cũng đều gặp phải tình trạng như vậy. Vì đặc thù nghề nghiệp là luôn luôn chụp ảnh và tiếp xúc với rất nhiều cô gái xinh đẹp nên việc bị người yêu ghen cũng là điều diễn ra hết sức thường xuyên. Hầu hết, các bạn trẻ đều mong người yêu có thể hiểu và thông cảm cho công việc của mình.

Theo TÙNG TRẦN
Zing/Infonet

Xuất ngoại làm thuê, về quê làm ông chủ

Nhiều lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài về đã tạo dựng cơ đồ bạc tỷ, trở thành những ông chủ thực sự giàu có ở các vùng quê nghèo.

Anh Thành (giữa) đang trao đổi với khách hàng có nhu cầu thuê xe. Ảnh: P.C. Anh Thành (giữa) đang trao đổi với khách hàng có nhu cầu thuê xe. Ảnh: P.C.
Nhiều lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài về đã tạo dựng cơ đồ bạc tỷ, trở thành những ông chủ thực sự giàu có ở các vùng quê nghèo.

Ông chủ tiệm vàng

Anh Đặng Huy Dũng, sinh năm 1974, quê xã Cẩm Lộc (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) xuất ngoại sang Hàn Quốc làm việc năm 2003. Trước khi đi, anh Dũng làm nghề tự do, thu nhập bấp bênh.

Ở vùng quê nghèo Cẩm Lộc, ngoài làm ruộng, anh Dũng cũng như số đông thanh niên trong xã không biết phải làm gì để tăng thu nhập cho gia đình. Trăn trở mãi, anh quyết định đăng ký đi làm việc ở nước ngoài.

Thời điểm 2003, phong trào xuất khẩu lao động (XKLĐ) lan về các xã, huyện trong toàn tỉnh Hà Tĩnh. Hồi đó, vì quá nghèo, hàng ngàn thanh niên ở khắp các làng quê nghèo của Hà Tĩnh đã tìm đường ra nước ngoài để làm giàu bằng con đường XKLĐ.

Người vay được nhiều tiền thì chọn thị trường thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc; người không vay được tiền chọn các thị trường chi phí thấp như Malaysia.

Sau khi quyết định lựa chọn thị trường Hàn Quốc, anh Dũng bàn với gia đình tiến hành huy động tiền trong họ hàng. “Khi sang Hàn Quốc, tôi được vào làm ở một nhà máy điện tử.

Công việc và thu nhập rất tốt. Mỗi tháng sau khi trừ chi phí, cất giữ được khoảng hơn 1.000 USD” - anh Dũng cho biết. Quãng thời gian gần 5 năm làm việc ở Hàn Quốc, anh Dũng chi tiêu tiết kiệm và đã gửi về nhà được khoảng 1 tỷ đồng. Nhờ đó, cuộc sống gia đình trở nên khấm khá, không còn túng quẫn nữa.

Sau khi về nước, anh Dũng nghĩ nếu tiếp tục không có việc làm thì tiền có nhiều mấy rồi cũng hết. Bằng kinh nghiệm học hỏi được khi còn làm việc ở Hàn Quốc, anh đầu tư thời gian đi học nghề chế tác vàng trang sức. “Nếu làm được nghề vàng thì cuộc sống gia đình mới trở nên giàu có” - anh Dũng nói.

Trong quá trình học chế tác vàng, anh Dũng đồng thời quyết định mua đất xây nhà, lấy vợ. Căn nhà hai tầng khang trang, tiện nghi đầy đủ nằm ở mặt tiền đường quốc lộ giờ bán cũng bạc tỷ.

Năm 2011, anh Dũng bỏ ra gần 3 tỷ đồng đầu tư, mở cửa hàng kinh doanh vàng bạc Dũng Thương.

“Được cơ ngơi như ngày nay là nhờ khoản tiền tích lũy khi còn làm việc ở nước ngoài. Trước đây, có nằm mơ, tôi cũng không nghĩ mình sẽ xây được nhà, mở được cửa hàng vàng...” - anh Dũng vui vẻ.

Anh còn khoe rằng chị Thương - vợ anh vừa sinh một bé trai kháu khỉnh. Cửa hàng vàng Dũng Thương giờ đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều người dân trong xã.

“Ở xã Cẩm Lộc, không phải ai cũng làm được như anh Dũng. Tài sản bạc tỷ của anh chị Dũng - Thương là giấc mơ của nhiều người dân nghèo nơi đây khi quanh năm chỉ trông cậy vào vài sào ruộng” - chị Nguyễn Thị Mơ, một người bạn thân thiết của anh Dũng cho biết.

Đại gia cho thuê xe tự lái

Anh Đinh Viết Thành, sinh năm 1978, giờ đã thành người nổi tiếng trong giới cho thuê xe tự lái ở TP Vinh (Nghệ An). Doanh nghiệp tư nhân Hải Thành của anh giờ đã trở thành địa chỉ cho thuê xe ô tô tự lái lớn vào loại nhất nhì thành phố này.

Quê ở xã Hưng Thịnh (Hưng Nguyên, Nghệ An), một vùng quê nghèo, đất đai cằn cỗi. Sau khi học hết cấp ba, không công ăn việc làm, anh Thành rời quê nghèo xuống TP Vinh kiếm việc làm.

Không nghề, không đồng vốn trong tay nên làm gì cũng khó. “Làm bưng bê ở quán cà phê suốt ngày mà mỗi tháng chỉ được 600 ngàn đồng” - anh Thành nói.

Trong khi đang chán nản, có người khuyên anh nên đi XKLĐ Hàn Quốc. Sau khi suy nghĩ thiệt hơn, anh về bàn với bố đi cắm sổ đỏ để có tiền ra Hà Nội ăn học. Trong đầu luôn nung nấu ý chí là phải bằng mọi giá để sang được Hàn Quốc làm việc.

Năm 2002, khi mới tròn 24 tuổi, anh Thành sang Hàn Quốc. “Làm việc ở Hàn Quốc mỗi tháng có thu nhập từ 1.000-1.500 USD. Ông chủ quý nên truyền đạt nhiều kinh nghiệm quý trong kinh doanh” - anh Thành nói.

Từ khi còn làm việc tại Hàn Quốc, anh Thành đã ấp ủ ước mơ trở thành ông chủ. Để biến giấc mơ thành sự thật, anh Thành gửi tiền về nhà, nhờ bố mua một mảnh đất 90m2 tại đường Trần Hưng Đạo (phường Đội Cung, TP Vinh, Nghệ An).

Với số tiền tích cóp được hơn 1,2 tỷ đồng, khi về nước, anh mua vàng và xây dựng nhà để sau này mở văn phòng công ty.

Nhận biết tại TP Vinh nhu cầu người dân đi lại rất lớn, trong khi các cơ sở cho thuê xe ô tô tự lái lại đang trong tình trạng manh nha, toàn xe cũ nên không thu hút được khách hàng.

Sau khi ra Hà Nội tham khảo các mô hình cho thuê xe ô tô tự lái, anh Thanh quyết định thành lập Doanh nghiệp tư nhân Hải Thành. Hiện, doanh nghiệp của anh Thành có hàng chục chiếc xe ô tô cho thuê tự lái có trị giá 400 triệu đến trên 1 tỷ đồng/xe.

Để làm hài lòng thượng đế, anh Thành chủ yếu mua xe mới. Xe của doanh nghiệp Hải Thành có đủ mọi chủng loại từ 4 đến 7 chỗ như: Getz, Lacetti, Innova, Kia Forte, Mercedes Benz...

Theo Phong Cầm
Tiền Phong Online

Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2012

"Đứa con trai đi lạc của Singapore"

Trở thành triệu phú ở tuổi 29 và nhận bằng tiến sĩ kinh tế trước khi bước qua tuổi 30, ít ai ngờ được Leong Kaiwen từng là nạn nhân bị lạm dụng tình dục trước khi đạt đến đỉnh cao thành công.
Giáo sư kinh tế tại đại học Công nghệ Nanyang (NTU) vừa ra mắt cuốn tự truyện hôm 1/10, với nhan đề "Đứa con trai đi lạc của Singapore".Ở tuổi 31, Leong là người đàn ông thành đạt và giàu có. Tuy nhiên, cuốn sách kể về hành trình cuộc đời của anh lại tiết lộ một khía cạnh khác, đó là những cuộc đấu tranh cá nhân, những thất bại trong học hành và cả chuyện bị lạm dụng tình dục từ khi chỉ mới là cậu bé 10 tuổi.

Trong cuộc phỏng vấn với Straits Times hồi đầu tuần, Leong nhớ lại thử thách kéo dài hơn một năm, khi anh bị một huấn luyện viên võ thuật mà anh rất tin tưởng tấn công tình dục.Võ sư này thường xuyên yêu cầu anh đến lớp sớm để giúp kê đồ đạc, rồi lợi dụng để động chạm vào những phần nhạy cảm trên cơ thể Leong. Cứ thế hơn một năm, Leong suy sụp.

"Kể từ sau chuyện đó, tôi rất khó lòng tin ai. Tôi cảm thấy tất cả mọi người đều có động cơ bí mật", Leong nói.
Khi Leong kể chuyện này với bố mẹ, họ không tin anh và cho rằng con trai bịa chuyện để bỏ học. Điểm thi tốt nghiệp tiểu học của Leong chỉ đạt 200, một trong những điểm thấp nhất toàn Singapore năm đó. 6 năm sau, anh vẫn không thể tập trung vào học hành. Lên cấp hai, Leong thường xuyên bị bạn bè bắt nạt, đánh đập chỉ vì dáng người nhỏ con.
Tuy nhiên, anh tự động viên bản thân mình cứng rắn và trở nên ngạo mạn khi bước chân vào trường cao đẳng.
"Tôi đứng cách xa giáo viên khi họ nói chuyện với tôi. Khi họ lăng mạ tôi và chê tôi là tầm thường, tôi vặn lại rằng họ là những người mất trí", Leong kể.
Thái độ thách thức và việc nghỉ học thường xuyên khiến Leong nhanh chóng bị đuổi học chỉ chưa đầy một tháng sau khi bước vào năm nhất. Nhờ mẹ giúp đỡ, Leong được một trường cao đẳng khác nhận vào học. Tuy nhiên, một lần nữa anh bị đuổi khỏi trường chỉ vài tuần sau đó.
"Tôi cố gắng thích nghi nhưng không thể. Không giáo viên nào có thể biết được tôi đến từ đâu", anh nói. Anh bỏ học thêm hai lần nữa với lý do tương tự. Sau khi bị đuổi khỏi 4 trường cao đẳng chỉ trong vòng nửa năm, Leong thử xin học ở một trường tư.
Ở đó, một cô giáo đã khiến anh thức tỉnh. Anh viết trong cuốn sách của mình rằng những lời nói của cô ấy đã làm thay đổi thái độ của anh: "Em còn yếu lắm. Và em biết điều đó. Em ồn ào và ngạo mạn, nhưng đó không phải là sức mạnh. Sức mạnh thực sự chính là sự im lặng".

"Cuộc phiêu lưu mùi hương"

Leong rời trường tư và quyết định tự học. Anh vượt qua tất cả các môn và được đại học Boston, Mỹ nhận vào học. Leong trải qua những ngày tháng nặng nề ở nước Mỹ, khi bố mẹ anh thua lỗ nặng vì bị người chú lừa đảo về giá cổ phiếu của công ty. Bố mẹ của Leong đầu tư rất mạnh vào cổ phiếu. Mẹ anh phải bán hết đồ trang sức để trả tiền học phí năm đầu cho con trai.
Quyết tâm chứng minh với bản thân và gia đình rằng mình không phải là một kẻ thất bại, Leong quyết định hoàn thành hai bằng cử nhân về kinh tế và toán học, cùng hai bằng thạc sĩ, trong vòng 4 năm, chỉ bằng một nửa so với thời gian thông thường.
Để làm được điều đó, Leong chỉ ngủ 4 giờ một đêm. "Tôi không cần cà phê. Tôi không cần bất cứ loại thuốc nào", anh viết.
Anh cũng không có tiền vì bố mẹ đang ở bên bờ vực phá sản. Leong sống bằng cách ăn một củ khoai tây luộc mỗi ngày. Anh kể lại những "cuộc phiêu lưu mùi hương" của mình khi đứng ké bên bếp để ngửi mùi thức ăn và nhai củ khoai tây của mình.
"Đó là cách tôi ăn thịt nướng và tôm hùm, trí tưởng tượng của tôi như một con dao và ý chí của tôi là một cái nĩa", anh viết. Sau đó, những cơn đói được xoa dịu phần nào khi anh được phép ăn những chiếc bánh sandwich người ta để lại trên bàn.
Mọi thứ dần bình thường trở lại khi anh nhận được học bổng đại học vào năm thứ hai, nhưng Leong vẫn tiếp tục đi dạy kèm và đầu tư vào cổ phiếu. Trong cuốn tự truyện, Leong gọi việc anh tốt nghiệp năm 2007 là "sự chuộc lỗi của tôi". Đó là lần đầu tiên cũng là lần duy nhất mẹ sang Boston thăm anh, do chi phí đi lại tốn kém.
Anh viết rằng bà không hay biết gì về thành tích học tập của con trai. "Tôi đã nuôi dưỡng mỗi thành công, kể cả lớn hay nhỏ, coi như một kho báu vật".
Leong cho biết ngoại trừ vợ, mẹ là "người duy nhất động viên anh, không bao giờ dùng những lời lẽ cay nghiệt với anh, kể cả khi học hành chẳng ra gì ở trường. "Mẹ là thế giới của tôi. Vợ tôi biết rằng mẹ tôi luôn là số một".
Sau khi tốt nghiệp, anh dành một năm đầu tư vào thị trường bất động sản ở Trung Quốc, với hy vọng giảm bớt cơn khủng hoảng tài chính của gia đình. "Tôi đã mua thấp và bán lại cao. Rất cao. Đó là cách tôi làm ra những triệu đôla đầu tiên của mình", anh nói.
Từ năm 2008 đến năm ngoái, Leong hoàn thành chương trình học bổng tiến sĩ toàn phần tại đại học Princeton, chuyên ngành kinh tế. Anh hiện làm việc với vai trò một nhà kinh tế tại một cơ quan thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore.
"Cuối cùng, tôi cũng có thể quay về nước phục vụ. Tôi không còn là đứa con trai đi lạc nữa rồi", anh viết. Những mất mát và thất bại trước khi đạt đến thành công là những gì Leong muốn nhấn mạnh trong cuốn sách của mình. Anh hy vọng nó sẽ đốt cháy niềm hy vọng vào cuộc sống của những con người đang cảm thấy mình bị chối bỏ và cô độc.
"Tôi đã bước đi trên con đường ấy, và bạn cũng có thể", anh viết.

Nguồn: VNEXPRESS

Giáo sư giàu nhất thế giới và đam mê "lập công ty"

Có rất nhiều tỷ phú không có bằng đại học và có rất ít tỷ phú có học vị giáo sư. Với tài sản 1,3 tỷ USD, David Cheriton có lẽ là vị giáo sư đại học giàu nhất thế giới. Tuy nhiên, không giống như những tỷ phú khác, du thuyền, máy bay riêng không phải là sở thích của ông.
Vị giáo sư ngành khoa học máy tính của trường ĐH Stanford tự coi mình là "gàn". Món đồ xa xỉ nhất mà ông đã từng mua là một chiếc Honda Odyssey "cho bọn trẻ". Tuy nhiên, ông có một niềm đam mê tốn kém khác là "lập công ty". Hai công ty đầu tiên do ông tham gia thành lập được bán cho Cisco Systems và Sun Microsystems với giá hàng trăm triệu USD. Hơn 50 triệu USD kiếm được từ giao dịch đó ông tiếp tục đầu tư vào 17 công ty khác nhau, từ VMware cho đến gần đây nhất là Arista Networks.
Tuy nhiên, vụ đầu tư đáng nhớ nhất của ông là khi ký tờ séc 100.000 USD cho hai cậu sinh viên ĐH Stanford, Larry và Sergey năm 1998. Tờ séc đó giờ đây trị giá hơn 1 tỷ USD, tính theo giá trị cổ phiếu Google. Ông nói: "Tôi cảm thấy mình rất may mắn trong đầu tư".
Thời gian là tất cả
Giáo sư Cheriton, 61 tuổi, là một người rất kín tiếng. Kết quả search Google về ông chỉ ra vài trang web đơn sơ, với phông chữ Times New Roman, không hề có LinkedIn, Facebook hay thậm chí Twitter, như người ta thường thấy ở dân Thung lũng Silicon. Khi hỏi sinh viên của Stanford, cũng chẳng mấy người biết về ông.
David Cheriton là một trong số ít tỷ phú có học vị giáo sư
Đó là cách sống mà Cheriton ưa thích. Ông vẫn đi lại bằng chiếc Volkswagen Vanagon 1986 mua từ thủa hàn vi, vẫn sống trong ngôi nhà giản dị ở Palo Alto từ 30 năm nay, và thậm chí tự cắt tóc, cạo râu cho mình. "Đó không phải là vì tôi tiết kiệm hay khó tính, mà chỉ là vì tôi thấy cắt tóc cho mình rất dễ và đỡ mất thời gian".
Với một người làm việc từ 10 đến 12 giờ mỗi ngày, Cheriton hiểu rằng thời gian là tất cả. Công cụ tìm kiếm Google mà ông đầu tư vào cho phép hàng tỷ người trên thế giới tiếp cận với thông tin họ cần nhanh nhất có thể. 
Công ty mới nhất của ông, Arista Networks, tạo ra bộ chuyển dữ liệu có thể giảm thiểu thời gian chờ giữa các máy chủ, tốc độ bit dưới 500 nanoseconds (một phần tỷ của giây), nhanh gấp hai lần tốc độ chuyển dữ liệu tốt nhất hiện của Cisco và Juniper Networks. Điều này sẽ giúp các nhà đầu tư chứng khoán thực hiện giao dịch nhanh hơn đối thủ trong vài phần tỷ của giây và cho phép các bác sĩ kết hợp bộ gen của bệnh nhân ngay lập tức.
Thông minh và tự lập
Là con thứ ba trong gia đình có 6 người con, ông lớn lên trong thời kỳ sau cuộc đại duy thoái. Bố mẹ ông, hai kỹ sư người Canada, đã luôn khuyến khích con tự tìm con đường đi riêng của mình. 
Cheriton được các anh chị miêu tả là một cậu bé độc lập, tự tin. Khi còn đi học, cậu không thích tham gia các đội thể thao của trường mà dành thời gian xây cho mình một căn nhà gỗ riêng trong vườn của gia đình để tránh xa những đứa trẻ khác. 
Cậu bé thông minh đã rời khỏi trường trung học từ năm lớp 11 bởi cậu thấy chương trình học quá "thấp" so với mình. Bố cậu nói: "Nó đã luôn tự tìm con đường riêng của mình, chúng tôi không can thiệp vào quyết định của con".
Là một cậu bé thông minh và ham tìm hiểu, Chariton đã không hề bị mắng mỏ khi chọn theo học chương trình ghi ta cổ điển và nghệ thuật trình diễn, đam mê lớn nhất của cậu khi còn là sinh viên. 
Sau khi bị trượt khoa âm nhạc của Đại học Alberta, Chariton lại tìm được mối quan tâm khác, đó là toán học và sau đó là khoa học máy tính. Ông theo học tại Đại học British Columbia và sau đó lấy bằng tiến sĩ ở Đại học Waterloo.
Năm 1981, trong khi tìm vốn tài trợ nghiên cứu, Cheriton đến Stanford khi Thung lũng Silicon mới bắt đầu hình thành. Tại đây, ông đã gặp Andy Bechtolsheim, một nghiên cứu sinh người Đức rất xuất sắc, người đã thiết lập mạng máy tính Stanford University Network, gọi tắt là SUN. Bechtolsheim mời Cheriton tham gia phát triển phần mềm cho máy tính nối mạng. Cheriton đã không chỉ tham gia viết phần mềm mà còn bắt tay vào cả thiết kế phần cứng.
Năm 1982, Bechtolsheim rời Stanford để thành lập Sun Microsystems nhưng Cheriton vẫn tiếp tục sự nghiệp dạy học. Ông hầu như tránh xa trào lưu bỏ học, bỏ dạy để đi mở công ty như nhiều sinh viên và đồng nghiệp của mình. Nhiều người trong số họ đã trở thành tỷ phú, như cựu giáo sư Stanford Jim Clark, người sáng lập Netscape.
Khi Bechtolsheim rời SUN năm 1995, ông bắt đầu tìm kiếm ai đó hiểu về những vấn đề phần mềm cơ bản phía sau những kết nối Ethernet. Ông gọi điện cho Chertion và hai người thành lập ra Granite Systems, một công ty chuyển mạch Ethernet. Chỉ sau 14 tháng thành lập, hai người đã bán công ty này cho Cisco với giá 220 triệu USD. 
Năm 2001, hai người lại gặp nhau và lập nên công ty mạng lưới Kealia, rồi bán lại cho Sun với giá 120 triệu USD. Trong những lần hợp tác đó, cả hai đã cùng làm vụ đầu tư thành công nhất của họ, đó là mỗi người đầu tư 100.000 USD cho hai chàng sinh viên sáng lập Google.
Page và Brin không phải là hai sinh viên của Cheriton, nhưng họ tìm đến ông sau khi biết về thành công của ông với Granite, với hy vọng ông sẽ cho truyền họ kinh nghiệm về việc thương mại hoá thuật toán PageRank. Đang thắng lớn với Granite (sở hữu 10% công ty này, sau khi bán, ông thu được hơn 20 triệu USD), ông đã sẵn lòng giúp họ.
Bechtolsheim cũng có suy nghĩ tương tự. Ông đã mất một thời gian để hiểu về sự phổ biến của công cụ tìm kiếm cũng như ý đồ thu tiền trên mỗi đường link của người sáng lập. Ông nhớ lại: "Tôi đã nghĩ nếu họ có 1 triệu hit mỗi ngày, và 5 cent mỗi đường link, ít nhất họ sẽ không phá sản".
Cheriton và Bechtolsheim tự nhận họ là "nhà đầu tư vô tình" vào Google. Tuy nhiên, Ron Conway, một nhà đầu tư có mặt ở khắp Thung lũng Silicon, người mà Cheriton đã giới thiệu đầu tư vào Google nói: "Họ là những người cực kỳ thông minh, vì thế họ thu hút được nhiều kỹ sư thông minh khác để cùng chia sẻ ý tưởng với mình".
Phải nghĩ lớn
Rất nhiều sinh viên khác đã tìm đến văn phòng của Cheriton để tìm kiếm lời khuyên và cả tiền bạc. Sam Liang, một cựu sinh viên của Cheriton, sau khi rời khỏi Google đã đến gặp giáo sư cũ của mình để chia sẻ về ý tưởng một nền tảng cho di động có thể theo dõi trực tuyến vị trí và thói quen của người dùng. Liang đã nhận được nhiều hơn 100.000 USD từ Chariton để thành lập công ty Alohar Mobile.
"Tiêu chuẩn của ông cực kỳ cao", Liang nói. Những cuộc họp nghiên cứu với Chariton là thời gian căng thẳng nhất trong tuần của anh. "Ông bảo tôi: Phải nghĩ lớn. Cậu phải tạo được tác động đối với cả thế giới", Liang nhớ lại.
Siddharth Batra, cựu sinh viên cao học của Stanford, người từng nhận tài trợ của Cheriton cho công ty của mình năm 2009, rất ngưỡng mộ thầy cũ của mình ở sự chú ý đến chi tiết. "Các kỹ sư công nghệ rất dễ chia sẻ ý tưởng với David, bởi vì ông hiểu rất nhanh vấn đề họ trình bày. Nếu tôi đến gặp một vị chủ tịch hay giám đốc quỹ đầu tư, chắc chắn họ sẽ rất khó hiểu những gì chúng tôi đang làm".
Cheriton cho biết ông luôn tránh xa những trào lưu thị trường, mạng xã hội được coi là một trong số đó. Ông chỉ tập trung vào những ý tưởng góp phần cải thiện cuộc sống con người, như cách mà Google giúp các sinh viên hoàn thành bài viết của mình vào lúc 3 giờ sáng. 
"Tôi có một niềm tin rằng nếu bạn mang đến giá trị thực sự cho thế giới và thực hiện theo cách hiểu biết , thị trường sẽ không quên bạn", Cheriton nói.

Nguồn: Vnmedia

Nên chuyện từ 20 triệu đồng

Xuất hiện thường xuyên tại các sự kiện công nghệ thông tin (CNTT), chị Phùng Thị Thu Thủy, Giám đốc Điều hành TabViet, luôn được chú ý bởi từ trước đến nay CNTT thường được “mặc định” là “lãnh địa” của giới mày râu. Nhìn vào sự thành công của TabViet hôm nay, ít ai biết chị có một khởi đầu chật vật với số tiền khiêm tốn.
Trong suy nghĩ của nhiều người, việc giới nữ đảm nhiệm các chức vụ điều hành trong lĩnh vựcCNTT vẫn còn là điều khá lạ lẫm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tỷ lệ phụ nữ nắm giữ những vị trí chủ chốt trong các tập đoàn hoặc công ty về CNTT tăng lên từng năm. Trong số đó có chị Thủy, người đã đặt nền móng và đồng hành với sự phát triển lớn mạnh của TabViet.

Sinh ra tại Quảng Ngãi, trong một gia đình có truyền thống về lĩnh vực phân phối nước giải khát nhưng chị Thủy lại ôm giấc mơ CNTT để tìm ngã rẽ cho mình. Tốt nghiệp đại học, chị ở lại TP.HCM, đầu quân cho một vài công ty chuyên về CNTT. Áp lựccủa phụ nữ làm trong lĩnh vực CNTT không nhỏ, khiến chị đôi lúc cảm thấy hoài nghi về con đường mình đang đi.
Nói như các nhà nghiên cứu, phụ nữ ngành này thường thay đổi công việc do áp lực bị đồng nghiệp nam giới bỏ xa và chưa có được sự cân bằng giữa công việc và đời sống. Ngược lại, niềm đam mê CNTT trong chị cứ lớn dần, và chẳng để mất nhiều thời gianở vị trí làmthuê, chị biến giấc mơ thành lập công ty riêng về CNTT thànhhiện thực vào năm 2003 với số vốn hơn 20 triệu đồng.
Công ty ẤnTrà, tiền thâncủaTabViet rađời, tập trung vào lĩnh vực tư vấn, thiết kế và cung cấp các gói giải pháp bảo mật thông tin cho doanh nghiệp. Ban đầu, không có kinh phí cho quảng cáo, marketing, chị tiếp cận các doanh nghiệp bằng phương pháp “thủ thỉ”, đảm bảo khách hàng có thể tin vào chất lượng dịch vụ, sản phẩm của Công ty. Năm 2004, Ấn Trà ký được gói hợp đồng trị giá gần 1,5 tỷ đồng.
Sau thành công đầu tay, chị nghiệm ramột điều: “Năng lực thực sự của công ty và chất lượng dịch vụ, sản phẩm mới là điều có khả năng thuyết phục khách hàng tốt nhất”. Thành công không bao lâu, chị Thủy phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 và việc kinh doanh của công ty không tránh khỏi bị ảnh hưởng khi các doanh nghiệp mạnh tay cắt giảm chi phí đầu tư cho CNTT.

Để vượt qua khó khăn, chị và Ban Quản trị (lúc này đổi thành Công ty Cổ phần TabViet) quyết định thay đổi định hướng, xây dựng giải pháp dựa trên mã nguồn mở (open - source) vốn được cộng đồng thế giới phát triển và sử dụng rộng rãi. Ở thời điểm đó,dù có lợi thế là sử dụng tài nguyên sẵn có của thế giới, TabViet chỉ cần điều chỉnh lại cho phù hợp với đặc thù của các doanh nghiệp Việt Namvà đưa ra giá rất cạnh tranh, nhưng cái khó của Công ty cũng rất lớn.

Đó là làm sao thuyết phục giới IT, vốn đã gắn bó với phần mềm của các tập đoàn nổi tiếng thế giới, thay đổi thói quen sử dụng. Để gỡ khó, chị đích thân đến từng doanh nghiệp, gặp người phụ trách IT để giải thích về tầm quan trọng của việc bảo mật thông tin doanh nghiệp và giới thiệu về tính ưu việt của giải pháp xây dựng trên nền tảng mã nguồn mở.

Trải qua thách thức, một lần nữa chị lại rút thêm bài học trong kinh doanh là phụ nữ muốn làm IT thành công cần phải quyết đoán, mềm dẻo và chịu dấn thân. Đến nay, danh sách khách hàng của TabViet đã dài thêm, trong số đó có nhiều công ty, tập đoàn lớn của Việt Nam như: Công ty Tư vấn xây dựng SPCC, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Công ty Biti’s, Công ty Nhựa Long Thành, Công ty Nhựa Duy Tân, Công ty Nhựa Bình Minh, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam... Năm 2009, Công ty “bén duyên” với SAP, một trong những tập đoàn số 1 thế giới về giải pháp ERP (hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp).

Quyết định hợp tác với SAP để thực hiện việc cung cấp hạ tầng ERP của chị một lần nữa khiến giới chuyên môn phải thừa nhận sự nhạy bén của người phụ nữ này. Bởi thời điểm đó SAP đang khẳng định vị trí quán quân tại thị trường ERP Việt Nam. Cùng với SAP, TabViet đã giành thắng lợi ở khá nhiều dự án quy mô lớn như: SPCC, Biti’s, Hoàng Anh Gia Lai, Pinaco... Dễ thấy, tâm huyết với nghề, nhạy bén với thời cuộc và giữ uy tín với khách hàng chính là bí quyết "gối đầu giường" để thành công.

VŨ HOÀNG
Flag Counter