Hiển thị các bài đăng có nhãn Khởi Nghiệp. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Khởi Nghiệp. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

10 năm làm thợ mộc thuê thành giám đốc công ty đồ gỗ

Bằng sự ham học hỏi và cầu tiến, anh Nguyễn Công Ích (xã Yên Trung, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) từ một thợ mộc đã trở thành Giám đốc Công ty TNHH Mưu Sinh.

Anh Ích giới thiệu sản phẩm của Công ty TNHH Mưu Sinh. Anh Ích giới thiệu sản phẩm của Công ty TNHH Mưu Sinh.
Công ty của anh đã góp phần đưa nghề mộc ở địa phương phát triển, giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động trong xã.

“Từ nhỏ, tôi đã được cha dạy nghề mộc. Năm 1992, tay nghề đã thuần thục, tôi quyết định Nam tiến với mong muốn tìm cơ hội phát triển nghề. Tôi được tuyển vào làm thợ kỹ thuật cho một xưởng chuyên sản xuất đồ gỗ nội thất ở TP. Hồ Chí Minh”- anh Ích nhớ lại. Năm 1995, anh quyết định ra Hà Nội làm việc.

Sau quãng thời gian lăn lộn bên ngoài, tay nghề đã vững vàng, anh nghĩ không thể cứ đi làm thuê mãi thế này. Nghĩ vậy, năm 2001, với số vốn tích góp được sau hơn 10 năm đi làm thuê, anh quyết định về quê thành lập Công ty TNHH Mưu Sinh chuyên sản xuất đồ gỗ văn phòng cao cấp. Vào thời điểm này, ở Yên Phong chưa có một doanh nghiệp tư nhân nào sản xuất các mặt hàng như công ty của anh.

“Khi thành lập công ty, tôi gặp khó khăn do thiếu lao động, vì ở Bắc Ninh các khu công nghiệp nhiều, phần lớn lao động địa phương đã vào đó làm” - anh Ích kể. Để thu hút lao động vào làm cho mình, anh có nhiều chính sách đãi ngộ như công nhân chỉ làm 26 ngày/tháng, làm ngày Chủ nhật lương tăng gấp đôi, làm đêm sẽ được hưởng 150% lương và được công ty đóng bảo hiểm... Hiện, lương bình quân của mỗi công nhân từ 3-5 triệu đồng/tháng. Công ty của anh đang có 40 lao động.

Các sản phẩm của Công ty TNHH Mưu Sinh do chính anh Ích thiết kế. “Lúc đầu, tôi phải mang đi giao bán, nhưng giờ sản phẩm của tôi đã có thương hiệu, đơn đặt hàng ngày một nhiều, thị trường mở rộng khắp các tỉnh phía Bắc. Mỗi năm doanh thu của công ty từ 25-30 tỷ đồng” - anh Ích cho biết. Chia sẻ về bí quyết thành công của mình, anh Ích nói: “Phải có lòng yêu nghề, sự ham học hỏi và biết tích lũy kinh nghiệm”.

Theo Lan Dương - Trang Lê
Dân Việt

Những ý tưởng khởi nghiệp: Nghe là thích!

Những con người trẻ trung này đã có các ý tưởng khởi nghiệp rất lạ.

Những ý tưởng khởi nghiệp: Nghe là thích!

Gần đây, xôn xao trong cộng đồng trẻ một chàng trai sinh 1989 với ý tưởng “Cuốn sách cuộc đời” có một không hai. Một cuốn sách trắng với chỉ vỏn vẹn vài dòng chữ: “Bạn đang mong chờ đọc một cuốn sách hay và ý nghĩa về cuộc đời ư? Hãy cầm bút lên và tự viết cuộc đời của chính bạn.” Trước đây chàng trai này đã nổi tiếng với một danh hiệu gọi là “Chàng trai với bản CV không thể không tuyển dụng”. Đó chính là anh bạn Trần Quang Tùng, 8X đời cuối.
Nói về ý tưởng nhào nặn ra cuốn sách Lifebook kì lạ, Tùng cho biết: “Ý tưởng cốt lõi hình thành lifebook là sự chia sẻ niềm tin, mình thực sự muốn truyền cảm hứng sống đến mọi người bằng một cách sáng tạo."
Cuốn sách của Tùng được in 2000 đầu sách và tình hình kinh doanh hiện nay rất khả quan. Tùng cũng cho biết thêm về ý tưởng của anh: "Với việc xuất bản sách mà chỉ có 2000 cuốn thì gần như hoàn toàn không có lãi, và với số tiền đầu tư làm sách đấy dành cho kinh doanh sẽ dễ thu hồi vốn và sinh lợi hơn. 
Có người khuyên nhóm mình nên xin tài trợ của NGO để chạy dự án như vậy sẽ an toàn hơn, hoặc có thể phát sách miễn phí - giảm giá sách để mọi người dễ tiếp cận hơn với Lifebook. Mình thì có suy nghĩ khác, vì sao điều mình muốn làm lại phải phụ thuộc vào người khác, đợi đến khi xin tài trợ NGO hay tổ chức nào đó mới có thể triển khai, mình vẫn quyết định làm vì không muốn ý tưởng chỉ mãi ở trên giấy, nếu thực sự muốn làm thì không nên đắn đo quá nhiều."
Những ý tưởng khởi nghiệp: Nghe là thích! (1)
Bản thân Trần Quang Tùng đã từng vượt lên bế tắc và tư duy lối mòn để tìm được ý nghĩa cuộc sống.
Không đánh vào tâm lý mà đánh vào cái bao tử, chàng trai sinh năm 1990, Nguyễn Bá Quốc đã mở chuỗi 14 của hàng kinh doanh cơm kẹp AppeRice tại thành phố Hồ Chí Minh.
Học sở Singapore về lại từ chối mức lương 3.000 USD ở một công ty sản xuất nhựa, Bá Quốc nung nấu ý tưởng về một loại thức ăn nhanh của riêng người Việt vì anh cho rằng với người Việt Nam, hạt cơm, hạt gạo là “ngọc thực”.
Với vốn đầu tư ban đầu là 1 triệu USD và các dây chuyên sản xuất nhập từ nước ngoài, hiện nay môt ki- ốt của AppeRice cần khoảng 50 – 100 triệu đồng, sau khoảng 3 tháng có thể có lãi và sau 6 – 9 tháng có thể thu hồi vốn đầu tư.
Với ý tưởng mang “ngọc thực” đến gần giới trẻ hơn giữa rất nhiều ông lớn như Burger King, KFC, Lotteria… đang nhảy vào xâu xé thị trường thức ăn nhanh Việt, Quốc muốn cơm kẹp không chỉ là một bữa ăn mà còn là một phong cách sống mới của người Việt trẻ năng động.
Những ý tưởng khởi nghiệp: Nghe là thích! (2)
Nguyễn Bá Quốc - ông chủ 9x
Chán môi trường làm việc nhàm chán ở chốn văn phòng: sáng xách cặp đến, chiều lại xách cặp về, chàng trai Nguyễn Lương Huy Hoàng tập tễnh bước qua Châu Phi lập nghiệp với số vốn 5000 USD, kinh doanh một cửa hàng Game Playstation.
Với hơn 1 năm hoạt động, chàng trai 23 tuổi này đã sở hữu cửa hàng thứ 2 và đang từng bước mở rộng dịch vụ của mình ra mảng kinh doanh buôn bán thiết bị điện tử. Thu nhập hằng tháng của anh chàng này là 1.500 USD, một con số đáng mơ ước với các bạn trẻ cùng tuổi tại Việt Nam.
Khi đọc được những bài báo viết về Hoàng, những bạn trẻ không giấu đi vẻ ngưỡng mộ vì một chàng trai mới ra trường, dám nghĩ dám làm. Hoài Châu (22 tuổi, sinh viên Đại Học Ngoại Thương) cho biết: “Không phải ai cũng dám khởi nghiệp, lại càng ít người dám khởi nghiệp ở một vùng đất hoàn toàn xa lạ như vậy. Mỉnh rất phục tinh thần, ý chí và ý tưởng kinh doanh này của anh ấy.”.
Những ý tưởng khởi nghiệp: Nghe là thích! (3)
Nguyễn Lương Huy Hoàng - ông chủ tại Châu Phi
Giới trẻ ngày nay dũng cảm
Hiện nay, đang có rất nhiều ý kiến nói về vấn đề người trẻ ngày nay sống nhạt, thiếu độc lập. Như ông Giản Tư Trung, Chủ tịch sáng lập Tổ chức Giáo dục PACE, đã nói: “Chúng ta có những cá nhân dữ dội, nhưng không có một thế hệ dữ dội vì dữ dội thì đã tạo nên một đất nước dữ dội rồi.” Và nhạc sĩ Dương Thụ thẳng thắn nhận định: “Thế hệ trẻ thiếu tính độc lập, mất phương hướng và không có chỗ dựa tinh thần, không có lý tưởng và giá trị để theo đuổi.”
Tuy nhiên, với nhiều ý tưởng táo bạo và mới lạ, giới trẻ Việt Nam đang dần dần tìm lại được tiếng nói của mình thông qua những hành động thực tiễn, dám nghĩ dám làm. Tất nhiên, trên những bước đường khởi nghiệp vẫn còn rất nhiều trăn trở, như anh chàng điển trai Huy Hoàng đã tâm sự: “Có những lúc làm ăn không được, đâm ra chán nản. Nhiều ngày thu thập chỉ bằng nửa ngày bình thường. Nản lắm, có khi muốn bỏ cuộc về nhà.”
Khi được hỏi về vấn đề rẽ lối đi riêng của giới trẻ ngày nay, anh chàng Quang Tùng không ngại chia sẻ quan điểm: "Theo quan điểm cá nhân mình thì trong một thị trường hội nhập và cạnh tranh gay gắt hiện nay, một công ty mới khởi nghiệp cần tạo ra được giá trị khác biệt đáp ứng được nhu cầu từ khách hàng mục tiêu, tập trung khai thác điểm mạnh và xây dựng đội ngũ nhân sự nền tảng, nhưng cũng luôn phải thực tế và học hỏi, áp dụng kinh nghiệm từ mô hình kinh doanh đi trước."
Trong một hội thảo về tinh hoa thế hệ trẻ 2012 do IPL tổ chức. Trước vấn đề thế hệ trẻ và thế hệ cha anh, Anh Huỳnh Văn Sơn, giám đốc của Tiki, đã nói: “Thế hệ trẻ ngày nay đã dũng cảm hơn.”

Trong những lạc lối đi tìm kiếm con đường cho mình, đâu đó có những ý tưởng rất táo bạo đang nảy mầm và làm bệ phóng cho một thế hệ Việt Nam phát triển. Và những cá nhân như Hoàng, như Tùng, như Quốc… sẽ là một trong những tiên phong cho một thế hệ khởi nghiệp bùng nổ ý tưởng.
Theo Nhịp cầu Đầu tư

Tỷ phú trồng chuối khởi nghiệp với 10 triệu đồng

Khởi nghiệp chỉ với 10 triệu đồng, sau vài năm trồng chuối và thêm cả buôn chuối, Phạm Năng Thành (xã Đại Tập, H.Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) đã thu được trên 1 tỉ đồng mỗi năm. 

Mỗi năm, Thành đút túi trên dưới 1 tỉ đồng từ vườn chuối này - ảnh: Thanh Thanh Mỗi năm, Thành đút túi trên dưới 1 tỉ đồng từ vườn chuối này - ảnh: Thanh Thanh
Năm 2006, Thành đến với nghiệp trồng chuối sau khi đã nếm đủ mùi cay đắng với những vườn cam, vườn bưởi… năm nào cũng lỗ. Góp nhặt, vay mượn thêm anh em chòm xóm, bạn bè được 10 triệu đồng, Thành chọn cây chuối với niềm tin sẽ “lấy lại những gì đã mất”.

Mua cây chuối tiêu hồng giống xong, Thành bắt đầu trần mình hì hụi đào đất, trồng thử nghiệm trên mảnh ruộng rộng chừng 1 ha. Trong lúc chờ cây lớn, Thành tìm đến các bậc “tiền bối” trong nghề trồng chuối ở làng trên xóm dưới để học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc chuối sao cho năng suất cao, quả to đều và trông bắt mắt.

Một nắng hai sương bón phân, tưới nước, tỉa lá, dọn cỏ dại cho vườn chuối, ngay mùa thu hoạch đầu tiên, Thành đã được nếm vị ngọt của sự thành công khi thu về vài chục triệu đồng. Thừa thắng xông lên, Thành mượn và thuê thêm đất, từng bước đầu tư mở rộng diện tích trồng chuối. Sau mỗi vụ thu hoạch, vườn chuối của Thành lại rộng thêm, khi thì một héc ta, lúc vài ba héc ta. “Bây giờ em đã có trong tay 10 ha chuối. Mỗi đợt thu hoạch trừ chi phí, lúc đắt bù lúc rẻ, tính chung lãi ròng khoảng 4 triệu đồng/sào. Năm vừa rồi em đút túi trên 1 tỉ đồng đấy anh ạ”, Thành khoe.

Theo lời của chàng tỉ phú chân đất này, con số  1 tỉ này bao gồm cả tiền lãi từ việc buôn chuối. Ở mỗi xã trong vùng, Thành đặt một “vệ tinh”, thu gom chuối của người dân, rồi đem bỏ mối cho trên 30 đại lý ở khắp các tỉnh thành trên cả nước. Chiếc xe tải vài chục tấn của Thành và hai chiếc xe thuê khác chạy suốt ngày đêm để chở chuối đi khắp nơi tiêu thụ. Vườn chuối và cửa hàng buôn chuối của vợ chồng Thành đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10 lao động với thu nhập ổn định khoảng 150.000 đồng/người/ngày.

“Chuối là loại cây dễ trồng, không phải quá kỳ công và tốn kém vốn liếng, thậm chí không cần chăm sóc thì cây vẫn trổ buồng và cho thu hoạch. Ai cũng có thể trồng được chuối. Nhưng để chuối đẹp thì cũng cần phải có kỹ thuật, giờ chúng em trồng chuối tập trung, quy mô nên chuối đẹp hơn ở các nơi khác. Càng chịu khó chăm sóc thì buồng chuối, nải chuối càng đẹp, dễ bán, hiệu quả kinh tế vì thế cũng càng cao”, Thành nói. 

Tỉ  phú trồng chuối bật mí thêm, người trồng chuối chỉ cần nắm vững vài bí quyết  không khó lắm, như làm thế nào để giữ tàu lá đến lúc chặt buồng vẫn xanh hoặc chụp bao ni lông như thế nào cho chuối thêm đẹp là có thể “sống được với cây chuối”.

Theo Thành, bây giờ ở khắp Khoái Châu và nhiều vùng quê khác trong tỉnh Hưng Yên đã có rất nhiều người trồng chuối và “sống được” nhờ cây chuối. Trong đó có không ít tỉ phú trồng chuối như Thành.

Theo Quang Duẩn
Thanh niên

 

Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2012

Từ cậu bé bán nước mía thành "triệu phú" hamster

Cậu bé chạy theo phụ cha mẹ bán nước mía lề đường ngày nào giờ đã là ông chủ chuỗi cửa hàng chuyên bán thú cưng nổi tiếng Sài Gòn, với thu nhập hằng tháng khoảng 100 triệu đồng.

Đó là chàng trai Trần Văn Thành, 22 tuổi, vừa tốt nghiệp Cao đẳng Kỹ thuật Lý Tự Trọng, TP.HCM.
Năm 2008, cậu học sinh lớp 12 Trần Văn Thành hòa vào trào lưu nuôi thú kiểng đang sốt. Lúc đó cậu giấu bố mẹ mua một cặp hamster giá 120.000 đồng về nuôi. Vẻ đáng yêu của những chú chuột hang khiến Thành nhiều khi thức cả đêm để chơi với chúng. Vài tháng sau, cặp hamster của Thành cho ra đời 7 “em bé”.
Cứ thế, Thành nuôi đàn hamster của mình trong cái lồng phủ vải vì sợ bố mẹ biết. “Đến khi số con trong đàn vượt quá 30, Thành biết mình không còn đủ sức nuôi chúng nữa và nghĩ là: phải bán thôi”, Thành kể.
Ông chủ trẻ Trần Văn Thành khởi nghiệp từ chính những con hamster do mình tự nuôi. Ảnh: Xuân Hường
Đầu năm 2009, Thành bắt đầu tập tành lập website và rao bán những con hamster của mình trên mạng. Bán được những con đầu tiên, cậu bỗng nhận ra mình có thể kiếm được tiền từ việc này. Có vốn, cậu mua thêm con giống, thức ăn, chuồng nuôi và mọi thứ cần thiết để nuôi hamster và bổ sung vào danh sách các mặt hàng của mình. Hamster & Monkey shop của Thành ra đời từ đó.Thành bắt đầu khoác ba lô sang Thái Lan – nơi khởi phát phong trào nuôi hamster. Cậu đi vòng quanh các khu chợ để tìm nguồn hàng và mở mang tầm mắt. Có lần vì ham rẻ, Thành đã nhập thử 100 con hamster từ Trung Quốc với giá chỉ bằng phân nửa giá ở Thái Lan. Đàn hamster đó sau một tuần chỉ còn 20 con sống sót. Thành phát hoảng, sau đó tìm ra nguyên nhân là các con giống ở Trung Quốc vốn không được chăm sóc tốt, lại gặp điều kiện khí hậu không tương đồng nên chết hàng loạt.
“Mình cạch luôn, từ đó đến giờ chỉ dám nhập con giống từ Thái, giá tuy cao nhưng đảm bảo chất lượng”, Thành kể.
Không có xe máy, thời gian đầu lập nghiệp của cậu sinh viên là những chuyến xe buýt với lồng thú ôm khư khư trong tay. Nhiều đơn đặt hàng đến từ các tỉnh xa, nhưng xe khách không có dịch vụ chuyển thú mà hamster thì sẽ chết ngay nếu bị nhốt dưới hầm xe. Thế là Thành một mình ôm lồng thú đi khắp nơi để giao hàng.
“Có ngày, sáng mình ở Cần Thơ, chiều ở Vũng Tàu, về đến Sài Gòn là 10 giờ tối. Hồi ấy shop online mở ra nhiều lắm. Mình cũng không hiểu tại sao khách hàng lại tin tưởng shop mình và đặt mua rất nhiều. Nhiều bạn còn không cần giao hàng mà tự tìm đến nhà mình, leo lên tận căn gác phòng để rước hamster về”, Thành cười, nhớ lại thời gian đầu lập nghiệp.
Sau một năm bán hàng trên mạng, Thành tích cóp được chút vốn và quyết định thuê mặt bằng mở cửa hàng. Hợp đồng thuê mặt bằng đầu tiên ở đường Trần Quang Diệu bị chủ nhà đơn phương hủy bỏ sau 2 tháng vì sợ những con thú nuôi sẽ lây bệnh cho họ.
Thông tin hamster có thể lây bệnh truyền nhiễm từng khiến Thành lao đao một thời gian dài. Cuối cùng, cậu cũng thuê được một căn nhà hai lầu trên đường Trần Huy Liệu. Rút kinh nghiệm lần bị đuổi trước, cậu thuê nguyên căn. Ông chủ trẻ Trần Văn Thành bước sang một giai đoạn mới của việc kinh doanh.
Một góc cửa hàng của Thành trên đường Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ảnh: Xuân Hường
Ăn nên làm ra, cứ sau một năm, Thành mở thêm một shop. Sau hơn 3 năm, chuỗi cửa hàng của Thành đã có 3 cơ sở tại quận Phú Nhuận, quận 10 và quận 8, đem lại lợi nhuận trung bình 100 triệu đồng mỗi tháng.Thành tâm sự: “Lúc còn nhỏ, chạy theo xe nước mía của ba mẹ mỗi lần bị dân phòng rượt đuổi, mình đã nuôi quyết tâm thay đổi cuộc sống gia đình. Thu nhập từ việc kinh doanh bây giờ đã có thể nuôi em trai mình ăn học, giúp gia đình có cuộc sống đầy đủ hơn. Ba mẹ không còn phản đối mà quyết định ủng hộ con trai.”
Shop của Thành không chỉ bán thú cưng, mà còn có những mặt hàng tự chế gần như độc quyền. Chỉ vào kệ để những chiếc chuồng thú bằng mica nhiều màu sắc với đáy lót tấm tản nhiệt, Thành nói tất cả đều do cậu và những người bạn tự thiết kế, chế tạo tại nhà.
“Hamster vốn rất sợ nóng, nên mình đã nghĩ ra việc gắn miếng tản nhiệt ở đáy chuồng giúp các bé mát hơn”, Thành nói.
Chuồng được thiết kế đơn giản bằng mica, có giá rẻ hơn so với các mẫu chuồng sắt nhập từ Thái Lan phổ biến trên thị trường, được khách hàng rất ưa chuộng. Nhiều bạn du học sinh Việt Nam mua hàng rồi mang sang Mỹ, Pháp để nuôi và giới thiệu cho bạn bè, thế là sản phẩm của Thành lại được giao sang tận nước ngoài.
Trần Văn Thành 'khoe' chiếc cầu thang gỗ mà cậu phải ra tận Nha Trang để tìm mua vật liệu. Ảnh: Xuân Hường
Chàng trai trẻ này còn thiết kế và đặt gia công nhiều mẫu đồ chơi cho hamster bằng các chất liệu khác nhau. Thành bảo, cậu hiểu hamster không chỉ cần ăn uống mà phải cho chúng chơi. Cậu phải ra đến tận Nha Trang mới tìm được loại gỗ thích hợp với giá rẻ để tạo nên những chiếc cầu thang gỗ gắn kẽm có thể uốn cong, những ngôi nhà nhỏ hay những tiện nghi nhỏ xíu để cho hamster có một nơi ở thoải mái nhất.Ông chủ trẻ Trần Văn Thành tư duy về việc kinh doanh bằng góc nhìn của một người nuôi hamster lâu năm. Cậu hiểu hamster cần gì, và hiều luôn các khách hàng đa số là sinh viên của mình luôn muốn chăm sóc thú cưng tốt nhất với giá rẻ nhất.
Trước đây, thức ăn của hamster là hạt ngũ cốc được nhập từ Thái Lan với giá cao. Phát hiện ra tất cả những loại hạt ấy đều có thể tìm được ở Việt Nam, Thành tự tìm đến các chợ mua về, tìm hiểu công thức và tự trộn. Thức ăn của Thành làm chỉ có giá bằng một phần ba loại hàng nhập về. Thu nhập “khủng” 100 triệu đồng mỗi tháng của Thành đến từ việc cậu luôn nghĩ về khách hàng đầy tận tâm như thế.
Bây giờ, dù đã là ông chủ của 3 cửa hàng, Thành vẫn giữ số điện thoại của mình làm “đường dây nóng” như thời kinh doanh trên mạng. Mỗi ngày, cậu nhận trên dưới 100 cuộc gọi của khách hàng hỏi về mọi thứ, từ sản phẩm đến kinh nghiệm nuôi hamster. Thành bảo, cậu chưa tự tin giao việc chăm sóc khách hàng của mình cho bất kì ai.
“Ngày xưa nhiều lúc bị stress vì nghe điện thoại nhiều quá, mấy lần phải gọi lại xin lỗi khách hàng vì lớn tiếng. Giờ thì ai cũng nói giọng mình mỗi lần nghe điện thoại nhẹ hẳn đi, chuyên nghiệp hơn nhiều”, Thành khoe.
“Mình còn rất trẻ để có thể nói đến hai chữ “thành công”, nhưng chắc chắn mình sẽ theo đuổi việc kinh doanh dịch vụ nuôi thú cưng này cho đến khi nào không còn ai muốn nuôi thú nữa. Chúng là ân nhân của cuộc đời mình”, ông chủ trẻ Trần Văn Thành nói, tay tỉ mẩn đút thức ăn cho những con hamster mới sinh.

Nguồn: VNEXPRESS

Để tránh thất bại khi khởi nghiệp

Khởi nghiệp là đoạn đường khó khăn và chông gai nhưng hầu như không một doanh nhân thành công nào không phải trải qua.
Theo một thống kê, có đến 65% trong tổng số 10.350 doanh nghiệp giải thể, phá sản và ngừng hoạt động trong quý I-2012 là những doanh nghiệp mới thành lập trong vòng 1 đến 2 năm.
Thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức chuyên môn, thiếu kỹ năng mềm, thiếu mối quan hệ, thiếu kỹ năng quản lý tài chính…, và còn nhiều cạm bẫy, rủi ro tiềm ẩn khác mà các doanh nhân trẻ sẽ gặp và phải đương đầu trên con đường khởi nghiệp.
Khóa huấn luyện "Khởi nghiệp thành công" - do Thaihabooks tổ chức vào Chủ nhật 21/10/2012, tại Phòng 203, Tòa nhà Itaxa, 126 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM - với mục tiêu cung cấp cho người tham gia nhận thức đúng về khởi nghiệp để giảm thiểu rủi ro, thất bại trên đoạn đường này.
Trong khóa học này, TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Sách Thái Hà sẽ chia sẻ các nội dung:
1. Tư duy đúng của người khởi nghiệp
2. Tạo lập ý tưởng khởi nghiệp
3. Nghiên cứu sản phẩm (dịch vụ), thị trường
4. Lập kế hoạch kinh doanh
5. Biến kế hoạch kinh doanh thành doanh nghiệp thực thụ
6. Các kỹ năng cơ bản của doanh nhân khởi nghiệp
7. Nhận biết những khó khăn tiềm ẩn, những vướng mắc cần lưu ý, những thế mạnh cần phát huy
8. Cách phát triển công ty: Tìm nguồn trợ giúp bên ngoài, xây dựng chương trình phát triển (đặc biệt dành cho những bạn đã có doanh nghiệp và muốn phát triển mạnh hơn).

Lí do khiến bạn thất bại ngay lần đầu khởi nghiệp

Hãy cùng nghe chia sẻ của Martin Zwelling, cố vấn khởi nghiệp dày dạn kinh nghiệm của Mỹ, về những bài học khởi nghiệp đắt giá, nhưng hoàn toàn có thể tránh được.

Doanh nhân – đặc biệt là những người mới bắt đầu khởi nghiệp– thành công có mà thất bại cũng không ít. Tôi đã thấy điều này khi làm cố vấn, cũng như doanh nhân. 50% số công ty mới thành lập không thể tồn tại quá 5 năm, chủ yếu vì người khởi nghiệp đã không đánh giá đúng về những gì họ cần học.

Chúng tôi đã tổng kết được 10 lý do hàng đầu khiến khởi nghiệp thất bại – và cách để vượt qua những cản trở này:1. Không hoạch định cụ thể: Hãy dẹp bỏ quan niệm sai lầm là kế hoạch kinh doanh chỉ cần những “phút giây lóe sáng” của trí óc bạn. Viết ra kế hoạch kinh doanh cụ thể là cách tốt nhất để có thể áp dụng ý tưởng của bạn vào kinh doanh.
2. Khả năng thu nhập nghèo nàn: Kể cả các tổ chức phi lợi nhuận cũng cần phải có thu nhập (hoặc nhận tiền ủng hộ) để bù lại chi phí hoạt động. Không có mô hình thu nhập cụ thể, doanh nghiệp của bạn sẽ không thể tồn tại lâu được. Bạn cần phải tính toán đến thu nhập của doanh nghiệp của bạn.
3. Không làm nghiên cứu thị trường: Không phải ý tưởng hay nào cũng có thể trở thành một công việc kinh doanh phát đạt. Niềm tin mãnh liệt và đam mê vào sản phẩm của bạn chưa đủ để khiến mọi người sẽ mua nó. Không gì có thể thay thế được nghiên cứu thị trường.

4. Không chú trọng việc thực hiện ý tưởng: Khi những doanh nhân trẻ gặp tôi với những “ý tưởng hàng triệu đô”, tôi phải nói với họ rằng chỉ ý tưởng thôi thì ko đáng một xu. 99% đến từ nỗ lực thực hiên. Bạn sẽ phải sẵn sàng đưa ra những quyết định khó khăn và mạo hiểm.

5. Quá nhiều đối thủ cạnh tranh: Không có bất kì đối thủ cạnh tranh nào có tốt không? Đó là một dấu hiệu nguy hiểm – rất có thể thị trường đó không tồn tại. Nhưng nếu bạn làm một phép tra cứu đơn giản trên Google và tìm ra 10 đối thủ cạnh tranh hay hơn, thì thị trường này quá khắc nghiệt. Những gã khổng lồ ngủ quên có thể thức dậy bất cứ lúc nào, và hất cẳng bạn ra khỏi cuộc đua. Đã có rất nhiều người thử tung ra sản phẩm cạnh tranh với những “ông lớn chậm chạp” như Microsoft hay P&G và thất bại thảm hại.

6. Không đăng kí sở hữu trí tuệ: Nếu bạn muốn tìm kiếm nhà đầu tư, hay muốn duy trì lợi thế cạnh tranh lâu dài với các ông lớn trong lĩnh vực của bạn, bạn cần phải đăng kí bằng sáng chế, tên thương mại và tác quyền, cũng như xin được giấy phép cấm sao chép và cấm tiết lộ thông tin. Sở hữu trí tuệ cũng là yếu tố quyết định giá trị của những công ty mới thành lập trong con mắt của các nhà đầu tư.

7. Đội ngũ nhân viên thiếu kinh nghiệm: Trên thực tế, các nhà đầu tư xem xét nhân lực, không phải ý tưởng. Họ tìm kiếm con người với kinh nghiệm thực tế trong số những người khởi nghiệp. Hãy tìm một người nào đó đã từng có kinh nghiệm khởi nghiệp để cân bằng với sự đam mê của bạn, và mang đến kinh nghiệm cho đội ngũ.
8. Những yêu cầu về nguồn lực bị đánh giá thấp: Nguồn lực quan trọng nhất là dòng tiền đầu tư, nhưng các nguồn lực khác như quan hệ trong ngành hay kênh quảng bá cũng rất quan trọng cho việc kinh doanh của bạn. Đừng chỉ chú trọng đến vốn mà bỏ quên việc thiết lập những nguồn lực khác.
9. Không quảng bá đủ lực: Có được chiến lược quảng bá truyền miệng hấp dẫn chưa đủ để thương hiệu của bạn được ghi nhận trong thời đại thông tin không ngừng hiện nay. Kể cả quảng bá kiểu lan truyền (viral marketing – tạo sản phẩm quảng bá khiến mọi người thích thú và muốn chia sẻ trên mạng xã hội) cũng tiêu tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc. Nếu không có nỗ lực và sự đột phá trong quảng bá hình ảnh thương hiệu, bạn sẽ không có khách hàng, và dĩ nhiên doanh nghiệp của bạn không thể tồn tại.
10. Bỏ cuộc quá sớm: Theo kinh nghiệm của tôi, nguyên nhân phổ biến nhất khiến khởi nghiệp thất bại là vì người khởi nghiệp trở nên chán chản, bỏ cuộc và giải thể công ty. Bất chấp những khó khăn, rất nhiều doanh nhân như Steve Jobs hay Thomas Edison vẫn giữ vững niềm tin vào khả năng của họ cho đến khi họ thành công. Đừng bỏ cuộc khi còn dang dở!


 

Nguồn: nhuongquyenvietnam.com

Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2012

Dạ Thảo - người phụ nữ tiên phong đưa thời trang Hàn vào đất Việt

15 năm gắn bó với công việc kinh doanh thời trang, đến nay Dạ Thảo đã là một nữ doanh nhân thành đạt và có một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc với nam diễn viên Quyền Linh.


Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống về kinh doanh nên cái máu kinh doanh đã “ngấm” vào Dạ Thảo từ bé. Sau khi tốt nghiệp đại học, Dạ Thảo "đầu quân" vào một công ty Hàn Quốc chuyên kinh doanh văn phòng phẩm. Nhưng ngoài việc yêu thích kinh doanh thì thời trang cũng là một cái đam mê dường như đã ăn sâu vào "máu" và từ đó thôi thúc Dạ Thảo bước sang một lĩnh vực kinh doanh mới mới mẻ- kinh doanh về thời trang Hàn Quốc.
Cũng chính từ những cái duyên với nghề mà hiện nay, Dạ Thảo đã là một trong số những nữ doanh nhân vô cùng thành đạt trong lĩnh vực hấp dẫn này. Không chỉ thành công trong công việc mà Dạ Thảo còn là một người phụ nữ giỏi vun vén việc nhà. Cuộc hôn nhân hạnh phúc của Dạ Thảo và nam diễn viên Quyền Linh cho đến nay đã khiến không ít người phải tỏ ra vô cùng ngưỡng mộ. Nhân dịp 20/10, hãy cùng lắng nghe Dạ Thảo tâm sự và chia sẻ về công việc cũng như về cuộc sống gia đình.
Dạ Thảo - mẫu người phụ nữ thành công trong cuộc sống  hiện đại

Chị có thể chia sẻ cho độc giả biết cái duyên nào đã đưa chị đến với công việc hiện tại không?

Thật ra lúc đầu Thảo làm việc cho một công ty Hàn Quốc chỉ chuyên về các mặt hàng văn phòng phẩm thôi. Nhưng cái "máu" yêu thích thời trang thì đã theo Thảo từ lâu lắm rồi. Tình cờ lúc đấy, trên tivi lại đang chiếu bộ phim Người mẫu của Hàn Quốc, nhìn thấy trong phim diễn viên mặc đồ đẹp quá nên từ đó quyết định kinh doanh thêm về lĩnh vực thời trang. Sau khi nói với công ty về ý tưởng đó thì công ty cũng ủng hộ Thảo lắm. Thảo cũng trình bày rõ ràng với công ty là sẽ sang Hàn Quốc để khảo sát thị trường và xem xét về nguồn hàng thế nào. Sau chuyến đi đầu tiên sang Hàn Quốc về cùng một số nguồn hàng, thì cảm thấy công việc này hoàn toàn có thể phát triển ở Việt Nam nên Thảo tin tưởng lắm.

Bước đầu đến với lĩnh vực thời trang này chị có gặp phải những khó khăn gì không?

Không biết do số Thảo may mắn hay sao mà từ khi bước vào nghề đến giờ Thảo chưa bị trục trặc hay bị khó khăn gì hết. Chắc cũng do mình có duyên với nghề nên khi làm thì thuận lợi lắm. Cứ lấy hàng về 2,3 hôm sau là hết sạch hàng chứ không bị tồn động lại. Trước đây, mỗi tháng Thảo sẽ phải vài lần sang Hàn Quốc đặt hàng và nhập về, một phần cũng vì đó là khâu khó khăn nhất và quan trọng nhất nên Thảo phải dành toàn bộ thời gian cho nó. Những lúc đó chỉ thấy mệt thôi vì sang rất ít ngày nên chỉ biết tranh thủ mà lo giải quyết công việc nhưng bù lại là Thảo cảm thấy rất hứng thú với công việc đó.
Gia đình hạnh phúc của Dạ Thảo - Quyền Linh luôn nhận được sự ngưỡng mộ của bạn bè và đồng nghiệp
Từ đâu mà chị quyết định tách ra làm riêng và với quyết định ra làm riêng như hiện nay chị có gặp những trở ngại gì không?

Mỗi lần sang Hàn Quốc mất rất nhiều thời gian và công sức mà cứ làm công ty mãi thì Thảo cảm thấy không ổn tí nào. Chính vì vậy mà chị đã quyết định tách ra để làm riêng sau khi đã làm với công ty được hai năm. Với lại lúc đó Thảo phải đi nhiều quá nên Thảo cũng thật sự cảm thấy không thích. Làm riêng như vậy Thảo sẽ có thể chủ động được về thời gian. Mình có thể đi ít hơn nhưng bù lại số lượng hàng mỗi lần mình mang về như vậy sẽ phải nhiều hơn.  Mặc dù lúc đó làm cho công ty nhưng mọi thứ đều do chị quyết định từ việc chọn nguồn hàng, chất liệu thế nào, sản phẩm ra sao, giá bán,... chị đều tự làm hết nên hai năm làm với công ty chị đã đúc kết cho mình khá là nhiều kinh nghiệm. Mà cái ngành thời trang này nó cũng một phần tuỳ thuộc vào gu thẩm mỹ của mỗi người nữa nên cũng thấy may mắn là khách hàng thường rất thích cái gu chọn đồ của Thảo. Mình yêu thích cái đẹp, thích làm đẹp nên đến với thời trang như vậy vừa tự làm đẹp mình lại vừa làm đẹp cho người khác nên cảm thấy vui nhiều lắm.

 Những chuyến sang Hàn Quốc như vậy có để lại trong chị những ấn tượng hay kỉ niệm gì không?

Nói thật là mỗi lần Thảo sang đó thì chỉ biết có mỗi việc là lấy hàng sao cho nhanh chóng rồi quay về lại Việt Nam thôi chứ cũng không có nhiều thời gian để thăm thú Hàn Quốc. Chỉ ấn tượng về Hàn Quốc là lần nào sang cũng nhận được sự đón tiếp rất nhiệt tình từ những đối tác làm ăn nên cũng có phần nào thấy vui. Mà tính mình thì làm việc lẹ làng, nhanh chóng nên ai cũng quý.

Công việc hiện tại của chị vẫn sẽ thường xuyên sang Hàn Quốc vậy làm sao chị cân đối được với việc chăm sóc cho hai bé?
Với Dạ Thảo, công việc rất quan trọng nhưng gia đình quan trọng hơn rất nhiều


Trước đây thì mình sẽ đi nhiều nhưng còn bây giờ có gia đình rồi, lại có hai con nhỏ nữa nên giờ mỗi tháng Thảo chỉ sang đó một lần để lấy hàng. Mà những lần đi như vậy Thảo đều "canh me" vào lịch trống của anh Linh chứ Thảo không an tâm khi để hai bé ở nhà mà không ai chăm sóc.
Chị có thể chia sẻ đôi điều về duyên nợ giữa chị và anh Quyền Linh?

Vợ chồng đến với nhau một phần cũng do duyên nợ (cười)! Lúc đó, anh Linh cùng bạn mở một studio chụp ảnh, Trong một lần Thảo tình cờ đến đấy để làm lịch tặng cho khách hàng thì gặp anh Linh. Từ đấy hai đứa quen biết nhau, rồi đi chơi, rồi tìm hiểu nhau,... Yêu nhau được 4, 5 năm thì mới quyết định kết hôn với nhau nên Thảo với anh Linh cũng hiểu nhau nhiều lắm.

Trước đây, gia đình chị cũng đã từng phản đối việc chị kết hôn với nghệ sỹ?

Nói phản đối thật ra cũng không phải. Chỉ là gia đình lo lắng cho Thảo thôi vì nghĩ là nghệ sỹ thì tính tình sẽ "trăng hoa" này nọ,... Nhưng sau một thời gian tiếp xúc với anh Linh thì gia đình chị cũng hiểu anh Linh là người thế nào. Anh ấy là người đàn ông rất biết chăm lo cho gia đình, cho vợ con nên bây giờ gia đình Thảo ai cũng quý mến anh Linh.


Bản thân chị đã là một doanh nhân thành đạt và là vợ của một người nổi tiếng, cuộc sống của chị có gặp phải những lúc căng thẳng, áp lực hay mất cân bằng gì không?
 Thảo thấy mình thật sự may mắn vì anh Linh tuy là người nổi tiếng nhưng lại có một cuộc sống rất giản dị. Hầu như cuộc sống của Thảo không có gì xáo trộn hay thay đổi kể từ khi tôi kết hôn với anh Linh. Chúng tôi vẫn thường xuyên chia sẻ với nhau công việc nhà, chăm sóc con cái,... Nhưng công việc của anh Linh thì giờ giấc lại không cố định và đôi khi chiếm rất nhiều thời gian, vì thế, Thảo cũng tự cân đối lại công việc của mình để có nhiều thời gian hơn chăm sóc cho con cái. Công việc với Thảo rất quan trọng nhưng gia đình vẫn quan trọng hơn rất nhiều!

Hai cô công chúa nhà chị có vẻ rất tinh nghịch ?
Hai cô công chúa đáng yêu sống rất tình cảm của Dạ Thảo và Quyền Linh

 Hai bé mặc dù là bé gái nhưng rất hiếu động, cứ mỗi khi ba có ở nhà là hai bé quấn lấy ba và chơi đùa với ba suốt. Được cái anh Linh thương con và thích chơi với con lắm. Mỗi lần được anh Linh cho đi chơi là hai bé vui lắm, cười nói líu lo suốt cả ngày khiến Thảo với anh Linh cảm thấy hạnh phúc lắm. Hai bé từ nhỏ cũng hay được ba mẹ cho ra ngoài tiếp xúc với rất nhiều người nên cũng dạn dĩ lắm. Nhưng một điều mà khiến Thảo và anh Linh cảm thấy tự hào hơn cả là cả hai bé đều sống rất tình cảm, tuy còn nhỏ nhưng cũng đã rất biết thương và nghĩ cho ba mẹ!(cười)
Xin được cám ơn chị về buổi trò chuyện này và nhân dịp 20/10, ngày phụ nữ Việt Nam, xin được gởi đến chị những lời chúc sức khoẻ tốt đẹp nhất. Chúc chị sẽ ngày càng thành công hơn trong công việc cũng như trong cuộc sống!

Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

8 lý do bạn không được cấp vốn



Thay vì đóng vai nạn nhân, bạn nên chủ động tránh tất cả những bước đi dưới đây để có được những khoản đầu tư đáng giá.
Lúc trước, tôi (Martin Zwilling, chuyên gia tu vấn cho các doanh nghiệp mới) nhận được tin nhắn đầy thất vọng từ một doanh nhân đã có bằng sáng chế và một ứng dụng phần mềm y học nhưng lại không tìm nổi một hào tiền đầu tư và càu nhàu rằng vốn đầu tư thời buổi này không sẵn nữa. Sau khi trao đổi một vài tin nhắn nữa, tôi kết luận rằng cô ấy giống như một nạn nhân của mục 1 trong danh sách từ chối của tôi dưới đây hơn là một người khát vốn.

Có quá nhiều người vẫn tin rằng chỉ cần bạn trình bày ý tưởng ra một tờ giấy là mọi người sẽ dồn tiền vào mình. Thật ra, huy động vốn là một việc rất khó khăn dù ở bất cứ giai đoạn nào, và tìm vốn đầu tư ban đầu là việc khó khăn nhất. Câu trả lời đơn giản là nếu bạn cần vốn, hãy chuẩn bị kế hoạch thật kỹ càng và đầy đủ.

Tôi nhận thấy những điểm chung trong các câu chuyện của những người không nhận được tiền, vì vậy tôi đã đối chiếu danh sách của mình với những điều được kiệt kê trong một cuốn sách mang tựa đề “Start up smarts” của Barry H. Cohen và Michael Rybarski. Chúng tôi đều thống nhất về các vấn đề đang phá hỏng các nỗ lực huy động vốn được sắp xếp theo trình tự giảm dần sau:

1. Thiếu một câu chuyện hấp dẫn. Câu chuyện đó phải mở đầu bằng một vấn đề xương máu do một nhóm lớn các khách hàng có thật chia sẻ cùng với giải pháp đầy tính cạnh tranh của bạn. Thêm nữa, bạn cần phải truyền tải điều cốt yếu của câu chuyện đó và giá trị của nó đối với các nhà đầu tư trong một vài dòng.

2. Thiếu các mục tiêu/ mục đích rõ ràng. Câu hỏi đầu tiên các doanh nhân thường không giải quyết được là: “Bạn cần bao nhiêu tiền, và bạn định giá công ty mình như thế nào”? Sau đó bạn cần phải có bằng chứng hỗ trợ đề nghị cấp vốn của mình. Tôi đã hỏi những người xin cấp vốn câu này rất nhiều lần tại các cuộc họp cấp vốn, và thường nhận lại cái nhìn trống rỗng.

3. Không chuẩn bị phân tích đánh giá với trách nhiệm cao nhất. Bất cứ nhà đầu tư nghiêm túc nào cũng sẽ xem xét rất kỹ thông tin về doanh nghiệp cũng như hồ sơ cá nhân của bạn trước khi ký séc. Họ không thích những điều ngạc nhiên, vì vậy bạn cần giải thích trước nếu có bất cứ vấn đề nào, càng mạch lạc càng tốt trước khi họ đặt câu hỏi cho bạn.

4. Thiếu hiểu biết về qui trình/ các nguyên tắc cấp vốn. Chìa khóa ở đây là tạo là tình huống hợp tác đôi bên cùng có lợi cho các nhà đầu tư của mình. Thảo luận về các rủi ro một cách cởi mở, không dùng chiêu trò hay đi đường tắt sẽ thuyết phục các nhà đầu tư rằng họ có thể tin tưởng bạn và sẽ tránh được các vụ kiện cáo sau này giữa những người nắm giữ cổ phần.

5. Tin cậy những chuyên gia kinh doanh không phù hợp. Dùng những chuyên gia có tiếng để ủng hộ những nỗ lực của bạn là một chìa khóa. Nếu bạn có thể thu hút những chuyên gia tư vấn, các luật sư và kế toán, các nhà đầu tư tiềm năng sẽ có cảm giác thoải mái rằng các ý tưởng và sự chính trực của bạn đã được chứng thực.

6. Chọn sai nguồn cấp vốn. Các nhà đầu tư sẽ không thể yêu thích ý tưởng không phù hợp với các tiêu chí năng lực đầu tư của họ. Đừng phí thời gian nói với các nhà đầu tư mạo hiểm về những lời đề nghị cấp vốn dưới 1 triệu đô la vào giai đoạn sơ khai và đừng mong các nhà đầu tư chuyên nghiệp nhảy vào nếu bạn không có nổi một đồng vốn.

7. Không thực hiện phân tích đánh giá với trách nhiệm cao nhất về nguồn cấp vốn. Bạn cần phải hoàn tất việc phân tích đánh giá với trách nhiệm cao nhất về những nhà cấp vốn tương lai của mình khi họ hoàn tất việc phân tích đánh giá bạn. Tìm hiểu xem gần đây họ đã đầu tư vào đâu, giai đoạn nào và hồ sơ lưu về những dự tính và bước đi tiếp theo của họ. Bạn không cần những điều bất ngờ hay thất vọng đúng không nào.

8. Không chuẩn bị cho những bước đi tiếp theo. Sau buổi trình bày đầu tiên, các nhà đầu tư sẽ hỏi về kế hoạch kinh doanh chính thức và kế hoạch tài chính của bạn. Đừng làm họ cụt hứng và làm hỏng sự chuyên nghiệp của mình bằng việc không chuẩn bị sẵn để trình ngay những tài liệu này. Công ty của bạn cũng phải có sẵn danh sách nhân sự chủ chốt và các trang thiết bị như yêu cầu.

Còn nhiều cơ hội khác để bạn tự bắn vào chân mình. Thay vì đóng vai nạn nhân, bạn nên chủ động tránh tất cả những bước trên và đi trước các đối thủ của mình một bước về sự chuyên nghiệp, đúng lúc và chuẩn bị tốt. Tất cả các nguồn tài liệu trên đều có ích cho bạn, như quyển sách đã được đề cập tới trên đây và nhiều nguồn khác nữa. Hãy sử dụng chúng và giành chiến thắng. 

(Dịch từ Businessinsider)
Flag Counter