Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2012

Kiếm tiền tỉ từ…'đại học' làng

Không ít người trở thành những doanh nhân giàu có, thành đạt mà không có bằng đại học.
Nhiều người lấy thước đo cho sự thành công là phải tốt nghiệp đại học, điều đó đúng nhưng chưa đủ vì một thực tế là không ít người học nghề và họ trở thành những doanh nhân giàu có, thành đạt, Chắc chắn, con đường lập nghiệp cho những niềm đam mê luôn rộng mở, sáng lạn mà không nhất thiết phải vào đại học.

Kiếm tiền tỉ từ bánh đa gạo


Đến thăm cơ sở sản xuất và kinh doanh bánh đa gạo Đăng Ruyện (thôn Dụ Đại, xã Đông Hải, Quỳnh Phụ, Thái Bình) mới thấu hiểu được những vất vả, khó khăn và tinh thần dám nghĩ, dám làm của chàng trai trẻ Nguyễn Đăng Ruyện.


Sinh ra trong một gia đình nghèo, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự năm 2000, Ruyện trở về quê. Trong khi các bạn đồng lứa ào ạt thi đại học thì Ruyện lại chọn cho mình hướng đi khác. Với suy nghĩ tại sao không tận dụng tiềm năng, thế mạnh của địa phương là làng nghề truyền thống để làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.


Với mong muốn thoát nghèo, làm giàu, được sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè và sự quan tâm tạo điều kiện của tổ chức Đoàn thanh niên cho vay 7 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách-xã hội, Ruyện đã đầu tư, mua máy tráng bánh đa đầu tiên về làng trước sự ngỡ ngàng đến nể phục của bà con trong thôn. Chiếc máy tráng bánh đầu tiên được anh Ruyện đưa về làng từ năm 2000.


"Lúc đó cả làng xì xào bàn tán, có người còn bảo tôi là "trẻ ranh" tinh tướng, bao đời nay đã chẳng ai làm được, mới tí tuổi đầu mà đã... Rồi cũng thất bại sớm" - anh Ruyện kể. Nhưng bằng ý chí và sự quyết tâm, anh vẫn âm thầm làm với sự giúp sức của bố mẹ.


Những ngày đầu, anh gặp không ít khó khăn về kỹ thuật. "Có những lần bánh tráng ra bị vữa, không thể thành hình, buộc phải bỏ đi mất hàng tấn gạo. Nhìn cảnh đó tôi buồn đến nghẹn lòng" - anh Ruyện nhớ lại. Làm nhiều lần đúc rút được nhiều kinh nghiệm, cuối cùng anh cũng thành công. Bánh đa gạo được tráng bằng máy của anh không chỉ có độ kết tinh cao hơn, bánh chín dẻo, dai hơn... mà lại có giá thành rẻ, năng suất gấp 20 lần so với làm thủ công.

Ông chủ trẻ thành công không bằng con đường đại học


Trung bình mỗi tháng lượng gạo cần cho sản xuất khoảng 6 tấn. Ngoài ra, anh còn nhận tráng bánh thuê cho từ 3- 4 hộ sản xuất thủ công trong thôn. Sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, không chỉ được người dân trong tỉnh ưa chuộng, sản phẩm của anh đã được nhiều thương lái đến đặt hàng mua xuất bán vào thị trường các tỉnh miền. Hiện, cơ sở của anh đã tạo việc làm ổn định cho gần 10 lao động tại địa phương, với mức thu nhập ổn định từ 2,5- 3 triệu đồng/người/tháng. Lợi nhuận mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Làm công để học bí quyết trồng hoa


Ở Tây Tựu (Từ Liêm, Hà Nội) từng có thời gian thanh niên chán nản không còn muốn làm nghề cơ cực này. Thế nên mới có nghịch lý lao động khắp nơi đến Tây Tựu tìm việc làm nhiều đến mức có cả phiên chợ lao động, còn thanh niên trong xã có xu hướng đi tìm việc làm nơi khác. Đó cũng chính là lý do khiến chàng trai một thời ham chơi Nguyễn Tự Quyết dành toàn bộ tâm sức kiên nhẫn bước chân vào nghề trồng hoa với hy vọng sẽ gìn giữ, phát triển thương hiệu hoa Tây Tựu.


Người dân Tây Tựu trồng hoa rất giỏi. Mỗi người đều chọn cho mình loại hoa thế mạnh và thường giữ bí quyết riêng trong kỹ thuật chăm sóc, thế nên không dễ học nghề của họ. Chọn loài hoa hồng, Quyết chấp nhận làm nhân công thời vụ cho các hộ gia đình trồng hoa này với mục đích học việc. Thời gian đi làm thuê, Quyết "bí mật" quan sát, ghi nhớ từng động tác tách, ghép mắt cho hoa...


Chăm chỉ rèn luyện tay nghề, từ vị trí phụ việc, Quyết dần được chủ vườn tin tưởng "đôn" lên làm thợ chính. Đầu năm 2009, khi đã "cứng tay", Quyết dành 4 sào ruộng, dồn tiền tiết kiệm của hai vợ chồng, cộng thêm vay mượn người thân gần 20 triệu đồng mua giống trồng vụ đầu tiên.


"Có trực tiếp làm nghề này mới hiểu được nỗi cơ cực của người trồng hoa", Quyết trải lòng. Một mình hì hụi ghép mắt hoa cho 4 sào ruộng, công việc tưởng chừng như êm xuôi, không may gặp đúng thời điểm nắng gắt, mắt hoa cứ héo dần gây thiệt hại đáng kể. Đến khi cây phát triển, Quyết liên tiếp đối mặt với khó khăn như sâu bệnh cắn phá.


Chưa có nhiều kinh nghiệm, Quyết tìm đến những ruộng hoa lâu năm cũng có bệnh tương tự rồi lặng lẽ bám theo họ đến cửa hàng mua thuốc bảo vệ thực vật. "Mình dặn trước chủ cửa hàng, họ mua thuốc gì thì mình cũng mua đúng loại thuốc ấy. Học "lỏm" theo cách này vừa nhanh lại cho hiệu quả tức thì", Quyết chia sẻ.


Để giúp các thanh niên trong làng lập nghiệp từ nghề truyền thống, từ cương vị Bí thư Chi đoàn thôn 3, Quyết nghĩ đủ cách thu hút thanh niên tham gia hoạt động. Khi thì thi đấu trò chơi dân gian, giao lưu kết bạn cho nam nữ đến tuổi dựng vợ gả chồng, lúc lại cùng nhau thu dọn đường làng ngõ xóm... Chọn nòng cốt là thanh niên xuất ngũ về lại địa phương, Quyết vận động họ đầu tư trồng hoa, làm kinh tế.


Từng trải qua những khó khăn khi bước chân vào giới trồng hoa ở Tây Tựu, Quyết tận tình đeo bám, hỗ trợ miễn phí mắt hoa, hướng dẫn cấy ghép. Cứ thế, số thanh niên hứng thú với nghề trồng hoa mỗi năm lại tăng dần. Trong các sinh hoạt tập thể của đoàn, các ý kiến trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trồng hoa ngày càng rôm rả và hữu ích. Bằng sự lao động cần cù, ham học hỏi, không chỉ Quyết mà nhiều thanh niên đang giàu lên từ chính nghề truyền thống này khi mỗi năm họ lãi hàng trăm triệu đồng từ bán hoa.


Xây biệt thự từ... may vá


Với đôi tay tài hoa và chiến lược kinh doanh đúng đắn, mỗi năm, anh Dương Văn Vịnh (sinh năm 1979), trú tại thôn Từ Thuận, Vân Từ, Phú Xuyên, Hà Nội thu nhập 600 - 700 triệu đồng từ xưởng may com-le của mình.


Cũng như nhiều đứa trẻ trong làng, anh Vịnh bắt đầu cầm kim chỉ bắt chước người may quần áo từ những năm học cấp 2 trường làng. 18 tuổi, rất nhiều người khuyên anh thi vào đại học nhưng anh tự thấy học lực mình không cao, nghĩ ra trường khó xin việc làm.


Anh quyết định học tại "làng" và theo gót ông chú họ học hỏi nghề may mặc thủ công. Hoàn thành xong nghĩa vụ quân sự anh Vịnh quay về làng tiếp tục rèn giũa tay nghề. Học và làm công thêm 2 năm, anh trở thành người thợ cả khéo léo đứng ra mở hiệu may riêng. Năm 2001 anh bắt đầu ra Thủ đô tìm kiếm thị trường đầu vào, đầu ra cho sản phẩm.


Ban đầu chỉ đủ vốn để mua những máy móc bình thường khoảng 3 - 4 triệu đồng, làm thủ công là chủ yếu nên cũng vất vả. Tuy nhiên, vốn dĩ xuất thân từ gia đình nông dân chân lấm tay bùn, quen với cái khổ nên mọi khó khăn đều có thể cố gắng vượt qua. Mãi một thời gian dài tích cóp được số vốn tương đối thì gia đình anh đầu tư mua máy công nghệ hiện đại đưa vào sử dụng. Anh mua máy ép thủy lực công nghệ cao, máy thùa khuyết điện tử, máy may hiện đại nhất...


Đến bây giờ tại nhà anh có 4 máy công nghệ cao với tổng số tiền đầu tư lên tới gần 800 triệu.


Mỗi năm may được trên 4 nghìn bộ com-lê, thu nhập lên tới 600 - 700 triệu đồng, gia đình anh giờ đã có nhà cửa khang trang, đầy đủ các tiện nghi và một số cơ ngơi. Số tiền dư ra lên tới hàng tỷ đồng. Làm giàu được trên chính mảnh đất quê hương, lại có thể giúp bà con trong làng xã có thêm công ăn việc làm thu nhập khá, mô hình kinh tế gia đình anh Vịnh đã góp phần phát triển và "giữ lửa" làng nghề may mặc của địa phương.


"Tôi chẳng phải học Đại học ở đâu xa mà học "đại học" ngay chính làng quê mình" - anh Vịnh hóm hỉnh chia sẻ bí quyết.
(Theo PLVN)

7 bệnh trong quản trị doanh nghiệp VN

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp hiện nay không cho cấp dưới biết những thông tin về nguồn vốn, lời, lỗ...
Bệnh thứ nhất: Chiến lược

Bệnh này rất nhiều doanh nghiệp mắc phải, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thể hiện cụ thể là thiếu hoặc chưa tự đánh giá doanh nghiệp mình về 5 vấn đề lớn, gồm:
Thứ nhất là điểm mạnh, yếu (nội lực của doanh nghiệp) về quản trị, văn hóa doanh nghiệp, nguồn lực.
Thứ hai là những cơ hội và thách thức về kinh tế, công nghệ, khách hàng và đối thủ cạnh tranh.
Thứ ba là thiếu hoặc chưa tự đánh giá doanh nghiệp thường xuyên trong quá trình phát triển kinh doanh.
Thứ tư là thiếu hoặc chưa có chiến lược qua từng thời kỳ hoạt động.
Cuối cùng là thiếu hoặc chưa có sự chia sẻ giữa bộ máy lãnh đạo và bộ phận thừa hành.
 “Nhiều người giỏi làm việc không có tâm, chỉ quan tâm đến lương cao, hay “chảnh”, nhiều người dở nhưng lại không chịu làm và học hỏi”. Hiện không ít doanh nghiệp mà giám đốc độc quyền, không tin cấp dưới, không phân quyền nên suốt ngày nhận “trình, bẩm”, từ đó ra quyết định chậm, bỏ lỡ cơ hội kinh doanh. Nhiều vị giám đốc bị động, không chủ động lên kế hoạch đối phó với những thách thức từ môi trường khách quan bên ngoài.
Thí dụ dịch cúm gia cầm đang có nguy cơ thành đại dịch toàn cầu, ảnh hưởng rất lớn đến kinh doanh du lịch nhưng nhiều doanh nghiệp du lịch vẫn bình chân như vại.
Bệnh thứ hai: Kỹ năng quản trị

Bệnh này thể hiện ở hoạt động dẫn dắt và hoạt động kiểm tra của lãnh đạo doanh nghiệp “có vấn đề”. Khi lãnh đạo doanh nghiệp giao việc cho cấp dưới thường giao một chiều, không hướng dẫn công việc, không động viên nhân viên, thiếu sự đồng cảm chia sẻ với nhân viên, không giải quyết tốt những mâu thuẫn giữa người cũ và người mới trong doanh nghiệp.
Trong hoạt động kiểm tra, doanh nghiệp thiếu theo dõi hoạt động của nhân viên thường xuyên, không so sánh hiệu qủa công việc của nhân viên, khi nhận viên có sai sót thì đổ thừa, không giúp họ sửa sai.
Bệnh thứ ba: Kế toán - tài chính

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp hiện nay không cho cấp dưới biết những thông tin về nguồn vốn, lời, lỗ (phân tích theo ngành hàng doanh nghiệp kinh doanh), dòng tiền với những phân tích thấu đáo nên nhân viên rất thiếu thông tin, hạn chế sự sáng tạo phấn đấu đưa doanh nghiệp phát triển.
Trong hoạt động kế toán - tài chính, nhiều doanh nghiệp không có số liệu thống kê liên tục qua các năm nên không thể hoạch định được kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Việc đối chiếu sổ sách, chứng từ, hoá đơn làm không đến nơi đến chốn, bộ phận kế toán tài chính không thường xuyên rà soát, phân tích và đề xuất những sáng kiến làm lành mạnh tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Bệnh thứ tư: Nhân sự

Ông Lê Phụng Hào, Trưởng ban đào tạo VMA chẩn căn bệnh này như sau: nhiều doanh nghiệp thiếu hoạch định chiến lược nhân sự, không phân biệt được vai trò giữa quản trị nhân sự và quản trị nguồn nhân lực, nhầm lẫn giữa duy trì động lực và tạo động lực bên trong của đội ngũ nhân viên, không phát triển được lực lượng kế thừa (bệnh sống lâu lên lão làng) và tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong nội bộ doanh nghiệp.
Bệnh thứ năm: Marketing

Doanh nghiệp thiếu hoạch định chiến lược marketing, thiếu định vị sản phẩm (nhắm tới đối tượng khách hàng là ai, tạo sự khác biệt sản phẩm của mình để cạnh tranh); xem việc phát triển thương hiệu như là làm quảng cáo mà không coi phát triển thương hiệu như phát triển một con người, không thiết lập được hệ thống phân phối hiệu qủa.
Bệnh thứ sáu: Sản xuất

Doanh nghiệp chưa xác định được chiến lược hoạt động sản xuất luôn phục vụ cho chiến lược kinh doanh, chưa thiết lập hệ thống quản lý chất lượng thực sự (lầm lẫn ISO là công cụ tiếp thị, trong khi ISO là công cụ quản lý nâng cao hiệu qủa kinh doanh của doanh nghiệp); chưa quản lý chi phí chất lượng (quên kiểm soát lãng phí vô hình - thường chiếm 20% chi chí của doanh nghiệp, mà chỉ chú ý chi phí hữu hình); chưa liên tục cải tiến chất lượng do chưa tạo được môi trường thúc đẩy sản xuất và sáng tạo trong doanh nghiệp.
Bệnh thứ bảy: Tâm lý sợ thay đổi

Bệnh này được ông Hào đúc rút thành một hình ảnh khái quát rất có ý nghĩa đối với các doanh nghiệp: “Không sợ bệnh, chỉ sợ thấy bệnh mà không chữa, bệnh trở thành tật”, lúc đó vô phương cứu chữa.
(Theo VnEconomy)
Flag Counter